Thế giới liêu xiêu vì COVID-19

Thứ Năm, 02/04/2020, 08:08
Cho tới thời điểm này, hơn 3 tỷ người tại gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ được yêu cầu ở nhà, khi các chính phủ đang nỗ lực dập đại dịch COVID-19. Hệ lụy do đại dịch COVID-19 cho tới lúc này chưa thể đo đếm chính xác nhưng có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào một giai đoạn suy thoái. Cú sốc sẽ mạnh như thế nào là tùy thuộc vào “phương thuốc” của chính phủ, ngân hàng trung ương các nước và các định chế tài chính quốc tế.


Các nước tập trung mọi nguồn lực đối phó với COVID-19

Tính tới sáng ngày 30/3, tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 720.480 ca nhiễm COVID-19 và 33.909 người đã chết, trong đó châu Âu chiếm 2/3. Italia chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong toàn cầu với 10.779 trường hợp. Italia có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới.

Các xa lộ ở Mỹ vắng ngắt vì người dân hạn chế ra đường.

Ngày 28/3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cảnh báo “15 ngày đầu tiên của tháng Tư sắp đến sẽ còn khó khăn hơn 15 ngày vừa trải qua”. Để có thể chống chọi với dịch bệnh, một kế hoạch hành động gồm hai trục chiến lược lớn được đề ra là gia tăng khả năng tiếp nhận ở các khoa hồi sức và giảm đà lây nhiễm của virus và các ca nghiêm trọng bằng biện pháp cách ly tại gia.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết Chính phủ Pháp đã đặt mua hơn 1 tỷ khẩu trang tại Pháp và ở nước ngoài; 5 triệu bộ xét nghiệm nhanh nhằm có thể lần lượt tăng thêm khả năng tầm soát virus corona từ 30.000, lên 60.000 và 100.000 người/ngày trong các tháng 4, 5, 6 so với mức 12.000 người hiện nay. Cũng theo Bộ trưởng Olivier Véran, Chính phủ sẽ cố gắng tăng thêm số giường hồi sức trong khoảng từ 14.000- 14.500 so với mức 5.000 giường trước khi có dịch bệnh.

Ngày 27/3, Thủ tướng Edouard Philippe đã thông báo quyết định kéo dài lệnh phong tỏa ở Pháp thêm hai tuần, tức là đến ngày 15/4. Thủ tướng Pháp cũng không loại trừ khả năng lệnh phong tỏa này sẽ được triển hạn lần nữa nếu tình hình dịch bệnh bắt buộc như thế.

Trước đó, ngày 25/3, Thủ tướng Edouard Philippe thông qua 25 sắc lệnh chống dịch COVID-19. Các sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức và nhắm vào ba mục tiêu: hỗ trợ các doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động trong đời sống xã hội và kinh tế của Pháp, và vấn đề liên quan đến hoạt động tư pháp.

Tại Tây Ban Nha, trước tốc độ lây lan của dịch bệnh, khi đã có tới 78.797 người nhiễm COVID-19, Thủ tướng Pedro Sanchez đã phải thông báo ngừng mọi hoạt động kinh tế “không cần thiết” trong vòng hai tuần. Còn  tại Anh,  tính đến ngày 30/3 đã có thêm 2.433 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 19.000, trong đó có 1.228 ca tử vong.

Trong số những người nhiễm COVID-19 có cả Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Anh Charles, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock và Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries. Thủ tướng Johnson kêu gọi tất cả mọi người ở nhà "để bảo vệ Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) và bảo toàn tính mạng".

Chốt kiểm tra lệnh phong tỏa tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 25/3/2020.

Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ Anh đang chạy đua với thời gian gia tăng số giường bệnh tại các bệnh viện và trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế.

Trong khi đó, tính đến ngày 30/3, nước Mỹ đã có 141.000 ca nhiễm COVID-19, hơn 2.400 ca tử vong. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci cảnh báo số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ có thể lên đến 200.000 trong hàng triệu ca nhiễm.

"Khi các mô hình được đưa ra, chúng thường sẽ vẽ nên kịch bản tồi tệ nhất và tốt đẹp nhất. Nhìn chung, tình hình thực tế hiện nay nằm đâu đó ở giữa". Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) ban hành một thông báo “cứng rắn” nhằm hạn chế người dân di chuyển ra vào các bang này, nhưng không đóng cửa biên giới. Ông Trump cũng buộc phải dùng đến quyền hành pháp đặc biệt buộc hãng General Motor phải sản xuất thêm các máy trợ thở đang rất cần cho các bệnh viện.

Còn tại Ấn Độ, để ngăn chặn COVID-19, Chính phủ đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc kể từ sáng 25/3. Như vậy là 1,3 tỷ dân phải tự cách ly tại gia trong vòng 3 tuần lễ.

Kinh tế thế giới liêu xiêu

Không chỉ khiến hơn 3 tỷ người phải ở trong nhà, dịch COVID-19 sẽ khiến số người thất nghiệp gia tăng, nhất là tại châu Âu, nơi có luật bảo vệ người lao động rất chặt chẽ.

Tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu được dự báo sẽ tăng vọt lên 12%, từ đây đến cuối tháng 6, xóa sạch những thành quả mà các nước châu Âu đã đạt được trong 7 năm qua. Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, cho rằng “COVID-19 tàn phá kinh tế toàn cầu tương tự như cuộc đại khủng hoảng hồi năm 1929”. Bộ trưởng Kinh tế Đức dự báo kinh tế nước này sẽ bị suy thoái đến 5% trong năm 2020.

COVID-19 lan rộng bắt đầu gây ra những tác động kinh tế trên khắp nước Mỹ. Theo nhận định của AFP, khủng hoảng do dịch COVID-19 sẽ nặng nề hơn khủng hoảng 2008, vì lần này, không chỉ có hệ thống tài chính, mà toàn bộ nền kinh tế thực (real economy) cũng bị ảnh hưởng sâu rộng, bởi vì hàng trăm triệu người phải nghỉ làm, tự cách ly trong nhà để ngừa lây nhiễm, khiến nền sản xuất sụp đổ, và mức cầu cũng sụt giảm theo.

Ngân hàng Goldman Sachs thậm chí dự báo GDP của Mỹ này sẽ sụt giảm đến 3,8%. Còn ngân hàng Deutsche Bank không loại trừ khả năng kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái trầm trọng. Dịch COVID-19 làm cho kinh tế bị dừng lại trong khi từ 10 năm qua Mỹ có mức tăng trưởng đều đặn. Theo Wall Street Journal, các ngành sản xuất có thể sẽ bị thiệt hại đến 1.500 tỷ đô la.

Nhiều ngành nghề như dệt may, thương mại lo sợ không có khả năng vực dậy. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Thomas Philippon, trường Đại học New York, điều đáng lo nhất là tình trạng thất nghiệp.

Tại Mỹ, nơi mà ngay cả những người làm việc với hợp đồng dài hạn vẫn có thể bị sa thải, các chuyên gia kinh tế gia dự báo là số người thất nghiệp sẽ tăng “với mức độ chóng mặt” khi tính tới ngày 26/3, đã có 3,3 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp.

Ngay trước cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các chuyên gia kinh tế của cơ quan xếp hạng tín dụng Moodys dự báo là những nền kinh tế của nhóm này sẽ bị một cú sốc chưa từng có trong nửa đầu năm 2020 và có mức tăng trưởng âm trong năm 2020, trước khi phục hồi vào năm 2021.

Cụ thể, theo Moodys, trong năm 2020, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các quốc gia nhóm G20 sẽ sụt giảm 0,5%, GDP của Hoa Kỳ sẽ giảm 2%, GDP của khu vực đồng euro giảm 2,2%.

Những "cơn mưa tiền" cứu vãn suy thoái

Hiện Chính phủ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đang tung ra hàng nghìn tỷ USD để giữ nền kinh tế không chìm sâu vào suy thoái. Theo thống kê của CNN, tổng giá trị các cam kết của chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu đến nay đã vào khoảng 7.000 tỷ USD. Con số này bao gồm chi tiêu chính phủ, bảo lãnh cho vay, giãn thuế, cũng như chính sách kích thích tiền tệ của các ngân hàng trung ương thông qua mua lại tài sản. Mức độ này đã vượt xa thời khủng hoảng tài chính 2008.

Lãnh đạo các nước G20 cũng khẳng định sẽ "làm tất cả những gì có thể" để giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ đại dịch và khôi phục tăng trưởng toàn cầu. "Quy mô của các chính sách lần này sẽ đưa kinh tế toàn cầu về đúng quỹ đạo, đồng thời tạo ra nền tảng vững mạnh để bảo vệ việc làm và tăng trưởng toàn cầu", các lãnh đạo cho biết trong thông báo chung.

G20 cam kết bơm 5.000 tỷ USD để kích thích kinh tế thế giới. Trong đó Mỹ đã tung ra gói trợ cấp kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD.  Đây là gói kích thích lớn nhất lịch sử nước này. Trong đó gồm 500 tỷ USD hỗ trợ các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng, 290 tỷ USD chi trả trực tiếp cho hộ gia đình, 350 tỷ USD cho vay doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD mở rộng trợ cấp thất nghiệp và ít nhất 100 tỷ USD cho các bệnh viện và hệ thống y tế.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã tung hàng loạt kích thích tiền tệ trong những ngày gần đây. Họ ban đầu cam kết mua lại 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS). Nhưng giờ, kế hoạch này không còn giới hạn nào nữa cả. Fed cũng hỗ trợ thêm 300 tỷ USD vốn vay mới để duy trì dòng chảy tín dụng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chính phủ Anh đã công bố 330 tỷ bảng (397 tỷ USD) bảo lãnh vay vốn và hoãn nộp thuế cho các doanh nghiệp trong nước ngành bán lẻ, du lịch – khách sạn và giải trí trong 12 tháng. Họ cũng trả 80% lương cho người lao động trong ít nhất 3 tháng tới, tối đa 2.500 bảng một tháng.

Chính sách này hiện chưa rõ sẽ tiêu tốn bao nhiêu. Chính phủ Anh cũng cam kết cấp cho lao động tự do số tiền mặt tương đương 80% lợi nhuận trung bình hàng tháng của họ, tối đa 2.500 bảng một tháng trong quý tới. Ngân hàng Trung ương Anh cũng sẽ tăng mua 200 tỷ bảng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp.

Trong khi đó, Đức công bố gói giải cứu trị giá 750 tỷ euro (825 tỷ USD), gồm các biện pháp kích thích cho vay doanh nghiệp và mua cổ phần trực tiếp trong các công ty. Pháp chấp thuận 45 tỷ euro hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và người thất nghiệp. Họ cũng bảo lãnh 300 tỷ euro cho các doanh nghiệp đi vay. Tây Ban Nha tung gói kích thích 220 tỷ euro.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì sẽ chi 750 tỷ euro mua lại trái phiếu chính phủ và các loại chứng khoán tư nhân khác đến hết năm nay. Họ khẳng định sẽ làm nhiều hơn nếu cần thiết. Trước đó, họ đã tăng quy mô chương trình mua lại tài sản thêm 120 tỷ euro.

Trung Quốc đã công bố ít nhất 117 tỷ nhân dân tệ (16,4 tỷ USD) hỗ trợ tài chính và kích thích kinh tế, cộng với 800 tỷ nhân dân tệ giảm thuế phí. Tuy nhiên, nếu cần thiết, quốc gia này rất có thể chi tới hàng nghìn tỷ USD và vay số tiền khổng lồ để củng cố nền kinh tế.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc thì đã áp dụng hàng loạt chính sách nới lỏng, bơm ra ít nhất 1.150 tỷ nhân dân tệ để giúp doanh nghiệp đối phó đại dịch.

Nhật Bản đang cân nhắc gói kích thích có quy mô 30.000 tỷ yen (274,2 tỷ USD), gồm phát tiền cho người dân và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ Ấn Độ đã thông báo gói giải cứu trị giá 22,6 tỷ USD chỉ 36 giờ sau khi phong tỏa toàn quốc. Gói này gồm hỗ trợ lương thực, chăm sóc y tế và trợ cấp cho người lao động.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.