Lạm dụng quảng cáo trên phim truyền hình: Thô thiển và phản cảm

Thứ Hai, 18/06/2018, 13:42
Không chỉ là những slot quảng cáo sau mỗi đoạn phim, quảng cáo trên phim truyền hình bây giờ còn lấn sân vào từng tình tiết, lời thoại. Tài trợ phim truyền hình là một xu thế tất yếu, nhưng điều khán giả cần là hãy tài trợ một cách có văn hóa.


Quảng cáo trực diện "đổ bộ" phim truyền hình

Trước đây, quảng cáo trên phim truyền hình khiến khán giả khó chịu khi mỗi tập phim chỉ có 30 phút nhưng thời lượng quảng chiếm đến 15 phút, liên tục và dày đặc xen giữa các đoạn phim.

Xem phim 10 phút thì có đến 1, 2 phút quảng cáo. Hiện nay, phim truyền hình vẫn duy trì cách quảng cáo truyền thống đó. Nhưng mặt khác, nhiều hình thức quảng cáo mới đang được tận dụng tối đa trong các bộ phim truyền hình hot, hit hiện nay.

Quảng cáo lộ liễu trong “Tình khúc bạch dương”.

Quảng cáo được lồng ghép ngay trong lời thoại, thậm chí một vài phân cảnh trong phim, trực diện bằng sản phẩm. Vì thế, ngoài lợi nhuận từ việc quảng cáo khung giờ vàng, VTV còn thu lợi nhuận không nhỏ từ các nhãn hàng.

Nắm bắt thị hiếu khán giả, độ phủ sóng của phim truyền hình trong thời gian gần đây, các nhãn hàng không tiếc tiền đổ quảng cáo vào phim truyền hình. Quảng cáo được thực hiện trực tiếp ngay trong lời thoại và cảnh quay.

Ví như một nhãn hàng thời trang dành cho nữ giới đồng hành cùng series phim truyền hình như “Tuổi thanh xuân”, “Cả một đời ân oán”, “Tình khúc bạch dương” và nghiễm nhiên, showroom, quần áo cùng với nhãn mác của họ liên tục xuất hiện trong phim.

Hay một công ty bất động sản tài trợ cũng vậy, thương hiệu, thậm chí nhà cửa, khuôn viên của dự án này đều được đưa vào phim một cách lộ liễu. Hai năm trước, phần 2 của “Tuổi thanh xuân” cũng đã có quảng cáo cho một thương hiệu bánh. Nhưng thời lượng và mức độ rất vừa phải nếu không nói là “thua xa” mức quảng cáo của “Tình khúc bạch dương”.

Tuy nhiên, câu chuyện chi phí và lợi nhuận luôn là một bài toán đau đầu. Nhà sản xuất đang tận dụng tối đa các nguồn quảng cáo để thu lợi. Còn nhớ ở thời điểm hot nhất của phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”, mỗi phút quảng cáo nhà đài thu về 360 triệu đồng.

Vị chi, 10 phút quảng cáo họ đã có 3.6 tỷ. “Nhưng chi phí sản xuất rất lớn, nếu kèm theo quảng cáo banner chạy trong phim thì may ra mới đủ”- một nhà sản xuất cho biết.

Vậy bao nhiêu cho đủ. Và để chạy theo con số “bao nhiêu” ấy, rất nhiều bộ phim truyền hình đã không ngại ngần đưa quảng cáo vào phim một cách lộ liễu, thiếu tôn trọng khán giả.

Một cảnh nhằm quảng cáo trong Người phán xử tiền truyện.

Ví dụ điển hình là “Tình khúc bạch dương” đang phát sóng trên VTV1, trong ít nhất 3 tập phim, tên ngân hàng và tên một công ty bất động sản được nhắc đi nhắc lại trong lời thoại của phim. Thậm chí, nhiều cảnh quay cận logo, trụ sở, các dịch vụ của doanh nghiệp cũng được quay cận cảnh.

Một khán giả đã phản ứng với phim “Tình khúc bạch dương”: “Tại sao lại quảng cáo lộ liễu cho một ngân hàng hết cảnh này đến cảnh khác, hết tập này đến tập khác. Có những đoạn còn quảng cáo trực diện khi nhân vật quay ngay tại ngân hàng mà không ăn nhập gì với nội dung phim. Phim vốn hay nhưng những tập gần đây xem rất chán vì PR thô thiển. Xem nhiều tình huống là biết phim cố tình định hướng, cách quảng cáo như thế rất gây phản cảm”.

Mới đây, phim “Người phán xử tiền truyện” là bộ phim online đẩy mạnh quảng cáo đến mức nhiều khán giả phàn nàn là “lộ liễu”. Nhiều người cho rằng, nên gọi phim này là “Người quảng cáo”.

Cả 4 tập phim đều quảng bá, giới thiệu cho doanh nghiệp. Riêng tập 2 chỉ có 20 phút nhưng thời gian quảng cáo là 4 phút, chiếm 1/5 thời lượng phim. Hình thức quảng cáo chủ yếu bằng lời thoại và các cảnh quay, ngoài ra lôgô của thương hiệu vui chơi, giải trí còn chạy ở góc màn hình suốt thời gian dài của bộ phim. Xem phim, khán giả ức chế vì họ có cảm giác như đang xem quảng cáo trá hình chứ không phải đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật.

Nhìn chung, các phim truyền hình thu hút sự chú ý của khán giả hiện nay đều “được” các nhãn hàng đầu tư. Và đôi khi, câu chuyện tài trợ đã biến thành câu chuyện kinh doanh, PR một cách lộ liễu, phản cảm.

Lạm dụng quảng cáo - phi văn hóa

Thực tế, việc các nhãn hàng tài trợ cho phim ảnh là điều bình thường. Bởi ai cũng hiểu, chi phí cho một bộ phim truyền hình dài tập rất lớn, không thể chỉ dựa vào túi tiền của một tổ chức hay cá nhân nào. Xã hội hóa là một hướng đi đúng.

Và cú bắt tay giữa các doanh nghiệp và phim truyền hình là một xu hướng tất yếu đem lại lợi ích cho cả hai bên. Nhưng quảng cáo như thế nào để đảm bảo không bị lố, thể hiện sự tôn trọng đối với khán giả vì họ đang thưởng thức một sản phẩm văn hóa, đó là một câu chuyện đáng bàn.

Một cảnh trong “Tình khúc bạch dương” quảng cáo lộ liễu.

Ở các nước điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc hay cả những nền điện ảnh lớn Mỹ, việc quảng cáo trên phim truyền hình trở thành một nguồn lợi nhuận lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh.

Thu hút quảng cáo cũng là cách buộc phim truyền hình phải nâng cao chất lượng. Rõ ràng, phim hay, kịch bản tốt, nhiều khán giả, dự trù lượng rating cao thì mới hút được quảng cáo.

Nhưng ở họ, quảng cáo trên phim truyền hình đã trở thành công nghệ. Trong các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, ôtô và smartphone xuất hiện dày đặc. Thậm chí có những diễn viên, trong cả series phim chỉ dùng một chiếc điện thoại của một hãng duy nhất hay đi một xe ôtô duy nhất của hãng Hàn Quốc.

Và diễn viên đó trở thành đại diện thương hiệu cho điện thoại hoặc xe ôtô đó ngoài đời. Nhiều khán giả săn tìm, muốn sở hữu chiếc xe hay điện thoại cho giống người nổi tiếng. Đó là một chiêu “liên kết hoàn hảo” để bán sản phẩm của phim Hàn. Quảng cáo của họ nằm trong một chiến lược quảng bá cho hàng nội địa của họ và không quá lộ liễu.

Còn ở ta, việc thu hút quảng cáo của phim truyền hình cho thấy chất lượng phim đã được cải thiện đáng kể sau nhiều năm khán giả nói không với phim Việt và chỉ xem phim Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Quảng cáo là điều tất yếu, khán giả cũng không quá xa lạ với quảng cáo.

Thế nhưng, liên tục các bộ phim bị người xem phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Nhiều khán giả cho rằng, phim truyền hình quảng cáo còn lộ liễu và phản cảm. Nhiều nội dung quảng cáo gượng ép, không ăn nhập gì mấy với câu chuyện của phim. Điều này ngược lại, sẽ dẫn đến chất lượng phim sa sút.

Và tất nhiên, khán giả sẽ quay lưng với phim truyền hình nếu tình trạng này không cải thiện. Khán giả bây giờ là những người thông minh, họ không dễ bị lừa. Và tâm thế của họ là đang thưởng thức một sản phẩm văn hóa chứ không phải đang xem một slot quảng cáo sản phẩm.

Vì thế, việc đưa quảng cáo vào lời thoại hay cảnh phim cần được biên tập, cân nhắc kỹ để làm sao có sự hòa nhập nhất định.

Câu chuyện cân bằng giữa lợi nhuận thu được từ quảng cáo với cách thức quảng cáo là điều cần bàn. Đạo diễn Mai Thanh Hải, Giám đốc VFC cho  rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến quảng cáo gây phản cảm hiện nay.

Quảng cáo bánh mì bị chê lộ liễu ở “Tuổi thanh xuân 2”.

Trong đó, ông nhấn mạnh yếu tố khách hàng. “Nhiều nhà tài trợ chưa hiểu rõ đặc thù của phim truyện nên đưa ra một số đòi hỏi, yêu cầu không hợp lý. Họ cho rằng, họ là người bỏ tiền nên có quyền đưa ra những yêu sách, sản phẩm của họ phải xuất hiện nhiều lần nhất có thể”.

Tuy nhiên, nếu phía nhà sản xuất không thỏa hiệp mà họ ưu tiên nội dung, chất lượng phim và có những nguyên tắc chặt chẽ trong việc hợp tác thì chắc chắn không để xảy ra những câu chuyện phản cảm như trên. Tài trợ cho một sản phẩm văn hóa phải được thực hiện một cách có văn hóa.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, chúng ta cần nâng cao tay nghề của đội ngũ biên tập viên, phải học tập cách làm của các nước tiên tiến, phát triển quảng cáo thành một công nghệ để đưa quảng cáo vào phim một cách nhuần nhuyễn, tinh tế hơn.

“Khán giả cần phải quen với việc phim truyền hình có nhà tài trợ đồng hành. Vấn đề ở chỗ là chúng ta, nhà sản xuất chưa làm tròn vai trò của mình trong việc biên tập, đưa các yêu cầu của nhà tài trợ vào phim một cách mượt mà, tự nhiên hơn. Không nên đặt câu chuyện lợi nhuận lên hàng đầu dù hiện nay, việc sản xuất một bộ phim rất tốn kém và chúng ta cần sự đồng hành của các nhà tài trợ.

Đừng biến phim truyền hình trở thành phim quảng cáo, sẽ gây phản cảm cho khán giả và họ sẽ quay lưng lại với phim truyền hình Việt. Hai năm qua chúng ta đã chật vật kéo khán giả quay trở lại với phim truyền hình Việt, chúng ta phải biết giữ chân họ bằng chính những sản phẩm văn hóa sạch. Và nếu làm “phim sạch” sẽ hứa hẹn một “phim tốt” và nhà đầu tư sẽ “giàu hơn” nhiều lần bởi doanh thu từ “phim sạch”.

Lan Tường
.
.
.