Thượng đỉnh lịch sử

Thứ Bảy, 23/06/2018, 09:08
Ngày 12-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử, thắp lên hy vọng về một tương lai hòa bình thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.


Trong cuộc họp thượng đỉnh, ông Trump và ông Kim đã ký Tuyên bố chung vào cuối buổi sáng đàm phán hôm 12-6, trong đó đồng ý “sớm nhất có thể” tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và một “quan chức cấp cao” phù hợp của Triều Tiên.

Chặng đường nhiều thập kỷ

Năm 1945, sau khi Thế chiến 2 kết thúc, bán đảo Triều Tiên bị chia làm 2 phần. Người Mỹ kiểm soát miền Nam từ Vĩ tuyến 38 trở xuống, trong khi Liên Xô hỗ trợ miền Bắc. 

Ngày 25-6-1950, Triều Tiên đã bất ngờ phát động một cuộc tấn công vào Hàn Quốc và nhanh chóng chiếm hầu hết các vùng lãnh thổ ở miền Nam. Tiếp đến, các lực lượng do Mỹ dẫn đầu tấn công khiến quân lính Triều Tiên bị đẩy lùi đến gần sát biên giới với Trung Quốc. 

Chính vì vậy, vào tháng 10-1950, Trung Quốc tham gia vào cuộc xung đột Triều Tiên. Quân đội Trung Quốc và Triều Tiên hợp sức đã đẩy lực lượng Hoa Kỳ và LHQ quay trở lại Vĩ tuyến 38.

Đến tháng 7-1953, hai bên đã ký hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, hiệp ước hòa bình chưa bao giờ có, vì vậy, bán đảo Triều Tiên đã sống trong tình trạng đình chiến tạm thời trong 70 năm qua. Việc kết thúc cuộc xung đột vũ trang đã thất bại trong việc chấm dứt sự thù địch giữa hai nước. Lãnh đạo tối cao Kim Il-sung đã bắt tay vào một chương trình hạt nhân đầy tham vọng để giúp đảm bảo an ninh lâu dài của Bình Nhưỡng. 

Đến năm 2005, Triều Tiên tuyên bố có vũ khí hạt nhân riêng, và một năm sau đó, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức, ông đã tiến hành chính sách “chiến lược kiên nhẫn”. 

Năm 2016, Bình Nhưỡng đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới đất lần thứ năm - một loại vũ khí nhiệt hạch mạnh nhất của họ.

Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã thay đổi tình hình trong khu vực. Chính sách chiến lược kiên nhẫn của Mỹ đã được thay thế bằng chính sách đối ngoại cứng rắn đối với Triều Tiên. 

Tháng 10-2017, Mỹ đã gửi một nhóm tác chiến hải quân do tàu sân bay Carl Vinson dẫn đầu đến Thái Bình Dương như một chương trình vũ lực cảnh báo chống lại việc tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân tiếp theo. Ông Trump cũng không ngại đưa ra những lời lẽ đanh thép về phía Bình Nhưỡng.

Sự cứng rắn của ông Trump cùng với chiến lược “áp lực tối đa” của ông đối với Bình Nhưỡng đã phát huy tác dụng. Trung Quốc và Nga, trước sức ép của chính quyền Trump, đã tuân thủ các nghị quyết của LHQ về trừng phạt Triều Tiên. 

Đầu năm nay, Bình Nhưỡng đột nhiên chìa một nhánh ô liu cho miền Nam, khi thông báo sẽ gửi các vận động viên tham gia Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc hồi tháng 2. Điều đó dẫn đến một Hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa hai kẻ thù lịch sử, với kết quả là Tuyên bố Bàn Môn Điếm, và  mở đường cho thượng đỉnh Trump - Kim ở Singapore vừa qua.

Tuyên bố chung nhiều cách hiểu

Tuyên bố chung Mỹ - Triều cam kết 2 bên “thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới”. Nhưng người ta không rõ liệu điều này có nghĩa là thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức hay không. 

Theo ông Bilahari Kausikan, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Singapore, bây giờ mới chỉ ở điểm đầu của một quá trình chắc chắn lâu dài và rủi ro, nhưng là một quá trình có khả năng cực kỳ quan trọng. Đông Á dường như nằm “trên đỉnh” của một sự thay đổi chiến lược lớn, có thể so sánh với việc Mỹ mở cửa cho Trung Quốc trong năm 1972.

Tuyên bố chung bao gồm 3 đoạn mở đầu, tiếp theo là 4 đoạn nội dung chính, và kết thúc bằng 2 đoạn kết. Trong đoạn mở đầu thứ hai có câu: “Tổng thống Donald Trump cam kết cung cấp các bảo đảm an ninh cho CHDCND Triều Tiên, và Chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định cam kết chắc chắn và kiên định của mình đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”. 

Ông Kausikan lưu ý dấu phẩy quan trọng ở giữa hai cụm từ của câu này, tránh né mối liên kết rõ ràng. Vì vậy chúng có thể được hiểu như 2 tuyên bố về cam kết riêng biệt.

Theo ông Kausikan, người ta có thể đặt ra 2 câu hỏi quan trọng liên quan đến câu mở đầu trên. Đó là: “Phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên có nghĩa là gì? Và bảo đảm an ninh đòi hỏi điều gì?”. Rõ ràng, tranh luận về những thuật ngữ này có thể sẽ không bao giờ kết thúc. Bảo đảm an ninh có thể được qui định trong một hiệp ước hòa bình, một thuật ngữ mà Tuyên bố chung không sử dụng. Thay vào đó, Tuyên bố chung nói rằng Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ “chung sức xây dựng một nền hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên”. Sự nhấn mạnh của cụm từ này, và những cụm từ khác trong Tuyên bố chung, ý nói cần một quá trình để đạt được kết quả.

“Một nền hòa bình ổn định” là một thuật ngữ lỏng lẻo hơn so với thuật ngữ “một hiệp ước hòa bình”, và có thể được duy trì bằng cách ngăn chặn chứ không phải là một công cụ pháp lý. Liệu Triều Tiên sẽ có được sự đảm bảo sống còn chỉ trước một lời hứa từ phía Mỹ? Không chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của họ, ông Kausikan lưu ý.

Sẽ có Đông Bắc Á đa cực hạt nhân?

Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc đều phát triển vũ khí hạt nhân, thì cuối cùng sẽ hình thành cán cân hạt nhân 5 bên, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc, tại Đông Bắc Á. Nga và Ấn Độ cũng sẽ là những nhân tố thứ 2 của sự cân bằng chiến lược mới này tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là một sự thay đổi địa chấn địa chính trị, biến Đông Bắc Á thành một hình thế đa cực.

Tuy nhiên, theo ông Kausikan, đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, để trở thành cường quốc hạt nhân, thì vẫn còn một chặng đường dài phía trước, đòi hỏi những quyết định khó khăn. Còn đối với Mỹ và Trung Quốc, kết quả đó sẽ không phải là lý tưởng. Nhưng cuối cùng, điều đó có thể là kết quả ít tồi tệ nhất, và vẫn ổn định hơn so với tình hình hiện tại. Ông Kausikan cho rằng Mỹ sẽ không có ưu thế hoàn toàn trong một trật tự đa cực. Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn là một cường quốc lớn ở Đông Á, và hệ thống liên minh của Mỹ sẽ được duy trì lâu dài.

Theo ông Kausikan, một trật tự Đông Á đa cực có nghĩa là Bắc Kinh đã từ bỏ “Giấc mơ Trung Hoa” về một “cơ cấu phân cấp” với Trung Quốc ở trên đỉnh cao. Nhưng ngay cả trước đó, bất kỳ tiến bộ nào trong quan hệ Mỹ - Triều, cũng là nguyên nhân khiến cho Bắc Kinh lo ngại. Tuyên bố chung đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán song phương Mỹ - Triều Tiên trong thời gian tới, trong đó Trung Quốc thậm chí không được đề cập tới. Tuy nhiên, theo ông Kausikan, Trung Quốc không bao giờ có thể hoàn toàn bị bỏ qua, mặc dù hiện đã bị “hạ thấp” xuống một vai trò thứ cấp.

Tất nhiên, các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Mỹ - Triều Tiên còn tiếp diễn. Nhưng ngay cả khi nó thất bại, thì sự việc cũng không thể trở về nguyên trạng. Đây không phải là cuộc đàm phán 6 bên. Năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên khi đó mới ở mức sơ đẳng. Hiện đã có hiệu lực, Tuyên bố chung công nhận Triều Tiên là một quốc gia vũ khí hạt nhân và là một đối tác hợp pháp.

Bàng Cương
.
.
.