Thương hiệu Mỹ thắng kiện ở Trung Quốc

Thứ Ba, 12/09/2017, 11:00
Một tòa án ở Trung Quốc đã quyết định trao cho thương hiệu giày thể thao New Balance, với logo "N" nổi tiếng của Mỹ khoản tiền đền bù thiệt hại 1,5 triệu USD. Việc đền bù những thiệt hại về bản quyền cho nhà sản xuất giày thể thao đã đánh dấu một chiến thắng hiếm hoi cho thương hiệu phương Tây ở Trung Quốc.


Tòa án ở thành phố phía đông Tô Châu đã đưa ra phán quyết 3 bị cáo làm giả giày New Balance với nhãn hiệu New Boom đã "xâm phạm" quyền sở hữu của công ty Mỹ. Các thẩm phán ghi nhận sự tương đồng gần như toàn diện của logo cùng với các yếu tố khác, và kết luận rằng các sản phẩm giả mạo có thể khiến mọi người "dễ dàng bị nhầm lẫn" với giày Mỹ đích thực. Đại diện 3 công ty gồm Zheng Chaosong, Xinpingheng và Bosidake bị kết án làm hàng giả và buộc phải bồi thường số tiền gây thiệt hại khoảng 10 triệu NDT.

Phán quyết của tòa án là một chiến thắng rất hiếm hoi cho thương hiệu phương Tây trong các trường hợp vi phạm về sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, và những thiệt hại thường là lớn hơn nhiều so với các phán quyết của tòa án. Nhiều công ty nước ngoài nói rằng hệ thống tư pháp của Trung Quốc lỏng lẻo và thiên vị công ty trong nước. Quyết định được thông báo ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một cuộc điều tra sâu rộng về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.

New Balance là công ty sản xuất giày của Mỹ, và được biết đến là một trong những nhà sản xuất giày dép thể thao lớn của thế giới. New Balance có mặt tại Trung Quốc từ năm 1995, nơi mà doanh số bán dụng cụ thể thao đang tăng lên nhanh chóng. Trước đó, vào tháng 4-2015, New Balance đã thua trong vụ kiện chống lại một nhà đầu tư Trung Quốc, người đã đăng ký tên Putonghua đại diện cho thương hiệu giày New Balance của Mỹ.

Tương tự, vào năm 2016, một thợ thủ công da lành nghề Trung Quốc đã đăng ký nhãn hiệu "iPhone" cho một loại hàng da thuộc và đã giành chiến thắng trong vụ kiện chống lại hãng điện tử khổng lồ của Apple. Các thẩm phán cho biết ông này đã đăng ký thương hiệu "iPhone" da trước khi điện thoại iPhone đến Trung Quốc.

Trong một phán quyết nổi bật khác, vào năm 2015, một tòa án cấp thấp Trung Quốc đã bác bỏ khiếu nại của cầu thủ bóng rổ Michael Jordan kiện thương hiệu thể thao Trung Quốc vì đã sử dụng tên ông ta với lý do: “Qiaodan không phải là tên duy nhất để chỉ Jordan và Jordan là cái tên bình thường của người Mỹ chứ không phải tên họ đầy đủ. Do đó, các bằng chứng đưa ra không đủ để chứng minh rằng Qiaodan ám chỉ Michael Jordan”.

Không chấp nhận phán quyết này, Jordan đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao Trung Quốc. Và cuối cùng thì tòa cũng ủng hộ ông: Michael Jordan có quyền hợp pháp đối với tên gọi phiên âm sang tiếng Trung Quốc, và Qiaodan Sports tuy vẫn được giữ tên công ty nhưng phải ngừng sử dụng thương hiệu Qiaodan trên sản phẩm. Phán quyết này là một bước ngoặt lớn trong việc đòi lại quyền lợi từ tên tuổi cũng như sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc.

Kim Thu
.
.
.