Thế giới đứng trước thách thức định hình lại quan hệ với Trung Quốc

Thứ Tư, 09/09/2020, 07:25
Đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi tất cả, trong đó mối quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đang trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng.


Nhà lãnh đạo mới của kỷ nguyên toàn cầu hóa xuất hiện

Hội nghị Davos tại Thụy Sĩ, nơi tụ hội của những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới ủng hộ công cuộc toàn cầu hóa là một hoạt động thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức từ năm 1971. Diễn đàn Davos, không chỉ là nơi cổ vũ cho kinh tế thị trường, nó còn là nơi để những nhà lãnh đạo thế giới trình bày quan điểm của mình về những vấn đề văn hóa chính trị và môi trường, những thứ liên quan đến toàn thế giới.

Mỹ, Ấn Độ đã cấm Tiktok vì lo ngại ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. 

Năm 2017 là một thời khắc đặc biệt trong biên sử của diễn đàn này khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một bài phát biểu tại đây. Không chỉ là lần đầu tiên nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đến với Davos, bài phát biểu của ông Tập còn gây bất ngờ lớn khi ông hào hứng ca ngợi công cuộc toàn cầu hóa, bảo vệ thương mại tự do cũng như những nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Những lời phát biểu gây ấn tượng về một nước Trung Quốc đầy hào sảng sẵn sàng bắt tay với thế giới để cùng phát triển.

Bài phát biểu của ông Tập khi đó đại diện cho nỗ lực hòa nhập với thế giới cũng như khẳng định vị trí của Trung Quốc. Việc một nhà lãnh đạo của đất nước luôn bị chỉ trích vì sự bảo thủ, cứng rắn cùng chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện ở diễn đàn cởi mở nhất thế giới như là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang sẵn sàng trong những sân chơi quốc tế với những luật lệ của nó. Điều đó trái ngược hẳn với nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Donald Trump, người đang kêu gọi đóng cửa nền kinh tế để bảo vệ những lợi ích của riêng mình.

Sự thật thì công cuộc phát triển của nền kinh tế Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với toàn cầu hóa. Gần 20 năm gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) đủ để thấy lợi ích đem lại cho đất nước đông dân nhất thế giới này. Giai đoạn từ 2001, thời điểm Trung Quốc chính thức gia nhập WTO đến năm 2016, xuất khẩu trung bình của nước này tăng trung bình 29%/năm để chiếm 15% thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới. Khi nền kinh tế phát triển nhảy vọt với quy mô lên tới hơn 10.000 tỷ USD đồng thời duy trì tăng trưởng GDP từ 8-10% mỗi năm đã biến Trung Quốc từ một nước nghèo nàn lạc hậu trở thành động lực quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc đã trao cho chính quyền của ông Tập Cận Bình vai trò lãnh đạo ở một số tổ chức nền móng trong trật tự thế giới. Việc ký kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng đã làm tăng thêm vị thế toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ đã rút ra khỏi hiệp định này. Ở thời điểm đó, Trung Quốc thực sự là ngôi sao dẫn đường của thế giới cho một giấc mơ toàn cầu hóa. Một siêu cường mới đang đi lên đem theo niềm hy vọng mới cho thế giới với sức hút đáng ngưỡng mộ.

Nhưng chỉ 3 năm sau, bầu không khí ấm áp đầy hy vọng đó đã kết thúc.

Mặt tối của một siêu cường?

Bóng tối mang tên COVID-19 phủ khắp toàn cầu lan ra từ chính Trung Quốc đã làm thay đổi tất cả. Từ những cáo buộc che giấu thông tin dịch bệnh ban đầu cho đến những hoạt động thiếu tính hỗ trợ và hợp tác quốc tế để cùng dập dịch sau đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới đã thay đổi. Thêm vào đó, một số quyết sách gần đây đã cho thấy những khác biệt của Bắc Kinh đối với các chuẩn mực toàn cầu. Trung Quốc đã có những chính sách cứng rắn trong thời gian gần đây đúng vào thời điểm thế giới quay cuồng giữa đại dịch.

Nhiều quốc gia đã quyết định loại bỏ Huawei khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G. 

Cuộc gây hấn dẫn đến đụng độ gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan cho thấy những nguy cơ xung đột có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Ở khắp các vùng biển phía Đông và Đông Nam, Trung Quốc cùng lúc có những hoạt động đe dọa, uy hiếp và xâm phạm chủ quyền tới các quốc gia lân cận. Trung Quốc cũng không quên nắn gân vùng lãnh thổ Đài Loan bằng cách tăng cường quân đội xuống khu vực eo biển phía Nam ngay tại thời điểm vô cùng nhạy cảm này.

Trong khi những cáo buộc các cuộc tấn công mạng do Bắc Kinh hậu thuẫn nhắm vào Mỹ và Úc càng làm xấu đi quan hệ giữa các bên. Khi những bản báo cáo về việc các hãng công nghệ Trung Quốc thu thập thông tin từ nước ngoài cho chính phủ được công bố, thì từ Huawei cho tới Tik Tok đều đang trở thành những "đối tượng nguy hiểm" với an ninh quốc gia của các nước…

Có gì đó liên quan giữa những hoạt động này với lễ kỷ niệm 70 năm hoành tráng của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một năm trước, nơi mà Tổng Bí thư- Chủ tịch Tập Cận Bình đã đọc một bài phát biểu dài về thời đại mới mà Trung Quốc không cần giấu giếm tham vọng của mình trước dàn vũ khí khí tài khổng lồ ở phía sau. Một giấc mộng Trung Hoa đang hình thành trong ánh mắt e ngại của thế giới.

Khi thế giới cần thay đổi

Kỷ nguyên thân thiện và hòa bình đã chấm dứt, khi con hổ đã lộ mặt thì bầy cáo phải tìm cách đoàn kết lại. Không cần lời kêu gọi của Mỹ, Ấn Độ đã ngay lập tức cấm Tik Tok cùng hàng loạt ứng dụng phần mềm của Trung Quốc trên lãnh thổ mình. Nhật Bản nối tiếp các quốc gia thuộc Liên hiệp Anh loại bỏ Huawei khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G. Một liên minh về công nghệ gián điệp giữa Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand có tên Five Eyes được hình thành hòng chống lại nỗ lực ăn cắp công nghệ của Trung Quốc. Vương quốc Anh đã xác nhận sẽ mở một con đường nhập cư cho cư dân Hồng Kông nếu muốn rời khỏi sự kiểm soát của chính quyền ở Bắc Kinh.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục căng thẳng.

EU, đối tác phương Tây mềm mỏng nhất suốt những năm qua cũng đã lên tiếng chỉ trích đạo luật mới mà họ coi là vi phạm nhân quyền này. Ở Đông và Nam Á, chi phí quốc phòng đang tăng nhanh khi người ta lờ mờ nhận thấy sức ép từ đội quân thường trực lớn nhất thế giới đang ngày càng "manh động" hơn. Không chỉ là những lời chỉ trích nữa, từ lo ngại đã dẫn tới những hành động đề phòng, một liên minh cấp độ toàn cầu đã tự nhiên hình thành để chống lại một sức ép mà ai cũng cảm nhận được đến từ gã khổng lồ ở phương Đông. Cái nhìn thận trọng hơn là điều đã được xác lập nhưng ngay cả như thế thì việc bỏ qua Trung Quốc sẽ không bao giờ là giải pháp.

Với việc Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay thì bất cứ khi nào những lời chỉ trích hướng vào nước này, gần như nó sẽ luôn luôn đi đôi với sự thừa nhận tầm quan trọng của họ. Đại dịch COVID-19 cho thấy thế giới phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc trên mọi phương diện, từ những chiếc khẩu trang, viên thuốc hay những món đồ công nghệ hàng đầu. Sự phụ thuộc đó còn đến từ việc tiêu thụ khi hàng hóa không thể tiếp cận thị trường lên tới 1,4 tỷ dân này. Sự gián đoạn do đại dịch gây ra đã gây đổ vỡ nhiều hệ thống cung ứng và thị trường khiến nhiều quốc gia rơi vào cảnh khốn đốn. Chắc chắn, nhiều nước vẫn cần Trung Quốc để giúp nền kinh tế của mình.

Nhưng nếu bỏ qua những tính toán về kinh tế thì Trung Quốc vẫn cực kỳ quan trọng với thế giới. Là quốc gia chiếm 1/5 dân số thế giới sống trên gần 10% diện tích, Trung Quốc cần được tính tới trong mọi vấn đề tồn tại trên quả địa cầu này. Thay vì đối đầu hay cô lập, thế giới cần sự hợp tác của Trung Quốc để xử lý những vấn đề về môi trường cũng như an ninh chính trị toàn cầu. Cũng chỉ có Trung Quốc mới có thể có câu trả lời cho một số câu hỏi về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, câu trả lời mà các chuyên gia y tế cho rằng có thể giúp ngăn chặn những đại dịch khác. Chính vì thế, gạt Trung Quốc sang một bên không phải là một lựa chọn thực tế.

Nhưng với phần lớn thế giới, bằng những phản ứng khác nhau của mình, đang cho thấy họ quyết tâm định hình lại quan hệ với gã khổng lồ đang trỗi dậy này.

Tử Uyên
.
.
.