Thùng bánh mỳ miễn phí ấm lòng người nghèo giữa Thủ đô

Thứ Ba, 29/08/2017, 22:48
Hơn 2 năm qua, những người dân sống quanh khu phố Hàng Bông (Hà Nội) và những người lao động nghèo mưu sinh gần đó đã quá quen với hình ảnh bình nước vối và thùng bánh mỳ miễn phí trước cửa nhà số 9.

Vào những ngày cao điểm nắng nóng, chủ nhân của địa chỉ quen thuộc ấy "tiêu thụ" cả mấy chục bình nước, 200 cái bánh mỳ. Địa chỉ quen thuộc này đã tồn tại gần 2 năm và sẽ còn duy trì và phát triển đơn giản vì chủ nhân rất hạnh phúc khi giúp đỡ người nghèo.

Thấy mọi người vui là hạnh phúc

Chủ nhân của bình nước vối và thùng bánh mỳ miễn phí ấy là chị Vũ Thu Phương. Nói về việc làm ý nghĩa của mình, chị Phương chia sẻ: "Mấy năm về trước, tôi có cơ hội cùng gia đình sang Myanmar du lịch. Trên các đường phố, tôi quan sát thấy họ để rất nhiều bình nước miễn phí nên bất kể ai cũng có thể được uống nước khi khát. Tôi thấy việc làm đó ý nghĩa quá nên nghĩ sau khi về nước mình cũng sẽ làm như thế".

Ban đầu, khi thấy chị Phương làm vậy, nhiều người xung quanh nhìn chưa quen nên cũng có lời ra tiếng vào. Đa số thì đều bảo chị dỗi hơi nên mới làm chuyện bao đồng.

Nhiều người độc miệng còn cho rằng gia đình chị Phương giàu có, muốn đánh bóng, làm màu. Hay có người nói, nhà đấy bán hàng cần thu hút ánh mắt của mọi người nên đã đầu tư thùng bánh mỳ và bình nước.

Không quan tâm đến việc thiên hạ nghĩ gì, chỉ cần nhìn thấy những người lao động nghèo dừng lại bên bình nước của mình để "giải nhiệt" cơn khát là chị thấy vui lắm rồi. "Ban đầu chỉ là nước thôi, nhưng khi những người lao động dừng chân trước cửa nhà mình, tôi chứng kiến thấy nhiều người khổ quá nên lại muốn mình "dấn" thêm.

Thế là tôi mua một cái thùng đóng bằng kính rồi mỗi sáng mua 100 cái bánh mỳ để vào đó, phía trên ghi "bánh mỳ miễn phí" để cho những người lao động nghèo có thể tới lấy bánh ăn cho bữa sáng. Tôi biết, nhiều người nghèo vì muốn tiết kiệm nên đã nhịn ăn sáng. Công việc nặng nhọc thế mà không có gì lót dạ thì làm sao mà chịu nổi" - chị Phương chia sẻ.

Việc làm ý nghĩa này của chị Phương được tất cả các thành viên trong gia đình ủng hộ. Người chung tay với chị Phương nhiều nhất đó chính là bà Nguyễn Thị Chấn (83 tuổi) - mẹ chồng chị. Bà Chấn rất vui vì hành động tử tế của con dâu mình. Chính vì thế bà nhiệt tình chăm bẵm cho "địa chỉ miễn phí" ấy.

"Nói thật đây chỉ là hành động rất nhỏ để chung tay giúp đỡ người nghèo thôi. Có rất nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ cho người nghèo có khi cả tỷ đồng ấy chứ. Tôi và con cái thấy hạnh phúc vì nhìn thấy mọi người đến ăn bánh mỳ, uống nước. Tôi thì không làm được gì nhiều nhưng cũng rất muốn giúp con dâu, đôi khi là đun nước để hãm lá vối hoặc nhặt bánh mì cho vào thùng" - bà Chấn chia sẻ.

Ban đầu, chiếc thùng bánh mỳ ấy có số lượng tối đa là 100 chiếc. Nhưng sau đó, thấy việc làm của chị Phương rất có ý nghĩa với những người lao động nghèo nên nhiều người đã đến ủng hộ. Hiện số bánh mỳ đã tăng lên 200 chiếc mỗi ngày.

Hình ảnh quen thuộc trên phố Hàng Bông.

Ấm lòng người nghèo

Chúng tôi đến cửa nhà số 9 (phố Hàng Bông) rồi lặng lẽ quan sát "địa chỉ" quen thuộc của người nghèo. Chỉ 10 phút, có đến hàng chục vị khách ghé qua, nhiều nhất là người làm nghề đồng nát.

Cô Nguyễn Thị Hạnh (Nam Định) chia sẻ: "Bình nước vối và thùng bánh mỳ của chị Phương thực sự quá ý nghĩa với những người lao động như chúng tôi.

Cô chú cứ nhẩm tính mà xem, với cái thời tiết mùa hè nắng như đổ lửa, nếu uống một cốc trà đá cũng đã mất 3 nghìn rồi, mà một ngày uống bao nhiêu cốc cho đủ. Thế nên chúng tôi đi làm quanh đây, cứ khát là chạy thẳng đến bình nước vối của chị Phương, tha hồ mà uống.

Uống no nước có khi làm thêm cái bánh mỳ, thế cũng coi như xong bữa. Đơn giản thế thôi mà tiết kiệm được khối tiền đấy".

Cũng giống như cô Hạnh, chị Lê Thị Ngát (Phù Cừ, Hưng Yên) làm nghề bán hoa quả rong nên rất hay qua đây để được uống nước miễn phí.

"Bọn tôi biết chỗ này nên cứ mách lan nhau, người nọ bảo người kia. Bây giờ chỗ này là địa chỉ quen thuộc rồi, khát chúng tôi cũng đến mà nhiều khi ế hàng tiếc tiền ăn chúng tôi cũng đến. Thực sự cô ấy quá tốt, quá hiểu nỗi vất vả và khó khăn của những người lao động chúng tôi" - chị Ngát cười tâm sự.

Đây là địa chỉ quen thuộc của bác đạp xích lô phố cổ.

"Khách" của chị Phương hầu hết đều là những người lao động nghèo, từ bác xe ôm, chị bán hoa quả, bà đồng nát đến những cậu bé đánh giày… Người này rỉ tai người kia và từ hơn 2 năm qua họ đã coi đây là địa điểm "chống đói, chống khát".

Vào những ngày cao điểm của đợt nắng nóng, nhà chị Phương liên tục phải "tiếp" nước. Chị cười bảo: "Nếu tính lượt thì có khi phải đến 5, 6 chục bình đấy. Nhiều khi tôi mới rót đầy bình mà chỉ khoảng 15 - 20 phút sau quay ra đã hết rồi.

Bếp than phải hoạt động từ sáng tới tối luôn". Ngày nào cũng vậy, chị Phương luôn phải đặt mua lá vối tươi của một hàng quen, sau đó về rửa thật sạch để ráo qua đêm rồi sáng sau cho vào hãm.

Chị Phương bảo, từ ngày chị đặt bình nước và thùng bánh mỳ miễn phí ở đây chị đã chứng kiến nhiều người khổ quá. Có người phụ nữ quê Hải Dương, chồng mất vì tai nạn giao thông, một nách nuôi 3 con nhỏ ăn học. Đành bỏ con lại cho ông bà nội trông, chị lên đây đi thu mua đồng nát.

"Nhiều khi vì tiếc tiền mua cơm chị ấy cố làm cho qua bữa, có hôm đi được đến đây thì người đã đói lả rồi. Tội nghiệp lắm!" - chị Phương kể lại.

Chứng kiến việc làm thiện nguyện của gia đình chị Phương, nhiều cá nhân, tập thể cũng đã chung tay góp sức để duy trì.

Bà Nguyễn Thị Chấn.

Bà Chấn chia sẻ: "Có người phụ nữ làm nghề nhặt ve chai nhưng hằng ngày vẫn dành lại một số chai Lavie mình nhặt được, cọ rửa sạch sẽ rồi mang đến nơi đặt bình nước vối miễn phí để những người lao động nghèo có thể rót nước vào chai rồi mang đi phòng khi khát. Rất nhiều lần tôi ngỏ ý trả cô ấy tiền nhưng cô ấy nhất định không nhận, còn luôn miệng bảo: gia đình bà làm được nhiều chứ mấy cái chai của cháu có đáng bao nhiêu".

Chúng tôi may mắn được gặp chị Hiền (người phụ nữ nhặt ve chai tốt bụng). Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng bấy lâu nay chị đã coi việc nhặt ve chai rồi đặt cạnh bình nước của chị Phương là công việc thường nhật, chị bảo: "Những chai nước này tôi nhặt được ở quanh bờ hồ đấy. Nếu như mang bán cũng được vài nghìn đồng. Tôi là người nghèo, hiểu được những mong muốn của những người nghèo.

Lên Hà Nội mưu sinh, mỗi năm tiết kiệm cũng được dăm bảy triệu gửi về quê nuôi con. Chai này tôi mang về rửa sạch bằng nước sôi, lau khô rồi mới mang ra đây đặt. Thấy mọi người đến uống nước bằng chai của mình đặt vào tôi cũng rất vui".

Người phụ nữ tốt bụng này hằng ngày nhặt chai Lavie rửa sạch đặt cạnh thùng nước miễn phí cho mọi người sử dụng.

Không chỉ có người phụ nữ tốt bụng ấy muốn chung tay mà chủ một số khách sạn, nhà hàng xung quanh khu vực bờ Hồ cũng thường xuyên cho nhân viên mang những vỏ chai nước lọc đến cho gia đình bà. "Những lúc ấy tôi sẽ lại đem đi cọ thật sạch sẽ rồi để ráo nước mới mang ra ngoài đặt vào cái rổ. Ai có nhu cầu thì rót vào" - bà Chấn vui vẻ cho biết.

Mặc dù việc làm của gia đình chị Phương nhằm mục đích giúp đỡ người nghèo, thế nhưng những điều trông thấy khiến chị cảm thấy buồn lòng. Trước đây tủ bánh mỳ miễn phí được chị đặt từ rất sớm (khoảng 6 giờ sáng), nhưng đã có rất nhiều người đi tập thể dục về, tiện tay cũng lấy.

Họ còn thì thào với nhau: "Miễn phí thì cứ lấy về, mất gì, ăn được thì ăn không ăn được thì cho mèo"."Thực sự đó là hành động rất vô văn hóa. Tủ bánh mỳ và bình nước vối của tôi là để hỗ trợ, giúp những người nghèo ăn bữa sáng, uống vào lúc nắng nóng. Chứng kiến cảnh đó, nghe họ nói vậy tôi thấy rất buồn. Có những người có hoàn cảnh rất khó khăn, họ đến lấy bánh mỳ có khi còn vào nhà xin trả tiền. Lúc đó còn phải nói khéo với họ vì sợ họ tự ái" - chị Phương chia sẻ.

Song Anh
.
.
.