Thầy giáo nghèo với cuốn nhật ký liệt sỹ và cuộc “hội ngộ” xúc động sau 45 năm chia biệt

Thứ Sáu, 23/01/2015, 21:00
45 năm trước, cậu học trò nghèo Lý Quang Nhân tình cờ được anh chính trị viên Đại đội pháo cao xạ miền Bắc hành quân qua đất mẹ Quảng Bình trao cho cuốn nhật ký của một chiến sỹ vừa mới hy sinh với lời gửi gắm, giữ gìn và tìm cách trao trả lại cho gia đình khi có điều kiện. Sau 45 năm giữ gìn còn hơn cả báu vật, cuộc hội ngộ kỳ diệu đã xảy ra, khi nhà giáo này đã tìm ra địa chỉ thân nhân của tác giả cuốn nhật ký, và trao trả lại cho người cha già đã 86 tuổi trong niềm rưng rưng xúc động.

Cậu bé ngày nào giờ đây đã là ông giáo già, 45 năm qua có nhiều cái đổi khác, duy cái nghèo vẫn mãi bám riết. Hôm chúng tôi tìm đến nhà của thầy giáo Lý Quang Nhân, giáo viên Trường THCS số 1 Nam Lý, thuộc phường Nam Lý, TP Đồng Hới (Quảng Bình), người đã suốt 45 năm qua giữ gìn cuốn nhật ký của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng, quê gốc Hải Phòng còn hơn cả bảo vật, thầy giáo Nhân cho biết, cách đây hơn một năm, thầy đã tìm được địa chỉ gia đình và trao trả di vật chiến tranh ấy cho người thân của liệt sỹ. Câu chuyện suốt 45 năm giữ gìn nhật ký liệt sỹ đã được người thầy giáo già này chia sẻ trong sự xúc động nghẹn ngào.

45 năm giữ nhật ký liệt sỹ

Chuyện bắt đầu từ năm 1968, khi ấy Lý Quang Nhân đang là một cậu bé trẻ trâu, sống cùng gia đình ở một xã nghèo ven thị xã Đồng Hới. Không lưu dấu được ngày tháng, nhưng vị giáo già này nhớ rất rõ, đó là một ngày mùa đông lạnh se sắt, đại đội pháo cao xạ từ miền Bắc hành quân vào Nam và đóng quân tại làng của bé Nhân ở xã An Ninh, thị xã Đồng Hới. Trong thời gian lưu lại tại đây, chính trị viên đại đội đã gặp Nhân và trao cuốn nhật ký có tên Lưu Mạnh Hùng cho cậu bé với lời nhắn: “Chiến trường khốc liệt, các anh ra đi chưa hẹn ngày về. Đây là cuốn nhật ký của một đồng đội đã hy sinh tại xã An Ninh vào ngày 26-5, người này gửi gắm cho Nhân cất giữ, với mong mỏi sau này nếu có cơ hội, hãy tìm để trao về với gia đình thân nhân liệt sỹ”.

Cầm kỷ vật của người đã khuất trong tay, cậu bé Lý Quang Nhân đã luôn dặn lòng mình phải giữ gìn nó như báu vật cuộc đời, và nguyện sau này, khi lớn lên sẽ hiện thực hóa ước nguyện của người chính trị viên năm xưa.

Trong suốt thời gian dài sau đó, cuốn nhật ký của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng đã luôn đồng hành cùng Lý Quang Nhân, suốt từ thời học sinh, đi qua giảng đường đại học đến những năm tháng dạy học tại nhiều địa phương của hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, nơi ông đã từng công tác.

Liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng - Cuốn nhật ký của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng.

Thầy giáo Nhân chia sẻ, trong thời gian giữ cuốn nhật ký, những lúc rảnh rỗi ông lại mang ra đọc, ngẫm nghĩ những triết lý, lẽ sống của người lính trẻ được thể hiện trong nhật ký, và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách của con người ông.

Sau này, trong suốt quá trình giảng dạy, thầy giáo Lý Quang Nhân thường đọc cho học sinh nghe những dòng chữ thép giúp các em hiểu hơn về một thời hoa lửa, có những người sống với lý tưởng, hoài bão lớn lao, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Trong thời gian giữ cuốn nhật ký, thầy Lý Quang Nhân luôn đau đáu nỗi niềm về việc tìm lại gia đình của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng để trao lại cho thân nhân, theo tâm nguyện của người chính trị viên đại đội năm xưa, nhưng phần vì chưa lần ra địa chỉ, phần vì công việc bận bịu nên thời gian cứ kéo dài ra mãi. Chính thầy Nhân cũng không ngờ, thời gian ông giữ kỷ vật ấy đã kéo dài đúng 45 năm, khi mãi đến tháng 7/2013, niềm mong mỏi ấy mới trở thành hiện thực.

Cuộc “hội ngộ” xúc động sau 45 năm

Để tìm được địa chỉ của bố mẹ liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng, thầy Nhân đã mất nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin. “Tôi đã tìm đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để nhờ giúp đỡ. Từ thông tin viết trong cuốn nhật ký, tôi cũng đã liên hệ với cơ quan chức năng của TP Hải Phòng để phối hợp tìm kiếm. Cho đến khi tôi nhờ người đăng tải thông tin trên một số trang mạng tìm kiếm liệt sỹ thì mới nhận được sự phản hồi. 4 ngày sau kể từ khi thông tin về liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng được tôi đưa lên mạng, Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ phản hồi thông báo đã kết nối được với gia đình liệt sỹ tại Hải Phòng”, thầy Nhân chia sẻ hành trình tìm kiếm thân nhân liệt sỹ của mình.

Ngay sau đó, được sự giúp đỡ của trung tâm này, ngày 18/7/2013, thầy giáo Lý Quang Nhân đã mang cuốn nhật ký từ Quảng Bình ra phường Cát Bi, quận Hải An, TP Hải Phòng, nơi gia đình thân nhân liệt sỹ đang sinh sống và đến ngày 23/7, thầy giáo Nhân đã trân trọng trao lại kỷ vật cho ông Lưu Văn Sắc (86 tuổi), là bố đẻ của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng, sau 45 năm gìn giữ.

Qua lời kể của gia đình liệt sỹ, được biết Lưu Mạnh Hùng sinh trưởng trong gia đình có 6 người con, học hết lớp 5, Hùng tham gia thanh niên xung phong. Trước khi giấu gia đình viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào tháng 4/1965 và được phiên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 282, anh đã từng làm công nhân tại Sở Thủy lợi của thành phố. Khi đại đội hành quân vào Nam, anh Hùng mới ghé qua nhà thì lúc này mọi người mới biết.

Cũng không ai ngờ rằng, đó là lần gặp nhau cuối cùng. Bởi trong thời gian đóng quân tại Quảng Bình, đại đội đã tham gia nhiều trận đánh, trong đó có trận chiến chống lại máy bay oanh tạc của giặc Mỹ xuống xã An Ninh sáng 26/5/1968. Lưu Mạnh Hùng cùng 3 đồng đội khác đã anh dũng chống trả từng đợt giội bom của giặc Mỹ xuống làng, và đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ Quảng Bình khi mới tròn 23 tuổi. Hiện, phần mộ của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ xã An Ninh.

Thầy giáo Lý Quang Nhân trao trả kỷ vật cho bố đẻ liệt sỹ sau 45 năm gìn giữ.

Theo thông tin của nhà giáo Lý Quang Nhân cung cấp thì cuốn nhật ký của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng, xuyên suốt từ đầu đến cuối là một ý chí thép. Mở đầu cuốn nhật ký, Lưu Mạnh Hùng viết: "Người chiến sĩ cách mạng chẳng khác nào người vượt đại dương, trong mưa bão, đi chịu đựng không hề xuýt xoa run rẩy mới tới được chân trời nắng ấm".

Trong mưa bom bão đạn, trải qua những lằn ranh giữa sự sống và cái chết, Lưu Mạnh Hùng đã đúc kết được những triết lý sống mạnh mẽ khi cho rằng, “cái quý nhất của con người là sự sống nhưng phải sống sao cho ra sống đó mới là điều đáng nghĩ. Theo mình hiểu thì tất cả những người đang hy sinh tình cảm, hạnh phúc cá nhân, xa gia đình, xa bạn bè, xa tất cả những gì lưu luyến nhất để dấn thân vào những chỗ gian nan nguy hiểm hay những người đang vật lộn với những khó khăn thử thách của cuộc sống, đem bàn tay và sức lao động sáng tạo của bản thân để mong mỏi được cống hiến sức mình cho Tổ quốc... đó mới là những con người đáng quý, đáng trân trọng” (trích nhật ký).

Thầy giáo Nhân cho biết, ông rất vui khi làm được phần việc mà ông đau đáu suốt mấy chục năm qua, ấy là trao trả lại kỷ vật cho gia đình liệt sỹ. Mặc dù cũng có lúc bản thân thấy thiếu vắng và bâng khuâng khi phải xa một kỷ vật mà mình đã luôn nâng niu, gìn giữ bên mình trong suốt gần 5 thập kỷ qua.

Đến nay, do sơ suất trong quá trình an táng phần mộ nên đã không ghi tên tuổi, bởi vậy đến nay liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng vẫn nằm lại cùng anh em đồng đội tại Nghĩa trang liệt sỹ xã An Ninh ở tỉnh Quảng Bình. Thông tin từ quê nhà Hải Phòng, người thân của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng, ông Lưu Văn Sắc cho biết, dù chưa tìm thấy phần mộ của con trai, song việc đón nhận cuốn nhật ký đã phần nào khiến ông và gia đình thấy lòng mình thanh thản hơn. Kỷ vật này cũng chính là thông tin quan trọng để tìm hài cốt của liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng.

Hồng Sâm
.
.
.