Thoát hiểm trong mùa lũ miền trung

Thứ Năm, 05/11/2020, 19:57
Ngay từ đầu tháng 7, tháng 8 âm lịch, nhiều vùng quê ở vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình, người dân đã chuẩn bị phòng chống lũ lụt. Tại nhiều xã như Dương Thủy, An Thủy, Mỹ Thủy… trong nhà nhiều hộ dân thường chuẩn bị các nguyên vật liệu để kết bè khi lũ về, tránh lũ...


Trong trận đại hồng thủy trăm năm có một vừa xảy ra ở Quảng Bình, truyền thông đặc tả nhiều về sự khủng khiếp của lũ lụt, cũng như những thiệt hại mà thiên tai gây ra đối với người dân địa phương. Trong nhiều làng quê Quảng Bình ngập chìm trong lũ, có những nơi lũ đã cướp đi tính mạng của người dân, cuốn trôi hết tài sản của họ. Song cũng những vùng quê, nước lũ dâng ngập mái nhà, cả làng quê mênh mông trong biển lũ, nhưng người dân nơi đó vẫn bảo vệ được tính mạng, và tài sản một cách an toàn. Giải pháp sống chung với lũ trong mùa mưa bão ở những làng quê như vậy rất nên được nhân rộng ở dải đất miền Trung.

Trận đại hồng thủy vừa qua đã nhấn chìm nhiều nhà dân ở Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, nhưng nhờ nhà phao, người dân đều an toàn.

Từ chủ động phòng lũ lụt đơn giản

Ngay từ đầu tháng 7, tháng 8 âm lịch, nhiều vùng quê ở vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình, người dân đã chuẩn bị phòng chống lũ lụt. Tại nhiều xã như Dương Thủy, An Thủy, Mỹ Thủy… trong nhà nhiều hộ dân thường chuẩn bị các nguyên vật liệu để kết bè khi lũ về, tránh lũ.

Nhà có điều kiện họ thường chuẩn bị các tấm phản dài 2-3m rộng 30-50cm; dây thừng, thanh ngang… để khi lũ về, họ kết thành 2-3 tấm bè để người và vật nuôi có nơi tránh lũ. Nước lên đến đâu bè nổi đến đó, nấu ăn và sinh hoạt trên bè. Khi nước lũ rút, bè lại được tháo ra đem cất cẩn thận để dùng cho các mùa lũ khác. Nhà ít điều kiện hoặc khó khăn hơn thì kết bè bằng những cây chuối dài, khi lũ rút chuối được cắt ra làm thức ăn cho gia súc, vật nuôi. Chính nhờ những chiếc bè đơn giản như vậy, hàng chục năm qua, người dân vùng rốn lũ Lệ Thủy đã vượt qua biết bao trận lũ lụt nước ngập mái nhà.

Tại xã Cự Nẫm, xã Hưng Trạch huyện Bố Trạch thì người dân vùng lũ thường chuẩn bị những chiếc thuyền nhôm để phòng chạy lũ, chống lũ. Những chiếc thuyền nhôm ngày thường được cất cẩn thận, khi lũ về bà con đưa thuyền xuống để chở người già, trẻ em đi tránh lũ. Còn thanh niên khỏe mạnh ở lại làng giữ nhà, giữ làng trong lũ lụt. Khi nước lũ lên cao, nhiều người dân phải tháo ngói ngồi lên nóc nhà, thì những chiếc thuyền nhôm phát huy hiệu quả cao nhất trong việc đi cứu nạn, cứu hộ người làng.

Người dân vùng rốn lũ Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình nói chuyện với phóng viên về hiệu quả từ những căn nhà tránh lũ.

Nước lũ mênh mông lại thường xảy ra trong đêm tối, nên các lực lượng chức năng dù được trang bị ca nô, thuyền máy cũng không thể vào vùng lũ. Bởi khi hoạt động rất dễ bị dây điện, rơm rạ, lá cây… quấn chân vịt hoặc nước chảy xiết làm lật thuyền, ca nô. Vì vậy, những lúc nguy cấp, chính quyền các địa phương vùng lũ thường phát huy vai trò "4 tại chỗ" và khi đó chỉ có những chiếc thuyền nhôm phát huy hiệu quả cao nhất trong việc cứu người và giúp bà con an cư trong lũ lụt…

Đến những "nhà thông minh" vượt lũ

Mới đây, trận đại hồng thủy xuất hiện nước ngập tới nóc nhà, nhưng hàng trăm hộ dân ở Tân Hóa vẫn bình tĩnh thoát qua lũ dữ nhờ vào những căn nhà nổi thông minh.

Xã Tân Hóa có địa thế thấp trũng, lại bị bao quanh toàn lèn đá và suối sâu, vì vậy khi mưa từ thượng nguồn đổ về, Tân Hóa trở thành vùng chảo đón lũ. Nhiều lúc chỉ trong vài tiếng đồng hồ nước lũ đã dâng cao 2 đến 3m. Lũ lại thường xảy ra ban đêm nên người dân địa phương trở tay không kịp. Bao tài sản vun vét dành dụm được của người dân lại bị nước lũ cuốn trôi.

Trước trận đại hồng thủy ở Quảng Bình vừa qua, vài năm trước xã Tân Hoá được coi là tâm điểm lũ lụt khi: tất cả nhà dân trong xã bị nhấn chìm trong lũ; 621 hộ với 3.076 người dân phải chạy lên núi đá ăn hốc, ở hang cả tuần lễ để tránh lũ. Lũ rút, nhiều người dân Tân Hoá trở về làng với nước mắt lưng tròng khi tất cả gia sản một đời tích cóp đã bị lũ cuốn phăng ra biển. Nhà ở, trâu bò, lợn, gà và dụng cụ lao động… không còn. Lũ rút đi, nhiều người dân ở Tân Hoá không biết bắt đầu lại từ đâu.

Ngay sau đợt lũ đó, chính quyền địa phương và người dân ở Tân Hóa tìm cách để thích nghi với lũ lụt. Và giải pháp làm nhà phao ra đời. Từ khi có chiếc nhà phao, không những tính mạng người dân vùng lũ nơi đây được an toàn, mà nhiều tài sản có giá trị của bà con cũng giữ được, không bị mưa lũ "cướp" đi.

Trận lũ lớn vừa qua, nhờ vào những cái nhà phao, hay còn gọi là nhà bè, nhà nổi, mà người dân Tân Hóa đã chống chọi với mưa lũ hàng chục ngày trời không hề hấn gì. Những căn nhà phao vượt lũ ở Tân Hóa nhìn bên ngoài không khác gì những căn nhà gỗ bình thường có đầy đủ khung gỗ, vách che, mái lợp và cửa chính, cửa phụ ra vào.

Nhà phao khác ở chỗ là thay bằng cách xây nền móng cố định trên mặt đất, ngôi nhà phao được đặt trên những chiếc thùng phuy rỗng. Khi nước lũ về, nước dâng đến đâu nhà phao nổi lên đến đó. Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân ở Tân Hóa làm thêm hai cột định vị gắn vào hai góc ngôi nhà. Cột định vị thường là ống thép hoặc cột gỗ cao khoảng 7 đến 10 mét. Khi nước dâng, nhà sẽ bám theo cột mà nổi theo, không bị đung đưa hay trôi khỏi vị trí ban đầu.

Những căn nhà phao tránh lũ thế này đã giúp người dân vượt qua lũ lớn.

Được biết, để làm một ngôi nhà phao, người dân Tân Hóa đầu tư 30-50 triệu đồng. Nhà phao ở Tân Hóa thường rộng từ 20-30m2, mái nhà được lợp bằng tôn, hoặc bạt che phủ, nền nhà được lát bằng gỗ, các góc được cố định vào các thùng phuy. Có một số hộ gia đình có điều kiện kinh tế, họ còn làm 2-3 nhà để khi lũ về, nhà thì ở sinh hoạt, nhà cất đồ dùng sinh hoạt, nhà dành cho vật nuôi, các nhà nối kết, giằng giữ với nhau trong bão lũ.

Ông Trương Xuân Minh-Trưởng thôn 1, xã Tân Hóa cho biết, nhờ có nhà phao tránh lũ mà người dân Tân Hóa mới an toàn trong đợt lũ vừa qua. Ngay khi nghe đài dự báo thời tiết có mưa lũ, người dân trong thôn đã quét dọn, sửa sang lại nhà phao, đưa đồ dụng vật dụng lên trước, vì vậy khi lũ vào ban đêm nhưng thiệt hại về tài sản không đáng kể, còn tính mạng bà con đều được đảm bảo.

Theo người dân địa phương, hộ gia đình làm nhà phao đầu tiên ở Tân Hóa là ông Trương Quang Đồng ở thôn 3, xã Tân Hóa. Sau khi thấy nhà phao nhà ông Đồng đem lại nhiều lợi ích khi mưa lũ đến, người dân Tân Hóa mạnh dạn vay mượn làm theo. Đến nay, Tân Hóa có hơn 700 hộ với khoảng 3.000 nhân khẩu nhưng đã có trên 60% gia đình có nhà phao tránh lũ.

Được biết, để giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, huyện Minh Hóa đã có chính sách hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ để người dân có điều kiện làm nhà nổi, nhà phao tránh lũ.

Để giúp đỡ người dân có nhà tránh lũ, tỉnh Quảng Bình đã quyết định phân bổ 3,8 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt trong thực hiện Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển Việt Nam" (đợt 8). Bên cạnh đó, Dự án do Quỹ khí hậu Xanh tài trợ với sự hỗ trợ của UNDP triển khai sẽ thực hiện giúp đỡ 308 hộ nghèo Quảng Bình làm nhà tránh lũ. Theo đó, huyện Lệ Thủy có 90 hộ, huyện Quảng Ninh 82 hộ, huyện Bố Trạch 12 hộ, Quảng Trạch 77 hộ và thị xã Ba Đồn 45 hộ.

Dương Sông Lam
.
.
.