Thực hiện Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ không làm tăng biên chế Cảnh sát giao thông

Thứ Tư, 29/04/2020, 08:31
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT xung quanh báo cáo của bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.


Bộ Công an vừa có báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí Thiếu tướng vì sao phải xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào thời điểm này?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Việc  xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tế công tác đảm bảo TTATGT. Đó là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; xác định đúng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tổ chức bộ máy hành chính trong giai đoạn hiện nay. Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ còn là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, góp phần nâng cao hiệu quả việc bảo đảm quyền cơ bản của con người, tạo ra môi trường an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Thứ hai, ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ sẽ khắc phục các bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm TTATGT còn thiếu rõ ràng, chưa rành mạch, không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm chính dẫn đến chồng chéo, tăng tổ chức bộ máy và tăng biên chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa giải quyết được thực trạng phức tạp về TTATGT đường bộ như mục tiêu đề ra.

Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn hiện nay, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của nhiều người tham gia giao thông còn hạn chế, coi thường pháp luật; vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra phổ biến; các vấn đề về an ninh, trật tự, tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, cần thiết phải có bộ luật đủ mạnh để điều chỉnh vấn đề về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ tư, về kinh nghiệm pháp luật quốc tế tại một số nước như Campuchia, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga,…. Theo đó, vấn đề phát triển hạ tầng phải có cơ chế riêng để thu hút nguồn lực đầu tư, vấn đề TTATGT phải có đạo luật chuyên sâu điều chỉnh. Điều này cũng phù hợp với Công ước Vienre 1968 về giao thông đường bộ chỉ quy định các nội dung về TTATGT đường bộ, không quy định các nội dung về kết cấu hạ tầng, quản lý vận tải. Kinh nghiệm của các nước nêu trên hoàn toàn có thể áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức.

Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết trọng tâm của dự án Luật này là gì?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là sự kế thừa và bổ sung các quy phạm pháp luật điều chỉnh chuyên sâu về các hoạt động giao thông “động” liên quan đến người, phương tiện tham gia giao thông từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đồng thời luật hóa quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tồn tại ở các văn bản dưới luật và bổ sung một số chế định mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, bảo đảm TTATGT đường bộ được gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến giao thông.

Một số điểm mới, nổi bật của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ như: Luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về trật tự, toàn giao thông; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong giám sát, chỉ huy, điều hành giao thông, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.

Cảnh sát giao thông kiểm tra xe quá tải.

Phóng viên: Trước tình hình phức tạp về TTATGT hiện nay, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng chưa bền vững… Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có giải quyết được những vấn đề này không?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Luật Bảo đảm TTATGT tập trung điều chỉnh 7 nhóm vấn đề cơ bản, bao gồm:

Về hệ thống báo hiệu đường bộ, được luật hóa một số quy định tại thông tư của bộ quản lý chuyên ngành và bổ sung quy định trong Luật cho phù hợp với Công ước Vienna 1968 về biển báo, tín hiệu.

Về quy tắc giao thông đường bộ, tham khảo kinh nghiệm các nước và phù hợp tình hình thực tế Việt Nam với một số điểm mới như quy định bắt buộc thắt dây an toàn đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn; dừng lại quan sát trước khi nhập từ đường nhánh vào đường chính, quy định tốc độ tối đa phù hợp với một số loại đường, cấp đường, loại phương tiện; khoảng cách an toàn giữa các xe; v.v…

Về quản lý an toàn phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gắn trách nhiệm của chủ phương tiện đối với việc đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác đăng ký xe như trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc thông qua hệ thống đấu giá, thu phí để cấp biển số xe theo sở thích. Đây là những điểm mới trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, nhằm tạo thuận lợi, đem lại nhiều tiện ích cho chủ xe cơ giới.

Đối với quản lý về an toàn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được luật hóa các quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, quản lý quá trình chấp hành pháp luật về TTATGT của người được cấp giấy phép lái xe; bổ sung quy định độ tuổi, sức khỏe lái xe phù hợp với từng loại phương tiện, đồng bộ với hệ thống pháp luật về lao động; phù hợp với luật pháp quốc tế; bổ sung điều kiện của người nước ngoài điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam; tính điểm trên giấy phép lái xe… Qua đó nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nâng cao các kỹ năng điều khiển phương tiện để tham gia giao thông an toàn.

Về tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ, quy định cụ thể và đầy đủ về các biện pháp tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông để lực lượng CSGT có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ khi tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ.

Về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, bảo đảm việc giải quyết tai nạn giao thông được kịp thời, khách quan, chính xác, đúng pháp luật; việc giải quyết tai nạn giao thông phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, trong đó cơ quan Công an là chủ trì; khắc phục kịp thời hậu quả các vụ tai nạn giao thông; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong vụ tai nạn.

 Về các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm pháp lý, chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả trung tâm giám sát, điều khiển giao thông, kết hợp với bố trí hợp lý lực lượng trực tiếp trên tuyến để kịp thời xử lý vi phạm; ưu tiên phát hiện, xử lý thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các thông tin về phát hiện, xử lý vi phạm này được lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm của ngành Công an, có kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và kết nối, liên thông với các bộ, ngành để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGT, việc phân công cụ thể, rõ ràng, đúng chức năng, nhiệm vụ sẽ nâng cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ, góp phần quan trọng làm chuyển biến tình hình TTATGT, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều kiển phương tiện.

Phóng viên: Hiện Chính phủ đang có chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, vậy đồng chí cho biết, để thực hiện Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ thì có phải tăng biên chế CSGT hay không và việc sắp xếp, sử dụng biên chế hiện có như thế nào?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Nguồn lực để triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật Bảo đảm trật tự, giao thông đường bộ không tăng mà giữ nguyên như hiện tại. Đối với Bộ Công an, hiện nay được tổ chức ở 4 cấp là cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, do đó việc phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông rất thuận lợi, các chính sách được triển khai đến cơ sở và ngay tại cơ sở theo hệ thống ngành dọc thống nhất, thông suốt. Khi chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có sự thay đổi (giao nhiệm vụ mới hoặc bổ sung, sửa đổi nhiệm vụ) thì tiến hành đào tạo, tập huấn và sắp xếp, bố trí số cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân đang làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tổng số biên chế hiện có, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác và đảm bảo không tăng biên chế, tổ chức bộ máy.

Đối với các bộ, ngành khác được phân công một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khi ban hành Luật này thì nguồn lực vẫn được sử dụng trong tổng số biên chế hiện có, trên cơ sở sắp xếp, bố trí, đào tạo, tập huấn số cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức bộ máy của mình, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác, không phát sinh thêm biên chế mới.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thiếu tướng !

Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.
.