Thực phẩm bẩn hay cuộc "tự sát" tập thể...

Thứ Hai, 03/11/2014, 09:00

Chưa khi nào thực phẩm bẩn lại bủa vây người tiêu dùng như hiện nay. Điều này khiến hàng loạt cách bệnh mãn tính không lây lan tấn công người mạnh khỏe, trong đó có sự gia tăng số lượng bệnh nhân ung thư. Tại hội nghị phòng chống ung thư của bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ người tử vong do ung thư của người Việt Nam cao nhất thế giới. Mỗi năm chúng ta có them 110.000 ca ung thư mới. Vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà chính người Việt tự giết mình, giết chết lẫn nhau.

"Giết nhau bằng cái chết từ từ" 

Chẳng biết từ bao giờ thực phẩm "quê" lại được coi là đặc sản như hiện nay. Như rượu quê, gà quê (gà chạy bộ), rau nhà trồng hay người tiêu dùng hồ hởi chung đụng nhau một con lợn được coi là ăn "sạch". Có lẽ cũng vì người dân đang quá hoảng sợ, lo lắng trước tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm hóa chất bủa vây bữa cơm của họ. Giới công chức đua nhau tăng gia trồng rau sạch tại chính nhà của mình. Họ tận dụng khoảng ban công, sân chơi để gieo hạt trồng rau. Chắc chắn sẽ nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Vì sao một nước có tới 80 % nông nghiệp ấy lại phải khổ sở với thực phẩm như vậy? Phải chăng xã hội này đang tụt lùi? Chắc chắn không phải vậy mà nó chỉ là cách chống đỡ yếu ớt của những người có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Còn lại có rất nhiều người đang thờ ơ hoặc không hiểu biết. Người chấp nhận, người bán cố tình hoặc vô tình gây tội ác.

Như hai kỳ trước chúng tôi đã đưa ra hàng loạt những loại thực phẩm, rau quả được các thương lái "hô biến" để thành hàng tươi ngon bằng hóa chất. Tuy nhiên đó chỉ là những thực phẩm coi là đại diện trên thị trường. Người dân tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cứ ra chợ là phải đau đầu lựa chọn cho mình những thực phẩm an toàn. Bởi, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, tôm cá, rau củ có tẩm hóa chất đang ngập tràn thị trường. Gần như ngày nào các cơ quan báo đài cũng đưa tin, hàng tấn nội tạng thịt bẩn, cơ sở sản xuất không đạt tiêu chuẩn vệ sinh bị xử lý. Có lẽ những con số bị bắt giữ chỉ là số rất nhỏ với những gì người ta tuồn ra thị trường, sau đó đi vào dạ dày của người dân.

Giá đỗ cũng là mặt hàng được con buôn thường xuyên ngâm hóa chất độc hại.

Rõ ràng, người tiêu dùng không phải không biết. Thế nhưng cũng có người tặc lưỡi cho qua bằng câu cửa miệng "ăn bẩn sống lâu", hay "có chết cũng chết từ từ". Không biết những người sản xuất, người bán hàng họ thờ ơ hay vì thiếu hiểu biết? Rõ ràng là họ đang tự giết mình, giết xã hội, làm thui chột nòi giống mình. Mới đây ông Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ung thư Việt Nam cho biết, "30% số ca mắc ung thư là do ăn phải thực phẩm bẩn". Nếu như tình trạng thực phẩm bẩn còn tràn lan như hiện nay, con số kinh hoàng này sẽ còn gia tăng hơn nữa. Không những vậy, những căn bệnh "do ăn mà nên" còn tiềm ẩn nguy cơ tiêu chảy, dịch tả khắp nơi.

Theo một khảo sát mới nhất của Viện thực phẩm chức năng Việt Nam với 9 mẫu thử thức ăn ngoài đường phố thì kết quả cho thấy 8 mẫu chứa E.colo- loại khuẩn gây nên bệnh tiêu chảy và dịch tả phổ biến, và 9 mẫu này đều chứa khuẩn B.cereus, vi khuẩn gây  ra các loại ôi thiu thức ăn, nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tiêu chảy. Không những vậy trong 9 mẫu này có tới 3 mẫu chứa kim loại nặng như chì, cadmin, thủy ngân, chất nhuộm Rhodamine B vướt mức giới hạn cho phép. Những chất này sẽ phá vỡ hồng cầu, tương tác cùng các vitamin khoáng chất trong cơ thể. Sau khi những chất này ngấm dần vào cơ thể, hàng loạt bệnh có thể phát như: tổn thương gan, thận, hệ thần kinh, rồi các bệnh ung thư liên quan đến các bộ phận tiêu hóa.

Mua hóa chất độc hại tẩm ướp thực phẩm rất dễ dàng.

Mới đây tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo về một thảm họa sắp xảy ra với loại người khi tỉ lệ bệnh ung thư sẽ tăng đến 57% trong vòng 20 năm nữa. Trong đó tỉ lệ ung thư của Việt Nam được đánh gia là cao nhất thế giới mà nguyên nhân bị nghi ngờ là do các loại hóa chất độc hại trong thức ăn hàng ngày.

Hoảng loạn tự bảo vệ mình

Các số liệu thống kê cho thấy, số lượng người mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Và tại sao tỷ lệ người chết vì ung thư ở Việt Nam lại cao nhất thế giới? Có lẽ trong mỗi chúng ta đều tự tìm được câu trả lời. Khi mà thực phẩm bẩn đang "phong tỏa" ngày càng mạnh mẽ trong các bữa cơm hàng ngày. Rất nhiều người hoảng hốt, sợ hãi đang tìm cách cứu mình tránh khỏi cái "chết chậm". Thế rồi chính chúng ta lại lâm vào cảnh một vòng luẩn quẩn. Đó là mua thuốc, mua thực phẩm chức năng để thải độc lại mua phải những loại hàng rởm, hàng kém chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Chỉ cần vào google tìm mua các loại "thần dược", thực phẩm chức năng thải độc…có thể ra cả chục vạn kết quả, nhan nhản các cơ sở rao bán với lời quảng cáo vô cùng lọt tai, mang danh là hàng xách tay. Có lẽ nhiều người mua hàng bằng niềm tin, bằng những lời quảng cáo mùi mẫn. Anh Nguyễn Văn Tùng, (nhân viên tại ngân hàng Techcombank) cho biết: "Tôi thường xuyên đi nhậu, vì vậy cứ thấy quảng cáo hay là mua về. Hết dùng hàng đa cấp của Amway, sau chuyển sang Sâm Alipas, sữa ong chúa. Cũng thấy họ quảng cáo là tốt chứ cũng biết nó thế nào, toàn tiếng nước ngoài. Nói chung là có điều kiện thì cứ uống, ngăn ngừa hậu quả sau này thôi".  

Ngày 30/9/2014 Ủy ban MTTQ VN TP HCM tổ chức hội nghị chuyên đề "Vệ sinh an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay". Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP HCM, thừa nhận: "Vẫn còn những vấn đề cần nói, đó là: lượng nông sản, thực phẩm đưa vào tiêu thụ ở TP mỗi ngày chiếm 80%, nhưng chưa kiểm soát được nguồn gốc. Việc kiểm soát chủ yếu là qua test nhanh và lấy mẫu tại 3 chợ đầu mối, nhưng số lượng mẫu lấy không nhiều, không mang tính đại diện; tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép, việc giết mổ gia súc gia cầm trái phép vẫn diễn ra. Gia súc gia cầm kém chất lượng vẫn tiếp tục đổ về TP HCM qua các cửa ngõ, các tỉnh lân cận, khó kiểm soát; tình trạng dùng nguyên liệu kém chất lượng trong chế biến suất ăn sẵn...".

GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP HCM, nhận xét: "Việc quản lý chất lượng các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng trong nước vẫn còn lỏng lẻo, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Chúng ta chưa quản lý được phụ gia thực phẩm, hóa chất, phụ gia thực phẩm bày bán chung với hóa chất, phụ gia dùng cho công nghiệp, tạo điều kiện cho việc mua bán hóa chất, phụ gia kém chất lượng, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP)...". GS Sơn dẫn chứng số liệu NĐTP những năm qua như: năm 2012 cả nước có 168 vụ NĐTP khiến 5.541 người bị ngộ độc, 34 người tử vong; năm 2013 có 5.348 người bị ngộ độc, 28 người tử vong trong 163 vụ NĐTP; và 6 tháng đầu năm 2014 xảy ra 56 vụ NĐTP khiến 1.874 người nhập viện, 16 người tử vong.

"Phần lớn các phương tiện kiểm nghiệm hiện có trong nước chủ yếu kiểm nghiệm các hóa chất cụ thể mà ta nghi ngờ nhắm đến, chứ không cho phép nhận diện các chất lạ, độc hại khác hiện diện trong thực phẩm". - Ông Sơn chia sẻ them.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cũng thừa nhận: "Lượng hóa chất, phụ gia hiện nay rất đa dạng, nên cơ quan nhà nước không biết cơ sở sản xuất bỏ chất gì để tầm soát, mà chỉ đơn giản tầm soát những chất do Bộ Y tế quy định. Do đó trong thời gian qua công tác tầm soát chủ yếu dựa vào cảnh báo của nước ngoài. Mặt khác, khi phát hiện một chất lạ trong sản phẩm thì lúc đó cơ quan nhà nước mới ban hành thường quy kỹ thuật và xem xét có được sử dụng hay không, nếu được thì cho phép với hàm lượng bao nhiêu, nên khó khăn trong xử lý. Chẳng hạn như vụ các chất tinopal, melamine, 3 - MCPD...".

Ngoài ra, theo ông Hòa, hạn chế trong công tác kiểm soát ATVSTP, đó là do chưa có hệ thống kho lạnh nên không có điều kiện lưu giữ đối với các lô hàng khi test nhanh dương tính (chất cấm - PV) để chờ kết quả định lượng. Điều này dẫn đến việc khi có kết quả định lượng có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì lô hàng đó đã lưu thông ngoài thị trường!

Ông Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Dùng thực phẩm có chứa chì có thể làm giảm khả năng sinh sản của cả nam và nữ, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn trao đổi chất, các tổ chức sống, các tuyến và các cơ quan nội tạng, làm mất cân bằng các hệ coenzym… Mẹ mang thai bị ngộ độc chì thì con chắc chắn bị ngộ độc chì, đồng thời người mẹ dễ bị sảy thai, đẻ non. Chì đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần của trẻ ngay từ trong bào thai".

Phong Anh
.
.
.