Thu phí tác quyền âm nhạc ở quán cà phê: Đúng luật nhưng chưa khả thi?

Thứ Năm, 22/06/2017, 15:26
Việc thu phí bản quyền âm nhạc trên tivi trong các khách sạn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa phải dừng lại theo yêu cầu của Cục Bản quyền, thì câu chuyện thu phí tác quyền âm nhạc ở quán cà phê lại được “nhóm lửa”.


Ða số các đối tượng bị thu phí (chủ các quán cà phê) đều không đồng ý nộp phí theo yêu cầu của VCPMC vì cho rằng hiện chưa đủ cơ sở thuyết phục. VCPMC không sai về mặt cơ sở pháp lý, nhưng dường như vẫn còn lúng túng trong thực thi bản quyền âm nhạc ở nhóm đối tượng này. 

100 cái lý

Mức phí thu tác quyền âm nhạc với các nhà hàng, quán cà phê được VCPMC đưa ra là, các cơ sở có từ 1 - 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm. Nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/chỗ ngồi/năm. Khoan hãy đánh giá mức phí này là cao hay thấp. Vấn đề là làm thế nào để thuyết phục các chủ quản lý nhà hàng, quán cà phê giải khát đồng tình với việc thu này của VCPMC.

Ảnh minh họa.

Anh Nguyễn Tuấn Phong, chủ quán cà phê ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) phản ánh: 

“Cá nhân tôi một người làm kinh doanh, hoàn toàn ủng hộ việc thu phí tác quyền âm nhạc. Nhưng việc VCPMC thu phí tác quyền với quán cà phê thì theo tôi là lạm thu, chưa thuyết phục chút nào. Phần lớn các quán cà phê hiện nay đều bỏ tiền mua đĩa nhạc để phục vụ nhu cầu nghe của khách. Chúng tôi bỏ tiền mua đĩa, có nghĩa là chúng tôi đã gián tiếp trả phí tác quyền rồi. Vấn đề tác quyền cụ thể thì VCPMC phải làm việc với chủ các cơ sở sản xuất băng đĩa nhạc chứ. Chúng tôi mua một sản phẩm âm nhạc về sử dụng mà lại đến thu phí nữa thì phí như vậy là chồng chéo, không hợp lý. Hơn nữa, tôi băn khoăn về việc thu phí theo chỗ ngồi ở quán. Tính phí theo chỗ ngồi có gì đó không ổn. Là bởi vì không ai giám sát việc ghế đó có khách ngồi cả năm hay không. Giả sử suốt một năm trời mà khách không kín quán, có ghế khách không hề ngồi thì có được hoàn lại phí hay không”.

Một chủ quán khác trên đường Đào Tấn (Hà Nội) thì phản ứng: “Tôi chưa hiểu từ cơ sở nào mà VCPMC đề ra mức thu 70.000 đồng/ chỗ ngồi/ năm? Nếu như tôi download những bài hát từ trên mạng internet xuống rồi mở cho khách hàng thì tôi đã phải trả tiền cho nhà cung cấp rồi, thì việc thu thêm của tôi có hợp lý không? Và nếu quán của tôi chỉ mở nhạc nước ngoài, những tác phẩm của các tác giả thế giới mà VCPMC không bảo hộ, thì tiền đó sẽ được trả cho ai?”.

Trên một diễn đàn xã hội, một chủ quán cà phê đưa ra lý lẽ có phần cứng rắn hơn: “Nếu muốn thu tiền của các nhà hàng, quán cà phê, thì VCPMC phải đưa ra đầy đủ các căn cứ của mình trước tiên, chứ không phải cứ cho nhân viên đến lấy tiền rồi chúng tôi ký vào là xong. Vì đây là vấn đề liên quan đến pháp lý. Đầu tiên, VCPMC phải trưng ra giấy ủy quyền, cho biết rằng các chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho họ đi thu tiền ở các quán cà phê đó. VCPMC chỉ là đơn vị đi thu hộ, không phải họ là đơn vị có quyền với những tài sản đó, nên họ phải được các chủ sở hữu ủy quyền thông qua giấy ủy quyền rõ ràng. Phải có giấy ủy quyền thì mới tiếp tục câu chuyện được”.

Những ý kiến của các chủ quán cà phê rõ ràng chỉ ra các lỗ hổng của việc thu phí bản quyền âm nhạc quán cà phê của VCPMC. Trên thực tế, không phải 100% người sáng tác âm nhạc đã ủy quyền cho VCPMC thu phí tác quyền. Cho dù con số mà nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra là khá ấn tượng: gần 4.000 tác giả trong nước và hơn 60 tổ chức nước ngoài tương đương gần 6 triệu tác giả trên thế giới ủy quyền thu phí tác quyền cho VCPMC. Tuy vậy, với các tác giả không ủy quyền cho VCPMC thu phí thì trung tâm này không thể đòi tác quyền với các tác phẩm của các tác giả đó. 

Một nhạc sĩ nổi tiếng mà ai cũng biết trong giới âm nhạc là Phú Quang, từ lâu đã không hài lòng với việc ủy quyền cho VCPMC thu phí, ông tuyên bố sẽ tự thu phí tác quyền âm nhạc của mình. Ví dụ, có một quán cà phê nào đó chuyên mở nhạc Phú Quang, thì VCPMC có quyền thu phí bản quyền âm nhạc ở quán cà phê đó không? Chắc chắn là không rồi. Như vậy, cơ sở để thu phí quyền tác giả âm nhạc ở các quán cà phê của VCPMC như đã đề ra còn thiếu tính thuyết phục.

Thay đổi nhận thức trước khi thu tiền

VCPMC có cơ sở về mặt pháp lý trong việc thu tiền bản quyền âm nhạc ở quán cà phê. Thậm chí, việc tác quyền âm nhạc từ tivi ở các khách sạn cũng có cơ sở pháp lý. 

Trong khoản 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi năm 2009 quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng. Trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật”. 

Việc sử dụng tác phẩm âm nhạc vào mục đích thương mại thì phải trả nhuận bút cho người chủ sở hữu tác phẩm là đương nhiên, các nước tiên tiến cũng đã thực hiện điều đó từ lâu rồi.

Nhưng vì sao việc thu phí bản quyền âm nhạc từ ti vi của các khách sạn của VCPMC đã bị Cục Bản quyền yêu cầu tạm dừng, dù xét về lý thuyết là có cơ sở pháp lý? Rồi đến vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc ở quán cà phê cũng gặp phải sự phản ứng không đồng thuận của dư luận? 

Thực chất, đây là vấn đề của nhận thức. Nhận thức đến từ cả hai phía, phía thu tác quyền và phía trả tác quyền. Trong điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ nêu trên có hai từ “thỏa thuận”. Và đó là vấn đề trọng tâm của câu chuyện thu phí bản quyền ở những đơn vị dùng âm nhạc vào mục đích thương mại, trong tình hình thực tế, vấn đề nhận thức về bản quyền ở ta còn nhiều bất cập. 

Cộng với đó, là hệ thống hành lang pháp lý vẫn còn những điểm chưa đồng bộ, chặt chẽ. Việc làm cho các đơn vị sử dụng âm nhạc trong hoạt động thương mại hiểu vấn đề bản quyền và vui vẻ hợp tác là cốt lõi của việc thu được phí bản quyền của VCPMC. Ở đây, VCPMC đưa ra một mức thu mà chưa hề có một thỏa thuận nào trước đó giữa phía sử dụng tác phẩm và tác giả, người sở hữu quyền tác giả. Việc tự ý áp đặt một mức thu đương nhiên sẽ vấp phải sự không đồng thuận của người bị thu.

Một vấn đề nữa VCPMC cần phải làm cho được là sự rành mạch trong thông tin. Chẳng hạn, có bao nhiêu tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm phải có con số cụ thể trong nước và ngoài nước trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của đơn vị này. Việc người đứng đầu Trung tâm đưa ra lý lẽ là không cần thiết phải trưng giấy ủy quyền đến các chủ cơ sở kinh doanh bị thu phí là cứng nhắc, và chưa thực sự tôn trọng người bị đóng phí. 

Thiếu đi sự mềm dẻo mà áp đặt chung mức phí cho các nhà hàng, quán cà phê có quy mô, mức độ sử dụng âm nhạc khác nhau thì rất khó thuyết phục các chủ cơ sở này hợp tác với Trung tâm trong vấn đề bản quyền. Thực tế quán cà phê thì muôn hình vạn trạng. Có những nhà hàng lớn, có những quán tầm trung về quy mô, và có những quán cà phê kiểu vỉa hè, quán cóc, việc đánh đồng thu phí theo kiểu đếm ghế là chưa thuyết phục.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, một cựu quan chức của Cục Bản quyền trả lời gợi ý cho những người chủ quán cà phê, karaoke. Nếu người của VCPMC đến thu phí tác quyền, các vị cứ hỏi hợp đồng ủy quyền đâu, danh sách các bài hát đâu. Nếu không có những văn bản đó thì không việc gì phải nộp tiền tác quyền.

Như vậy, dường như mục đích đầu tiên của câu chuyện bản quyền không phải chuyện thu tiền, mà là chuyện thay đổi nhận thức của đơn vị được ủy quyền và của người dân, những người sẽ trả tiền bản quyền. Để thay đổi nhận thức, không gì hơn là chính những người thực thi vấn đề tác quyền, ở đây là VCPMC phải đi đầu trong việc hoàn thiện các văn bản, quy định mang tính pháp lý của mình. 

Không nên áp đặt quy định lên các đối tượng thu phí, mà phải có những cuộc trưng cầu ý kiến cởi mở để đạt được các thỏa thuận hợp lý, vừa thu được tiền lại vừa nâng cao được nhận thức chung của toàn xã hội về vấn đề tác quyền. Tiền sẽ đến sau nhận thức. Khi đó, ý thức tự giác của người sử dụng tác phẩm nghệ thuật nói chung (âm nhạc nói riêng) sẽ thực sự là cái được lớn nhất của vấn đề bản quyền.

Hội Quân
.
.
.