Thổ tặc

Thứ Ba, 28/02/2017, 21:33
Nhân dân cần những nhà quản lý biết nói và làm. Nhân dân cần có lãnh đạo đáng tin cậy trong việc “đòi lại” những không gian công cộng vốn dĩ của toàn dân. Muốn đất nước phát triển cần những nhà quản lý, nhà lãnh đạo như vậy.


Chuyện khó tin nhưng có thật. Với các bạn sống ở chung cư cũ, tôi sẽ tái hiện chân dung một người hàng xóm láu lỉnh của bạn, chính xác tới từng mi li mét, khiến bạn phải sởn gai ốc.

Bắt đầu nhé. Giữa các nhà chung cư có một khoảng lưu không. Một cái sân. Trẻ con đá bóng, bậc cao niên luyện Thái cực quyền, chị em sồn sồn rủ nhau mở nhạc, lắc mông giảm cân… Bây giờ đến gã hàng xóm láu lỉnh...

Gã hàng xóm đó không có gì kì dị về nhân tướng học. Nhà gã có thể trên tầng nhưng thôi, hãy coi gã ở tầng 1 đi. Gã có thể là một phó thường dân, một chuyên viên chính, một tiến sỹ có sừng có mỏ… nhưng chẳng có gì đáng quan tâm.

Điều lạ là gã tự dưng chơi cây cảnh. Gã bê về mấy chậu cây cảnh rồi ngày nào cũng tưới cho nó. Ít lâu sau, gã lại đua ra cái giàn, rồi trồng hoa giấy hay lan tiêu rủ xuống nên thơ.

Mà có khi gã cũng làm thơ. Ít lâu sau gã kê một cái ghế đá. Gã để mấy cái xe máy bên ngoài. Rồi xếp hàng gạch ba banh tạm phân biên giới. Các cụ dưỡng sinh, trẻ con đá bóng và chị em lắc mông phải vòng xa hơn. Rồi gã tráng xuống mấy mét vuông gạch bát tràng.

 Ít lâu sau, hắn lại mang các chậu cây cảnh "mở cõi" cho cái không gian ấy phồng ra. Họp xóm, bị góp ý thì hắn cười bảo “Chỉ là mấy cái cây cảnh vô hại ấy mà”.

Rồi gã treo vào cái giàn mấy cái lồng chim. Sau một thời gian, hắn xin đâu mấy tấm khung in bạt của sự kiện nào đó che lại. Ý gã chỉ là để bảo vệ chim thôi. Tổ dân phố nhắc nhở thì gã lại ca bài bảo vệ chim cũng là bảo vệ môi trường.

Quá trình tạo quen mắt này có thể trường kỳ đến vài năm. Đánh đùng một phát, mọi người thấy một cái nhà cấp 4 xây rất nhanh trên rẻo đất của gã. Hàng xóm báo cáo các cấp quản lý. Đội quản lý các cấp đều về đánh giá và nhắc nhở rồi đi. Nhưng công trình vẫn không bị hủy.

Khái niệm phạt cho tồn tại là một thứ hết sức mơ hồ mà thực sự tồn tại. Chỉ cần có thế, những gã thổ tặc khác cũng "mở cõi". Ở tầng cao cao thì đua dầm thép ra làm các "chuồng cọp". Kẻ ở tầng thượng thì đục nóc làm nhà cấp tốc. Các cấp quản lý lại phạt rồi cho tồn tại. Cái sân bị lấn dần thành cái ngõ.
Minh họa của Lê  Tâm.

Với tinh thần "bạn tài giỏi, tôi cũng thế", toàn thành phố, từ vỉa hè, thắng cảnh, đầm hồ cho đến các công trình uy nghiêm đều bị những tên thổ tặc xâm chiếm.

Quản lý buông lỏng thì tất cả mọi thành phần đều tự do gặm nhấm. Gặm nhấm để ở, để làm nhà hàng, để xây cao ốc… Kết quả là cảnh quan thành phố trở nên nhếch nhác.

Việc lập lại trật tự kỷ cương đã bao lần rầm rộ ra quân, nhưng nói mà không làm khiến nhân dân ngao ngán. Khi tất cả đều tự do xâm hại quyền tự do của nhau thì xã hội không còn chỗ tựa và mỗi cá nhân đều là nạn nhân của triệu cá nhân khác. Người thành phố dễ nổi điên với nhau.

Gần đây. Quận 1, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành đòi vỉa hè về cho người đi bộ. Với tinh thần thực hiện một Singapore giữa lòng thành phố, lãnh đạo quận đã cho đập bỏ tất cả những gì lấn chiếm, cho dù đó là trụ sở khu phố. Ô-tô công, biển xanh cũng bị thu gom hết. Quận này xử lý sòng phẳng không phân biệt dân hay cán bộ, tổ chức nhà nước.

Hà Nội cũng tiến hành dẹp bỏ hàng loạt các nhà nổi trái phép trên hồ Tây. Nhân dân ủng hộ tuyệt đối. Thật tuyệt vời nếu cả nước đều như vậy thì một Singapore toàn quốc là không xa tầm với. Nhân dân cần những nhà quản lý biết nói và làm. Nhân dân cần có lãnh đạo đáng tin cậy.

Còn bạn, bạn đã tâm phục khẩu phục những dòng tái hiện chân dung gã hàng xóm nêu trên chưa? Tiếp câu nữa, bạn có trồng cây cảnh không?

Lê Tâm
.
.
.