Thu phí tham quan Yên Tử: Nhiều du khách bị bất ngờ

Chủ Nhật, 25/03/2018, 14:31
Sau khoảng 10 năm tại lễ hội Yên Tử tạm thời không thu phí tham quan, thì bắt đầu từ năm 2018, Ban quản lý tiếp tục cho thu phí. Điều này khiến du khách thập phương ngỡ ngàng, bên cạnh những du khách đồng tình thì đã có không ít người tỏ ra bức xúc. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc thu phí này là hoàn toàn hợp lệ và cần thiết.

1. Chùa Đồng (Yên Tử) lâu nay được coi là một trong những điểm du lịch tâm linh linh thiêng nhất trong cả nước. Nằm trên đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử, chùa đồng còn được gọi là Thiên Trúc tự (nghĩa là chùa Cõi Phật), được nghi nhận là chùa đồng lớn nhất và nằm ở độ cao cao nhất cả nước. Vì thế, đến ngày mở hội Yên Tử, các du khách, phật tử từ khắp nơi lại đổ về để lễ bái, cầu an.

Chính vì thế, sự thay đổi chính sách thu phí tham quan di tích Yên Tử khiến nhiều người chưa quen và cảm thấy bất ngờ. Theo quan sát của phóng viên, việc thu phí này đã gây xáo trộn khá lớn, đặc biệt trên đường lên chùa và các khu vực bán vé bị tắc nghẽn. Xảy ra trình trạng này là vì có nhiều người dân phàn nàn, nhân viên bán vé buộc phải giải thích nên dòng người bị ùn ứ khá đông.

Mỗi dịp lễ hội khách thập phương về Yên Tử tham quan, lễ chùa rất đông.

Anh Đinh Quang Sơn (TP Huế) cho hay: "Tôi thấy Ban quản lý cần có hệ thống nhân viên hoặc loa phóng thanh phát giải thích việc thu phí tham quan ở xa hơn nữa, khu vực bắt đầu đến chẳng hạn. Người dân sẽ hiểu và biết trước, khi vào mua vé sẽ không phải thắc mắc, làm ảnh hưởng đến những người khác. Còn khi để người dân thắc mắc mới trả lời thì sao mà xuể được?

Đi du lịch, lễ chùa thế này thì rất mệt mỏi cho mọi người". Đặc biệt hơn phía Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang năm nay tổ chức khai hội nhưng không thu phí tham quan. Còn khách hành hương lên chùa Đồng không đi qua Uông Bí thì vẫn bị lực lượng BQL Di tích và rừng quốc gia Yên Tử thuộc TP Uông Bí yêu cầu mua vé tham quan Yên Tử.

Anh Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội) cho hay, nhiều năm nay anh đi cùng gia đình đều về Yên Tử tham quan, chiêm bái trên chùa Đồng để cầu may mắn, bình an. Thế nhưng, năm nay gia đình anh rất bất ngờ, với 4 người anh phải mua vé tham quan mất 300 nghìn đồng.

"Mọi người đến đây những năm trước đã phải đóng rất nhiều khoản phí như: gửi xe, phí xe điện, cáp treo… năm nay mất thêm một khoản phí khá lớn là phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử. Thực tế nhiều người lên chùa để lễ phật chứ không phải đi ngắm cảnh, nếu phải đóng phí thì đi lễ chùa mất ý nghĩa. Đặc biệt là chi phí sẽ tăng lên một khoản kha khá" - anh Bình bức xúc.

Bà Lê Thị Phúc (thành phố Hải Dương) đưa ra quan điểm: "Tôi đi lễ chùa Yên Tử hàng năm. Tôi biết năm nay Ban quản lý có tổ chức thu tiền phí tham quan… Đây là việc hợp lý, bởi có thu phí mới có nguồn để tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, sau hành trình tham quan, tôi không hài lòng về đoạn đường dành cho du khách không đi cáp treo, bởi đường rất khó đi, đá lởm chởm, gồ ghề lắm.

Nếu đã thu phí thì cần xử lý luôn đoạn đường đó sao cho du khách đi lại thuận lợi hơn. Để tránh sự thắc mắc của người dân, Ban quản lý cần phải làm điều gì đó tốt hơn, thuận tiện hơn để người dân thấy được tiền phí mình đóng đã có tác dụng".

Cùng chung bức xúc, chị Mai Phương Đoan (thành phố Thái Bình) thì cho rằng, mức thu phí như vậy là quá cao. Cả gia đình chị đi tất cả 7 người, khoản tiền phải đóng là không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo chị nếu có khoản thu như vậy thì cần phải giải thích rõ cho nhân dân bằng thông tin đại chúng, bằng loa phóng thanh tại khu vực cổng. Có như vậy, người dân mới không bị bất ngờ và thắc mắc được.

"Cũng như mọi năm, chúng tôi cứ đi bình thường thôi. Đến đây mới biết phải thu phí, tất cả đều rất bất ngờ, có thắc mắc thì chẳng ai trả lời. Mặc dù đây là khoản tiền không quá lớn nhưng còn người này người khác" - Chị Đoan chia sẻ.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho rằng, theo nghị quyết được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua tháng 12-2017, từ ngày 1-1-2018 sẽ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử. Đối với người lớn thu 40.000 đồng/lần và 20.000 đồng/lần đối với trẻ em, miễn, giảm phí cho các đối tượng theo quy định.

Theo đó, từ 1-1 đến 15-2-2018, đối với lượng khách có sử dụng dịch vụ cáp treo, TP Uông Bí sẽ bàn giao vé vãn cảnh cho Công ty CP phát triển Tùng Lâm trực tiếp bán vé tại 2 điểm. Đối với lượng khách không sử dụng dịch vụ cáp treo, TP Uông Bí giao BQL Di tích và danh thắng Yên Tử đảm nhiệm bán và soát vé tại điểm đầu tuyến đường hành hương đi bộ lên núi (cạnh chùa Giải Oan).

Từ ngày 16-2-2018 trở đi, đối với lượng khách đi cáp treo, phí tham quan sẽ được tích hợp cùng vé cáp treo Yên Tử do Công ty CP phát triển Tùng Lâm phụ trách. Điểm bán và soát vé là tất cả các điểm công ty đang thực hiện để bán vé cáp treo hiện nay.

Đối với lượng khách đi bộ, BQL Di tích và danh thắng Yên Tử sẽ bán và soát vé tham quan tại vị trí tuyến đường hành hương cạnh chùa Giải Oan; quầy vé tại khu vực giáp ranh với cáp treo Tây Yên Tử; thời điểm đông, khách sẽ có quầy bán và soát vé di động.

2. Qua tìm hiểu việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh và rừng quốc gia Yên Tử được quy định trong Luật Phí và lệ phí. Các loại phí ở Yên Tử khá rõ ràng, trong đó phí tham quan không trùng với các loại phí khác đang có hiện nay. Về phí cáp treo, xe điện, trông giữ phương tiện đều do Công ty CP phát triển Tùng Lâm thu và chỉ áp dụng với những đối tượng có nhu cầu sử dụng.

Việc thu các loại phí này đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Việc thu phí này nhằm mục đích phục vụ cho công tác quan lý, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu Du di tích lịch sử và rừng quốc gia Yên Tử. Điều này góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu du lịch, tín ngưỡng của nhân dân.

Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là nguồn phí tham quan thu được từ Yên Tử sẽ được sử dụng thế nào? Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho hay, việc thu phí này được thực hiện từ trước năm 2008 và đã tạm dừng 10 năm nay. Thời gian 10 năm đó, địa phương, các doanh nghiệp và người dân đầu tư rất nhiều kinh phí để xây dựng, trùng tu, cải tạo các công trình trong khu di tích.

Bên cạnh đó, tỉnh đã trích một phần ngân sách khá lớn để chi thường xuyên cho các hoạt động ở dịp lễ hội và trong năm. Cụ thể, 20% dành cho BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử để phục vụ chuyên môn được giao; số còn lại nộp ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động đầu tư và quản lý tại Yên Tử.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Trịnh Thu Thuỷ cho rằng, thu phí ở Yên Tử là đúng quy định.Vì phải giải thích cho người dân mà khu vực bán vé bị tắc nghẽn

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì Khu di tích Yên Tử, hiện tại tiền công đức ở Yên Tử do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh quản lý. Toàn bộ tiền công đức hàng năm được dùng vào việc xây dựng, trùng tu chùa, nuôi tăng ni và tiếp khách...

Trong Luật Di sản văn hóa và Luật Tín ngưỡng tôn giáo đã chỉ rất rõ rằng, nếu danh thắng thì được trùng tu và bảo tồn nhưng với hệ thống cơ sở tôn giáo thì không được phép vì sẽ cản trở hoạt động tôn giáo đi ngược lại quy định về quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

Thế nhưng, để phân biệt cơ sở tôn giáo và danh thắng hiện nay là chưa được rõ ràng. Bởi, một số cơ sở tôn giáo lại nằm trong khu vực có danh thắng đẹp. Vì thế, du khách đến các điểm này không chỉ thực hiện hành vi tín ngưỡng mà còn cả tham gia các hoạt động tham quan thắng cảnh chính tại các di tích đó. Chính vì thế thu phí là đúng luật nhưng không thể tránh được sự thắc mắc, ý kiến phản hồi của người dân.

Khi người dân còn có những ý kiến, thắc mắc về vấn đề tái thu phí tham quan tại Yên Tử thì BTC lễ hội cùng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan có trách nhiệm nhất định phải có những giải thích, tuyên truyền rõ ràng, cụ thể. Từ đó nhân dân và du khách thập phương hiểu rõ phạm vi, ranh giới di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử cũng như hoạt động thu phí được tiến hành trong phạm vi đó.

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định với phóng viên: Việc thu phí tại Yên Tử được làm theo đúng quy định của pháp luật, được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua. Bộ đã tiến hành rà soát và nhận thấy tất cả địa phương có thu phí, lệ phí đều phải căn cứ các quy định nêu trên, tuyệt đối không thu tùy tiện. Tăng hay giảm phí đều phải được thông qua HĐND với những căn cứ cụ thể.

Ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nếu sử dụng nguồn kinh phí tham quan hợp lý chắc chắn sẽ hợp lòng dân. Vì vậy, tỉnh mong người dân cùng tham gia giám sát việc thu, chi kinh phí từ nguồn thu phí tham quan di tích Yên Tử. Đồng thời, cam kết quản lý chặt chẽ cũng như kiên quyết   xử lý những trường hợp sử dụng kinh phí không đúng".

Phong Anh
.
.
.