Thấy rõ tồn tại để khắc phục

Thứ Hai, 21/09/2020, 08:38
Những số liệu về kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm rất ấn tượng được nêu trong Báo cáo của Chính phủ cho thấy trong năm 2020 chúng ta đã triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"...


Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, trong chương trình phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 14-9, người đứng đầu cơ quan này là bà Lê Thị Nga nêu rõ: Về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: Chống người thi hành công vụ tăng 14,2% (trong đó chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 280%); gây rối trật tự công cộng tăng 49,2%, giao cấu với trẻ em tăng 17,9%...

Những con số được báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu ra đã phần nào cho thấy những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ở nước ta trong năm 2020.

Một cách khách quan, năm 2020 không chỉ nước ta, mà còn nhiều quốc gia khác nữa chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch COVID-19. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật do Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tại phiên họp này nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo áp lực gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị.

Những số liệu về kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm rất ấn tượng được nêu trong Báo cáo của Chính phủ cho thấy trong năm 2020 chúng ta đã triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; đã có 436 vụ/766 bị can bị khởi tố về các tội danh liên quan hoạt động "tín dụng đen", bảo kê, đòi nợ thuê (trong đó đã khởi tố 214 vụ án/497 bị can về tội cho vay lãi nặng)... Kết quả đó đã đảm bảo giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước.

Dù vậy, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn và thách thức lớn. Trong đó có cả việc phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh; lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi...

Nói tình hình vẫn diễn biến phức tạp là không chỉ nói đến dịch bệnh vẫn đang tiếp tục còn gây ra nhiều hậu quả, mà dễ nhận thấy nhất là hàng loạt cơ sở sản xuất đình trệ, nhiều lao động mất việc làm… sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo áp lực gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật, mà báo cáo còn đề cập đến những việc cấp bách phải thực hiện để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời mọi biểu hiện có thể ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Rồi còn tình trạng tại một số địa phương trước đây có dấu hiệu buông lỏng công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong thời gian dài nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đưa vào diện quản lý hoặc chưa bị triệt phá thì nay phải chấn chỉnh lại.

Nhìn thẳng vào những bất cập, tồn tại, đấy là điều rất đáng ghi nhận ở Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chỉ khi nhìn thẳng vào thực tế thì mới từ đó có các chiến lược, biện pháp khả thi để giải quyết.

Minh Khôi
.
.
.