Hàng chục ngàn phụ huynh và học sinh chung nỗi lo

Thi hay không thi THPT?

Chủ Nhật, 19/04/2020, 07:46
Trước bối cảnh học online, trực tuyến chưa đánh giá được hiệu quả và đang nảy sinh nhiều bất cập như hiện nay, liệu kết quả thi THPT quốc gia (nếu vẫn được tổ chức) có đủ để làm căn cứ cho các trường ĐH xét tuyển hay không?

Trước câu hỏi đang được dư luận đặc biệt quan tâm “có nên bỏ kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia?”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết nếu học sinh có thể quay lại trường học trước ngày 15/6 thì các em lớp 12 vẫn có thể tham gia kỳ thi THPT quốc gia với tinh thần giảm nhẹ nhiều nhất có thể. 

Học sinh lớp 12 vẫn có 3 tuần ôn tập trước kỳ thi quốc gia. Các phương án khác chỉ được tính đến nếu học sinh đi học muộn hơn ngày 15/6. Nếu trong điều kiện dịch kiểm soát được nhưng thời điểm học sinh đi học lại, lại chậm hơn 15/6 thì Bộ GD&ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi THPT quốc gia phù hợp hơn”. 

Nhiều trường đại học (ĐH) dù đã dự kiến “kịch bản” tuyển sinh nhưng cũng lo lắng, thậm chí có trường còn chưa biết sẽ xoay theo hướng nào…

Đỏ mắt chờ quyết định của Bộ GD&ĐT

Những ngày qua, cả gia đình chị Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất căng thẳng, liên tục theo dõi những chỉ đạo, điều chỉnh của Bộ GD & ĐT về chương trình học, về kỳ thi vì năm nay con chị học lớp 12 sẽ tham gia xét tuyển ĐH. 

“Tuy Bộ GD&ĐT đã “trấn an” bằng một phương án thi nhẹ nhàng nhất có thể nhưng tôi không thể an tâm vì như vậy vẫn sẽ có một kỳ thi. Năm học này có quá nhiều biến động bởi dịch bệnh, việc dạy và học online lần đầu tiên được triển khai trên diện rộng với hiệu quả còn ở mức khiêm tốn, học sinh lớp 12 dù nếu được thi "với tinh thần giảm nhẹ nhiều nhất có thể", mà đã thi là căng thẳng, là tốn kém. 

Do đó, tôi đề nghị, Bộ GD&ĐT nên cho xét tốt nghiêp với học sinh có nhu cầu công nhận tốt nghiệp và tổ chức thi với học sinh có nhu cầu vào ĐH, như vậy sẽ thỏa mãn được nhu cầu khác nhau của các đối tượng”, chị Hương nói.

Cũng tâm trạng như chị Hương, anh Tuấn ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) căng thẳng hơn vì năm nay anh dự kiến cho con đi du học. Nhưng trường con anh du học đòi hỏi học sinh phải có bằng tốt nghiệp THPT trước ngày 15/8, nếu sau ngày đó mới có thì coi như cháu mất cơ hội du học (mất luôn suất học bổng 50%). 

Theo anh Tuấn, khung điều chỉnh kế hoạch năm học lần 2 của Bộ GD&ĐT đã lùi kỳ thi đến 8-11/8, nhưng dịch bệnh như này chưa chắc đây đã là mốc lùi cuối cùng. Do đó, “việc đi du học của con tôi vẫn phải “treo”, anh Tuấn chia sẻ.

Không chỉ chị Hương, anh Tuấn, hiện hàng chục ngàn phụ huynh đang “đứng ngồi không yên” vì lo tương lai con em mình. Nhiều người cho rằng Bộ GD&ĐT nên bỏ thi THPT quốc gia, đây là phương án tối ưu. Hãy giao cho từng trường THPT tự tổ chức kiểm tra đánh giá để công nhận tốt nghiệp. 

Các trường ĐH căn cứ bảng điểm 3 năm THPT để xét tuyển theo nguyện vọng (đây có thể coi là sơ tuyển đầu vào), sau đó, các trường ĐH sẽ kiểm tra lại năng lực của thí sinh bằng một bài test hoặc một kỳ thi phụ. 

Năm nay không tổ chức thi thì xã hội sẽ tiết kiệm một khoản kinh phí không hề nhỏ trong lúc khó khăn này, đồng thời là tiền đề cho Bộ GD&ĐT giảm áp lực tiến tới bỏ hẳn kỳ thi THPT quốc gia…

Giáo viên chấm thi THPT quốc gia năm 2019.

Cần tính tới một kỳ thi "3 chung" rút gọn

Trước bối cảnh học online, trực tuyến chưa đánh giá được hiệu quả và đang nảy sinh nhiều bất cập như hiện nay, liệu kết quả thi THPT quốc gia (nếu vẫn được tổ chức) có đủ để làm căn cứ cho các trường ĐH xét tuyển hay không?

Trao đổi với PV Cảnh sát toàn cầu, Giáo sư (GS) Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho rằng trước hết phải thống nhất quan điểm và khẳng định rằng, nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia (xét tốt nghiệp THPT) hoặc vẫn tổ chức nhưng tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức thì đều là giải pháp tình thế. 

Đã là giải pháp tình thế thì chúng ta phải chấp nhận một thực tế là không thể đạt được một cách trọn vẹn các mục tiêu đã đặt ra của một kỳ thi. 

Theo GS Đinh Văn Sơn, trước kia, đã có một thời gian rất dài chúng ta tổ chức kỳ thi “3 chung” để các trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh. 

Mấy năm gần đây, khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, hầu hết các trường ĐH đều sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển theo các tổ hợp xét tuyển do từng trường xác định. Nếu kỳ thi THPT quốc gia năm nay được tổ chức theo hướng tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức thì chắc chắn việc xét tuyển sẽ khó khăn hơn. 

Ví dụ, các trường ĐH phải cơ cấu lại các tổ hợp xét tuyển, thực tế một số môn học có trong tổ hợp xét tuyển trước đây bây giờ không thi thì sẽ xử lý thế nào? Thay thế bằng thước đo nào? Các trường sẽ phải cân nhắc, tính toán để đi tới một giải pháp tốt nhất.

“Theo tôi, giải pháp tối ưu nhất cho kịch bản không có kỳ thi THPT quốc gia là Bộ GD&ĐT có thể nghiên cứu, tổ chức kỳ thi "3 chung rút gọn" để các trường tuyển sinh. Bởi vì kỳ thi này có thể tổ chức muộn được do diễn biến phức tạp khó lường của đại dịch COVID - 19. 

Tất nhiên, kỳ thi chỉ được tổ chức khi điều kiện cho phép. Kỳ thi “3 chung rút gọn" có thể hiểu vẫn là “3 chung”, nhưng rút gọn số môn thi, rút gọn số đợt thi. 

Không tổ chức các môn thi theo các khối A, B, C, D… và không tổ chức 2 đợt như trước kia, mà chỉ tổ chức 1 đợt với 5 hoặc 6 môn thi. Các trường sẽ căn cứ vào đó để xác định các tổ hợp môn thi xét tuyển phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo của trường mình. 

Kết quả thi này sẽ khách quan hơn rất nhiều so với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (vì do các trường đại học độc lập tổ chức coi thi và chấm thi, không có sự tham gia của địa phương). 

Một giải pháp nữa có thể tính đến trong bối cảnh hiện nay là các trường ĐH cùng khối ngành đào tạo có thể hợp tác cùng tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung cho các trường đó”, GS Đinh Văn Sơn kiến nghị.

Dù thi theo phương án nào thì chất lượng nguồn tuyển vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng “Bộ vẫn nên tổ chức thi, dù kỳ thi được giản lược môn thi đi hoặc tổ chức muộn hơn nữa. Đó là phương án tốt nhất hiện nay. 

Thật ra các trường không ngại tổ chức thi, mà ngại nhất là nếu không có kỳ thi THPT quốc gia sẽ hỗn loạn hệ thống, mỗi trường sẽ tuyển sinh một kiểu, như vậy sẽ có hàng trăm cuộc thi. Thí sinh như con rối, quay cuồng với các kỳ thi và xã hội lại như lên đồng, không khác gì cảnh lều chõng khổ sở các năm trước đây”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, phương thức thi cần được thông báo sớm cho thí sinh biết để các em chuẩn bị, nếu bây giờ mới thông báo, tháng 7 thi thì thí sinh chuẩn bị không kịp, khác gì “đánh úp”. 

“Trong bối cảnh này, nếu cuối cùng không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì các trường ĐH có thể xét học bạ/có thể thi. Nhưng phương thức thi, nội dung thi cần phù hợp với kiến thức học sinh đang học và đang ôn luyện. 

Thi THPT quốc gia cũng vậy, nếu thay đổi cũng cần phù hợp, nên tôi đồng ý với điều chỉnh của Bộ GD & ĐT vừa rồi. Thi chung, tinh giản nội dung, vẫn đảm bảo chất lượng”, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho hay.

Tuy nhiên, theo một hiệu trưởng một trường ĐH tại Hà Nội, “một kỳ thi vừa đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng lại phân hoá được quả là bài toán khó. 

Vì thế trường chúng tôi chưa biết quyết thế nào. Nhưng kiểu gì thì cũng phải thi, vì xét học bạ sẽ rất khó khăn cho các ngành cạnh tranh cao, ví dụ như ngành y, dược hay một số ngành điểm cao, xét học bạ toàn xuất sắc điểm 10 thì chọn sao đây”.

Nói về xét tuyển ĐH bằng học bạ, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau, có mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau, truyền thống, uy tín và chất lượng khác nhau, nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau. 

Thực tế cho thấy, một số trường THPT cũng không quá khắt khe khi đánh giá, thậm chí “tặng điểm” cho học sinh. Do đó, mặc dù có thể thí sinh có học bạ tốt và trúng tuyển vào ngành yêu thích, nhưng khi vào học, các em lại rất khó có thể theo học được, nhất là với những ngành đòi hỏi cao về kiến thức cơ bản như toán, lý, công nghệ thông tin, hóa, y dược, tự động hóa, cơ điện tử...

Do đó, GS Đức cho rằng, việc xét tuyển ĐH chỉ căn cứ vào học bạ, có thể nhàn cho các trường vì dễ tuyển sinh, nhưng khiến các trường ĐH đối mặt với rủi ro lớn về chất lượng đầu vào…

Mỗi trường một phương án tuyển sinh

Nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh và sẵn sàng phối hợp với các trường khác tổ chức thi tuyển sinh ĐH chung với phương án dự kiến thi 8 môn tương ứng với 9 tổ hợp xét tuyển đã công bố. Thời gian dự kiến tổ chức thi vào tháng 8/2020.

Trường ĐH Lâm Nghiệp dự kiến tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT, song chỉ sử dụng kết quả của 5 kỳ học (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) thay vì sử dụng kết quả học tập của 6 học kỳ như các năm trước.

Trường sẽ bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của các trường/nhóm trường có tổ chức kỳ thi riêng. Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngoài phương thức tuyển sinh bằng điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường còn tổ chức kỳ thi riêng, mở thêm cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp theo học. Kỳ thi riêng này sẽ được nhà trường tổ chức vào ngày 25/7…

Thu Phương
.
.
.