Thay đổi thời dịch

Thứ Bảy, 28/03/2020, 10:28
Có những thói quen tốt và có những thói quen không tốt, hoặc đã từng tốt nhưng theo thời gian, khi xã hội thay đổi thì thói quen đó không còn phù hợp nữa nên cũng phải thay đổi theo, thay đổi thói quen đã lạc hậu bằng những thói quen văn minh. Nhất là những thói quen mà qua đó có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và cộng đồng thì lại càng phải nhanh chóng thay đổi.


Có không ít người cứ sính chữ "văn hóa" nên gặp cái gì xưa xưa, cũ cũ là cứ gán cho là văn hóa cha ông để lại cần phải giữ gìn, không thể bỏ. Để đi sâu vào chuyên đề thế nào là văn hóa thì chắc phải cần một bài riêng, nghiên cứu sâu, giờ chỉ bàn đến những thói quen hàng ngày của người Việt ta mà trong thời đại ngày nay cần phải được thay đổi: đó là uống rượu chung một ly ở đồng bằng sông Cửu Long mà cũng đã có người nâng tầm lên thành cái chuyện văn hóa uống rượu?! 

Tôi thì chả nghĩ thế, thói quen này bắt nguồn từ những người đi khai khẩn vùng đồng bằng sông Cửu Long, địa bàn sông nước, ruộng đồng mênh mông, mọi sinh hoạt chủ yếu trên ghe, trên thuyền nên không tiện cho việc bày biện các bữa ăn uống linh đình, thế là cắp nách chai rượu, nhót lấy một cái ly, người này uống xong, rót rượu trao cho người khác uống (nếu đặt xuống, sóng đánh ghe nghiêng, đổ rượu rớt ly xuống sông), cứ thế mà thành thói quen uống chung một ly, rồi để tỏ cái tình cảm của những đệ từ thần Lưu Linh vậy "cưa đôi" nhé. 

Chỉ một ly người này uống một nửa, người kia uống một nửa, năm mươi, năm mươi, tình thương mến thương. Riết rồi cái thói quen đó nó theo lên bờ, khi cuộc sống đã khá giả hơn, nhưng thấy nó cũng… tiện, thế là chả bỏ, thói quen đó theo vào trong những nhà hàng sang trọng, có các cô gái rót rượu, mời rượu, em mời anh thì em uống trước, môi em chạm vào đâu nói cho anh biết để anh chạm môi vào. Cũng đã có người đề cập đến vấn đề này và ngụy biện rằng, "cái gì ngâm trong rượu chả chết, kể cả… voi". Thật sai lầm, đã đến lúc cần phải bỏ "văn hóa uống chung ly".

Rồi uống xong là bắt tay, quen cũng bắt mà lạ cũng bắt, ly đầu bắt tay rồi ly sau cũng bắt tay, bao nhiêu ly là bấy nhiêu cái bắt tay, uống với người này bắt tay rồi uống với người khác cũng bắt tay. Gớm mà tay có sạch sẽ gì cho cam, vẫn cái thói quen ba xoa hai đập hoặc… quệt quệt vào ống quần, thế mà vẫn cứ tưởng là sạch, là bắt tay và… bốc thức ăn. Bắt tay ban đầu là để tỏ phép lịch sự, là thân thiện, là tao… không cầm vũ khí. Còn ở đây bắt tay là để báo cáo rằng… tao đã hết trăm phần trăm. Bắt tay người này nhưng lại ngoảnh sang nói chuyện với người khác.

Thói quen chấm chung một bát nước mắm cũng thế. Có nhiều người đã tôn nó lên thành cái "văn hóa chấm chung"; "văn hóa dùng chung"; "văn hóa một bát"… Cũng có người lập luận là nước mắm đương nhiên là mặn, mà đã mặn thì… vi trùng chết hết. Thật sai lầm.

Việc chấm chung một bát nước mắm có lẽ đầu tiên là xuất phát từ cuộc sống thiếu thốn, chén bát không đủ nhiều như bây giờ, kế đến là món ăn của Việt thường khá cầu kỳ, mỗi loại món ăn phải đi kèm với một loại nước chấm khác nhau (đồ nào thức ấy), điều này rất khác với cái ăn hàng ngày của người phương Tây. Họ phân biệt khá rõ rệt giữa ăn uống hằng ngày với các bữa tiệc. 

Nếu ăn uống hàng ngày, họ thường ăn thức ăn nhanh và được được nêm nếm đủ gia vị trong đó, thường là một cái bánh mì kẹp thịt, kẹp xúc xích…  thế là ăn. Nhưng người Việt ta kể cả bữa ăn thông thường cũng cứ phải ít nhất ba món, rau, canh, cá (hoặc thịt, trừng…). Nhiều món thế, mỗi món lại một thứ nước chấm mà chả lẽ mỗi người phải có một bát nước chấm thì nó… nhiêu khê quá. Thế là chấm chung trở thành thói quen, một thói quen không còn phù hợp và nên bỏ.

Và còn nhiều, rất nhiều các thói quen lạc hậu của người việt ta cần phải bỏ để, mỗi người, mỗi gia đình phải tự thay đổi để thích nghi.

Hơn bao giờ hết, khi virus  COVID - 19 đang trở thành bệnh dịch nguy hiểm, lây lan trên toàn thế giới thì những thói quen trong ăn uống và sinh hoạt của người Việt lại càng phải thay đổi. Văn hóa không thể thiếu văn minh. Thay đổi để tồn tại, để thích nghi, để sống và phát triển.

Hùng Nguyễn
.
.
.