Phố đi bộ khu vực Hồ Gươm:

Thế thôi, cũng đã đủ rồi!

Chủ Nhật, 11/09/2016, 15:45
Mới triển khai toàn bộ khu vực Hồ Gươm thành tuyến phố đi bộ kể từ dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa rồi, một chủ trương thu hút được sự quan tâm của nhiều người, nhưng cũng đã có không ít ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về lợi ích cũng như việc ảnh hưởng tới nhân dân trong khu vực. Hãy nhìn nhận một cách khách quan!

Nếu như bất cứ ai đó đã có dịp đi ra nước ngoài, nhất là những thành phố ở châu Âu, như các thành phố có nhiều địa chỉ văn hóa ở Pháp chẳng hạn, sẽ thấy các tuyến phố, khu văn hóa du lịch rộng thênh thang hoàn toàn dành cho những người đi bộ, rộng tới mức đi mỏi cả chân và cả ngày cũng không hết.

Và đương nhiên, nếu nhìn lại Hà Nội, chúng ta có quá ít những nơi dành riêng cho người đi bộ ngoại trừ khu vực chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân và tuyến phố đi bộ nằm trong phố cổ mới mở rộng.

Vì vậy, dễ hiểu, bộ phận đã từng “mục sở thị” ở ngoài sẽ rất vui và hưởng ứng cho chủ trương đi bộ của tuyến phố. Trong những luồng ý kiến, có người cho rằng, tuyến phố đi bộ này hầu như không có hoạt động gì ngoài việc gần như chỉ toàn người đi bộ nhìn ngắm nhau.

Ý kiến này có lẽ xuất phát từ tâm lý hội hè kiểu mới rườm rà và đình đám như ở ta thường tổ chức vào các dịp lễ trọng đại hay một dịp kỷ niệm nào đó tại các địa phương. Chẳng hạn như một lễ hội đường hoa, đường sách, kỷ niệm thành lập tỉnh, hay mở một phiên chợ quê.

Cũng có thể không ít người mong muốn, chính những không gian thừa thãi của những tuyến phố sẽ thú vị hơn nếu ở đó xuất hiện thêm các dịch vụ như giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, các mặt hàng liên quan đến thời trang và hội họa… Thực ra, điều đó cũng hay nhưng vô hình trung, nó lại không còn là tuyến phố đi bộ nữa, mà sẽ lại trở thành khu chợ đêm như bao chợ đêm khác trên khắp đất nước này.

Tất nhiên, khi đã thiên về suy nghĩ gần như kiểu hội chợ thương mại như vậy thì phố đi bộ quanh Hồ Gươm cũng chẳng có hoạt động gì thật. Vì khu vực Hồ Gươm sau khi thành phố đi bộ vẫn chỉ  là khu vực Hồ Gươm, khác chăng là nó được ngăn cách bởi các hàng rào thép không cho phương tiện giao thông đi vào, trừ những người đi bộ.

Nhưng nếu lại nhìn vào phương thức hoạt động của một số nơi ở Paris, cung điện Versailles… nó cũng ở tình trạng tương tự như khu vực Hồ Gươm, hầu như rất ít hoạt động thương mại, có các quầy hàng lưu niệm nhưng không tràn lan cả tuyến phố giống như cái chợ…

Song nếu nhìn từ khía cạnh văn hóa lịch sử, thì bản thân khu vực Hồ Gươm không cần phải tô điểm thêm những hàng quán, những hoạt động kiểu lễ hội đời mới cũng đã rất thú vị cho du khách tới đây. Không chỉ với du khách, khu vực Hồ Gươm gắn với hoạt động này còn hữu ích với chính những người gắn bó với Hà Nội.

Thử nghĩ, thay vì vội vã phóng xe qua các con phố hằng ngày, họ được sống chậm lại, tĩnh tâm tản bước trên những con phố quen, thưởng ngoạn những nét đẹp về cảnh quan một vòng xung quanh hồ cũng là điều thú vị cho ngày cuối tuần. Ấy còn chưa kể, bản thân khu vực Hồ Gươm đã là một địa chỉ với nhiều giá trị truyền thống có vị trí trong lịch sử văn hóa dân tộc.

Chẳng hạn, Tháp Rùa, Tháp Hòa Phong, khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ - vườn hoa nhà kèn, rồi Tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Nhà hát múa rối Thăng Long, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nối vào các con phố Hàng Bài, Hàng Đào, Cầu Gỗ của Hà Nội 36 phố phường xưa kia luôn tấp nập bán mua, rồi tiếp tục là nhà hàng Thủy Tạ, tòa soạn báo Nhân dân, đền Vua Lê… Ẩn trong mỗi một di tích vật chất đang hiện hữu ấy là biết bao điều thú vị.

Chỉ cần khám phá về Tháp Bút - Đài Nghiên tại sao lại có ở đó, tại sao lại “viết lên trời cao những khát vọng ngàn đời” (lời bài hát “Truyền thuyết Hồ Gươm” của Hoàng Phúc Thắng), tại sao nếu đứng ở một thời điểm nào đó và phải nhìn vào bóng của Tháp Bút mới khám phá được bí ẩn của sự hiện diện Tháp Bút ở địa điểm được coi là linh thiêng của Thăng Long - Hà Nội. Ngay kể cả Hồ Gươm, đẹp là vậy, có vị trí quan trọng là vậy mà lại được ví như giọt nước mắt, vậy nó có mối liên quan gì tới lịch sử văn hóa dân tộc?

Khán giả xem nghệ thuật truyền thống tại khuôn viên đền Vua Lê – trên phố Lê Thái Tổ.

Và vẫn còn đó truyền thuyết rùa thiêng trả thanh kiếm báu để nói về tinh thần quyết tâm chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, đồng thời nói lên khát khao dân tộc không có chiến tranh, được sống trong hòa bình. Chừng ấy thôi, quá đủ để Hồ Gươm không cần thêm bất cứ một điều gì nữa cũng xứng đáng trở thành phố đi bộ.

Ấy còn chưa kể, sự hiện diện của một số tốp nghệ sĩ chơi các thể loại âm nhạc khác nhau được ban tổ chức bố trí đều dọc trên tuyến phố cũng là một dấu ấn của sự kết hợp giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của dân tộc.

Nếu đi bộ lướt qua phố Tràng Tiền sẽ bắt gặp những chàng trai trẻ chơi nhạc cụ dân tộc đầy ngẫu hứng và cũng hết sức nghệ sĩ, rồi sân khấu ca nhạc dân gian ở tượng đài vua Lý Thái Tổ, sân khấu tại khu vực đền Bà Kiệu, một chiếu chèo vẫn sáng đèn thường xuyên bên trong khu vực đền Ngọc Sơn, còn rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long liên tục một ngày hàng chục suất diễn phục vụ du khách, những điểm diễn nho nhỏ của một nhóm nhạc ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, một sân khấu âm nhạc dân gian trình diễn xẩm, quan họ, hát văn… ngay trong khuôn viên đền Vua Lê trên phố Lê Thái Tổ…

Đủ cả các hình thức nghệ thuật giải trí từ truyền thống đến đương đại phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt cũng là một nét thú vị cho những ai muốn khám phá đời sống tinh thần của người Hà Nội xưa và nay.

Dẫu thế, cũng phải thừa nhận từ bỏ một thói quen để làm quen với một quy định mới sẽ khó tìm ngay được tiếng nói đồng thuận tuyệt đối.

Dễ hiểu với đặc thù đã trở thành nếp nghĩ, nếp sống của dân tộc ấy là phố cũng là chợ, nhà cũng là cửa hàng vốn nảy sinh từ văn hóa làng xã của người Việt, thì hoạt động kinh doanh của các nhà mặt tiền trên tuyến phố vốn đông đúc xe cộ qua lại vào bậc nhất Thủ đô như khu vực vòng quanh Bờ Hồ nay bỗng trở nên đìu hiu vì người dân chưa có thói quen gửi xe đi bộ vào mua hàng là điều thiệt thòi mà các hộ kinh doanh gặp phải khi tuyến phố đi bộ được triển khai.

Hay việc phục vụ nhu cầu thiết yếu như cung cấp các dịch vụ ăn uống nhẹ (quà bánh, nước uống) hay nhu cầu vệ sinh chưa được đáp ứng đầy đủ… là những tồn tại cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Một mặt khác, mặc dù thành phố đã bố trí những điểm gửi xe miễn phí phục vụ nhân dân và du khách đến vãn cảnh Hồ Gươm nhưng vẫn phát sinh những dịch vụ trông xe với giá “cắt cổ”, có nơi lên tới 50 nghìn đồng như có ý kiến đã nói trên một tờ báo cũng là điều cần nhanh chóng được xử lý dứt điểm. Song, cá nhân tôi cho rằng, không nên xuất hiện quá nhiều các hoạt động kinh doanh trong không gian phố đi bộ.

Càng không thể biến khu vực Hồ Gươm đi bộ thành khu chợ đêm, điều này sẽ phá đi không gian văn hóa mang tính thiêng của nơi đây. Có thể, ngành du lịch thành phố thử nghiên cứu bố trí thêm đội ngũ hướng dẫn viên để “mở” các “khóa” đầy thú vị của thông điệp di sản cho nhóm những du khách có nhu cầu muốn khám phá các giá trị văn hóa khu vực Hồ Gươm.

Tuy nhiên, điều này nếu có cũng chỉ để phục vụ một lượng nhỏ du khách đặt chân đến khu vực Hồ Gươm. Còn phần lớn tới đây, tôi cho rằng, chỉ đơn thuần để đi bát phố. Điều đó cũng cần thiết lắm chứ, tại sao lại không?

Một tiết mục văn nghệ diễn ra ngay bên Hồ Gươm.

Nói tóm lại, khu vực Hồ Gươm hãy cứ nên giữ đúng tinh thần là phố đi bộ, trước mắt vào dịp cuối tuần. Vượt lên trên vai trò là tuyến phố đi bộ đơn thuần, bản thân Hồ Gươm cũng là một di sản văn hóa quý với một cụm các di tích lịch sử quan trọng bao trùm lên nhiều ý nghĩa khác nhau từ tâm linh cho đến trí tuệ cũng như nghệ thuật… của dân tộc.

Có nghĩa là, bản thân những điều đã có trong chính nội tại của khu vực Hồ Gươm cũng đủ yếu tố để nơi đây trở thành tuyến phố đi bộ.

Cho nên không cần phải thêm những hoạt động nào khác cho rườm rà, chỉ cần bổ sung những dịch vụ tiện ích phục vụ việc du ngoạn Hồ Gươm, khám phá nét đẹp của một địa điểm có vị trí đặc biệt của Hà Nội cũng như cả nước. Thế thôi, đã rất đủ rồi!

Nguyễn Quang Long
.
.
.