Thất nghiệp thanh thản

Thứ Sáu, 04/04/2014, 10:00

72 ngàn người, tức là chưa tới 0.1% dân số Việt Nam hiện nay. Con số đó không phải là một cộng đồng quá lớn. Thậm chí, nếu chúng ta lên một trang fanpage nào đó của một trong những nghệ sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam hôm nay, chúng ta sẽ thấy cộng đồng người hâm mộ nghệ sỹ ấy còn lớn hơn con số 72 ngàn người ấy.

Thế nhưng, khi 72 ngàn là con số cử nhân, thạc sỹ đang trong tình trạng thất nghiệp thì rõ ràng lại là một vấn đề thách thức nằm từ một cộng đồng được coi là nhỏ trong tổng dân số Việt Nam. Nếu những người được trang bị kiến thức tốt đến như thế còn không kiếm được việc làm, thì thử hỏi những người có kiến thức hạn chế hơn, tay nghề hạn chế hơn sẽ còn vất vả như thế nào trong việc mưu sinh hàng ngày.

Rõ ràng, con số 72 ngàn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh về tình trạng xã hội hiện nay.

Tự nhiên, khi nghe tới việc có tới 72 ngàn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, chúng ta lại nhớ đến câu chuyện của cô gái thạc sỹ ở miền Trung một năm về trước. Không có việc làm sau nhiều năm nộp đơn đây đó, cô và gia đình đã phải than thở và may mắn cho cô, lời than thở đó được báo chí chộp lấy như một câu chuyện tiêu biểu. Và rồi, nhờ có sự can thiệp của lãnh đạo một tỉnh miền trung, cô thạc sỹ nọ hình như đã có chỗ đứng ở đâu đó, trong một đơn vị nhà nước.

Còn biết bao nhiêu cử nhân, thạc sỹ mà lời than thở của họ không được báo chí lựa chọn làm câu chuyện tiêu biểu để đánh động xã hội và không được may mắn như cô gái kia? Ít ra, theo như thống kê gần đây, chúng ta có chút căn cứ để đưa ra con số 72 ngàn kể trên.

Và lập tức, chúng ta chạm ngay vào một câu hỏi lớn: "Vậy thì đào tạo chừng đó trí thức để làm gì?".

Những buổi tư vấn lao động luôn đông kín người.

Theo như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, ông từng cảnh báo về việc đào tạo dư thừa trí thức từ hồi năm 2004, mỗi năm nhu cầu sử dụng cử nhân của cả nước chỉ giao động từ khoảng 13 đến 15 ngàn người mà thôi. Nhưng con số cử nhân được “xuất xưởng” từ tất cả các trường đại học, cao đẳng ở toàn quốc hiện nay đã lên tới 400 ngàn người. Rõ ràng, cung đã vượt quá cầu một cách mạnh mẽ.

Thống kê vượt trội giữa cung-cầu đó đã càng khiến chúng ta xoáy sâu vào câu hỏi "Đào tạo lắm thế để làm gì?". Câu hỏi này đặc biệt được bổ trợ bởi vấn đề muôn thuở là chúng ta quá thừa những "trí thức suông" nhưng lại quá thiếu những người thợ lành nghề.

Song, lật trở lại vấn đề này, chúng ta có nên đặt ra câu hỏi "Đào tạo để làm gì?" nữa hay không nếu nhìn nhận theo một giác độ khác hẳn?

Thứ nhất, dù có dư thừa đến mấy đi nữa, nhu cầu được học để trở thành cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ là nhu cầu chính đáng của mỗi con người. Còn học được hay không còn tùy thuộc vào điều kiện trình độ, nhận thức, khả năng và cả điều kiện tài chính.

Giả như cả nước gần trăm triệu dân và 100% đều là cử nhân trở lên thì tỷ lệ thất nghiệp vẫn không phụ thuộc vào cái chuyện quá đông trí thức ấy. Một dân tộc càng nhiều trí thức thực thụ hẳn nhiên phải là một dân tộc đáng tự hào chứ?

Vấn đề nằm ở chỗ chính mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm chứ không phải kêu gào coi đó là trách nhiệm toàn phần của xã hội hay quản lý nhà nước.

Quay trở lại câu chuyện của cô thạc sỹ thất nghiệp nhiều năm ở miền Trung hồi năm ngoái, chính cô và gia đình cô chia sẻ, thất nghiệp lâu quá nên cũng đã đi làm công nhân nhưng thấy không phù hợp nên nghỉ để tiếp tục là người thất nghiệp.

Câu chuyện đó khác hẳn với những gì đang xảy ra ở các nước tiên tiến khác. Một trí thức có thể thất nghiệp bất kỳ lúc nào bởi thời cuộc. Và khi thất nghiệp, để mưu sinh, để không là gánh nặng của xã hội, họ sẵn sàng làm những việc bị cho là “thấp kém hơn so với trình độ” để giải quyết khủng hoảng cá nhân tạm thời. Họ chấp nhận điều đó một cách thanh thản chứ không lấy nó để tỏ thái độ phản kháng với xã hội hay quản lý nhà nước nói chung.

Còn ở Việt Nam, những người thất nghiệp, đặc biệt là thất nghiệp lâu năm, thường ít chịu nhìn vào những công việc thấp kém như một cơ hội tạm thời để “nuôi mộng lớn”. Tất nhiên, vẫn có những trí thức đã ra đường chạy xe ôm, đi bán hàng nước... nhưng thực tế nó không phải là câu chuyện phổ biến đủ để khẳng định dân Việt Nam hiện nay là những người chịu vận động, chịu khó, dám đối đầu thách thức.

Thế nên, câu hỏi kia cần phải thay đổi lại. Không thể hỏi "Đào tạo để làm gì?" mà phải hỏi "Học xong rồi chính chúng ta cần phải làm gì?"…

H.Anh
.
.
.