Thực phẩm bẩn: Đừng mãi gióng chuông, hãy hành động...

Thứ Tư, 20/04/2016, 12:10
Làm một người dân thông thái bây giờ mới khó làm sao. Ra chợ, đến siêu thị, lựa chọn thực phẩm cho gia đình, không khác nào lạc giữa trùng vây. Ai cũng có nhu cầu được ăn thực phẩm sạch, và cố gắng thông thái đến mức cao nhất có thể để chọn thực phẩm sạch, nhưng rốt cuộc họ vẫn mang về nhà thực phẩm bẩn.


Người dân không thể thông thái, nếu…

Một người phụ nữ kêu lên trên mạng xã hội: "Tôi làm sao có thể là người tiêu dùng thông thái, khi mà xung quanh tôi ngập tràn đồ bẩn".

Quả vậy, liên tiếp những thông tin phải nói là kinh hoàng từ phía các cơ quan chức năng làm suy sụp sự "thông thái" của người tiêu dùng. Người Việt đã nuốt vào bụng 6 triệu con heo ăn chất cấm có thể gây ung thư. Gần 10 tấn salbutamol được phép nhập về Việt Nam, trong đó khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp, trên 6 tấn đã được bán ra thị trường và chỉ có 10kg là được sử dụng đúng quy định. 5 năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt với đại dịch ung thư, theo đó sẽ có khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới. 

Hiện tại, có tới 23 triệu người Việt đang sống chung với ung thư. Một phần lớn nguyên nhân của các bệnh ung thư có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng thực phẩm. Người Việt ngày càng âu lo, càng bi quan về câu chuyện thực phẩm. Không ăn thì chết, mà ăn vào thì đối mặt với bệnh tật có khi còn chết nhanh hơn. 

Cái chết của ngôi sao nhạc rock Trần Lập ở tuổi 42 vì căn bệnh ung thư đại trực tràng là một tiếng kêu đau của rất nhiều người Việt đang bị mất đi sinh mạng vì thực phẩm bẩn. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng được trẻ hóa.

Những người phụ nữ ngày ngày lo bữa ăn cho gia đình có lẽ chưa khi nào hoang mang đến thế. Họ không biết tìm nguồn thực phẩm sạch ở đâu, ai chứng minh hay kiểm nghiệm giúp họ để mang rau, mang thịt và mang cả sự yên tâm về nhà. Chỗ nào cũng thịt siêu nạc, thịt lợn tẩm hóa chất thành thịt bò, rau củ quả có trữ lượng tồn dư các hóa chất cao gấp hàng chục, hàng trăm lần cho phép. Bữa ăn hàng ngày của từng gia đình Việt đang chở nặng một sự lo âu, sợ hãi.

Hãy giúp những người dân Việt trở lại làm người thông thái. Câu chuyện này chẳng phải của một cá nhân nào. Nó là câu chuyện của cả xã hội, của cả cộng đồng, mà đứng đầu là các nhà quản lý, những người có trách nhiệm với tương lai giống nòi, tương lai dân tộc. Những người sẽ không nói chung chung, hay vì lợi ích của các nhân, lợi ích của một nhóm người mà nhắm mắt làm ngơ trước vấn nạn cực kỳ khủng khiếp với sức khỏe của đồng bào. 

Chưa bao giờ người Việt cần một sự nhất trí đồng lòng nâng cao nhận thức đi cùng với các hành động quan trọng, mạnh mẽ, giống như một cuộc cách mạng, một cuộc tổng tấn công để xóa sổ thực phẩm bẩn, cứu nguy cho sức khỏe của cộng đồng như hiện nay. Những căn bệnh hiểm nghèo liên quan từ thực phẩm bẩn mỗi năm cướp đi bao sinh mạng, để lại nỗi đau cho bao nhiêu gia đình và gánh nặng cho xã hội. 

Một khi những kẻ đầu độc đồng bào bằng thuốc an thần tiêm vào lợn trước khi xuất chuồng, bằng chất tạo nạc gây mục xương, ung thư, bằng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay hàng chục, hàng trăm loại chất kích thích khác vẫn thu lời nhởn nhơ, và nếu bị phát hiện chỉ phải nộp phạt một số tiền nhỏ tượng trưng thì tương lai người Việt vẫn còn bị đe dọa. 

(Hội Quân)

Quyền được ăn sạch

Mới đây, ngày 15-3-2016 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã chính thức tổ chức công bố quyết định của Thủ thướng Chính phủ, theo đó, lấy ngày 15/3 hàng năm là "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam". Chủ đề cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2016 là "Quyền được an toàn của người tiêu dùng". Hiện tại đã có 50/63 tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch thực hiện các hoạt động hưởng ứng trong dịp này.

Quyền an toàn của người tiêu dùng có nội hàm rộng, mang tính mở, nhưng cụ thể, với yêu cầu ngày càng đa dạng và cao hơn, nổi bật là quyền được ăn sạch, uống sạch, chữa bệnh, học hành, đi lại và tiếp cận, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ trong cuộc sống thường ngày an toàn, thuận lợi, với chất lượng cao và giá cả phù hợp; cũng như được tiếp nhận nhanh và xử lý thỏa đáng những khiếu nại về chất lượng hàng hóa và dịch vụ…

Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong củng cố nhận thức, hoàn chỉnh cơ sở pháp lý và triển khai thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng, cả về tuyên truyền, phố biến pháp luật; kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.

Việt Nam hiện có 51 hội, tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), mỗi năm có khoảng 3.000 đến 4.000 vụ việc khiếu nại được các hội tư vấn, hỗ trợ; với số vụ việc thành công chiếm tỷ lệ hơn 80%. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập và hạn chế về cơ sở pháp lý, nhận thức, sự quan tâm và hiệu lực, hiệu quả triển khai trên thực tế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn khá phổ biến, nhất là ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, an toàn thông tin, hàng hoá kém chất lượng. Bản thân người tiêu dùng cũng ngại khiếu nại, nhất là do thủ tục, thời gian giải quyết lâu, chi phí cao. Một số vụ kéo dài và phức tạp do khiếu nại sai hoặc thiếu hợp tác giữa người tiêu dùng với cơ quan chức năng; còn nhà sản xuất thì thiếu tôn trọng khách hàng, lạm dụng kỹ thuật về hàng hóa để chối bỏ trách nhiệm.

Bảo đảm quyền được an toàn là thước đo năng lực, trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước và động lực phát triển trong một xã hội văn minh. Trong bối cảnh hiện nay, an toàn của người tiêu dùng tùy thuộc ngày càng nhiều vào sự chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía Chính phủ và toàn hệ thống các cơ quan quản lý các cấp, tổ chức xã hội, cũng như quy trình công nghệ và đạo đức kinh doanh; nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; luật hóa các tiêu chuẩn chất lượng, các hàng rào kỹ thuật; sự phân công quản lý rõ ràng, trách nhiệm cá nhân cụ thể; sự kết nối và kiểm tra theo quy trình đồng bộ, với các chế tài nghiêm khắc nhất, loại trừ những hành vi vô cảm, vô trách nhiệm, vô đạo đức và lóa mắt vì lợi ích cá nhân, những biểu hiện phi nhân văn.

Quyền được an toàn là một trong những quyền của mọi công dân trong một xã hội văn minh. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa là thước đo nhân quyền, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa là động lực cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước… 

(Nguyễn Trần Minh Trí)

TS Nguyễn Minh Phong: Cần loại trừ tội ác "thực phẩm bẩn" để cứu giống nòi Việt

- Thưa TS Nguyễn Minh Phong, cá nhân ông nhận thấy câu chuyện thực phẩm bẩn đang trở thành cấp bách như thế nào trong xã hội chúng ta hiện nay?

+ Tôi nghĩ câu chuyện thực phẩm bẩn đang là một thảm họa lớn mà đất nước ta đang phải đối mặt. So sánh là khập khiễng, nhưng tôi xin nói rằng, chuyện bị IS khủng bố chưa chắc đã kinh khủng bằng bị thực phẩm bẩn tàn phá. Thực phẩm bẩn, hệ lụy lâu dài có thể diệt vong cả một dân tộc, hủy diệt tương lai của cả một dân tộc. 

Chúng ta phải biết rằng, một người, hay một dân tộc cũng vậy thôi, khi ốm đau, bệnh tật, mệt mỏi, thì không thể làm việc gì ra hồn được. Chúng ta sẽ bảo vệ chủ quyền đất nước thế nào, phát triển kinh tế đất nước thế nào nếu thế hệ tương lai không khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. 

Tôi nghĩ rằng, phải coi những kẻ kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn là gây tội ác. Tội ác này, nói không quá, nó không kém ǵ tội diệt chủng, tội khủng bố, tội giết người hàng loạt. Không hàng loạt sao được khi người ta dùng thực phẩm bẩn để hủy hoại cả một thế hệ, hủy hoại cả họ hàng, con cháu, hàng xóm của mình.

- Theo ông, sở dĩ chúng ta đang loay hoay chưa có lối ra, chưa giải quyết được vấn đề thực phẩm bẩn là bởi đang mắc ở đâu?

+ Mắc ở nhiều khâu lắm. Đầu tiên là cơ chế để đánh giá thực phẩm sạch hay bẩn chưa rõ ràng. Các trung tâm thử nghiệm chưa có địa chỉ minh bạch để người tiêu dùng tiếp cận. Mọi thứ còn đang rất mập mờ, tù mù. Các thương hiệu thực phẩm sạch cũng chưa gây được lòng tin với người tiêu dùng.

- Vậy giải pháp là gì, thưa ông?

+Theo tôi, phải gấp rút hoàn thành các chương trình, đề án hành động liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn, và có phân công đầy đủ rõ ràng từ trách nhiệm các cấp, các ngành, các cán bộ lãnh đạo cao nhất. Cần định rõ hơn vai trò của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. 

Hiện nay có một cái rất nguy là doanh nghiệp chạy theo lợi ích kinh tế thị trường quá nhiều, trách nhiệm xã hội bị giảm sút, đạo đức kinh doanh bị mất đi. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng các loại chất cấm để làm ra sản phẩm, sẵn sàng nhập những hàng hóa rẻ tiền để bán cho đồng bào mình kiếm lợi nhuận, bất chấp hậu quả thế nào. 

Người Trung Quốc còn tố cáo chính các ông chủ Việt sang đặt hàng chất lượng kém về bán. Nâng cao đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời hoàn thiện cơ chế hàng rào kỹ thuật, cơ chế hàng rào hải quan, cơ chế bảo vệ chống hàng nhập xấu cần phải quán triệt, và phải được phân trách nhiệm rõ ràng. Ví dụ liên quan đến một vụ thực phẩm bẩn, ông nào phải chịu trách nhiệm, có đầu mối hẳn hoi để quy trách nhiệm chứ không phải cứ lobby rồi bỏ qua cho nhau. Hiện nay tất cả những thứ quy trách nhiệm này đều chưa rõ ràng, điều này là cực kỳ nguy hiểm.

Chúng ta hiện nay đều đang thiếu các thước đo. Trong thực phẩm có hàng nghìn hóa chất bẩn, chúng ta mới chỉ đủ sức đo được vài ba loại chất. Những dụng cụ kiểm nghiệm thực phẩm bẩn theo tôi làm sao đó phải nhiều, phải phổ biến, phải rẻ, được bán rộng rãi, để người dân khi mua thực phẩm ở cửa hàng này, siêu thị này có thể kiểm tra được ngay. Nếu cửa hàng nào bán đồ bẩn nó sẽ tạo ra một dư luận và dư luận đó sẽ phán xét sự tồn tại của doanh nghiệp đó. 

Nhà nước không cần thiết tiếp tục đầu tư cho các đơn vị sản xuất, khuyến khích họ làm sản phẩm sạch, nếu như các dịch vụ kiểm tra, kiểm duyệt chất lượng sản phẩm vẫn không có và tiêu chuẩn mù mờ như hiện nay. Vì những doanh nghiệp họ sẽ lách khâu kiểm nghiệm, họ vẫn cứ làm bẩn, dân vẫn phải ăn đồ bẩn, thị trường vẫn náo loạn, nhộn nhạo. Thay vào đó, giải pháp mạnh nhất, đúng nhất lúc này theo tôi là phải hỗ trợ khâu kiểm soát thực phẩm. Sự kiểm soát chặt chẽ, gắt gao bên cạnh các khâu khác nữa sẽ dần đẩy lùi được thực phẩm bẩn.

- Khâu truyền thông thì sao, thưa TS?

+ Người dân có quyền được nhà nước cung cấp thông tin với tần suất liên tục. Phải là một chiến dịch lớn về truyền thông. Báo chí, truyền hình, loa phường nên tập trung tuyên truyền phổ biến cho người dân về thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch. Loa phường bớt nói những chuyện không cần thiết, tập trung vào vấn đề lựa chọn thực phẩm cho dân, mách cho họ những mẹo mực cần thiết khi chọn đồ ăn an toàn. 

Truyền hình bớt phim cổ trang đi, thay vào đó là những chương trình liên quan đến thực phẩm sạch. Cần một thời lượng cố định trong ngày để nói về thực phẩm sạch, với nhiều hình thức khác nhau, từ chương trình thường thức đến nghệ thuật hóa các thông tin. Hãy cho dân biết những địa chỉ  bán đồ sạch, các tiêu chí cần thiết của thực phẩm sạch. Làm sao đó phải thành một làn sóng thông tin mạnh mẽ đủ để người dân quay lưng với thực phẩm bẩn.

- Thực tế, đang có một sự cạnh tranh về giá khốc liệt trong câu chuyện thực phẩm bẩn. Người mua thì bao giờ cũng ham giá rẻ. Mà sản xuất thực phẩm sạch thì khó cạnh tranh về giá, nhất là khi hàng Trung Quốc siêu rẻ vẫn được nhập vào trong nước. Bài toán này theo ông phải gỡ như thế nào?

+ Cái này cũng cần phải có truyền thông, tuyên truyền để người dân biết rằng thực phẩm sạch thì nó phải tương ứng với giá như thế nào. Ví dụ một mớ sau sạch nó tối thiểu phải có giá là bao nhiêu. Để người tiêu dùng biết rằng, nếu mua dưới giá này thì là hàng không an toàn. Người dân họ phải hiểu thì họ mới thông cảm, chia sẻ với người bán được, người sản xuất được. 

Tôi nghĩ là người dân đang mua giá rẻ bởi họ chưa tin vào cái thật. Đôi khi họ mua giá đắt cái gọi là sạch, nhưng họ chẳng có gì để kiểm nghiệm hay chạy đến đâu để kiểm nghiệm cái sạch đó. Nhà nước cần thiết phải hỗ trợ các dịch vụ kiểm tra chất lượng thực phẩm cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh với giá rẻ là như vậy. Khi các dịch vụ kiểm tra nhiều, dễ dàng, khắp nơi, thì người kinh doanh khi không lựa chọn bán đồ sạch sẽ bị tẩy chay, bị phá sản. Và người dân sẵn sàng từ bỏ giá rẻ để đến với giá đắt hơn. Vì ai cũng có nhu cầu ăn sạch..

- Các chế tài xử phạt người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn ở ta hiện nay bất cập ở những điểm nào, thưa TS?

+ Thứ nhất, các hàng rào kỹ thuật phải được xây dựng đồng bộ và mang tính thực tế cao. Mình chưa có đủ các hàng rào này đâu. Khi xây dựng được hàng rào đó rồi thì những sản phẩm mà không vượt được hàng rào này sẽ buộc phải bị tiêu hủy. 

Ai phát hiện ra thực phẩm bẩn thì được quyền tiêu hủy, nhà nước cho họ quyền này, vấn đề là họ phải chứng minh được nó là sản phẩm kém chất lượng. Kể cả siêu thị, hàng nhập lậu, cửa hàng, chợ… cứ bắt được tiêu thụ sản phẩm bẩn là tiêu hủy ngay lập tức. Những cửa hàng bán đồ kém phải bị "bêu gương". Hãy lợi dụng sự phản ứng của cộng đồng xã hội để tiêu diệt các địa chỉ bán hàng bẩn hại dân. 

Tiếp sau đó là bắt lỗi người đứng đầu. Những người đứng đầu chợ, siêu thị, những người cung cấp sản phẩm cho người bán hàng rong cũng phải bị bắt lỗi, và như vậy mua bán phải có hóa đơn, hàng hóa phải có xuất xứ, nhãn mác hẳn hoi. Ngoài ra, cực kỳ quan trọng là đường dây nóng. Phải lập đường dây nóng cho người dân cung cấp thông tin tức thì, lập các trung tâm bảo hộ quyền người tiêu dùng.

- Thưa TS, vấn đề thực phẩm bẩn đang nhức nhối trong xã hội, nhưng dường như các cấp lãnh đạo vẫn còn thờ ơ, chưa thực sự hành động quyết liệt?

+Tôi nghĩ vấn đề thực phẩm bẩn người dân đang bức xúc lắm rồi. Nhưng vấn đề này, muốn giải quyết hiệu quả, triệt để trong những năm tới, cần một sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo từ trung ương tới địa phương. Chúng ta đang thiếu một chương trình quốc gia, thiếu một quyết-tâm-quốc-gia về chống thực phẩm bẩn. 

Những người có trách nhiệm phải đau đớn thực sự với vấn đề này, ra tay hành động quyết liệt, chứ hiện nay tôi thấy là nhiều vị lãnh đạo ở nhiều bộ, ngành còn đang vô cảm với vấn đề này. Một vài vị đứng đầu bộ, ngành có liên quan chưa phát biểu được một câu ra hồn về vấn đề thực phẩm bẩn, cứ như thể gia đình các vị không phải đối mặt với vấn đề này, hay là gia đình các vị được ăn đồ sạch vậy. Nói như ông Đinh La Thăng vừa rồi, các bộ đều bảo làm tốt mà dân vẫn phải ăn đồ bẩn, theo tôi là vạch rõ bản chất của vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay.

Tôi cho rằng, vấn đề liên quan đến thực phẩm bẩn phải trở thành một chương trình hành động quốc gia rộng lớn, phải có hành lang pháp lý cực kỳ rõ ràng minh bạch, là một trong những tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới. Không thể chậm trễ hơn, phải xem vấn đề thực phẩm bẩn là vấn nạn quốc gia, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, một vấn đề lớn của đất nước những năm tới, bên cạnh vấn đề bảo vệ chủ quyền dân tộc. 

Các nhà lãnh đạo đừng "đánh trận giả" ở đâu nữa, hãy thực sự bắt tay cụ thể vào từng công việc, sát sườn nhất với người dân, vì quyền lợi của đông đảo người dân. Đừng nói suông lòng yêu nước nữa. Tai nạn giao thông còn đổ lỗi thế này thế kia, chứ chuyện thực phẩm bẩn hoàn toàn là chủ quan, là người Việt tự giết người Việt, là chuyện quản lý nhà nước chưa tốt…

 - Xin cảm ơn TS Nguyễn Minh Phong! 

(Vũ Quỳnh Trang (thực hiện))

PV
.
.
.