Thủ khoa 'bị bỏ rơi' hoang mang chờ quyết định

Thứ Sáu, 19/06/2015, 15:09
Gần đây dư luận rất băn khoăn và tìm câu trả lời vì sao 14 thủ khoa của các trường Đại học vượt qua kỳ thi sát hạch công chức Hà Nội vẫn chưa được tiếp nhận vào các đơn vị đã đăng ký. Trong lúc chờ đợi, nhiều người trong số này phải đôn đáo tìm công việc tạm sống qua ngày. Không chỉ 14 thủ khoa mà dư luận xã hội đang chờ một câu trả lời xác đáng từ cơ quan có trách nhiệm.
Vẫn đang trong giai đoạn tranh luận

Năm 2014, thành phố Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức, trong đó có 41 thí sinh được tiếp nhận không qua thi tuyển. Các đối tượng được tiếp nhận là những thủ khoa đại học trong nước, thạc sỹ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Dù không phải thi tuyển trực tiếp nhưng những thí sinh này phải vượt qua đợt thi sát hạch, các thí sinh đạt số điểm trên 50 sẽ đáp ứng được yêu cầu và được tiếp nhận làm công chức tại các đơn vị đã đăng ký trong hồ sơ.

Ngày 15/7/2014, kết quả sát hạch được công bố, có 29 thí sinh đạt yêu cầu đề ra. Điều đặc biệt, theo trình tự, Sở Nội vụ Hà Nội đã có văn bản báo cáo các trường hợp đã được tuyển thẳng vào công chức lên Bộ Nội vụ và kết quả Bộ Nội vụ chỉ đồng ý 15 trường hợp, 14 trường hợp còn lại không được đồng ý với lý do không đúng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

"Thực sự em rất sung sướng khi biết kết quả mình đã vượt qua kỳ thi sát hạch. Nhưng một năm đã trôi qua, em chỉ biết chờ đợi, không biết hỏi ai để biết nguyên nhân tại sao bọn em chưa được nhận vào làm. Bạn bè cùng đợt họ đã ổn định cả. Chỉ vì chờ đợi thấp thỏm mà không dám đi xin việc ổn định ở đâu khác" - bạn M.H., một trong 14 thủ khoa tâm sự.

Không tránh khỏi sự bức xúc, một số thí sinh trong số 14 người chưa được nhận làm việc đã gửi đơn kêu cứu tới Sở Nội vụ Hà Nội. Trước sự bức xúc đó, ngày 28/5/2015, Sở Nội vụ đã có công văn trả lời kiến nghị của 2 trong số 14 thủ khoa trong diện này. Theo như văn bản này, Sở Nội vụ Hà Nội đã có công văn xin ý kiến của Bộ Nội vụ nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức.

Các thí sinh làm thủ tục trong đợt thi tuyển công chức năm 2014 (ảnh minh họa).

Rõ ràng trong số 29 thí sinh vượt qua kỳ thi sát hạch, 15 thí sinh khác được nhận công việc của mình và đi vào ổn định thì 14 thí sinh còn lại không nhận được lời giải thích thỏa đáng nào bằng văn bản, khi họ kêu đến cơ quan chuyên trách thì vẫn chỉ nhận được điệp khúc "cứ chờ đã". Và, khi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, những thí sinh này dường như đang rơi vào tình trạng bị… bỏ rơi.

Bà Nguyễn Thị Liễu - Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Hà Nội trả lời truyền thông rằng: Sở đã làm hết sức, hết trách nhiệm. Việc tuyển dụng, Sở đã làm đúng theo quy trình. Các hồ sơ được tiếp nhận trực tiếp vào các sở, ngành, đơn vị thuộc thành phố. Các đơn vị này có tờ trình chuyển danh sách lên để Sở thẩm định, tổng hợp và tổ chức sát hạch.

Khi có kết quả, các thí sinh phải hoàn thiện hồ sơ gửi lên Sở Nội vụ, Sở báo cáo lên UBND TP, tiếp đó TP có công văn gửi Bộ Nội vụ. Việc tuyển dụng và nâng ngạch của Bộ Nội vụ, thí sinh có đạt sát hạch đi nữa thì Sở Nội vụ hay TP Hà Nội cũng chưa thể tuyển dụng ngay vì phải có sự đồng ý của Bộ Nội vụ cho tuyển dụng công chức không qua thi tuyển.

Sau một tháng, Bộ Nội vụ có phản hồi cho thành phố. Lý do 14 thí sinh chưa được Bộ đồng ý là do: những thí sinh này có trình độ đào tạo không phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. Tuy nhiên, các thí sinh này đều khẳng định đây là điều không ổn bởi trước khi tham gia  sát hạch, họ đã nộp hồ sơ vào các vị trí công việc tại các sở, ban, ngành, quận, huyện.

Khi phóng viên đặt ra câu hỏi 14 thí sinh này sẽ ra sao? Khi nào nhận được quyết định, bà Liễu cho hay: Đây là vấn đề đang trong giai đoạn tranh luận, thẩm định giữa thành phố và bộ, đang có những ý kiến trái chiều…

Chờ quyết định đến bao giờ

Có gặp những thủ khoa "bị bỏ rơi" hơn một năm qua mới thấy được tình cảnh "tiến chẳng được, lùi chẳng xong" của họ. Anh T.H, một trong 14 thủ khoa bức xúc, sau khi ra trường với thành tích tốt, chẳng khó khăn để anh xin được công việc nhiều người mơ ước tại tỉnh nhà.

Tuy vậy, khi biết thông tin thành phố Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng công chức vào năm 2014, anh T.H có nộp hồ sơ theo đúng quy định của luật lao động. Sau khi vượt qua được vòng sát hạch, anh quyết định nghỉ công việc hiện tại, hy vọng sẽ được bố trí công việc theo nguyện vọng.

Thế nhưng, hy vọng bao nhiêu anh lại thất vọng bấy nhiêu, anh nhận được thông tin phải chờ đợi. Trong lúc chờ đợi được bố trí công việc, anh T.H. vô cùng hoang mang. "Sau 3 tháng chờ đợi vẫn chưa có quyết định, tôi đã ra Hà Nội xin làm tại một công ty. Dù sao cũng chỉ làm tạm thời, cũng không có ý tưởng phấn đấu hay vào một vị trí quan trọng nào đó. Tôi vẫn một lòng chờ quyết định. Hiện giờ tôi không biết ăn nói thế nào với người thân trong gia đình cả. Mọi người đều mong tôi trở thành công chức nhà nước".

Chẳng khá khẩm hơn, T.T., một thủ khoa nằm trong 14 thí sinh bị "bỏ rơi" cho biết: "Tôi được động viên rất nhiều từ gia đình để thi tuyển công chức của Hà Nội năm 2014. Lúc đó tôi đang làm cho một công ty, công việc ổn định, đãi ngộ tốt. Chính vì thế tôi nỗ lực vừa ôn thi, vừa làm việc. Khoảng tháng 11, khi có kết quả thi, tôi đã nộp đơn nghỉ việc tại công ty lúc đó, bàn giao hết công việc và ở nhà chờ ngày có quyết định. Thế rồi chờ đến hôm nay vẫn chưa thấy gì cả. Giờ coi như tôi là người thất nghiệp".

Văn bản trả lời của Sở Nội vụ TP Hà Nội về 2 trong số 14 trường hợp thủ khoa “bị bỏ rơi”.

Với khả năng, thực lực của mình, 14 thủ khoa không khó khăn để tìm kiếm một công việc ổn định. Thế nhưng, họ rất cần một câu trả lời thỏa đáng để ổn định công việc, ổn định cuộc sống, sớm thoát khỏi cảnh "tiến không được, lùi cũng chẳng xong".

Trường hợp của T.D. cũng thật đặc biệt. T.D. chia sẻ: "Trước đây tôi làm quản lý dự án thuyết minh, biên dịch, biên tập phim. Khi biết mình vượt qua kỳ thi sát hạch công chức Hà Nội năm 2014, tôi đã xin nghỉ việc. Những tưởng chỉ một vài ngày là có quyết định, thế nhưng chờ mòn mỏi không thấy gì".

Nhiều tháng chờ đợi không kết quả, T.T như trở về vạch xuất phát. Với năng lực của mình, T.T chẳng khó khăn để trở thành nhân viên tư vấn kinh doanh tại một công ty trả góp tiêu dùng. 

T.T. buồn bã nói: "Khi được nhận vào đó làm, giám đốc có gặp tôi và nói, muốn tuyển người làm việc lâu dài. Bởi khi vào đây làm là sẽ trải qua một khóa tập huấn. Nếu như mình ổn định vị trí khoảng vài ba tháng lại nghỉ, họ sẽ chịu thiệt. Tôi thực tâm không muốn gây khó khăn cho họ bởi nghĩ mình trước sau cũng có quyết định công chức nên đã quyết định nghỉ việc tại đây. Ở nhà nhiều cũng mụ mẫm người, tôi gửi hồ sơ vào vị trí kế toán tại một công ty tư nhân. Hiện tại lương cũng chỉ 3 triệu đồng/tháng. Với mức lương đó quả thực khó sống trong thời buổi này".

T.T nói thêm: "Chúng tôi cần một câu trả lời dứt khoát là có được nhận vào làm công chức của Thủ đô hay không. Chúng tôi cần sự công bằng với 14 trường hợp bị "bỏ rơi". Tất cả đang vô cùng mệt mỏi".

Bộ Nội vụ sẽ vào cuộc Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết:

Hà Nội vừa qua tổ chức đợt xét tuyển không qua thi đối với các trường hợp thuộc quy định tại Điều 19 Nghị định 24.

Kết quả có một số trường hợp không được tuyển dụng sau khi sát hạch. Qua báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội, chúng tôi thấy Hà Nội đã làm đúng quy trình, thủ tục và khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật.

Đây thực sự là những em có năng lực bởi để đạt được kết quả như vậy cần phải rất cố gắng và thực sự xuất sắc. Cá nhân tôi cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 nên quy định nhận luôn các trường hợp thủ khoa, tốt nghiệp xuất sắc mà không cần phải sát hạch. Thậm chí, cho các em này được phép chọn một vị trí việc làm còn trống, phù hợp với trình độ, sở trường và năng lực của bản thân. Đó là cách thu hút nhân tài tốt nhất.

Phong Anh
.
.
.