Thế giới 2016: Một năm đầy biến động

Thứ Tư, 11/01/2017, 14:33
Năm 2016 đã khép lại với hàng loạt sự kiện gây chấn động thế giới, để lại sau lưng nhiều gam màu trầm. Tuy nhiên, với nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế, nhiều điểm nóng đã được hạ nhiệt, các khó khăn cũng dần được tháo gỡ. Báo CSTC xin điểm lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật của năm 2016.


1. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và những "lần đầu tiên"

Có hai điểm khác biệt lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 so với các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khác diễn ra trong lịch sử. Lần đầu tiên một doanh nhân chưa bao giờ tham gia chính trường - tỷ phú địa ốc Donald Trump ra tranh cử. Điểm khác biệt này đã tạo nên một cuộc bầu cử tổng thống kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ với chiến thắng bất ngờ dành cho ông Trump - một nhân vật có tư tưởng dân túy.

Như vậy, đây là lần đầu tiên "xứ cờ hoa" có một Tổng thống xuất thân từ giới doanh nhân. Những đường hướng chiến lược của ông Trump gây nhiều tranh cãi và khiến khó dự đoán về chính sách của chính quyền mới tại Mỹ. Nhiều người ca ngợi và hi vọng Tổng thống đắc cử Trump sẽ tạo ra bước ngoặt phát triển đối với nước Mỹ nói riêng, đối với thế giới nói chung theo hướng tích cực, đi lên. Ngược lại, không ít người tỏ ra hoài nghi và lo ngại vị tỷ phú địa ốc này sẽ đẩy thế giới vào hỗn loạn và khó đoán định hơn.

2. PCA ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 12-7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Phán quyết của PCA nêu rõ "không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử ở Biển Đông và cái gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc vẽ ra là trái với UNCLOS".

Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Phán quyết của PCA thể hiện tính thượng tôn của luật pháp. Trong thời đại ngày nay, mọi quốc gia, từ siêu cường, các cường quốc đến các quốc gia đang phát triển đều phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Hầu hết các quốc gia thành viên LHQ cho rằng, phán quyết của PCA là nghiêm túc, công minh và họ ủng hộ phán quyết của Tòa.

Phán quyết của PCA tạo ra cơ sở pháp lý cho Việt Nam và các nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông.

3. Sự kiện Brexit

Ngày 23-6, nước Anh đã đưa ra một quyết định táo bạo khi chính thức đặt dấu chấm hết cho "cuộc hôn nhân" không hạnh phúc kéo dài 43 năm với Liên minh châu Âu (EU). Kết quả là 51,9% cử tri "Xứ sở sương mù" đã bỏ phiếu đồng ý Vương quốc Anh ra khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, 48,1% cử tri đề nghị ở lại "mái nhà chung" EU. Đây là cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về việc Anh rời EU. Năm 1975 đã có cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên với kết quả 67,23% người Anh yêu cầu ở lại châu Âu.

Sự kiện này đã gây chấn động cả thế giới, làm thay đổi toàn bộ cục diện chính trị bên trong quốc gia vốn được coi là một trong những trụ cột của EU. Đồng thời, sự kiện này cũng làm thay đổi kết cấu địa - chính trị trên thế giới, kéo theo những nguy cơ bất ổn lớn cho EU cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, đa số các nhà kinh tế hàng đầu thế giới đều cho rằng, về trung và dài hạn, việc tách khỏi EU sẽ buộc Anh phải trả một giá đắt. "Sự chia tay" này cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho châu Âu, cho thế giới, nhưng người mất nhiều nhất trong ván bài này vẫn là người Anh.

4. Thỏa thuận lịch sử giữa Chính phủ Colombia và FARC

Sau gần 4 năm đàm phán khó khăn, ngày 26-9, Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã ký kết thỏa thuận hòa bình, đặt dấu chấm hết cho 52 năm xung đột, mở ra cơ hội cho hòa bình, hòa giải dân tộc ở nước này. 

Sau khi bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý, thỏa thuận sửa đổi giữa hai bên đã được ký kết vào ngày 24-11 và được Quốc hội Colombia chính thức thông qua một tuần sau đó, ngày 1-12. 

Không chỉ người dân Colombia, cộng đồng quốc tế cũng hy vọng rằng trong tương lai, quốc gia Nam Mỹ này sẽ được sống trong hòa bình sau hơn 5 thập kỷ nội chiến đẫm máu, với cái giá mà Colombia phải trả là 260.000 người thiệt mạng và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của mình. 

Thỏa thuận được đánh giá là hình mẫu giải quyết các cuộc xung đột ở nhiều quốc gia khác như Syria, Yemen và Nam Sudan…

Với những đóng góp cho văn kiện này, Tổng thống Colombia J.M. Santos đã được trao giải Nobel Hòa bình 2016.

5. Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đêm 15-7, một nhóm binh sĩ trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ tiến hành một cuộc đảo chính nhằm lật đổ Chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trước bối cảnh trên, hàng nghìn người theo lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan đã xuống đường, phản đối những kẻ âm mưu đảo chính. Đến sáng 16-7, lính nổi dậy bắt đầu đầu hàng. 

Cuộc đảo chính bất thành này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 265 người, trong đó có 173 thường dân, 67 nhân viên an ninh Chính phủ, 24 người đảo chính và làm hơn 1.390 người bị thương.

Thất bại của cuộc đảo chính này cũng đã tạo cơ hội cho Tổng thống Erdogan củng cố quyền lực và dẫn đến một chiến dịch thanh trừng lớn chưa từng có. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag, cho đến nay khoảng 6.000 người đã bị bắt giữ và 2.745 thẩm phán bị sa thải. 

Được củng cố ở trong nước và mong muốn giữ khoảng cách với Mỹ, ông Erdogan với cái nhìn thực dụng đã thực hiện thành công một cú hòa giải ngoạn mục với Nga, khép lại trang quan hệ song phương đầy sóng gió giữa hai nước sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga hồi năm 2015.

6. Khủng bố đẫm máu tại châu Âu

Trong năm qua, các cuộc tấn công khủng bố vẫn liên tục xảy ra tại các thành phố lớn ở châu Âu. Mở đầu bằng hai vụ đánh bom liều chết nhằm vào sân bay Zaventern và ga tàu điện ngầm Maelbeek ở thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 22-3 khiến 34 người thiệt mạng và 136 người bị thương. 

Tiếp đó, ngày 28-6, sân bay lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, Ataturk, đã hứng chịu một loạt các vụ đánh bom liều chết, ít nhất 28 người đã thiệt mạng và 20 người bị thương. Tối 14-7, một vụ tấn công khủng bố kinh hoàng đã xảy ra tại đại lộ Promenade des Anglais, thành phố Nice (Pháp) đêm 14-7 khiến 86 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương. Và kịch bản này lại được lặp lại vào đêm 19-12 tại một khu chợ Giáng sinh tại Berlin (Đức) khiến ít nhất 12 người bị thiệt mạng và hàng chục người bị thương. 

Một cách thức tấn công khủng bố mới đang được áp dụng, bổ sung thêm vào tập hợp rất đa dạng các cách thức khủng bố từ trước tới nay. Chỉ cần một phần tử Hồi giáo có tư tưởng cực đoan, manh động, một "con sói" đơn độc và một chiếc xe cướp được, là có thể tạo nên một thảm họa.

7. "Hồ sơ Panama" - Vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử

Ngày 10-5, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công khai "Hồ sơ Panama", với hơn 11 triệu tài liệu được công bố, qua đó vén màn bí mật về các hoạt động trốn thuế và rửa tiền từ giữa thập niên 1970, liên quan tới 140 chính trị gia, hàng chục tỉ phú và các nhân  vật nổi tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó là cả một hệ thống các công ty "ma", lên tới 214.000 tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có dính líu.

Vụ rò rỉ tài liệu mật khổng lồ nhất từ trước tới nay này đã gây chấn động cả thế giới, buộc chính quyền và cơ quan chức năng nhiều nước phải vào cuộc điều tra; nhiều quan chức, chính trị gia một số quốc gia phải từ bỏ vũ đài chính trị.

8. Tiến triển chính trị của Philippines hướng đến sự chuyên chế

Tháng 5-2016, ông Rodrigo Duterte, một người có xu hướng dân túy, đã đắc cử Tổng thống Philippines. Người được mệnh danh là "Donald Trump" củaPhilippines thay đổi hoàn toàn cái nhìn của thế giới về quốc gia này. 

Không chỉ giúp Philippines tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao nhất châu Á (7,1%), ông Duterte còn có các biện pháp bài trừ tham nhũng và tệ nạn, đặc biệt là ma túy. Tuy nhiên, chiến dịch bài trừ ma túy của ông lại bị cho là phớt lờ tất cả các nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền. Tính tới nay, đã có gần 6.000 người mất mạng trong chiến dịch này. 

Mỹ đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ chống lại chính sách được cho là phản tác dụng. Nhưng những lời chỉ trích này chẳng mang lại một chút tự do nào cho người Philippines, mà còn dẫn đến việc định hướng lại chính sách đối ngoại của Manila.

Trên thực tế, Philippines vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ kể từ khi giành được độc lập, tuy nhiên, nhà tân lãnh đạo của Philippines đã quyết định thay đổi mối quan hệ đặc quyền này để xích lại gần hơn với Trung Quốc, bất chấp những bất đồng giữa Manila và Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Nguy cơ để mất đồng minh Philippines đã khiến chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á chao đảo, đồng thời khiến cho vấn đề tranh chấp Biển Đông diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.

9. Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời

Đêm 25-11 (giờ địa phương - trưa 26-11 giờ Việt Nam), Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố trên truyền hình, Lãnh tụ Fidel Castro, nhà cách mạng vĩ đại và kiệt xuất của thế kỷ XX, người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam đã qua đời ở tuổi 90. 

Fidel Castro, người tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng Cuba và sáng lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên tại Tây bán cầu, đã trở thành huyền thoại không chỉ trong lịch sử Cuba, mà còn của cả Mỹ Latinh và thế giới. Ông là người đã ghi danh Cuba vào lịch sử nhân loại với cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài, dẫn dắt quốc gia Caribe này đến con đường độc lập ngày hôm nay.

Tang lễ của Lãnh tụ Fidel Castro đã được Nhà nước Cuba tổ chức theo nghi thức quốc tang trong 9 ngày; nhiều hoạt động tưởng niệm để tỏ lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ lịch sử của cách mạng Cuba đã được tổ chức trọng thể trên thế giới.

10. Bê bối tham nhũng của Tổng thống Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc - bà Park Geun-hye - nhiều khả năng sẽ phải rời bỏ vị trí vào tháng Tư năm sau bởi những bê bối tham nhũng, nối gót Bộ trưởng Tư pháp Kim Huyn Woong. 

Bà Park Geun-hye xin lỗi người dân Hàn Quốc.

Các công tố viên buộc tội bà Park dung túng cho người bạn thân lâu năm - bà Choi Soon-sil - trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp nhằm chuộc lợi cá nhân. Hàng loạt các tập đoàn lớn như Samsung, Lotte hay SK bị lục soát để phục vụ điều tra. 

Kể từ đầu tháng 11, hàng trăm nghìn người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Park từ chức. Bà Park cũng đã lên tiếng xin lỗi người dân và chấp nhận việc bỏ phiếu luận tội. Quyết định cuối cùng sẽ do Tòa Hiến pháp nước này đưa ra.

Khổng Hà
.
.
.