Thầy giáo bị bại liệt và lớp học từ thiện ở bản Mường

Thứ Ba, 14/07/2015, 16:00
Trong gian nhà nhỏ bé, thầy giáo Bùi Văn Bình, thôn Yên (xã Kim Truy, Kim Bôi, Hòa Bình) đang loay hoay sửa soạn giáo án để chuẩn bị cho ca dạy buổi chiều. Việc làm này lặp đi lặp lại suốt hơn 10 năm qua, nhưng nó vẫn đem đến cho anh một cảm giác háo hức lạ thường.
Bản thân bị bại liệt từ khi còn rất nhỏ, bố mất sớm, mẹ lại đi bước nữa, anh Bình phải sống cùng người em gái. Đến tuổi, em gái cũng xuất giá, chỉ còn một mình anh bệnh tật, cô đơn trong căn phòng nhỏ. Dù nhiều lúc rơi vào trạng thái tuyệt vọng nhưng anh vẫn cố gắng vượt lên số phận để mang cái chữ tới cho những đứa trẻ nghèo của bản Mường.

Tuổi thơ bất hạnh

Chúng tôi tìm đến nhà thầy giáo Bình khi lớp học buổi sáng vừa tan. Trong căn phòng nhỏ chừng 15 mét vuông chỉ còn lại mình anh. Thời tiết oi bức khủng khiếp của mùa hè khiến sức khỏe anh  không tốt, nó khiến anh hay bị choáng.

Nhưng anh chia sẻ: "Dù mệt cũng phải cố thôi, không thể để cho các em nghỉ một ngày nào được. Nếu là trong năm học thì không sao, chứ đây đang là nghỉ hè, các em ở đây hiếu động lắm, không có ai quản chắc chắn chúng sẽ rủ nhau đi tắm sông, tắm suối. Mà có biết bao vụ chết đuối thương tâm của trẻ nhỏ vẫn thường xảy ra vào dịp hè nên mình không thể nào yên tâm được".

Căn phòng nhỏ ngổn ngang nào sách, nào cặp sách của học sinh để lại. Ba chiếc xe lăn, một chiếc anh Bình đang sử dụng, hai chiếc kia có vẻ còn rất mới. Anh bảo, đó là xe của các tổ chức từ thiện tặng.

Những trái ngọt sau tháng ngày kèm cặp của thầy Bình.

Nhiều năm rồi, anh Bình phải sống cuộc sống của một người tàn tật độc thân nên mọi sinh hoạt thường phải nhờ hàng xóm hoặc những người đi đường giúp đỡ. Nhiều khi, đến giờ nấu cơm, nếu hàng xóm đi vắng không giúp được, anh Bình phải lăn xe ra ngồi ở bậu cửa nhà mình. Lúc đó, nếu vớ được người làng nào đi qua anh sẽ nhờ họ vào cắm cho nồi cơm. Rảnh hơn nữa thì anh nhờ họ luộc cho mớ rau, rang cho quả trứng. Thế cũng xong bữa.

Sóng gió ập xuống cuộc đời anh Bình từ khi anh mới là đứa trẻ 6 tuổi. Khi ấy, bố anh mất. Lên lớp 4, sau một trận sốt cao, hai tay của anh Bình gần như không thể nào cử động được nữa. Khoảng 6 tháng sau thì cả đôi chân của anh cũng bất động. Cả cơ thể như bị một tảng đá đè nặng khiến anh không thể động đậy. Nhà nghèo nên chẳng có điều kiện để thuốc thang, chữa trị nên anh đành chịu cảnh bại liệt từ lúc mới 10 tuổi. Mẹ anh vừa thương con, vừa hiểu hoàn cảnh gia đình neo người nên đã hết lời khuyên con nghỉ học nhưng cậu bé Bình vẫn nhất quyết xin mẹ cho đến trường. Biết Bình không thể tự đi nên nhiều bạn bè đã tự nguyện qua nhà cõng Bình đi học.

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Bình luôn rất cố gắng học hành chăm chỉ và lúc nào cũng đạt kết quả cao. Năm lên lớp 10, mẹ Bình đã bỏ lại hai anh em anh để đi bước nữa. "Thực sự đó là quãng thời gian sóng gió của cuộc đời mình. Cảm giác không còn ai nữa để mà dựa dẫm mình thấy rất trống trải và lo sợ. Em gái mình nghỉ học từ nhỏ, thời gian ấy nó động viên mình là sẽ thay mẹ nuôi mình ăn học. Nhưng từ trong tâm, mình rất muốn nghỉ học để bớt phần nào gánh nặng cho em gái nhưng nó không đồng ý. Lúc đó, cô giáo mình có nói với mình một câu: em học là để cho mình, được đến trường với bạn bè cũng là niềm vui rồi. Nghe cô nói vậy nên mình lại cố" - anh Bình chia sẻ.

Trước ngày thi tốt nghiệp, anh bị một trận sốt cao nên không dự kỳ thi tốt nghiệp được. Ước mơ cầm được mảnh bằng cấp 3 đành dang dở. Một thời gian ngắn sau đó em gái anh cũng lấy chồng. Trong căn nhà xập xệ giờ chỉ còn mình anh. Không còn người thân bên cạnh chăm sóc, cũng không còn ai trò chuyện, một ngày đối với anh như dài bất tận. Anh kể: "Cảm giác vừa thấy mình cô đơn, vừa thấy mình vô dụng, làm mình nhiều khi chỉ muốn kết thúc cuộc đời mà thôi. Mình bệnh tật thế này lại còn rất nghèo nữa thì sẽ chẳng ai thèm "để ý" tới mình đâu. Không lẽ mình cứ sống như thế này cả đời?".

Thầy Bình luôn tìm tòi phương pháp giảng dạy mới.

Lớp học tình người

Suy nghĩ tiêu cực chỉ chấm dứt khi vào một ngày, đôi vợ chồng người bạn không biết chữ dẫn con sang nhà nhờ anh dạy dỗ, kèm cặp hộ. Được tiếp xúc với con trẻ, lại giúp nó biết đọc, biết viết khiến anh Bình thấy vui lắm. Tiếng lành cứ thế mà đồn xa, dần dần bà con trong thôn nườm nượp dẫn con cái của họ đến nói là trăm sự nhờ "thầy Bình".

Hơn mười năm qua, lớp học của người thầy bại liệt chưa một ngày ngừng dạy. Cao điểm, có ngày thầy Bình dạy tới 50 học sinh. Vì quá đông nên buộc thầy phải chia ra làm nhiều ca và theo từng độ tuổi khác nhau. Năm 2009, căn nhà nhỏ của thầy Bình đã bị bão đánh sập. Thầy mất nhà, trò mất lớp. Cám cảnh cho hoàn cảnh của thầy, nhiều phụ huynh và bà con trong thôn, xã đã góp tiền dựng lại cho thầy một gian nhà nhỏ. Lớp học lại được mở lại.

Thầy Bình chia sẻ: "Các em ở đây chủ yếu là người Mường, giao tiếp với nhau cũng là ngôn ngữ Mường, do vậy tiếng Kinh bọn trẻ nói vẫn chưa sõi. Mình dạy chúng nói tiếng Kinh, như thế đến trường may ra chúng mới tiếp thu được bài học tiếng Kinh".

Chị Bùi Thị Hoa (thôn Yên) chia sẻ: "Con gái tôi đang học lớp 4, trước khi đến lớp của thầy Bình nó học yếu lắm. Lớp 4 nhưng đọc còn chưa được lưu loát đâu. Thế mà từ dạo tôi gửi nó đến học thầy Bình, nó tiến bộ hẳn lên. Nó đọc thông, lại còn làm được Toán nữa. Tôi vui lắm!". Cũng cùng cảm giác biết ơn như chị Hoa, chị Hằng có con trai đang học lớp 3 tâm sự rằng: "Ở đây ai cũng quý thầy Bình vì thầy Bình tốt lắm. Thầy dạy học cho học sinh ở đây biết cái chữ, biết làm Toán. Nhờ thầy mà chúng nó không mải chơi, không ra sông, ra suối tắm".

Hơn 10 năm mở lớp học tại nhà nhưng thầy Bình không đòi hỏi bất kỳ một đồng phụ cấp nào từ các bậc phụ huynh. Biết rõ hoàn cảnh khó khăn của bà con dân bản nên ai mang con đến thầy cũng vui vẻ đón nhận. Thầy kể: "Gia đình nào khá giả, có tháng họ gửi mình 50 hay 80 nghìn gọi là tiền điện nước cho các cháu. Có gia đình nghèo thì chạy qua biếu thầy tải khoai, cân gạo, mớ rau".

Thời tiết mấy ngày này quả là khắc nghiệt. Trong gian nhà nhỏ lợp brô xi măng chỉ có duy nhất một chiếc quạt điện. Thầy Bình bảo nóng lắm, chắc chiều nay phải sang hàng xóm mượn thêm hai chiếc nữa, không thì khổ thân các cháu. Học sinh đến lớp của thầy Bình dù rất hiếu động nhưng lại rất biết thương thầy. Thầy tâm sự: "Nhiều khi nhìn thấy trên đầu thầy có tóc bạc là bọn trẻ lại lao vào tranh nhau nhổ. Cũng có khi học xong, đứa thì nhặt cho thầy mớ rau, đứa lại rút quần áo giúp thầy. Đứa nào lớn hẳn, mạnh khỏe có khi còn giúp thầy tắm giặt nữa. Thực sự mình rất cảm động trước tình cảm của các con".

Thầy Bình hiện đang sống bằng tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật. Những đồng tiền đó vốn đã rất ít ỏi nhưng thầy vẫn cố gắng dành ra một khoản nho nhỏ để mua nước uống và đồ dùng học tập cho các học trò của mình. Nhìn vào bình nước đóng chai đặt ở góc nhà, thầy cười bảo: "Trời nắng nóng thế này, cứ bình quân hai ngày là các con uống hết một bình thôi. Nước đó mình phải nhờ hàng xóm mua hộ đấy".

Hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng thầy Bình chưa bao giờ đầu hàng số phận.

Với thầy Bình, được dạy học là một niềm vui lớn. Nó không chỉ khiến thầy vơi đi cảm giác cô đơn, trống trải khi phải sống cuộc sống độc thân, mà nó còn cho thầy cảm giác mình là người có ích, mang được cái chữ cho các em trong bản, dạy chúng biết tính toán để sau này thoát cái nghèo, cái khổ. Thầy Bình khoe: "Hôm bế giảng năm học, bọn trẻ từ trường mang giấy khen chạy về khoe mình. Khoảnh khắc ấy khiến mình thấy vui lắm. Mình hứa với bọn trẻ sẽ có quà thưởng cho chúng".

Dù không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm, song thầy Bình luôn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Thứ duy nhất giúp thầy giao lưu với thế giới bên ngoài chính là chiếc điện thoại kết nối Internet. Thầy chia sẻ rằng: "Mình không hiểu cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu một ngày không còn được nghe tiếng nói cười của học trò. Chúng chính là động lực, là chỗ dựa tinh thần giúp mình vượt qua những nghiệt ngã của cuộc sống này. Thế nên, mình sẽ dạy các con cho đến khi nào không còn sức để làm việc đó nữa".

Ông Bùi Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Kim Truy cho biết: "Anh Bình là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bản thân bị bại liệt không thể đi lại được, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, em gái cũng lấy chồng nhưng anh ấy vẫn nghị lực vươn lên để sống có ích. Hơn 10 năm qua, anh Bình đã mở lớp dạy học miễn phí cho các cháu ở địa phương. Nhờ có lớp học tình thương của anh Bình mà nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường cũng đã biết đọc, biết viết. Nhiều cháu còn đạt thành tích cao trong học tập. Việc làm ý nghĩa ấy của anh Bình được rất nhiều người ủng hộ".
Phong Anh
.
.
.