Thế giới nỗ lực đối phó COVID-19

Thứ Sáu, 06/03/2020, 10:56
Tính tới ngày 2/3, dịch COVID-19 đã lan tới 69 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 89.000 người nhiễm, làm chết hơn 3.000 người. Trước đó, ngày 28/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nâng mức cảnh báo dịch COVID-19 lên "rất cao". COVID-19 đang khiến kinh tế thế giới thiệt hại nặng nề khi một loạt ngành sản xuất, dịch vụ, du lịch tê liệt.

Hàng loạt ngành sản xuất lao đao

James Mault, ông chủ của hãng BiolntelliSense, đặt mọi hi vọng vào ngày 1/3. Đó là ngày đối tác sản xuất của ông ở Trung Quốc mở cửa trở lại và bắt đầu xuất xưởng thiết bị y tế sau quãng thời gian đóng cửa vì dịch COVID-19. "Chúng tôi nhận sản phẩm chậm 4-6 tuần. Tình hình hiện tại là vẫn có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, nếu tình trạng chậm trễ kéo dài, tác động đối với công việc kinh doanh sẽ là rất đáng kể", ông Mault nói. 

Ông Mault nói BioIntelliSense tính đưa dây chuyền sản xuất tới các nước châu Á khác hoặc Mexico. "Nhưng việc di dời quá tốn thời gian, chúng tôi vẫn quyết định chờ các nhà máy Trung Quốc khôi phục sản xuất", ông giải thích.

Venice Carnival có lẽ là một trong những lễ hội carnival nổi tiếng nhất thế giới. Năm nay, lễ hội này không thể làm nóng sự ảm đạm của mùa dịch COVID-19.

Nhưng không chỉ hãng BiolntelliSense, các chuyên gia kinh tế nhận định vài tuần tới sẽ là khoảng thời gian đầy thử thách đối với nhiều công ty Mỹ đang chờ đợi các nhà máy Trung Quốc mở cửa trở lại. Với nhiều công ty Mỹ, dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm những khó khăn họ trải qua trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhà sản xuất phụ tùng ô tô American Axle & Manufacturing thừa nhận doanh số sụt 25 triệu USD trong tháng 2 vì sản xuất xe hơi ngưng trệ ở Trung Quốc. Tesla cũng cho biết lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Bloomberg, vài tuần trước nhiều nhà kinh tế Trung Quốc và quốc tế còn lạc quan nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch COVID-19 bị kiềm chế. Tuy nhiên, thực tế đã không như dự báo lạc quan này. 

Ngày 27/2, nhóm chuyên gia thuộc Bank of America Corp dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt 2,8%, mức yếu nhất kể từ năm 2009. Họ cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 4 năm qua. 

"Nguy cơ kinh tế trượt dốc là rất lớn. Dự báo của chúng tôi còn chưa tính đến khả năng dịch COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, làm tê liệt mọi hoạt động kinh tế ở các thành phố lớn", chuyên gia kinh tế Ethan Harris của Bank of America cho biết.

Ngay cả các doanh nghiệp hoạt động bên ngoài thị trường Trung Quốc cũng lao đao. "Việc đóng cửa các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất sang thị trường Mỹ chắc chắn sẽ gây tác động dây chuyền", Washington Post dẫn lời ông Keith Creel, CEO của Canadian Pacific Railway, khẳng định.

Theo nhận định của tờ The Economist, dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với các chuỗi cung ứng và rất ít công ty thực sự chuẩn bị đối mặt với những nguy cơ như vậy. 

Điển hình là Apple, nếu trước kia United Airlines hàng ngày đưa khoảng 50 nhà quản lý qua lại giữa Trung Quốc và California. Nhưng nay United và nhiều hãng hàng không đã ngưng các chuyến bay đến Trung Quốc và chuỗi sản xuất của Foxconn đang thiếu nhân công, như vậy COVID-19 khiến số iPhone được Apple đưa ra bán sẽ giảm 5 đến 10% trong quý này. Apple cảnh báo doanh thu quý này sẽ không đạt mục tiêu do dây chuyền sản xuất iPhone ở Trung Quốc tê liệt và nhu cầu tại đây sụt giảm.

Có ba lý do khiến cho các tập đoàn đa quốc gia những tháng tới sẽ khó khăn hơn. Trước hết, là do chiến lược giảm giá thành và lượng hàng dự trữ của một số công ty chỉ còn đủ vài tuần. 

Thứ hai, nhiều tập đoàn ngày nay lệ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc nhiều hơn thời dịch SARS, thời điểm đó Trung Quốc chỉ chiếm 4% GDP thế giới còn nay lên đến 16%. Trung Quốc chiếm 40% xuất khẩu toàn thế giới về dệt may, 26% đồ gỗ; đồng thời tiêu thụ đến 20% khoáng sản toàn cầu. 

Đầu tháng 2/2020, Apple đã phải thông báo sẽ đóng cửa tạm thời toàn bộ cửa hàng ở Trung Quốc.

Từ 2003 đến nay, các nhà máy vùng duyên hải đã mở rộng đến vùng nội địa nghèo hơn, như Vũ Hán, sự dịch chuyển của công nhân khiến chuỗi sản xuất dễ tổn thương hơn. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp Trung Quốc nay không chỉ lắp ráp mà còn sản xuất. 

Lý do thứ ba, Hồ Bắc là trái tim của "thung lũng sợi quang", với nhiều nhà sản xuất thiết bị cần thiết cho mạng lưới viễn thông, chiếm đến 25% số cáp quang. Một trong những nhà máy sản xuất chip hiện đại nhất Trung Quốc, làm ra bộ nhớ flash cho smartphone cũng đặt tại đây. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là điện tử, xe hơi do thiếu linh kiện.

Vẽ lại bản đồ sản xuất của thế giới - chuyện không đơn giản

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc được mệnh danh là "công xưởng của thế giới". Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp "bừng tỉnh". Giới chuyên gia cho rằng, những doanh nghiệp có khả năng tránh được gián đoạn sản xuất trong giai đoạn này là những doanh nghiệp đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Chắc chắn đó là động thái mà không ít công ty đã nghiên cứu trong nhiều năm, đặc biệt khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung lên đến đỉnh điểm, các biện pháp thuế quan leo thang đã thúc đẩy họ thực hiện mục tiêu đó.

Tùy thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh mà các công ty có thể sẽ "hỗ trợ" xây dựng cơ sở vật chất tại một số quốc gia khác. Nhưng kể cả khi COVID-19 là yếu tố cuối cùng thúc đẩy các công ty rời khỏi Trung Quốc thì việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. 

Bởi việc vận hành một chuỗi cung ứng tầm quốc tế bao gồm rất nhiều yếu tố phức tạp, từ cơ sở vật chất cho tới năng suất và thử nghiệm. Không những thế việc dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc cũng chưa đủ để đảm bảo việc độc lập hoàn toàn với quốc gia này. 

Chẳng hạn, bên cạnh vị trí là nhà xuất khẩu quần áo và giày dép lớn nhất, Trung Quốc còn là nhà xuất khẩu vải may mặc hàng đầu. Vì vậy, dù một doanh nghiệp có đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, "công xưởng hàng đầu", thị trường tiêu thụ khổng lồ, Trung Quốc vẫn chi phối vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ của thế giới.

Hàng không, du lịch thất thu nặng

Nhưng thiệt hại nặng nề nhất thời gian qua là các hãng hàng không và du lịch. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá sự bùng phát của dịch COVID-19 có thể khiến các hãng hàng không toàn cầu thiệt hại 29 tỷ USD do ngành du lịch chịu tác động nặng nề. 

Năm 2019, ngành hàng không Trung Quốc phục vụ 671 triệu hành khách trên các chặng nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết nhu cầu bay tại nước này lao dốc tới 70% kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Một số hãng như Cathay Pacific Airways và China Southern Airlines đã cho nhân viên nghỉ phép hoặc yêu cầu nghỉ phép tự nguyện. 

Còn Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết 70 hãng hàng không đã hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, trong khi 50 hãng khác phải giảm hoạt động. Các ước tính sơ bộ cho thấy, điều này đồng nghĩa với việc giảm gần 20 triệu hành khách so với dự báo trong quý I-2020, tương đương với mức thất thu tới 5 tỷ USD.

Giáo sư tài chính David Yu thuộc Đại học New York ở Thượng Hải nhận định các biện pháp hạn chế đi lại nhằm hạn chế dịch COVID-19 đang đẩy hàng loạt hãng hàng không ở châu Á vào khủng hoảng, thậm chí tới bờ vực phá sản. Các hãng hàng không châu Á đã bỏ lỡ mùa cao điểm đi lại vào Tết Nguyên Đán vừa qua và sẽ phải đợi tới các tháng cao điểm mùa hè. Tuy nhiên, với việc dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và lây lan tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran... tình hình thị trường mùa hè vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.

Cùng với ngành hàng không, ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề. 5 công ty dịch vụ hàng hải toàn cầu đã ngừng khai thác dịch vụ đến và đi từ Trung Quốc cho đến tháng 5 tới, trong đó có Norwegian Cruise Line, Holland America Line, Regent Seven Seas Cruises, Oceania Cruises và Cunard.Đáng chú ý, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã lan rộng tới ngành "công nghiệp không khói" ở nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương như Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia, Ấn Độ, Australia, New Zealand… 

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, ước tính có khoảng 200 triệu khách Trung Quốc du lịch nước ngoài hàng năm, đồng thời du khách Trung Quốc cũng là đối tượng chi tiêu du lịch hàng đầu thế giới với khoảng 277 tỷ USD/năm.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.