Thiếu cơ sở chăm sóc y tế cho người chuyển giới

Thứ Năm, 21/03/2019, 14:00
Việt Nam hiện có gần 300.000 người có giới tính dị biệt và mong muốn chuyển giới, nhưng số lượng người có đủ các khả năng để thực hiện phẫu thuật chuyển giới còn hạn chế.


Hệ thống y tế đã có những bệnh viện được cho phép phẫu thuật chuyển giới như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc sức khỏe của người chuyển giới là một câu chuyện quan trọng không kém. 

Hiện các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe suốt đời cho người chuyển giới còn rất hạn chế. Đây là một trong những lo ngại của những người thuộc cộng đồng LGBT (Cộng đồng gồm những người đồng tính luyến ái, song tính luyến ái và chuyển giới ở Việt Nam).

Tỷ lệ người chuyển giới hiện nay chiếm khoảng 0,3% - 0,5% dân số thế giới. 300.000 người thuộc cộng đồng LGBT ở Việt Nam là con số không hề nhỏ. Mặc dù vậy, sự phát triển của các cơ sở y tế có chức năng dành để chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới còn yếu và thiếu. 

Dù một số bệnh viện đã có thể phẫu thuật chuyển giới, nhưng phần lớn người có mong muốn chuyển đổi giới tính ở ta hiện vẫn phải ra nước ngoài phẫu thuật. Thái Lan có lẽ là đất nước được nhiều người chuyển giới lựa chọn đến để thực hiện các cuộc phẫu thuật nhiều nhất. 

Lý do, người chuyển giới muốn được an tâm về chất lượng dịch vụ y tế, cũng như được đảm bảo các thủ tục về mặt giấy tờ chứng minh họ đã thực hiện chuyển đổi giới tính.

Người phẫu thuật chuyển giới phải chịu nhiều rủi ro về sức khỏe. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn cho phẫu thuật chuyển giới, mỗi ca phẫu thuật chuyển giới từ đơn giản đến phức tạp có mức chi phí từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng, nên người chuyển giới có nhu cầu tìm cơ sở có kinh nghiệm, có uy tín. 

Việc thực hiện chuyển giới thành công mới thực sự là điểm bắt đầu của cuộc đời một người chuyển giới. Vì họ là những người cần được chăm sóc đặc biệt về sức khỏe sau đó. Tất cả những người chuyển giới đều gặp vô số vấn đề liên quan. Đầu tiên là việc tiêm hoóc-môn. Có thể nói, hoóc-môn là thứ bất ly thân, gắn bó với người chuyển giới trong suốt cuộc đời còn lại. 

Một vài nghiên cứu xã hội gần đây đã chỉ ra rằng, việc mua bán, sử dụng hoóc-môn ở Việt Nam vẫn bị coi là "phi chính thức". Chỉ có khoảng 25,2% những người đang sử dụng hoóc-môn đến tiêm tại cơ sở y tế hoặc được người có chuyên môn tiêm cho. 

Phần lớn còn lại người chuyển giới tự sử dụng thuốc và hoóc-môn dựa trên hướng dẫn của người có kinh nghiệm trong cộng đồng, không có sự trợ giúp để theo dõi quá trình ảnh hưởng của việc sử dụng hoóc-môn đối với sức khỏe. Hơn một nửa số người sử dụng hoóc-môn sử dụng nguồn cung cấp trôi nổi, từ người bán hoóc-môn trên mạng Internet hoặc các nguồn tư nhân. 

Việc không có dịch vụ khám và tư vấn chuyên môn trong việc sử dụng hoóc-môn dẫn tới người chuyển giới không có đơn từ bác sĩ, không tiếp cận được với nguồn thuốc từ các bệnh viện. Có đến 59,6% người chưa từng được khám và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng hoóc-môn. Điều này thực sự nguy hiểm đến tính mạng của người chuyển giới. 

Nguyễn Huỳnh Tố An (TP Hồ Chí Minh), một người chuyển giới nữ nổi tiếng trong giới LGBT từng chia sẻ với truyền thông rằng sau khi phẫu thuật chuyển giới thành công từ Thái Lan trở về, cô bị chảy máu vùng kín, nhiễm trùng nặng. Cô đã gõ cửa hầu hết các bệnh viện lớn ở thành phố, nhưng ở đâu cô cũng phải nhận những cái lắc đầu ái ngại. 

Mặc dù đã dốc sạch chi phí cho cuộc đại phẫu ở nước ngoài, Tố An vẫn phải cố gắng vay mượn tiền để bay sang Thái Lan lần nữa để nhờ sự giúp đỡ của y tế, nếu không tính mạng của cô sẽ gặp nguy hiểm.

Hoa hậu Hương Giang.

Khi phẫu thuật chuyển giới, một người phải đánh đổi khủng khiếp về sức khỏe. 25 đến 30 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ khác nhau để biến một người nam thành một người nữ và ngược lại. 

Họ phải chịu đựng những ca phẫu thuật  cắt bỏ vĩnh viễn những bộ phận cơ thể như: buồng trứng, tử cung, ngực, may đóng lỗ tử cung, kéo dài niệu đạo… đối với chuyển từ nữ sang nam hay thêm các bộ phận như ngực, bộ phận sinh dục nữ… khi từ nam sang nữ. 

Gần như các chức năng sinh sản của người chuyển giới đã bị phá hủy hoàn toàn. Tuổi đời của những người chuyển giới thường rất ngắn. Việc duy trì sử dụng hoóc- môn cả đời làm đảo lộn đồng hồ sinh học của mỗi người. Ước tính, người chuyển giới sẽ bị giảm 20 năm tuổi thọ so với người bình thường. 

BS Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, người chuyển giới có thể gặp nhiều rủi ro khi can thiệp y học. Trong đó, rủi ro của liệu pháp nội tiết tố với người sử dụng hoóc-môn nữ là sỏi mật, huyết khối tĩnh mạch, tăng men gan, tăng cân, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tăng prolactin máu… 

Còn với người sử dụng hoóc-môn nam sẽ là bệnh lý đa hồng cầu, rụng tóc, tăng cân, ngưng thở khi ngủ, tăng men gan, mỡ máu... Các androgen sinh dục nếu dùng thường xuyên không những tác động đến các yếu tố phụ của giới tính như lông, râu, tóc, mô mỡ trên cơ thể mà còn có thể gây ung thư và các bệnh về tim mạch… 

Hoa hậu chuyển giới quốc tế Nguyễn Hương Giang, một người có nhiều đóng góp nổi bật cho cộng đồng LGBT từng chia sẻ trên truyền hình, cô đã phải chịu cơn đau đầu do việc sử dụng hoóc-môn và các thuốc nội tiết. Có thời điểm cô còn bị mất trí nhớ tạm thời, cứ nói trước quên sau.

Với vô vàn những nguy cơ tiềm tàng về sức khỏe như vậy nên người chuyển giới cần được thăm khám thường xuyên. Họ cần tiếp cận các dịch vụ y tế hơn cả người bình thường để hiểu được những gì đang diễn ra trong cơ thể mình. 

Thông tin từ cộng đồng LGBT, một cuộc khảo sát hơn 600 người đã và mong muốn chuyển đổi giới tính cho kết quả, có đến 40% người đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở nước ngoài; 37,14% sử dụng dịch vụ của cơ sở y tế/bệnh viện tư nhân; 14,29% dịch vụ của cơ sở y tế/bệnh viện nhà nước và 8,58% can thiệp tại cơ sở y tế/bệnh viện quốc tế tại Việt Nam. 

Trong số đó, chỉ có 40% người có thể tự chi trả hoàn toàn cho việc phẫu thuật chuyển giới. Với chi phí can thiệp y học rất cao, nhiều người đã tìm đến các dịch vụ chui giá thấp và chính họ găp không ít rủi ro. 

Những người chuyển đổi giới tính có mong muốn rằng ngoài việc phẫu thuật ra họ cần phải được sử dụng các dịch vụ tư vấn tâm lý hoặc khám sức khỏe tâm trí. Hiện nay, chỉ có 16,4% số người tham gia khảo sát được tiếp cận dịch vụ này. 

Và họ tìm các dịch vụ này ở nước ngoài như Thái Lan hay các nước Australia, Mỹ, Malaysia, Pháp, Thụy Điển. Về việc khám chữa bệnh thường niên, có đến 94,3% người tham gia khảo sát đều bày tỏ mong muốn Bảo hiểm y tế nên giúp họ hỗ trợ trang trải chi phí các phẫu thuật chuyển đổi giới tính

Có một thực tế là, dù đã có nhiều thay đổi, nhưng xã hội vẫn còn tâm lý phân biệt đối xử, thậm chí kỳ thị người chuyển giới nên phần lớn họ có tâm lý ngại đến các cơ sở khám chữa bệnh công, mà thường tìm đến những phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, phần lớn phòng khám tư không đủ điều kiện khám và điều trị cho những bệnh nhân này. 

Có nhiều trường hợp phải chịu cảnh tiền mất tật mang. Bản thân người LGBT cũng ngại đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị các bệnh lý có sẵn, cũng như biến chứng hậu phẫu từ nước ngoài về. Một người chuyển giới ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, anh đã bị chính các bác sĩ ở một bệnh viện kỳ thị. 

"Khi vào BV cấp cứu, các y bác sĩ cứ hỏi đi hỏi lại: Cậu là nam hay nữ? Nữ mà sao ăn mặc kỳ vậy, tại sao lại xăm hình? Dù tôi giải thích mình là người chuyển giới nam nhưng ngay cả các y bác sĩ cũng tỏ thái độ kỳ thị. Sau này nếu bị bệnh chưa tới mức phải đi cấp cứu, tôi đều tự ra nhà thuốc Tây mua thuốc để tránh bị soi mói", anh này cho biết.

Ca sĩ chuyển giới Lâm Chi Khanh hạnh phúc bên chồng.

Bệnh viện công đầu tiên có dịch vụ thăm khám sức khỏe cho người chuyển giới hiện nay là Bệnh viện Bình dân (TP. Hồ Chí Minh). Đây là tin vui với những người chuyển giới. Khoa nam học của Bệnh viện đã mở dịch vụ chăm sóc cho người đồng tính, trong đó có người chuyển giới. Đây sẽ là một địa điểm đáng tin cậy về chuyên môn trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng LGBT. 

Trung tâm này mở cửa chiều thứ Sáu hàng tuần tại lầu 6 Khu Kỹ thuật cao của bệnh viện. Phòng khám luôn có đầy đủ các chuyên khoa, tư vấn tâm lý, đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Tại đây, những điều khó nói, những bệnh lý lây nhiễm qua tình dục, những trục trặc sau phẫu thuật chuyển giới ở nước ngoài… sẽ được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Người chuyển giới đích thực là những người dũng cảm và họ đã cố gắng sống thật với chính mình. Không phải ai cũng có đủ thì giờ, tiền bạc và sự chịu đựng đau đớn để đối mặt với hai tác nhân quan trọng của quá trình chuyển đổi giới tính, đó là phẫu thuật và các thuốc hoóc-môn. 

Những tác động này làm biến đổi một con người với những hệ lụy mà đằng sau mỗi số phận người chuyển giới là rất nhiều câu chuyện bi kịch. Bình đẳng cho người chuyển giới là giúp họ được tiếp cận với các thăm khám sức khỏe cũng như tư vấn tâm lý. Ngành y tế cần phải làm nhiều hơn nữa cho cộng đồng người chuyển giới. 

Để trong tương lai gần người chuyển giới sẽ bớt gặp phải những khó khăn trong điều trị, chăm sóc sức khỏe. Làm sao để mọi bệnh viện đều có đội ngũ bác sĩ chuyên môn có thể chăm sóc cho người chuyển giới để họ có thể theo dõi sức khỏe định kỳ ngay tại địa phương. 

Bùi Xuân
.
.
.