Thông tư cấm bán bia trên vỉa hè: Khó khả thi!

Thứ Năm, 25/09/2014, 21:00

Cấm bán bia vỉa hè, người đang cho con bú…là nội dung dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công thương đang soạn thảo. Một lần nữa lại dấy lên những tranh cãi không dứt về tư duy soạn thảo nghị định của cơ quan chức năng. Có ý kiến cho rằng đó là ý tưởng tốt nhưng cũng không ít người đánh giá cơ quan chức năng đang đi vào vết xe đổ của những lệnh cấm "trên trời" trước kia. Rồi lệnh cấm này chẳng khác nào hành động "bắt cóc bỏ đĩa".

Sẽ rất nhiều người vi phạm

Bộ phận nảy ra ý tưởng phân tích rằng, sản phẩm bia nếu được quản lý tốt (từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng) sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, là nguồn thu đáng kể cho ngân sách, nếu được sử dụng đúng cách sẽ tốt cho sức khỏe… Điều ngược lại nếu sản xuất, kinh doanh, sử dụng không được quản lý tốt sẽ gây ra hệ lụy không tốt  cho nhà nước, doanh nghiệp, xã hội, con người. 

Dự thảo có những quy định như cấm bán ở bệnh viện, trường học, công sở, vỉa hè, bán cho người dưới 18 tuổi, người đang cho con bú. Về mục tiêu của nó là hoàn toàn hợp lý, nhằm hạn chế lạm dụng bia, hạn chế việc uống không đúng lúc, đúng chỗ và uống quá liều lượng. Nhóm soạn thảo cho rằng các vấn đề nêu trong dự thảo này đã được các văn bản quy phạm pháp luật nêu đầy đủ từ quyết định 224 của Thủ tướng chính phủ về chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Đồng thời dựa vào một số quy định của Bộ Y tế về hạn chế lạm dụng bia rượu… Chứ không phải tự nghĩ ra.

Bất kỳ dự thảo nghị định nào cũng phải đảm bảo lợi ích của nhân dân, giải quyết vấn đề nhức nhối trong cuộc sống. Tuy nhiên các nhà làm luật cũng cần phải cân nhắc Nghị định đó có thực hiện được hay không? Hay chỉ đưa ra dự thảo cho Nghị định này còn việc khả thi hay không phụ thuộc vào việc triển khai của các địa phương, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan?

Rất khó cấm bán bia vỉa hè bởi đó là thói quen từ rất lâu của người Việt.

Chúng ta còn nhớ, Hà Nội đã ra quy định cấm bán hàng dưới lòng đường, vỉa hè nhưng cho đến nay ít quận, huyện nào thực hiện triệt để. Có quận làm tốt, có quận làm chưa tốt. Hơn nữa khi cơ quan chức năng kiểm tra thì không có, nhưng khi cơ quan chức năng không có chuyện lại đâu vào đấy. Nói thế không phải không đưa ra những quy định. Việc đưa ra những nghị định lúc nào cũng cần thiết nhằm tạo ý thức cho người sử dụng. Nếu nói không khả thi mà không đưa vào thành quy định thì người tiêu dùng vẫn tự do lạm dụng. Hoặc vô hình sẽ có rất nhiều vi phạm pháp luật mà không biết.

Nếu khả thi cần có quy chế quản lý khoa học

Việc quy định cấm kinh doanh bia tại vỉa hè có lẽ cần phải xem xét đến tính hợp lý. Bởi, sử dụng bia tại các quán vỉa hè từ lâu đã trở thành thói quen của người dân. Chắc chắn lượng bia bán ra tại các quán bia vỉa hè trong những năm qua nhiều gấp mấy lần số lượng bia bán ra từ các nhà hàng, khách sạn, vũ trường, karaoke. Đơn giản bởi không phải người dân nào cũng dám bỏ tiền để vào đó uống một vài cốc bia. Chính vì sự không phù hợp của dự thảo này với thực tế chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối của người dân. Một sự bất hợp lý nữa là, các cơ quan thực thi pháp luật chắc chắn sẽ không đủ lực lượng để kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm này. Chả có lẽ một người ngồi chơi ngắm cảnh ở vỉa hè cầm lon bia uống cũng cho là vi phạm pháp luật? Mà khung hình phạt là gì? Tội danh là gì? Lực lượng nào sẽ đi kiểm tra từng quán, từng hàng xem họ có bán bia hay không? Các nhà quản lý cho rằng hạn chế điểm bán bia, trong đó có điểm bán ở vỉa hè, nhằm ngăn chặn các tác hại xấu từ bia mang lại thì không phải là một biện pháp có tính khả thi cao, nếu như không muốn nói là không thể thực hiện được.

Phương Tây luôn được coi là một thế giới văn minh, các nước tiên tiến như: Pháp, Đức, Ý…chẳng khó khăn gì để kiếm được quán ăn, giải khát, tất nhiên là có bia ngay trên các vỉa hè của các con phố sang trọng bậc nhất. Người sử dụng hoàn toàn yên tâm ở độ sạch sẽ, an toàn của đồ ăn, thức uống. Bấy lâu nó lại trở thành nét đẹp riêng, thậm chí mang lại ấn tượng đẹp của khách du lịch. Rõ ràng mọi người đều cảm nhận được ở đây là nét văn hóa, đó là văn hóa của người mua, người bán và đặc biệt là cơ chế quản lý khoa học, chặt chẽ của cơ quan chức năng của nước sở tại trong vấn đề này. Vậy sao chúng ta lại dẹp bỏ điều đó? Khi mà có rất nhiều khách nước ngoài thích thú với phong cách ăn uống vỉa hè của Hà Nội, của Sài Gòn?

Anh Lê Minh Đức hiện là công nhân cho một công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: "Mấy ngày gần đây tôi cũng nghe anh em kháo nhau về quy định mới cấm bán bia ở vỉa hè. Tôi thì chỉ nghĩ thế này, nhà nước đưa ra luật gì thì cũng nghĩ đi nghĩ lại xem nó có phù hợp hay không. Lương công nhân như bọn tôi thì tiền đâu mà chui vào những nhà hàng sang trọng. Vào đó một cốc bia tính đã đắt hơn bao nhiêu. Mà không lẽ chỉ gọi bia. Ngồi ở vỉa hè làm vài vại bia giải khát, gọi một đĩa lạc luộc cũng có thể lai rai được".

Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng và quy định xử phạt hành chính với hành vi vi phạm này dù đã thực hiện được 1 năm, nhưng đến nay gần như không có trường hợp nào bị xử phạt.

Quy định nực cười

Còn về quy định cấm bán bia cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian cho con bú lại là một quy định khá nực cười. Các nhà soạn thảo cũng nên tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, các chuyên gia y tế, bởi theo một số chuyên gia nếu phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nếu uống bia với liều lượng phù hợp sẽ tốt cho sức khỏe. Hơn nữa việc cấm bán bia cho phụ nữ có thai thì có thể thực hiện được bởi ai cũng có thể nhìn thấy "cái bụng bầu". Còn cấm bán cho phụ nữ đang cho con bú thì sao? Chả lẽ cơ quan chức năng, người bán bia vạch áo phụ nữ đó ra? Quy định này chẳng khác nào quy định "phụ nữ ngực nhỏ không được đi xe máy". Anh Hoàng Huy, chủ một cửa hàng bia hơi vỉa hè trên phố Huế cười: "Cấm bán vỉa hè thì có thể được chứ cấm bán cho phụ nữ có bầu và đang cho con bú thì quả là hài hước. Bọn em đâu biết họ đang có bầu? Đang cho con bú. Chẳng lẽ phụ nữ vào uống bia chủ quán lại bắt thử máu à. Quy định gì mà hài hước vậy". Suy cho cùng những đối tượng nằm trong danh sách cấm nếu họ thích uống bia hoàn toàn có thể nhờ người khác mua hộ. Do vậy, trước khi ban hành quy định cấm bán bia cho phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời gian cho con bú, ban soạn thảo cần cung cấp bằng chứng, kết quả nghiên cứu khoa học để làm cơ sở cho quy định cấm của mình.

Quy định dán nhãn tem trên bia lại càng trở nên vô  lý. Nếu việc dán nhãn mác này để chống, ngăn chặn hàng giả, bia nhập lậu thì đã có cơ quan chức năng khác lo. Còn nếu bắt buộc nhà sản xuất phải dán tem thì lại càng khó bởi trên sản phẩm mỗi lon bia, chai bia đều có ghi đầy đủ thông tin cần thiết cho người tiêu dùng: Hãng nào, thành phần, hạn sử dụng…Rõ ràng dự về mặt này chỉ gây tốn kém cho doanh nghiệp, không mang lại cho người tiêu dùng lợi ích gì.

Thiết nghĩ, việc ban hành quy định pháp luật cần phải phù hợp với thực tiễn và có cơ sở khoa học. Rõ ràng đưa ra một quy định không phù hợp chắc chắn sẽ khó khăn trong việc thực hiện và không khả thi. Thực tế đã chứng minh, quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng và quy định xử phạt hành chính với hành vi vi phạm này dù đã thực hiện được 1 năm, nhưng đến nay gần như không có trường hợp nào bị xử phạt. Nếu như những quy định đưa ra không khả thi chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng nhờn luật của người dân.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát bày tỏ quan điểm: "Chúng ta không nên cái gì không quản được thì đem ra cấm hết. Bảo vệ sức khỏe, giáo dục, khuyến cáo là cần thiết nhưng điều cốt yếu nhất ở đây là nhận thức, thay đổi tư duy văn hóa dùng đồ uống có cồn của người dân. Khi đưa ra bất kỳ một quy định, mệnh lệnh hành chính nào cũng nên xem xét, dựa trên nghiên cứu cụ thể chứ không thể chủ quan được".

Ông Phan Chí Dũng, Vụ Trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết: "Việc bán bia vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, cản trở lối đi và mất vệ sinh. Nếu sử dụng lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tai nạn giao thông, nhiều vụ xung đột cũng xảy ra ở các quán bia vỉa hè. Nếu suy nghĩ là khó, không khả thi thì sẽ không đưa ra quy định cấm sao? Phải đưa ra chế tài để các cơ quan quản lý có cơ sở pháp lý để quản lý, kiểm soát tốt hơn, dần dần sẽ vận động người dân thực hiện".

Phong Anh
.
.
.