"Thuốc" nào chữa dứt "căn bệnh" vi phạm trật tự xây dựng ?

Chủ Nhật, 04/11/2018, 09:53
Những ngày qua, câu chuyện hàng loạt biệt thự ngang nhiên xây dựng trên đất rừng phòng hộ ở hai xã Minh Trí, Minh Phú của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại thu hút sự quan tâm của dư luận.


Sau khi báo chí phản ánh, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Thanh tra Hà Nội và các sở ngành liên quan yêu cầu thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Phú và xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn). 

Ngày 22- 10, Thanh tra TP Hà Nội đã lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Phú và xã Minh Trí theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ngoài ra, đoàn thanh tra còn làm rõ quá trình thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ đã được công bố từ năm 2006. Thời gian thanh tra kéo dài 45 ngày, bắt đầu từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Minh họa Lê Tâm

UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức kiểm tra và thống kê trên địa bàn xã Minh Phú có 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Sau đó, Ban Thường vụ huyện Sóc Sơn đã họp và thống nhất đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Hân - Chủ tịch UBND xã Minh Phú 30 ngày để tập trung chỉ đạo giải quyết 18 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng.

Tiếp đó, ngày 30-10, tại Hội nghị giao ban công tác tháng 10-2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn. Cụ thể, phải tổ chức cưỡng chế 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng. Sau khi thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai.

Chủ tịch UBND Hà Nội cũng nêu việc bộc lộ yếu kém trong công tác quản lý, trong đó có thể chỉ ra các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng ở Ba Vì, Sóc Sơn. Thành phố đã phân cấp Thanh tra xây dựng cho các quận huyện nhưng làm việc vẫn hời hợt.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu: "Trước tiên ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện thì phải ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm". Đối với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi Thanh tra thành phố thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao những toà biệt thự này đã xây dựng cả năm trời nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý mà chỉ tới khi báo chí vào cuộc thì huyện, thành phố mới lại có chỉ đạo xử lý?

Thực tế, thời gian qua, ở Hà Nội đã có những công trình xây dựng rất lớn ngay trung tâm thành phố vi phạm nhưng chỉ bị phát hiện khi báo chí phanh phui và việc xử lý cũng rất chậm. Như toà nhà 8b Lê Trực dù đã hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm vi phạm. Còn theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, 8 tháng của năm 2018, qua kiểm tra 15.299 công trình đã phát hiện 824 trường hợp vi phạm; trong đó có  287 công trình xây dựng không phép, 308 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi đề cập tới tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cho rằng bình thường người dân chỉ đổ một bao cát trong hẻm cũng bị phát hiện, vậy mà tòa nhà xây trái phép nhiều tầng lại không phát hiện được, vi phạm nghiêm trọng giữa thanh thiên bạch nhật, kéo dài nhiều tháng mà không phát hiện ra là rất vô lý.

Còn đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã kiến nghị Thủ tướng có lộ trình để chấm dứt tình trạng "phạt cho tồn tại". Bởi lẽ hiện nay có rất nhiều sự việc xây sai phép gây bức xúc trong dư luận và để lại hậu quả nặng nề. Theo ông Quốc, "phạt cho tồn tại" nghe rất đơn giản và diễn ra rất phổ biến, nhưng tích tụ quá trình này là sự hủy hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền.

"Rõ ràng chúng ta có thể thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm. Chắc chắn không có cái gì lọt qua mắt, nhưng có những cái lọt qua tay. Đây là những việc rất cần thiết phải làm và làm có lộ trình để luật pháp được thực thi, và đó là cách tốt nhất để bảo vệ cán bộ của chúng ta", ông Quốc nhấn mạnh.

Pháp luật đã quy định rất rõ, những vi phạm cũng rất rõ, vấn đề là để xảy ra  những vi phạm này thì những cán bộ liên quan phải bị xử lý nghiêm. Mà để làm được điều đó thì rất cần những hành động cụ thể của các cấp chính quyền chứ không phải chỉ là lời nói "quyết liệt" rồi để đấy. Bởi chỉ có như vậy mới tạo ra ý thức thượng tôn pháp luật của người dân và cán bộ.

Tân Lương
.
.
.