Đương đại hóa tranh Đông Hồ Nên hay không?

Thứ Sáu, 31/08/2018, 08:00
Trong kho tàng di sản văn hóa Việt, có rất nhiều dòng tranh dân gian được nhân dân lưu giữ, trở thành những giá trị truyền thống trường tồn với thời gian. Tranh Đông Hồ là một dòng tranh quý, đang được hoàn tất hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.


Tuy nhiên, ngày nay, thú chơi tranh Đông Hồ, treo tranh Đông Hồ trong nhà ngày càng mai một đi. Dòng tranh nghệ thuật truyền thống này đang đứng trước nguy cơ ngày càng ít được giới trẻ biết đến. Vì thế, những dự án đưa tranh Đông Hồ đến với đông đảo công chúng đang nhận được sự quan tâm lớn của công chúng, đặc biệt là những người yêu văn hóa Việt.

Đa dạng cách thức đổi mới

Năm ngoái, có một nhóm họa sĩ trẻ kết hợp với nhãn hàng Highlands Coffee đã thực hiện một dự án táo bạo có tên gọi "Đương đại hóa tranh Đông Hồ". Theo đó, các họa sĩ trẻ sẽ vẽ tranh Đông Hồ theo hình thức đương đại. 

Nghĩa là, họ dùng lao động nghệ thuật của mình, dựa trên tinh thần, màu sắc của những bức tranh Đông Hồ truyền thống để sáng tạo những bức vẽ của mình, sao cho người xem vẫn cảm nhận được "hồn vía" của tranh Đông Hồ trong đó. 

Tác phẩm “U23 - đứa con của mọi nhà” - họa sỹ Thành Nguyễn.

Phần lớn các họa sĩ trẻ trong khi sáng tạo tác phẩm riêng của mình vẫn giữ nguyên thông điệp của mỗi bức tranh cổ. Từng cái tứ của tranh cũng được tuân thủ theo, vì họ hiểu rằng, công việc họ đang làm không phải là sáng tạo tự do tùy thích, mà là sáng tạo thêm vào các giá trị truyền thống vốn có của tranh Đông Hồ để dòng tranh này có thể tiếp cận gần gũi hơn với  công chúng, đi vào đời sống hiện đại hôm nay, cập nhật hơn với đời sống hôm nay. 

Họa sĩ Phạm Quang Phúc lấy cái tứ bức tranh em bé ôm gà trống vẽ thành một bức tranh có tên gọi "Bắt trọn vinh hoa", miêu tả hình ảnh một em bé ôm gà trống và đang selfie (tự chụp hình cho mình). Thông điệp chúc phúc từ bức tranh cổ được giữ nguyên, nhưng chi tiết em bé selfie đã khiến cho bức tranh đậm hơi thở cuộc sống hiện đại, gần gũi với người xem hôm nay. 

Tác phẩm "Bà Nguyệt se duyên" họa sỹ Phương Trinh.

Một bức khác của họa sĩ Nguyễn Thị Phương Trinh, hiện đại hóa bức "Bà nguyệt se duyên" trong tranh Đông Hồ. Người xem ngắm nhìn bức tranh của họa sĩ trẻ, vẫn thấy phảng phất hồn cốt văn hóa dân gian của người Việt trong tranh Đông Hồ, nhưng nó không hề xa lạ cổ tích, mà gần sát với cuộc sống hôm nay.

Khá nổi tiếng trong giới họa sĩ trẻ là họa sĩ Phạm Rồng. Anh vẽ bức tranh "Nhà nhà đấu vật" lấy tứ từ bức tranh đấu vật của Đông Hồ. Hồn cốt thì vẫn là tinh thần thượng võ cổ truyền của người Việt, nhưng hiện đại là ở chỗ bức tranh toát lên tinh thần hăng say tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe trong giới trẻ. 

Phạm Rồng chia sẻ: "Trước đây tôi nghĩ tranh Đông Hồ đơn giản lắm. Nhưng khi đến tận làng Đông Hồ, gặp những nghệ nhân của làng tranh, học các bước làm tranh dân gian từ họ, tôi mới ngấm được rằng, làm nên những bức tranh tối giản như vậy nhưng lại bao chứa tính biểu tượng như vậy không dễ chút nào".

Không chỉ dùng hình thức “vẽ lại” tranh Đông Hồ và thổi vào đó những ý tưởng mới của thời hiện đại, tranh Đông Hồ còn được rất nhiều nhà thiết kế thời trang chú ý, đưa vào trong các mẫu thiết kế, các bộ sưu tập thời trang nổi tiếng. 

Tại Festival Áo dài Hà Nội, nhà thiết kế áo dài Lan Hương đã mang đến Festival bộ sưu tập áo dài chị lấy ý tưởng từ tranh Đông Hồ để vẽ và thêu trang trí trên tà áo. Công chúng thủ đô đã vô cùng mãn nhãn, thú vị với những hình ảnh quen thuộc từ tranh Đông Hồ được trình bày trên những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt. 

Trước đó, một nhà thiết kế Việt khác là Hồ Trần Dạ Thảo đã trình làng một bộ sưu tập thời trang ứng dụng phù hợp với các lứa tuổi khác nhau. Điểm nhấn là bộ sưu tập thời trang này đều có những họa tiết được vẽ theo phong cách tranh Đông Hồ. Những chim công, em bé, con cá, cây tre… được nhà thiết kế khéo léo đưa vào trang trí trên trang phục.

Hồi tháng 7-2017, một thiết kế tuyệt đẹp của nhà thiết kế Thùy Nguyễn, chiếc váy lụa bằng vải gấm, thêu tay hình ảnh dân gian “em bé ôm gà” ở tranh Đông Hồ đã được nữ diễn viên Angela Phương Trinh mặc khi đến tham dự Liên hoan phim Cannes ở Pháp. Bộ trang phục ngay lập tức được giới truyền thông quốc tế chú ý. 

Trong xếp hạng của tạp chí thời trang quốc tế uy tín Vogue, thiết kế độc đáo này của Thùy Nguyễn đã lọt vào top những trang phục đẹp nhất tại sự kiện. 

Sử dụng những chất liệu tưởng chừng như không liên quan đến nhau, giữa cổ điển và hiện đại, giữa tranh dân gian và vải vóc lụa là, song các nhà thiết kế đã có sự tìm tòi và sáng tạo, để tìm ra “mối lương duyên” giữa các nét vẽ truyền thống và thời trang ứng dụng, sử dụng những kỹ thuật hiện đại để thể hiện chúng theo một phong cách mới. 

Đó là lý do mà thời gian gần đây, thời trang Việt ghi điểm bởi tính lạ, đặc biệt là những trang phục mang hơi hướng truyền thống.

Hài hòa truyền thống - hiện đại

Lẽ dĩ nhiên, sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc “làm mới” một giá trị di sản truyền thống nào đó. Tranh Đông Hồ là một vốn quý của dân tộc đã có hàng ngàn năm. Cái độc đáo của tranh Đông Hồ là cách thức tạo ra một bức tranh. 

Từ phương pháp tạo màu, pha màu, sử dụng giấy dó, các bản khắc gỗ… đều sử dụng chất liệu tự nhiên, dựa trên đôi bàn tay tài hoa giàu kinh nghiệm của người nghệ nhân. Những giá trị bất biến đó đã tạo ra sự độc đáo có một không hai của dòng tranh dân gian này. 

Tuy nhiên, một số hạn chế của tranh Đông Hồ nằm ở chỗ người ta chỉ chơi tranh Đông Hồ vào dịp Tết theo truyền thống. Chất liệu giấy dó với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam cũng không dễ cho việc bảo quản tranh. Một bức tranh Đông Hồ treo trong nhà cũng không được bền về thời gian.

Đây có thể là những nguyên nhân mà người sử dụng tranh Đông Hồ ngày càng ít đi. Chưa kể, những tích truyện, nội dung thông điệp trong các bức tranh cổ cũng khá xa lạ với giới trẻ. Vài ba năm trở lại đây, một số nhà nghiên cứu đã phải lên tiếng kêu cứu về sự thoi thóp của một số dòng tranh dân gian, trong đó có tranh Đông Hồ. 

Thiết nghĩ, những dự án làm mới dòng tranh cổ là cần thiết. Các giá trị văn hóa truyền thống vốn luôn mang một ý nghĩa mở. Luôn cần một sự phát triển, tiếp biến trong văn hóa để cái cũ làm nền cho cái mới, phát huy tác dụng trong đời sống hôm nay. 

Đương đại hóa tranh Đông Hồ, hay đưa tranh Đông Hồ lên các sản phẩm du lịch, các thiết kế thời trang… là cách làm đáng hoan nghênh, ủng hộ. Đây là con đường ngắn nhất để giới trẻ cũng như bạn bè quốc tế hiểu biết rộng rãi về một dòng tranh quý hiếm của người Việt bao đời. 

Tuy nhiên, giới hạn của những đổi mới, lạ hóa các giá trị truyền thống cần có một giới hạn nhất định, đảm bảo để công chúng không hiểu sai lệch những nét đẹp của văn hóa cổ truyền. 

Tranh Đông Hồ đã có hơn 900 năm tồn tại, chứng tỏ sức bền và linh hồn của tranh, của làng quê Bắc Ninh nói riêng, làng quê Việt Nam rất vững chãi. Đương đại hóa tranh Đông Hồ hay đưa tranh Đông Hồ lên các sản phẩm văn hóa là dịp để nhìn lại kỹ hơn giá trị xưa qua cách chế tác và thưởng thức ý nghĩa nội dung cũ mới đan xen. Nhờ vậy người xem có điều kiện so sánh và đối chiếu giá trị tân cổ và quan trọng nhất là giá trị thiêng liêng của văn hóa dân tộc nằm ở đâu. 

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, một nghệ nhân nổi tiếng nhất làng tranh Đông Hồ, người đã sống và gắn bó với tranh Đông Hồ gần một thế kỷ cũng rất hoan nghênh cách làm mới dòng tranh này. 

Ông nhớ lại: “Thời kháng chiến chống Pháp tôi có sáng tạo ra bức tranh “Không cho chúng nó thoát” về đề tài đánh giặc. Đến thời bao cấp, tôi cũng tạo ra những bức tranh Đông Hồ về đề tài này. Xã hội thì luôn luôn phát triển. Các bạn trẻ hôm nay nếu làm các bức tranh theo cách nhìn hôm nay, và chung thủy với lối dân gian Đông Hồ, nghĩa là đã đóng góp vào việc bảo tồn, gìn giữ phát triển các giá trị của dòng tranh. Chúng tôi không sợ tranh Đông Hồ khi có yếu tố đương đại rồi thì mất đi chất tranh Đông Hồ truyền thống”. 

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế hy vọng, dòng tranh Đông Hồ truyền thống và dòng tranh Đông Hồ đương đại sẽ song song tồn tại để tạo ra một sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại.

Ngân Hà
.
.
.