Thêm cơ hội cho Tổng thống Putin

Chủ Nhật, 15/03/2020, 07:31
Ngày 11-3-2020, trong vòng thảo luận thứ ba, Duma Quốc gia (Hạ viện) Liên bang Nga đã thông qua dự luật về một số sửa đổi Hiến pháp, trong đó có điều khoản cho phép đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nắm quyền lực tối cao ở Moskva từ năm 2000, có thể trụ lại ở vị trí nguyên thủ quốc gia thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa.

383 đại biểu đã bỏ phiếu thuận và không có một phiếu chống nào. Chỉ có 43 đại biểu bỏ phiếu trắng, đó là các nghị sĩ thuộc đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) của ông Guennadi Zyuganov...

Yêu cầu của thời cuộc

Hiến pháp Liên bang Nga hiện nay được phê chuẩn ngày 12-12-1993, trong bối cảnh tan rã của Liên bang Xôviết và chuyển đổi nền tảng tư tưởng quốc gia. Từ đó đến nay đã quá nhiều bèo trôi nước chảy và nước Nga, như chính đương kim Tổng thống Nga nhận xét, cần có một văn bản luật pháp chính yếu đầy đủ hơn để đáp ứng các yêu cầu mới của thời cuộc. 

Chính vì thế nên trong thông điệp đọc trước Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ngày 15-1-2020, người đứng đầu Điện Kremlin đã công bố một số đề nghị sửa đổi đối với bản Hiến pháp hiện hành đồng thời với việc đưa ra khá nhiều giả thuyết, trong đó có việc vũng cố Quốc hội và thành lập Hội đồng Quốc gia mà ông có thể sẽ trở thành người lãnh đạo…

Những đề nghị sửa đổi đó nhằm phân định rõ ràng ràng hơn quyền hạn và trách nhiệm giữa Tổng thống, Thủ tướng và Quốc hội, tạo thêm uy lực và không gian hành xử cho người đứng đầu quốc gia...  

Tới ngày 20-1, Tổng thống Putin đã gửi tới Duma Quốc gia Nga bản dự thảo các sửa đổi Hiến pháp và ngày 23-1, bản dự thảo này đã được thông qua ngay trong lần thảo luận đầu tiên. Tiếp theo, bản dự thảo của Tổng thống đã được tổ công tác gồm các chuyên viên cùng các chuyên gia rất am hiểu công việc của mình tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở các đề nghị sửa đổi do các nghị sĩ thuộc các chính đảng có chân trong Duma Quốc gia gửi tới… 

Theo thống kê do Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin công bố ngày 6-3, tổ công tác đã nhận được 387 sáng kiến lập pháp, 387 đề nghị sửa đổi Hiến pháp. Khoảng 200 ý kiến được chấp nhận và 177 đề nghị đã bị bác bỏ…

Ngày 2-3-2020, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi tới Duma Quốc gia Nga những đề nghị sửa đổi mới bổ sung cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Theo Chủ tịch Duma Quốc gia Volodin, những bổ sung của ông Putin được trình bày trên 24 trang văn bản. Trong số này có đề nghị xác định người dân Nga như một dân tộc tạo dựng nên quốc gia. 

Ông Volodin tiết lộ rằng, theo những đề nghị sửa đổi mới, "ngôn ngữ chính thức của Liên bang Nga trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia là tiếng Nga với tư cách là tiếng nói của dân tộc đã tạo dựng nên quốc gia", đồng thời, dân tộc Nga tham gia vào liên minh  của các dân tộc của quốc gia bình đẳng với nhau…

Theo Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin, những sửa đổi Hiến pháp, chủ yếu liên quan tới các điều khoản từ 3 tới 8, cần thiết bởi những đòi hỏi của thời cuộc hôm nay và nhu cầu của xã hội. Ông cũng nhấn mạnh rằng, vẫn nguyên vẹn trong Hiến pháp là các nguyên tắc căn bản và những tiêu chí của đạo luật chính thể hiện trong các chương 1, 2 và 9. 

Ông Volodin cũng cho biết thêm, trước khi những điều khoản sửa đổi trong Hiến pháp được đưa ra cho toàn dân bày tỏ ý kiến, các đại biểu Duma Quốc gia Nga sẽ đi giải thích cho các cử tri ở các địa phương về mọi  thay đổi đã được thảo luận trước đó tại Hội đồng Duma Quốc gia…

Trị sự hanh thông

Ngày 10-3, trong lần thảo luận thứ hai với sự có mặt của đương kim Tổng thống Nga, đại biểu Duma Quốc gia Nga từ năm 1999 Aleksandr Karelin, võ sĩ, ba lần vô địch Olymlic, đã đưa ra đề nghị bổ sung thêm một điều khoản sửa đổi Hiến pháp về việc bầu cử Duma Quốc gia trước thời hạn. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị ông Putin lên tiếng phê phán nên rốt cuộc hạ nghị sĩ Karelin đã phải rút lui lại đề nghị của mình. 

Trong khi đó, cũng trong ngày 10-3, người đứng đầu Điện Kremlin lại tuyên bố rằng, nếu Duma Quốc gia Nga cũng đồng ý thì ông sẽ ủng hộ đề nghị của nhà nữ du hành vụ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Tereshkova, đại biểu Duma Quốc gia Nga từ năm 2011, về việc bổ sung vào Hiến pháp điều khoản về việc "xí xóa" các nhiệm kỳ tổng thống trước. 

Bà Tereshkova nhấn mạnh trên tờ Vedomosti: "Việc gì mà phải bày ra những hạn chế nhân tạo nào đó? Tất cả cần phải được xem xét một cách trung thực, công khai, minh bạch và nói chung cần phải xóa bỏ các hạn chế về số nhiệm kỳ tổng thống trong Hiến pháp. Hoặc là, nếu điều này cần có do hoàn cảnh bắt buộc hoặc do người dân muốn vậy thì cần phải xem xét cơ hội cho các tổng thống đương nhiệm lại ra ứng cử vào chức vụ này".  

Cũng hòa đồng với bà Tersshkova, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đã tuyên bố trước khi bỏ phiếu: "Khi đưa ra quyết định ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tuân thủ theo quan điểm mà Vlasdimir Putin đã bày tỏ…". Và Duma Quốc gia Nga cuối cùng đã chấp nhận đề nghị sửa đổi Hiến pháp của bà Tereshkova, cho phép đương kim tổng thống có thể trụ lại trong Điện Kremli thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa kể từ cuộc bầu cử năm 2024… 

Trong cuộc gặp với lãnh đạo bốn chính đảng chủ yếu có chân trong Duma Quốc gia (đảng Nước Nga thống nhất, đảng Cộng sản Liên bang Nga, đảng Dân chủ Tự do Nga và đảng Nước Nga công bằng) ngày 6-3 tại Điện Kremli, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do Nga Valdimir Zhirinovsky nhận xét rằng, các đề nghị sửa đổi nhìn chung đều có tác dụng tích cực, mang tính cải thiện tình hình. 

Là người từng tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1993, ông Zhirinovsky nhấn mạnh: "Tôi không nhìn thấy bất cứ một sửa đổi nào mang tính tiêu cực…" và vì thế, phản ứng của các công dân đối với dự án mới này sẽ không thể không tích cực… 

Về thể thức, văn bản mà Duma Quốc gia Nga vừa thông qua còn cần phải được Thượng viện Nga và cơ quan lập pháp ở các địa phương thông qua, rồi sau đó, sẽ được trình lên tổng thống ký. Theo các phương tiện truyền thông Nga, Tổng thống Putin dự định sẽ ký văn bản đồng ý với các điều khoản sửa đổi Hiến pháp vào ngày 18-4 tới, ngày kỷ niệm sáp nhập khu vực Krym vào nước Nga. 

Tiếp theo, ngày 22-4 tới, người dân Nga sẽ bỏ phiếu để bày tỏ thái độ của mình đối với từng điều khoản sửa đổi Hiến pháp được các cơ quan lập pháp thông qua. Và Tòa án Hiến pháp cũng sẽ đưa ra đánh giá của mình. Nếu 50% số cử tri Nga đồng tình với các điều khoản sửa đổi  thì văn bản trên sẽ chính thức có hiệu lực…

Quang cảnh họp và kết quả bỏ phiếu ở Duma Quốc gia Nga.

Phản ứng nhiều chiều

Theo lời Tổng thống Nga, những điều khoản sửa đổi Hiến pháp được đưa ra do "nhu cầu của cuộc sống" chứ không phải do ham muốn ở lại tiếp tục cầm quyền của ông. Ông lý giải về việc cần phải xác định rõ ràng và vững chắc, và bền lâu hơn vai trò và quyền hạn của tổng thống trong văn bản luật pháp chính yếu của đất nước như sau: "Nước Nga đã hoàn thành "Kế hoạch làm cách mạng" của mình. 

Chính tổng thống là đảm bảo cho Hiến pháp, còn nếu như nói một cách đơn giản hơn, là đảm bảo cho an ninh của quốc gia chúng ta, sự ổn định nội tại và, tôi xin nhấn mạnh, sự phát triển tiến hóa nội tại". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cũng đang thấy mức độ phức tạp đến đâu đang hình thành trong nền chính trị thế giới, trong lĩnh vực an ninh, trong nền kinh tế toàn cầu. Ở đây còn là việc virus Corona đang bay tới nước ta, rồi giá dầu mỏ đang nhảy múa và cùng với nó là tỉ giá đồng tiền nội địa và chứng khoán…". 

Ông cũng nói thêm: "Tôi ý thức rất rõ tránh nhiệm cá nhân của mình trước các công dân Nga và thấy rõ, mọi người, ít nhất là đại đa số mọi người hiện đang chờ đợi sự đánh giá của chính tôi, những quyết định về các vấn đề then chốt trong xây dựng chính quyền quốc gia của đất nước trong thời điểm hiện nay và sau cả năm 2024."

Theo số liệu do tổ chức thăm dò dư luận xã hội Levada vừa mới đưa ra, hiện có tới 47% số người Nga được hỏi ý kiến cho rằng, những sửa đổi Hiến pháp cần thiết trước hết để đương kim tổng thống trụ lại trong Điện Kremli sau cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào năm 2024. Những sửa đổi Hiến pháp mới sẽ cho phép đương kim Tổng thống Nga (hiện đang ở tuổi 67) có thể tiếp tục làm chủ Điện Kremli cho tới năm 2036 (tức là thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa). 

Theo nhận xét của nhà chính trị học Konstantin Gaaze, một cựu cố vấn của Chính phủ Nga, khi đồng tình với các sửa đổi Hiến pháp mới, Vladimir Putin đã đảm bảo cho mình thêm nhiều phương án hành động trong giai đoạn kết thúc nhiệm kỳ tổng thống hiện nay: "Ông Putin tự thuyết phục được mình  rằng ông là người không thể nào thay thế được nên ông đã  tự xếp mình vào vị trí cá nhân đảm bảo duy nhất cho tương lai của giới tinh hoa".

Cũng như kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Nga, thực tế trong xã hội Nga cho thấy, những sửa đổi Hiến pháp mới được thông qua không gây ra những phản ứng tiêu cực đáng kể trong các tầng lớp nhân dân Nga. Tuy nhiên, thái độ của phương Tây đối với những sự kiện này, như thường lệ, đều không thuận chiều… Tờ Nhật báo Phố Wall trong bài viết của ban biên tập đã nhận xét: "Vladimir Putin dã dọn sạch đường để tiếp tục cai trị nước Nga cho đến độ tuổi mà ông sẽ kỷ niệm ngày sinh lần thứ 83 của mình. Không ai và không ở đâu cảm thấy ngạc nhiên cả…"

Tuy nhiên, ai nói gì thì nói, nước Nga vẫn đi theo con đường phát triển riêng, vì như chính ông Putin đã không chỉ một lần nhấn mạnh, không ai bên ngoài có thể làm kim chỉ nam cho những gì mà người Nga quyết định về số phận của mình.

Hồng Thanh Quang
.
.
.