Thu hồi xe quá hạn: Không thể lấy lý do "cần câu cơm" để biện minh

Thứ Tư, 01/03/2017, 16:20
Từ ngày 1-1-2018, xe gắn máy, ôtô thuộc diện thải bỏ sẽ bị thu hồi, xử lý để đảm bảo môi trường. Rõ ràng với tình trạng giao thông, sự ô nhiễm môi trường hiện nay tại các thành phố lớn việc thu hồi là vô cùng cần thiết. Không thể về lý do "cần câu cơm",để biện minh cho việc những chiếc xe ấy đầu độc người dân.

Theo thống kê hiện nay, Hà Nội có tới 2,5 triệu xe máy cũ. Kết quả quan trắc không khí cho thấy, nguồn ô nhiễm không khí nặng nề liên quan đến xả thải xe máy. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ra Quyết định 16 ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, quy định mô tô, xe máy, ôtô các loại thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ, theo đó, từ ngày 1-1-2018, xe gắn máy, ôtô thuộc diện thải bỏ sẽ bị thu hồi, xử lý để đảm bảo môi trường. Rõ ràng với tình trạng giao thông, sự ô nhiễm môi trường hiện nay tại các thành phố lớn việc thu hồi là vô cùng cần thiết. 

"Trảm" xe cũ nát là cần thiết

Người tham gia giao thông tại Hà Nội và những thành phố lớn chẳng còn xa lạ gì với những chiếc xe cũ nát, thậm chí không còn ai nhận ra màu sắc, thương hiệu vô tư lượn lờ. Nhiều người đã phải thốt lên: Quá nát! Quá nguy hiểm! Bên cạnh việc các xe này xả khỏi mù mịt, còn ẩn họa rất nhiều nguy hiểm do xe quá cũ nát.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ: "Nếu như đứng chờ đèn đỏ mà cạnh những chiếc xe này thì không thể chịu nổi, khói xộc thẳng vào mặt. Hơn nữa những chiếc xe này thường dùng để chở hàng cồng kềnh, thậm chí cả hàng dễ nổ, dễ vỡ. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý. Việc thu hồi, đền bù sao cho hợp lý là được".

Nhận thấy sự nguy hiểm, nguy hại, vào tháng 10 - 2015, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tổ chức cuộc ra quân thu giữ những chiếc xe quá "đát" lưu thông trên đường. Tuy nhiên cuộc ra quân này như thể "muối bỏ biển", một biện pháp ứng phó tạm thời. Sau khi lực lượng chức năng không có mặt những chiếc xe "không rõ màu sơn" này vẫn vô tư luồn lách khắp phố phường.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp ít tốn kém ngân sách của Nhà nước nhưng lại hiểu quả tức thì trong vấn nạn tắc đường hiện nay. Không những vậy theo một báo cáo của Cục Đăng kiểm năm 2016, ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng tại các thành phố lớn với hàm lượng bụi lơ lửng ven đường vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hyđrô các bon (HC); 87% các bon ô xít (CO); 57 % ô xít nitơ (NOX)… trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Như vậy, xe máy là nguồn chính thải ra các chất gây ô nhiễm môi trường.

Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã từng xử lý xe quá "đát" nhưng chỉ như "muối bỏ bể".

Một khảo sát của Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh được công bố: Lượng tiêu hao nhiên liệu xe máy so với xe buýt (tính theo hành khách/km) cao hơn 92 lần. Lượng thải trung bình cũng cao hơn xe con tới 4 lần và cao hơn xe buýt là 40 lần.

Theo các chuyên gia về động cơ, một chiếc xe máy có động cơ 100cc, tiêu chuẩn Euro 2 thải ra lượng khí độc hại cao gấp hàng trăm chiếc ôtô có động cơ 1.800cc. Động cơ càng cũ, công nghệ càng lạc hậu thì việc đốt cháy nhiên liệu càng bị giảm đi, khí độc hại vì thế càng nhiều.

Hiện nay tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy đang lưu thông, thế nhưng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thống kê có tới 2,5 triệu xe máy đã hết hạn sử dụng trước năm 2000. Chính vì thế tại đề án hạn chế phương tiện cá nhân dự kiến trình HĐND thành phố vào tháng 6 tới, Hà Nội sẽ tính tới biện pháp thu hồi xe máy, ôtô đã quá hạn sử dụng.

Những hình ảnh thế này chẳng còn xa lạ gì tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Không thể nói khó vì nghèo

Vấn đề thu hồi xe cũ nát, quá hạn không chỉ riêng gì Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà của cả nước, tuy nhiên việc thu hồi như thế nào lại là vấn đề không hề đơn giản.

Đến nay thì chưa có một chuẩn thống nhất nào cho niên hạn sử dụng với xe máy. Các đề án, dự thảo kiểm soát khí thải xe máy liên tiếp gặp phải trở ngại do sợ động chạm tới người dân nghèo. Không như việc kiểm soát đối với ôtô, xe máy ngoài lần đăng ký và cấp biển số đầu tiên, không có một hình thức kiểm soát nào trong vài chục năm sử dụng, dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm.

Anh Ngô Mạnh Cường (Từ Liêm, Hà Nội) nói: "Trước đây tôi có mua một chiếc xe Super Cub 81, từ ngày đăng ký đầu tiên cho đến khi xe cũ quá gần như muốn bỏ đi cũng chẳng cần phải kiểm soát gì. Thấy xe cũ, hỏng thì sửa, chứ làm gì có ai đánh giá chất lượng về độ an toàn hay môi trường gì đâu".

Theo TS, chuyên gia giao thông Phạm Xuân Mai thì cần phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa, ông đưa ra giải pháp: "Một là quy định tuổi thọ - niên hạn sử dụng cho xe máy, hoặc yêu cầu kiểm định khí thải với định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm làm 1 lần, với xe không đạt an toàn khí thải thì đánh phí môi trường cao lên. Một chiếc xe vài triệu mà bị đánh phí môi trường từ 1 đến 2 triệu, chắc không ai dám sử dụng nữa".

Theo vị tiến sĩ này, nếu nói việc thu hồi, tiêu hủy xe cũ nát gây khó khăn cho người có thu nhập thấp (đối tượng chính sử dụng xe máy cũ) có phần chưa chính xác. Nếu nói cách đây 20 năm thì điều này có thể đúng, Việt Nam hiện nay đã là nước có thu nhập trung bình, không thể lấy lý do nghèo để bao biện.

"Bất kỳ chính sách nào đưa ra với xe máy cũng bị dập tắt ngay từ đầu chỉ vì lý do đối tượng nghèo, nhưng thực sự đối tượng nghèo sử dụng xe máy cũ, nát tại các TP là bao nhiêu thì không ai làm rõ. Những lý do này khiến bao năm qua không phát triển được một chính sách nào, ùn tắc giao thông không dám cấm xe máy cũ nát, gây ô nhiễm cũng không dám thu hồi" - TS Mai nhấn mạnh thêm.

Rõ ràng việc thu hồi xe máy cũ nát ảnh hưởng không nhỏ đến đa phần người dân nghèo. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Tuấn (Thanh Oai, Hà Nội) thì thu hồi xe máy cũ nát là điều vô cùng khủng khiếp.

"Cả nhà tôi có 5 người, vợ chồng tôi, hai đứa con nhỏ và mẹ già. Hàng ngày tôi sử dụng chiếc xem máy Wave cũ để chạy xe ôm, chở hàng khắp Hà Nội. Mọi chi tiêu, sinh hoạt của cả gia đình trông chờ vào chiếc xe ấy. Để sở hữu được chiếc xe máy đó hai vợ chồng đã phải tiết kiệm rất lâu, dù lúc mua chiếc xe giá trị khoảng hơn 3 triệu đồng. Nếu thu hồi chiếc xe ấy thì buộc vợ chồng tôi phải xoay xỏa làm nghề khác hoặc vay mượn để mua một chiếc xe mới. Tôi cũng mong cơ quan chức năng có biện pháp thu hồi, xử lý sao cho phù hợp" - anh Tuấn tâm sự.

Chúng ta không thể vin lý do vì nghèo mà làm ảnh hưởng tới môi trường và mỹ quan đô thị.

Bên cạnh những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự thì vẫn còn những người sử dụng xe máy quá "đát" này như một chiếc xe thồ - chuyên để chở hàng. Chủ một hãng gas trên đường Trường Chinh chia sẻ: "Thực sự chúng tôi cũng biết là sử dụng những chiếc xe quá hạn là ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng vì công việc, vì điều kiện chúng tôi đã mua thêm vài chiếc xe cũ, mỗi chiếc có giá vài ba triệu chuyên để cho công nhân vận chuyển gas. Nói thật, những chiếc xe này có hỏng hóc, va quệt cũng đỡ xót ruột. Ngộ may bị Cảnh sát giao thông bắt có thể bỏ luôn xe, không cần đến lấy. Nếu đúng có việc thu hồi xe máy cũ thật thì chúng tôi cũng vui vẻ chấp nhận thôi. Sẽ mua sắm vài con xe được được để anh em chở gas cũng không sao".

Với những gì người dân cả nước nói chung, người dân Thủ đô nói riêng đang phải hứng về ô nhiễm môi trường, ẩn họa từ những chiếc quá "đát", thực sự đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc cân nhắc. Không thể về lý do "cần câu cơm", hay nghèo khổ để biện minh cho việc những chiếc xe ấy đầu độc người dân.

Nói vậy, không có nghĩa cơ quan chức năng không có biện pháp hợp lý để thu hồi xe cũ. Phải coi đó là một vấn đề xã hội lớn. Nó liên quan đến tài sản của người dân, cần phải có một kế hoạch, lộ trình hết sức công khai. Phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tự nguyện chuyển đổi, thấy được lợi ích để tự giác thực hiện.

 Theo Nghị định 95/2009 của Chính phủ, quy định niên hạn sử dụng không quá 25 năm với xe ô tô chở hàng, không quá 20 năm với xe ô tô chở người, không quá 17 năm với xe ô tô chuyển đổi công năng sang ôtô chở người trước ngày 1-1-2002. Thời điểm tính niên hạn bắt đầu từ năm sản xuất xe.

Thông tư 21/2010 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện NĐ95 quy định, các loại ô tô không phải áp dụng niên hạn sử dụng gồm: ôtô chở người dưới 9 chỗ ngồi, ôtô chuyên dùng, sơ mi rơ moóc. Thông tư 15/2014 của Bộ Công an cũng quy định, khi phát hiện xe quá niên hạn sẽ bị tịch thu phương tiện.

Phong Anh
.
.
.