Thay đổi hình ảnh CSGT trong mắt người dân

Thứ Hai, 05/10/2020, 08:06
Sẽ không còn cảnh CSGT cự cãi với người vi phạm bởi mọi vi phạm của người tham gia giao thông và việc xử lý của cán bộ CSGT sẽ được giám sát qua các thiết bị kỹ thuật; từng cán bộ CSGT sẽ được kiểm tra kiến thức và cách xử lý tình huống; cán bộ có vòng 2 to cũng sẽ không được ra đường làm nhiệm vụ... đó là những nỗ lực đổi mới, thay đổi hình ảnh rõ rệt của cán bộ CSGT đang được Bộ Công an chuẩn bị sau khi Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ được Quốc hội thông qua.


Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác

Chỉ cho chúng tôi xem hình ảnh do camera ghi lại tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, hiện nay trên tuyến cao tốc này có 110 camera giám sát, được lắp đặt tại 87 điểm giám sát trên toàn tuyến.

Cán bộ kỹ thuật zoom cận cảnh hình ảnh phương tiện đang tham gia giao thông trên tuyến, chúng tôi nhìn rõ BKS phương tiện, những người ngồi trong xe, rõ nét cả việc lái xe có thắt dây an toàn hay không, có sử dụng điện thoại hay không...

CSGT xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm.

Được biết, hệ thống camera trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai là một trong những hệ thống hiện đại nhất hiện nay, có độ phân giải cao, khả năng giám sát với độ chính xác cao; hình ảnh ghi nhận được qua hệ thống giám sát đảm bảo các yếu tố pháp lý và nghiệp vụ làm căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo công khai minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và có tác dụng phòng ngừa, răn đe người vi phạm, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông.

Không chỉ thế, hệ thống sẽ phân tích, đánh giá, theo dõi liệu lượng phương tiện hoạt động trên tuyến; tích hợp được dữ liệu đăng ký xe, dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm, dữ liệu xe tang vật xe mất cắp; hệ thống giám sẽ tự động phát hiện các xe sử dụng biển số giả; xe gây tai nạn bỏ chạy, xe quá niên hạn sử dụng, xe mất cắp; đồng thời quan sát, ghi nhận các phương tiện trên tuyến tại các điểm phức tạp về trật tự giao thông. Đặc biệt, khi phương tiện có vi phạm, camera sẽ tự động chụp ảnh, gửi vào thiết bị cầm tay của CSGT. Khi phương tiện đi qua trạm soát vé ra khỏi cao tốc, lực lượng chức năng sẽ "đón lõng" để xử lý.

Theo đó, từ tháng 6-2020, khi hệ thống bắt đầu chính thức hoạt động, trung bình mỗi ngày đã ghi nhận hàng trăm trường hợp vi phạm, chủ yếu ở các lỗi: vi phạm tốc độ, dừng đỗ xe sai quy định, điều khiển xe không đúng phần đường làn đường. Khi bị dừng phương tiện, được xem hình ảnh vi phạm, các lái xe đều tâm phục khẩu phục ký biên bản vi phạm mà không hề có cự cãi hay xin xỏ gì.

Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp CSGT xử lý triệt để vi phạm.

Bị "bắt" vì chạy quá tốc độ, anh Nguyễn Tiến M, SN 1974, trú ở Văn Chấn, Yên Bái được cán bộ CSGT cho xem hình ảnh và tốc độ lúc vi phạm. Nhìn hình ảnh "nét đanh" cả biển số lẫn người lái, anh M cho biết, do thấy đường vắng nên mới "mạnh chân ga 1 quãng", không ngờ chỉ vài cây số tăng tốc cũng bị camera phát hiện, chụp lại. "Bị giám sát chặt thế này từ nay tôi sẽ không vi phạm nữa. Nếu không bị phạt liên tục không có tiền đóng và ảnh hưởng đến công việc làm ăn", anh M chia sẻ.

Ngoài tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, hiện nay, Cục CSGT đang triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến cao tốc khác. Khi dự án Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ được thông qua sẽ tích hợp tất cả các hệ thống giám sát của các ngành, đơn vị để thực hiện việc giám sát đối với người tham gia giao thông, tận dụng được nguồn tài nguyên hiện có phục vụ công tác, vừa hạn chế CSGT ra đường, tránh việc tranh luận, cự cãi không cần thiết và nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

"Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng hệ thống trung tâm chỉ huy và hệ thống giám sát đồng bộ trên các tuyến đường trọng điểm, tiến tới việc xử lý vi phạm đều bằng chứng điện tử. Do đó, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của CSGT khi thực thi pháp luật", Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh. Hiện Bộ Công an đang triển khai thực hiện 2 dự án là: Cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi hai dự án này hoàn thành, sẽ xác định chính xác nơi ở của chủ phương tiện. Khi phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy yêu cầu đến làm việc theo quy định.

Chủ xe sẽ phải chứng minh phương tiện do ai sử dụng, nếu không chứng minh được thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Không thể có chuyện không biết bán xe cho ai, không biết ai điều khiển phương tiện như hiện nay. Điều này cũng sẽ khắc phục được tình trạng xe không chính chủ như hiện nay.

Công khai minh bạch để phục vụ người dân tốt hơn

Lâu nay, vấn đề làm "mất hình ảnh" của CSGT nhất đó là việc xử lý vi phạm giao thông và giải quyết các công việc giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân như đăng ký, cấp biển số xe, đào tạo, sát hạch, cấp giấy giấy phép lái xe, giải quyết tai nạn giao thông...

Để thay đổi, giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng, Bộ Công an đang tiếp tục công khai, minh bạch, trong đó đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giải quyết, xử lý các nội dung công việc nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, tiết kiệm chi phí cho nhà nước và người dân, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của một số cán bộ thực thi pháp luật.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, giới thiệu hệ thống camera giám sát trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Các công tác như đăng ký xe sẽ thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Người dân chỉ cần ở nhà, điền nội dung thông tin trên hệ thống của CSGT là có thể đăng ký được phương tiện mà không phải đến cơ quan Công an gặp hay "xin xỏ". Việc cấp biển số cũng được bấm số ngẫu nhiên trên máy vi tính và qua đấu giá công khai; sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông (hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng hệ thống trung tâm chỉ huy và hệ thống giám sát đồng bộ trên các tuyến giao thông trọng điểm, tiến tới việc xử lý vi phạm đều có chứng cứ điện tử thay bằng việc phát hiện bằng mắt thường), tăng cường xử phạt "nguội", nộp phạt vi phạm qua hệ thống cổng dịch vụ công, trang bị hệ thống camera giám sát quá trình làm nhiệm vụ của CBCS…

Đặc biệt, 1 nội dung công tác sẽ được chuyển từ Bộ GTVT sang đó là đào tạo, sát hạch GPLX. Khi công tác này được giao cho Bộ Công an thì việc công khai, minh bạch, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác này sẽ được đẩy mạnh tối đa. Cụ thể, việc đầu tư các cơ sở đào tạo được xã hội hóa mạnh mẽ hơn, gắn từng cơ sở đào tạo, từng giáo viên với chất lượng đầu ra, công khai dữ liệu này.

Lực lượng chức năng đang tính toán sẽ sắp xếp chất lượng giáo viên và cả các cơ sở đào tạo, sát hạch viên từ cao xuống thấp phải xem sản phẩm đầu ra thế nào, bao nhiều người vi phạm, bao nhiêu người gây tai nạn để xếp hạng. Từ đó, công khai để người dân biết, lựa chọn giáo viên, cơ sở đào tạo...

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết khi Bộ Công an quản lý công tác đào tạo, sát hạch GPLX thì sẽ gắn trách nhiệm với con người cụ thể, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý. Ví dụ, hiện nay xe sát hạch có gắn chip hình ảnh nhưng không có âm thanh, khi Bộ Công an chủ trì sát hạch thì sẽ có cả âm thanh, tránh việc hướng dẫn thí sinh qua điện thoại và các thiết bị khác.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Công an đã được đầu tư trang thiết bị hệ thống, phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện bố trí tới cấp huyện, phần mềm in và quản lý giấy phép lái xe của ngành Công an tại công an 63 tỉnh, TP. Do đó, khi tiếp quản hệ thống quản lý của Bộ GTVT, chủ yếu kết nối, đồng bộ hoá phần mềm ứng dụng sử dụng không gây tốn kém lớn về chi phí, không ảnh hưởng tới quá trình chuyển giao. Hệ thống sẽ phân tích, đánh giá, theo dõi liệu lượng phương tiện hoạt động và các hoạt động khác.

Trong đó, các hoạt động của CSGT, lực lượng chức năng và người dân từ đăng ký, cấp biển số, đào tạo, sát hạch GPLX, xử lý vi phạm... đều được ghi lại chuyển về trung tâm. Không chỉ được biết về các hoạt động của CSGT, người dân còn có quyền giám sát theo quy định của phát luật đối với lực lượng thực thi công vụ, đóng góp ý kiến để xây dựng lực lượng CAND, trong đó có CSGT.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết Bộ Công an đang chỉ đạo lực lượng CSGT phải nâng cao năng lực. Cùng với đó, sẽ kiểm tra kiến thức của từng chiến sĩ CSGT. "Tới đây, cán bộ CSGT nào vòng hai to sẽ không cho ra đường làm nhiệm vụ. Dứt khoát phải chọn người khỏe mạnh, có tin thần phục vụ nhân dân, kiến thức đầy đủ. Bộ Công an sẽ cam kết chịu trách nhiệm về an toàn giao thông để giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan đến an toàn giao thông như hiện nay. Bởi vậy, nếu trách nhiệm này được giao cho ngành Công an sẽ là rất nặng nề chứ không phải là thêm quyền", Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Phương Thuỷ
.
.
.