Thấy gì sau 1 tuần triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia

Thứ Ba, 07/01/2020, 18:01
1 tuần sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của người dân. Đa phần người dân ủng hộ việc tăng mức phạt và ý thức hơn trong việc không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu hoặc bia. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những người đã vi phạm lại cố tình tìm cách qua mặt lực lượng CSGT.


Trước những chiêu trò này, lãnh đạo Cục CSGT khẳng định sẽ xử nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm.

Đủ chiêu trò hòng thoát lỗi vi phạm nồng độ cồn

20h45 tại khu vực Điện Biên Phủ-Lê Duẩn (quận Ba Đình), tổ công tác Y10/141 Công an thành phố Hà Nội phát hiện một người điều khiển mô tô BKS 29C1-709.12 có biểu hiện say xỉn lưu thông theo hướng Cửa Nam về Điện Biên Phủ. 

Ngay lập tức tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu người đàn ông hợp tác đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, người này lớn tiếng phản đối, cho rằng mình không vi phạm. Tổ công tác muốn kiểm tra phải đưa ra được quyết định của Viện Kiểm sát. Khi tổ công tác kiên quyết yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, anh ta bỏ lại phương tiện và tự cho biết tên là Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1972, không rõ địa chỉ cư trú). 

Tổ công tác Y10/141 đã mời một số nhân chứng chứng kiến vụ việc cùng ký vào biên bản xử lý về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn và tạm giữ phương tiện để xử lý theo của pháp luật.

Cũng trong thời gian này, tổ công tác của Đội CSGT số 6 trong quá trình làm việc với tài xế tên L.H.H. (sinh năm 1953, trú tại Cầu Giấy) điều khiển xe máy BKS 29-Y5 8686 tại ngã tư Xuân Thủy-Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng gặp phải sự phản kháng quyết liệt. 

Người này xuống xe tự nhận uống 2 cốc bia trước đó rồi dọa đốt xe, không chấp hành thổi nồng độ cồn, đồng thời tự nhận mình làm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay sau đó đã thông tin đây là hành vi mạo danh.

Khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế chấp hành nghiêm quy định.

Các tình huống bất hợp tác kể trên không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Trước đó, vào tối 3-1 tại  thành phố Vinh, khi tổ tuần tra Đội CSGT- Trật tự Công an TP Vinh ra hiệu lệnh dừng chiếc ôtô 4 chỗ màu đen để kiểm tra nồng độ cồn, tài xế ôtô có biểu hiện say xỉn ra khỏi xe, chốt khóa cửa và bỏ đi. 

Biết gặp phải đối tượng cố tình “chây ỳ”, tổ công tác đã phối hợp với Công an phường vận động người đàn ông này ra để kiểm tra nồng độ cồn song người này vẫn không thực hiện. Một lúc sau, người này gọi điện thoại cho vợ đến và nói vợ mới là người cầm lái chiếc ôtô chứ không phải mình. 

Sau đó, tổ công tác đã lập biên bản sự việc, niêm phong chiếc xe và đưa về trụ sở Công an. Với hành vi vi phạm này, tài xế sẽ bị phạt 35 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng. Theo biên bản xử phạt, người vi phạm là ông P.V.M. (39 tuổi, quê xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Không chỉ phản ứng theo kiểu bỏ đi, gọi người đến trợ giúp, mới đây tại TP HCM, tổ tuần tra gồm lực lượng CSGT, Cảnh sát cơ động đã phải vào cuộc xử lý tình huống người vi phạm bỏ xe vì cho rằng mức phạt quá cao. Cụ thể, anh Khẩu Bình Luận (quê Bến Tre) điều khiển xe máy lưu thông từ vòng xoay Điện Biên Phủ về hướng cầu Sài Gòn. 

Khi đến ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), anh Luận bị lực lượng chức năng kiểm tra đo nồng độ cồn và đo được mức cao lên đến 0,94 mg/lít khí thở. Lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm. 

Lúc đầu anh Luận vui vẻ hợp tác, nhưng đến khi nghe lực lượng chức năng thông báo tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước giấy phép lái xe 23 tháng và phạt tiền lên đến 8 triệu đồng thì anh Luận bắt đầu "nổi giận". "Các ông đùa với tôi đấy à? Xe máy này mà phạt đến 8 triệu thì tôi bỏ luôn xe và cho các ông luôn đó” - anh Luận nói với vẻ gay gắt. 

Mặc dù lực lượng chức năng giải thích là việc xử phạt này được thực hiện theo Nghị định mới của Chính phủ, nên đề nghị anh Luận nghiêm chỉnh chấp hành, tuy nhiên, anh Luận vẫn tỏ thái độ tức giận, bất hợp tác khi không ký vào biên bản và bỏ xe đi bộ về. Tổ công tác phối hợp với Công an phường đến lập biên bản, niêm phong xe và đưa về Công an phường xử lý theo quy định.

Sẽ xử nghiêm, không để lọt lỗi

Trước thắc mắc của một số  người dân về mức phạt cao, ông Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: Với người đi xe máy, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng bị phạt 6-8 triệu đồng và người đi ôtô 30-40 triệu đồng, tương đương 1-2 tháng lương (giả định người đi xe máy có thu nhập 3-5 triệu và đi ôtô có thu nhập 15-20 triệu đồng mỗi tháng). 

Trong khi đó, tại Nhật Bản, phạt 5.000-10.000 USD, Anh và Singapore khoảng 4.000 USD (khoảng 1-2 tháng lương). Ngoài ra, người vi phạm còn chịu phạt tù 3-6 tháng (ở Anh, Singapore), thậm chí 3 năm như ở Nhật, Hàn Quốc, kèm theo tước bằng, chịu lao động công ích và học lại luật, thi lại bằng. Nếu tái phạm, người vi phạm sẽ chịu mức phạt lũy tiến cao gấp nhiều lần. Tất cả trường hợp đó đều bị tăng bảo hiểm trách nhiệm dân sự rất nhiều. 

Trong điều kiện Việt Nam, nâng mức phạt như Nghị định 100 là cần thiết nhưng mới giải quyết được một góc của vấn đề. Hiện nay chúng ta chưa có dữ liệu về lái xe vi phạm an toàn giao thông nên tính răn đe trong xử phạt không cao. 

“Thời gian tới, theo tôi cần có hệ thống dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông, quản lý việc tuân thủ pháp luật của lái xe và phạt lũy tiến nếu tái phạm”, ông Hùng nói.

Cũng có những tài xế… chưa chịu hợp tác ngay với lực lượng chức năng.

Đứng về góc độ lực lượng xử lý vi phạm nhìn nhận về việc đối phó của người vi phạm, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, chỉ tính mấy ngày đầu năm ra quân xử phạt theo Nghị định mới, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý hơn 6.500 trường hợp vi phạm; phạt tiền  hơn 6 tỷ đồng; tạm giữ 926 xe mô tô, tước 824 giấy phép lái xe các loại. 

Theo báo cáo chưa đầy đủ, trong đó có khoảng 250 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 600 triệu đồng. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ tăng mức xử phạt đối với các hành vi có tính chất nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. 

Đặc biệt đối với hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đảm bảo tính răn đe, nhằm nâng cao hiệu quả việc chấp hành những quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. 

Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, có thái độ cản trở, không hợp tác, chống đối, không chấp hành việc kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng; tập quán, thói quen sinh hoạt uống rượu, bia diễn ra phổ biến trong các dịp hiếu, hỉ, lễ, tết là một trong những khó khăn trong việc xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông, hành vi uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông đã cướp đi mạng sống hoặc để lại các di chứng rất nặng nề cho không ít các nạn nhân. Vì vậy phải thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Mỗi người tham gia giao thông cần nhận thức đúng về sự tiến bộ này và có sự tự giác điều chỉnh hành vi, thói quen phù hợp với quy định. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT thì lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT nói chung và những hành vi vi phạm về nồng độ cồn nói riêng khi tham gia giao thông.

Hiện Cục CSGT và các đơn vị chức năng đã đưa các thiết bị hiện đại vào kiểm tra nồng độ cồn. Máy này có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở sẽ giúp CSGT dễ dàng tác nghiệp tại hiện trường. Đặc biệt thiết bị đo nồng độ cồn thế hệ mới sau khi kiểm tra sẽ không tồn đọng dư lượng nồng độ cồn của người kiểm tra trước. 

Sau khi đo, máy sẽ in ra thông số chi tiết của người vừa được kiểm tra. Theo đó, mỗi tài xế thổi vào ống thổi dài khoảng 5cm, to bằng đầu đũa. Kết quả sẽ được hiển thị ngay trên màn hình. Kết quả điện tử nên người vi phạm có thể nhìn thấy ngay. Trong trường hợp ngược lại, nếu không có vi phạm máy sẽ hiển thị kết quả “không có cồn”.

Với mỗi lần tiến hành kiểm tra, người được kiểm tra sẽ được sử dụng một ống thổi đóng gói riêng và đảm bảo yêu cầu vệ sinh, chỉ sử dụng 1 lần. Thời gian một lần kiểm tra tính từ lúc lượng khí thở của người được kiểm tra đạt yêu cầu đến lúc máy cho kết quả đo, in phiếu là dưới 5 giây, tổng thời gian kiểm tra đối với mỗi trường hợp thông thường không đến 1 phút.

Phạm Huyền
.
.
.