Thành phố "ma" và chuyện người dân xài nước... nghĩa địa!

Thứ Tư, 08/10/2014, 13:30

Dù biết đang sống trên một khu vực mà trước đây là một nghĩa địa lớn, dưới nền nhiều nhà vẫn còn nguyên mồ mả nhưng để có nước sinh hoạt, hơn 20 năm qua hàng ngày trên 800 hộ dân của "Thành phố ma" ở khu phố 2 và 3, đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh (thuộc nội thành TP HCM) đành phải "làm liều" lấy nước từ các giếng khoan để sinh hoạt và họ coi đây là nguồn nước chính để tắm giặt, thậm chí dùng nước này để ăn uống. Những hộ dân lo ngại ảnh hưởng xấu từ nguồn nước này thì phải đi mua nước sạch về sử dụng với giá cao gấp hàng chục lần…

Khổ quá hóa liều

Cụ Năm (74 tuổi, ngụ tại tổ 30, hẻm 290, khu phố 2) vừa chỉ xuống nền nhà, vừa cho biết bên dưới là ba ngôi mộ (hiện còn hai ngôi mộ, một ngôi mộ đã được chủ nhân bốc đi - một cái ngay đầu nhà, một cái ở giữa nhà và một cái ngay chân cầu thang sau nhà) nhưng vợ chồng cụ gần 30 năm qua chỉ sử dụng nước giếng khoan.

"Ở đây, ngoài nhà tôi quá nghèo không có tiền mua nước sạch nên phải liều dùng nước giếng khoan thì những gia đình khác người ta rất sợ dùng nước loại này vì hầu như bên dưới các căn nhà vẫn còn khá nhiều mồ mả chưa được bốc đi. Như căn nhà của tôi, hồi đó tôi thấy rõ ba mộ bia nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên tôi vẫn phải mua vì ai nghèo mới vào đây mua đất, cất nhà. Đến giờ tường hai bên nhà vẫn là tường của nhà người ta chứ nhà tôi chỉ có vài cái cột để chống mái nhà thôi. Do khu vực này trước kia là một nghĩa địa lớn rồi khi được san lấp, nhiều nhà dân dựng cột làm nhà lá nên nó có tên là "Khu nhà lá". Sau này có nhiều nhà tường mọc lên thì người dân gọi nó là "Thành phố ma", cụ Năm cho biết một cách tường tận.

Đối diện nhà cụ Năm là căn nhà của gia đình ông Trà Văn Thanh (61 tuổi, ngụ 290/40/55/5 Nơ Trang Long, khu phố 2) với tất cả 9 nhân khẩu, gồm vợ chồng ông và con cháu dâu rể, cũng đã ở đây hơn 20 năm nay. Ông Thanh chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng đi mua nước sạch hai lần - buổi sáng tôi đi chở hoặc vác về 10 bình (loại 20 lít/bình), chiều lại đi mua về 10 bình nữa. Trung bình mỗi ngày nhà tôi dùng khoảng 20 bình nước sạch. Mỗi bình nước 20 lít giá khoảng 1.500 đồng nếu mình ra mua mang về, còn nếu để họ mang tới tận nhà là 3.000 đồng.

Gần 30 năm qua, vợ chồng cụ Năm chỉ sử dụng nước giếng khoan do hoàn cảnh khó khăn và sức khỏe không thể đi mua nước sạch về dùng.

Nước sạch mua về nhà tôi chủ yếu dùng để ăn uống, tắm cho mấy đứa cháu nhỏ. Trong khi đó, nước giếng nhà tôi cũng khoan sâu tới hơn 40m nhưng cũng chỉ dám dùng để tắm giặt cho người lớn, chứ không dùng nước giếng khoan cho đám trẻ vì chúng sẽ dễ bị dị ứng da, bị ngứa".

Như vậy, theo giá mua nước như gia đình ông Thanh, tính ra mỗi gia đình ở đây hàng tháng phải mất tiền triệu để mua nước sạch để dùng. Theo người dân ở đây cho biết, từ trước đến nay những hộ dân đến mua nhà đất ở đây phần lớn là người nghèo nên chi phí dành cho việc mua nước sạch như vậy cũng khiến họ gặp không ít khó khăn.

Theo ông Thanh, ngoài chuyện khổ sở vì không có nước sạch bao nhiêu năm nay thì chuyện không có hộ khẩu và không làm được giấy tờ nhà đất do khu vực này đã bị "quy hoạch treo" nhiều năm này, có thể bị giải tỏa bất cứ lúc nào, cũng khiến người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống như chuyện xin vào các trường học cho con trẻ, hay xin việc làm của thanh niên…

Giếng khoan nhà cụ Năm nằm gần sát ba ngôi mộ.

Trước bức xúc cấp thiết này, trong các cuộc họp tổ dân phố, người dân khu vực này đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo UBND phường phản ảnh về tình trạng thiếu nước trầm trọng và bày tỏ nguyện vọng được lắp đặt hệ thống nước sạch. Thời gian trước, giải thích cho việc chậm trễ và nhiều khó khăn kèm theo, lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường 12 quận Bình Thạnh và Công ty Cấp nước Gia Định cho rằng, mặc dù nước sạch đã vào đến khu vực lân cận của các hộ dân, tuy nhiên toàn bộ khu phố 2 và khu phố 3 còn nằm trong diện quy hoạch treo của quận Bình Thạnh do đặc thù nơi đây người dân tự ý xây dựng trên phần đất nghĩa địa cũ. Do đó hệ thống đường hẻm chằng chịt, cống thoát nước, hố ga còn nhiều phức tạp. Hơn nữa toàn bộ nơi đây đều chưa được cấp quyền sử dụng đất cũng đã gây khó khăn cho đơn vị cấp nước…

Thiếu nước sạch - nỗi khốn khổ của dân thành thị

Không chỉ người dân của khu vực "Thành phố ma" quận Bình Thạnh khổ sở vì thiếu nước sạch, trên địa bàn toàn thành phố cho đến nay vẫn còn khá nhiều khu vực có chung cảnh ngộ. Chẳng hạn mới đây ngày 18/9/2014 trong buổi làm việc với Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM về thực trạng cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn quận 9, bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND quận 9 đã cho rằng, để có nước sử dụng, người dân nhiều nơi tại địa phương này phải lấy nước sông lên lắng lọc. Khi nước sông nhiễm mặn, người dân phải mua nước sạch với giá 70.000-80.000 đồng/m3, thậm chí 100.000 đồng/m3. Theo bà Liên, hiện trên địa bàn quận 9 còn đến bảy phường khó khăn về nước với hơn 5.800 hộ dân chưa được cấp nước sạch, trong đó phường Long Phước có tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch chỉ hơn 39%.

Cũng theo bà Liên, dự kiến từ nay đến cuối năm, UBND quận 9 và Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức sẽ cấp nước sạch cho hơn 2.100 hộ, hàng ngàn hộ còn lại sẽ được cấp trong thời gian tiếp theo…

Ngoài quận 9 thì nhiều nơi khác như xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn hay xã Lê Minh Xuân, Đa Phước, huyện Bình Chánh… cũng chịu chung cảnh người dân phải sử dụng nước bẩn. Tại các buổi khảo sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP HCM về tình hình cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn vào trung tuần tháng 8 vừa qua, hầu hết ý kiến của người dân xã Đông Thạnh đều phản ảnh về tình trạng nước nhiễm phèn, ô nhiễm trầm trọng không thể sử dụng để nấu nướng, ăn uống nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước sạch. Trong khi đó, với nhiều gia đình ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, nước sạch cũng luôn là niềm mong mỏi lớn lao, đặc biệt từ sau khi khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, nghĩa trang Đa Phước mọc lên ở đây…

Một con hẻm nhỏ của "Thành phố ma" ở khu phố 2, đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh.

Tại buổi làm việc ngày 18/9/2014 của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP HCM về thực trạng cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh như nêu trên, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP HCM, cho biết theo nghị quyết HĐND TP HCM, đến cuối năm nay phải hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch 100% cho nội thành và 100% nước hợp vệ sinh cho ngoại thành. Vì vậy, ông Lâm đã đề nghị ngoài việc lắp đường ống, đồng hồ tổng thì phải tính đến phương án cấp nước bằng xe bồn, đặt bồn nước sạch tại các cụm dân cư.

Có lẽ nếu đúng thực tế như Nghị quyết 38 của HĐND TP HCM ra chỉ tiêu về chuyện cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh tới từng hộ dân, nỗi khổ thiếu nước sạch của người dân kéo dài nhiều năm qua sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi với mong muốn tiến độ cấp nước sẽ nhanh chóng được thực hiện, người dân nhiều nơi trên địa bàn TP HCM tạm thời vẫn phải chấp nhận dùng nước "bẩn" hoặc đi phải mua nước sạch với giá cao về dùng.

Ông Bùi Nguyên Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 12, quận Bình Thạnh: "Trên địa bàn phường, trước đó có khoảng hơn 800 hộ dân chưa có nước sạch, nhưng gần đây sau khi phường xem xét, kiểm tra lại thì thấy có khoảng hơn 200 hộ vì một số lý do nào đó (như một số hộ lâu nay đã đấu nối đường ống với nhà khác nên không muốn lắp đặt riêng…) mà họ không muốn đấu nối vào đường ống cấp nước chính đã có ở một số nơi để dẫn nước về nhà mình. Số còn lại, hiện nay Công ty Cấp nước Gia Định cũng như Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã tiến hành những công việc cần thiết để chuẩn bị triển khai lắp đắt hệ thống đường ống cấp nước cho phường 11, 12, 13 của quận. Trong đó, phường 12 (kể cả khu Tăng Kỳ Bắc - tức tổ 106, 107 và khu nghĩa địa tập trung ở khu phố 2, khu phố 3) là một phần chính trong dự án này. Hiện nay Công ty Cấp nước Gia Định đang phối hợp với phường để thông báo đến các hộ dân tới liên hệ trực tiếp với công ty để làm thủ tục cấp nước.

Riêng vấn đề trên 95% hộ dân chưa được làm giấy tờ nhà đất và hộ khẩu là do khu vực này từ trước đến nay là khu lấn chiếm, chỉ mua bán nhà đất bằng giấy tay và nhất là khu này nằm trong khu quy hoạch treo".

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cấp nước Gia Định: "Công ty Cấp nước Gia Định sẽ đầu tư, phát triển hệ thống mạng lưới cho 3 phường 11, 12, 13 với trên 1.000 hộ dân (trong đó chủ yếu là tổ 106, 107 và khu vực nghĩa địa hơn 800 hộ dân). Do trước đây là khu qui hoạch treo nên công ty không thể đầu tư hệ thống và cơ sở cấp nước nên tình trạng kéo dài hơn 20 năm nay. Nhưng đầu năm 2014, sau khi có Nghị quyết 38 về vấn đề cấp, đảm bảo 100% tỉ lệ hộ dân có nước sạch thì chúng tôi đã liên hệ với UBND quận Bình Thạnh và quận cho biết sẽ xóa bỏ khu quy hoạch treo này, tuy nhiên, hiện nay công ty vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về vấn đề này. Nhưng để đảm bảo có nước sạch, công ty đã chủ động trong việc lập dự án. Nay dự án đang xin phép đào đường, sau khi có phép công ty sẽ tiến hành triển khai.

Bình quân mỗi hộ dân được cấp nước sẽ đóng hơn 4 triệu đồng, trong đó công ty sẽ hỗ trợ mỗi hộ dân là 1.950.000 đồng, phần còn lại người dân đóng thêm. Do đó tiến độ dự án cũng một phần phụ thuộc vào người dân hợp tác tích cực với chúng tôi về thủ tục và kinh phí. Nếu hai bên có sự hợp tác nhanh thì trong vòng khoảng 2 tháng người dân sẽ có được sạch".

Phú Lữ
.
.
.