Thấy mưa lại sợ “bom nước”

Thứ Năm, 20/08/2020, 11:56
Như vậy là sau hạn hán trên diện rộng trong tháng 6 và 7, bão số 2 (Sinlaku) và hoàn lưu bão số 2 nối bão Hagupit ở phía đông đảo Đài Loan gây ra đợt mưa lớn diện rộng kéo dài, nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt các tỉnh phía Bắc đã có những thiệt hại về người và tài sản.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia ở Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thì tháng 8 mới là thời gian bắt đầu có những cơn bão ảnh hưởng tới miền Bắc, rồi tháng 9 và 10 mới là cao điểm mùa bão trên biển Đông. “Nắng mưa là chuyện của trời”, nhưng khổ là lại liên quan đến dân sinh, vì cứ mưa bão thì lại phập phồng lo cho an toàn hồ đập. Cứ nghĩ tới việc các tỉnh trong khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất vừa qua ở Sơn La có tới 560 hồ chứa thủy lợi thì khó mà không phải băn khoăn.

Mà không lo cũng không được, vì theo Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì trong số 6.750 hồ chứa thủy lợi trên cả nước hiện đang có khoảng 1.200 hồ đã và đang xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ và chưa có vốn để sửa chữa, nâng cấp. Đặc biệt có khoảng 200 hồ hư hỏng nặng, cần đặc biệt quan tâm, nếu không sẽ tiềm ẩn nguy cơ khó lường và trở thành những “quả bom hẹn giờ” trong mùa mưa bão.

Thì cứ xem chưa vào mùa mưa bão mà dạo cuối tháng 5, hàng loạt hộ dân của xã Cấp Dẫn (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã một phen cuống cuồng sơ tán khẩn cấp vì đập thủy lợi Đầm Thìn vỡ, chưa xảy ra chết người nhưng hàng chục ha hoa màu bị nhấn chìm. Cái đập này xây vào năm 2008, đưa vào sử dụng từ năm 2010 với hơn 15 ha mặt nước.

Thủy điện là nguồn lợi năng lượng lớn và rẻ tiền nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn hồ đập.

Sau đập thủy lợi Đầm Thìn thì lại xảy ra chuyện khoang số 10 và 11 của đập Bara (tỉnh Nghệ An), nằm trên sông Lam, gãy sập hoàn toàn; cùng đó là các khoang 12 và 13 nứt nhiều chỗ, nhiều phần âm bêtông bên trong đã rỗng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Đập Bara này xây dựng từ những năm 1930 để phục vụ tưới tiêu cho hơn 28.800 ha đất nông nghiệp, đồng thời tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt của dân 5 huyện, thị xã đồng bằng ở Nghệ An. Mãi đến tháng 10-2018 mới có một dự án để khôi phục, nâng cấp công trình này, bằng nguồn vốn hơn 316 tỉ đồng của Nhật Bản. Cái lúc khoang số 10 và 11 gãy sập là đang giai đoạn dự án ấy hoàn thành được 80% khối lượng.

May, cũng lại may, là sự cố vỡ đập Bara ấy, dù làm cho mực nước sông nơi đặt trạm bơm xuống gần 2 m, là mức nước thấp nhất từ trước tới nay, rốt cuộc cũng chỉ ảnh hưởng… cái trạm cấp nước. Cụ thể là gây thiếu hụt nguồn cung cấp sản xuất nước sạch cho hơn 7.800 hộ dân. Trạm cấp nước Đô Lương chỉ việc lắp đặt thêm một trạm bơm dã chiến, gắn  hệ thống vòi dẫn hút nước từ kênh đào lên là dân lại có nước sinh hoạt.

Nói chuyện hồ đập vỡ thì muôn vàn lý do. Riêng chuyện những hồ đập xây dựng đã lâu năm quá, nay như người gìa cả lắm bệnh tật, có thể vỡ bất cứ lúc nào, vỡ cả khi không tích đủ nước như thiết kế, thì không có gì mà lạ.

Nhớ từ năm 2014, Hà Tĩnh từng có một cuộc kiểm tra đánh giá an toàn đập của các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn, thấy có tới 117/345 hồ chứa nước xuống cấp, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ cần nâng cấp, sửa chữa kịp thời giai đoạn từ 2014-2020 và sau năm 2020. Nguyên nhân được Hà Tĩnh nói rõ là do phần lớn được xây dựng từ thế kỷ trước, điều kiện khảo sát thiết kế và thi công còn hạn chế, xây dựng không đồng bộ, sử dụng đã 30-40 năm cùng với sự tác động của thời tiết nên nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Ở thời điểm ấy, Hà Tĩnh đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ khoảng 2.340 tỉ đồng giúp tỉnh nâng cấp, sửa chữa đối với 117 công trình hư hỏng, xuống cấp ấy, chưa kể còn cần hỗ trợ kinh phí tổ chức kiểm định an toàn hồ đập (dự kiến 103 tỉ đồng), rồi lắp đặt các thiết bị giám sát mực nước, lượng mưa tự động cho các hồ chứa có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên…

Với nhu cầu kinh phí lớn như thế, không rõ tới nay bao nhiêu trong số 117 công trình ấy của Hà Tĩnh đã có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa? Cái nào vẫn còn y nguyên thì rõ là như “bom nước” đe dọa mạng sống của dân hạ lưu. Mà chuyện của Hà Tĩnh cũng đang là thực trạng chung của nhiều địa phương khác.

Vậy Đảng và Nhà nước ta có quan tâm tới công tác an toàn hồ đập không? Xin trả lời ngay là rất quan tâm, nhưng trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp thì không thể cùng lúc giải quyết hết mọi vấn đề. Nghịch lý là trong bối cảnh những công trình cũ “khát” vốn để nâng cấp, sửa chữa thì hàng loạt công trình mới cũng đòi hỏi phải có vốn ngay để xây dựng, nếu không sẽ trở thành những điểm nghẽn làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Giữa năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng chống thiên tai. Trong những mục tiêu đến năm 2025, đặt ra trong nghị quyết này có nội dung “giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020” và “nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ đập…”.

Mục tiêu là thế, nhưng cứ nhìn cụ thể vào nhu cầu của một tỉnh như Hà Tĩnh chẳng hạn, thì thấy ngay là không hề đơn giản, cần những nỗ lực rất cao, không chỉ từ phía Chính phủ mà còn cả chính các địa phương.

Lương Duy Cường
.
.
.