Kết thúc phiên toà xét xử vụ án”tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”:

Thương nhau như thế bằng mười hại nhau

Thứ Ba, 14/01/2014, 07:51

Kết thúc phiên tòa xét xử vụ án "tổ chức người khác trốn đi nước ngoài", Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã dành cho các bị cáo những hình phạt tương xứng với tội danh đã gây ra. Nhân vật được đặc biệt quan tâm là bị cáo Dương Tự Trọng (nguyên Phó giám đốc CATP Hải Phòng), em trai của Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), người vừa ra tòa cách đây không lâu và đã bị tuyên xử tử hình. Nhiều người nói rằng, bản án 18 năm tù mà Tòa tuyên đối với Dương Tự Trọng, là hơi nặng. Nhưng như Dương Tự Trọng đã nói trước tòa, ông sẵn sàng chấp nhận, bởi dưới ánh mặt trời, mọi người đều bình đẳng như nhau.

Thương nhau như thế bằng mười hại nhau

Tôi tin nhiều người từng là bạn Dương Tự Trọng sẽ rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh ông bị dẫn giải với đôi tay bị còng. Và tôi cũng tin những hình ảnh ấy sẽ làm thức tỉnh rất nhiều âm mưu đen tối mà ai đó đang nuôi trong đầu, nhất là đối với những người có chức vị. Không có gì là vô lý cả khi Dương Tự Trọng đã tự đẩy mình và kéo theo rất nhiều anh em, đồng nghiệp, bạn bè thân thiết vào tù bởi Trọng đã chỉ đạo họ tìm đường cho ông anh ruột Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài, khi nắm được thông tin chắc chắn Dũng sẽ bị khởi tố.

Lẽ ra, Dương Tự Trọng là người thực thi pháp luật, ông ta phải tỉnh táo và biết cần phải làm gì cho đúng pháp luật, nhưng vì thương anh trai với lý do rất mộc mạc, từ bé đến giờ Dương Chí Dũng chưa khổ ngày nào nên Trọng sợ anh trai mình không chịu được khổ khi phải vào tù, hơn nữa, có thể sẽ chết trong tù trong khi bố mẹ của họ đã già, sợ ông bà không chịu nổi. Nghĩ đến anh trai nhiều hơn, đến gia đình nhiều hơn, thế nên Dương Tự Trọng đã làm một việc "nghĩa", việc "hiếu" đối với gia đình nhưng lại quên mất nhiệm vụ của một cán bộ Công an trước Đảng, trước lực lượng, trước nhân dân.

Chứng kiến phiên tòa này, người ta thấy có rất nhiều thứ "tình". Đầu tiên là tình anh em giữa Trọng và Dũng. Tình đồng nghiệp giữa Trọng và các cựu cán bộ Công an Hải Phòng. Tình vừa là đồng nghiệp vừa là anh em giữa Trọng và Sơn. Tình bạn bè giữa Trọng và Tuấn. Cả như mối quan hệ của Trọng với trùm giang hồ Dũng "Bắc Kạn" cũng là một thứ tình huynh đệ mà vì câu nói của Trọng: "Mày dám vì anh không?", Dũng "Bắc Kạn" ngay lập tức nhảy vào lửa không một chút mảy may lăn tăn. Vì những thứ tình ấy, họ đã giúp nhau một cách nhiệt tình, nhưng rõ ràng, thương nhau như thế bằng mười hại nhau. Cho đến bây giờ, nhiều người cũng không thể lý giải được vì sao Dương Tự Trọng lại chọn cách hành xử như vậy.

Với một con người vào sinh ra tử, kinh nghiệm dạn dày trong điều tra phá án, Trọng thừa biết dù trốn đi đâu thì rồi anh trai mình cũng sẽ bị bắt, và khi ấy, cái giá phải trả là quá lớn. Nhưng nhiều người hiểu ông thì nói, nếu không thế thì không phải là Trọng. Và chỉ có thể tạm lý giải là Trọng đã thương ông anh trai mình một cách mù quáng, và sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi như phong cách đời thường mà bạn bè vẫn nhận thấy ở Dương Tự Trọng.

Nó mang dáng dấp nửa phong trần, nửa nghệ sĩ, nửa giang hồ, hệt như cái kiểu nói trước tòa rất mộc, rất ngang  của Trọng: "Dương Chí Dũng là anh ruột của tôi. Những ngày qua, tôi luôn sống cùng với kỷ niệm của hai anh em và càng thấy thương anh tôi nhiều hơn. Thường ước được cầu mong cho anh tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, lòng từ bi khoan dung độ lượng vị tha của người đời. Tình cảm ấy tôi nghĩ ở mỗi con người ai cũng có, mong mọi người thông cảm. Với các bị cáo khác, mong HĐXX khách quan, đánh giá đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để họ sớm về với cuộc đời. Cá nhân tôi sẵn sàng thực hiện nghiêm túc bản án HĐXX dành cho tôi".

Những gương mặt giống và khác nhau tại tòa

Nếu như Dương Chí Dũng - người được mời đến với tư cách nhân chứng nói nhiều và nói với tâm trạng khá thoải mái trong tâm thế của một kẻ đã nhận án tử hình, nghĩa là không còn gì để mất, chỉ đôi lúc nghẹn lại khi nhắc tới em trai và những người bạn đã vì mình mà mang tội, thì Dương Tự Trọng lại khá trầm ngâm, ít nói. Không phủ nhận cũng không thừa nhận, không biết, không nhớ, không phản đối, không có ý kiến… là những gì người ta nghe được nhiều nhất từ Trọng.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn.

Ngược nhau về thái độ, nhưng điểm chung của hai anh em Dương Tự Trọng là tình cảm họ dành cho nhau, Dũng nghẹn giọng khi nhắc đến em trai và Trọng cũng dành cho anh mình những lời yêu thương thực sự. Nhưng suy cho cùng, đó là sự yêu thương mù quáng. Nếu như Trọng thương anh đúng mực, thì ông ta phải biết khuyên anh mình nên chấp hành theo pháp luật, hợp tác tốt với cơ quan điều tra, chứ không phải là tìm cho Dũng một đường trốn chạy.

Ai đó đã nói: "Khi tôi thông báo vừa giết người, nếu anh là bạn tốt phải hỏi tôi ngay, thế đã giấu xác chưa?" - đó là quan niệm về tình bạn mang tính văn học, thế nên trong trường hợp anh em Dương Tự Trọng, đôi khi tôi vẫn tự tìm cho mình một câu trả lời, có thể cái máu nghệ sĩ, cái chất duy tình trong con người Dương Tự Trọng đã lấn át cái lý trí mà lẽ ra một người làm trong cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật phải có, thậm chí phải có nhiều hơn những người khác. Ngoại trừ Dũng "Bắc Kạn" - một trùm giang hồ cộm cán thì những bị cáo còn lại đều có nhân thân tốt, sinh trưởng trong các  gia đình truyền thống cách mạng, chỉ vì nể nang mà dẫn nhau vào vòng lao lý. Họ còn có điểm chung nữa là đối với Dương Tự Trọng, họ đều thể hiện thái độ và lời nói tôn trọng khi nhắc tới Trọng trước tòa. Và đặc biệt, không có sự đổ lỗi cho nhau như đa số các phiên tòa khác. Đó có lẽ cũng là chút tình cuối cùng mà những con người tội lỗi ấy dành cho nhau.

Bị cáo Trần Văn Dũng tức Dũng "Bắc Kạn".

Đối với pháp luật, dù là cán bộ cao cấp hay một người dân thường, thì cũng phải có nghĩa vụ thực hiện như nhau. Giá như Dương Tự Trọng biết gạt tình riêng, xử lý vụ việc với tinh thần thượng tôn pháp luật thì hôm nay, những người từng là bạn, từng là đồng nghiệp, từng là anh, là em của ông đã không phải đau xót chứng kiến cảnh Trọng bị dẫn giải giữa hai hàng Cảnh sát bảo vệ, tay mang còng, trong một dáng vẻ khắc khổ, lầm lũi. Đâu rồi một Dương Tự Trọng tay ôm đàn, miệng hát, mắt nhắm nghiền, phiêu trong những câu thơ rất tình do chính Trọng là tác giả. Đâu rồi một Dương Tự Trọng lăn xả vào công việc, một mình ngồi đợi tên trùm tội phạm đất Cảng trong phòng khách sạn và chộp hắn đơn giản như chộp chú ếch con. Đâu rồi anh Trưởng phòng Cảnh sát hình sự bế trên tay em bé bị bắt cóc và trao trả cho gia đình trong nỗi nghẹn ngào xúc động của những người thân? Người ta có thể không biết trước điều gì về tương lai nhưng ký ức thì ai cũng nắm rõ nhất. Như Trọng thú nhận, thời gian vừa qua, ông sống bằng ký ức, và những kỉ niệm với anh trai, với người thân, với bạn bè, anh em có lẽ là liều thuốc tinh thần tốt nhất giúp Dương Tự Trọng lúc này.

Trong phiên tòa, Dương Chí Dũng đã khai nhận người mật báo việc Dũng sẽ bị khởi tố và khuyên ông ta nên tạm lánh một thời gian là một cán bộ cấp cao của Bộ Công an. Được hỏi về thông tin này, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, cho biết: “Trước đây, trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng đã khai báo, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã báo cáo kịp thời lãnh đạo Bộ Công an. Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra báo cáo với cấp có thẩm quyền và khẩn trương điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật. Kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận”.

Trước những lời khai của Dương Chí Dũng, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án "làm lộ bí mật nhà nước" và Quyết định khởi tố vụ án sẽ được gửi tới VKSND TP Hà Nội. Tòa cũng yêu cầu điều tra làm rõ hành vi nhận 500.000 USD để chạy tội cho Dương Chí Dũng cũng như hành vi nhận 20 tỷ đồng để làm dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn mà Dương Chí Dũng đã khai tại tòa.

Biết anh trai là Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, Dương Tự Trọng đã bàn bạc, thống nhất và giao cho Vũ Tiến Sơn tổ chức chỉ đạo, phân công Thắng, Ánh, Tuấn, Phong, Trần Văn Dũng và các đối tượng khác đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn.

Ngày 17/5/2012, Dương Chí Dũng được đưa đến tạm lánh ở nhà bạn gái của ông Trọng để từ đây ông ta được đưa đi Quảng Ninh.

Đến ngày 21/5/2012, Dương Chí Dũng được đưa từ Quảng Ninh đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), trốn sang Campuchia vào khoảng 19h ngày 23/5/2012.

Từ Campuchia, Dũng được đưa tiếp sang Singapore.

Từ Singapore, Dũng một mình đi sang đất Mỹ nhưng không nhập cảnh được nên lại quay về Campuchia.

Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Dương Tự Trọng, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi (sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn) đã đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Hành vi của các bị cáo đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, làm cản trở, gây khó khăn lớn đến quá trình điều tra vụ án tiêu cực xảy ra tại Vinalines, tạo dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Toà án tuyên phạt: Dương Tự Trọng: 18 năm tù. Vũ Tiến Sơn: 13 năm tù. Các đối tượng khác từ 5 - 8 năm tù.

Đinh Hiền
.
.
.