Thương thì thương cho đúng chỗ

Chủ Nhật, 21/09/2014, 14:00
Như vậy là sau hơn 2 tuần điều tra tích cực, lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hung thủ vụ đâm chết người phát cơm từ thiện ở quận 6. Phải thừa nhận là việc điều tra, phá án đã vô cùng hiệu quả khi tung tích kẻ thủ ác gần như là số 0 ngay sau khi vụ việc xảy ra. Nhưng cũng thật thà với nhau để nhận thấy rằng, có phát hiện ra kẻ thủ ác đi nữa thì nỗi đau của những người mất thân nhân, nhất là cháu bé, cũng không thể nào bù đắp lại được. Và câu chuyện đó để lại một suy nghĩ, một trăn trở rất lớn về tình thương trong xã hội và cách thể hiện tình thương ấy.

Trong Phật giáo có câu "cứu một người bằng xây 7 toà tháp" còn trong Kinh lạy Cha của Catholic lại có câu "xin cha tha nợ cho chúng con, như chúng con đã tha cho những kẻ có nợ chúng con". Cả hai câu nói đó đều mang một thông điệp chung về tình yêu-thương chúng sinh, đồng loại. Có thể nói, tình yêu-thương ấy là thứ tạo nên sự khác biệt giữa loài người với động vật và nó không chỉ thể hiện trong tôn giáo mà còn ngay cả trong cuộc sống đời thường, với câu tục ngữ từ xa xưa "lá lành đùm lá rách". Yêu-thương người khác, đùm bọc người khác, làm việc thiện đã không còn là nghĩa vụ, trách nhiệm với một tối cao nào mà nó trở thành khát vọng được sống hướng thiện của mỗi người.

Nhưng con người không chỉ khác loài vật ở chỗ có tình thương-yêu ấy mà còn ở chỗ con người có trí thông minh vượt trội. Và chính trí thông minh đó giúp người ta biết đặt tình yêu-thương ở đúng chỗ của nó thay vì cứ ban phát một cách vô tội vạ để nhiều khi thương nhau như thế bằng mười hại nhau.

Hiện trường vụ án kinh hoàng ở quận 6, TP Hồ Chí Minh.

Đơn cử chuyện phát cơm từ thiện kia thôi, nạn nhân chỉ là người phát cơm thuê, tức là người thực hiện công việc đó để lấy công kiếm sống. Còn người làm việc thiện nguyện thực sự thì chỉ xuất tiền nấu cơm, mua thức ăn, rồi giao phó cho người làm thuê kia đảm đương cái việc phát chẩn của mình. Tiêu chí của người phát chẩn là phát cơm miễn phí (cơm chay) cho người lang thang cơ nhỡ, người thất nghiệp, vô gia cư, người nghèo. Đó là một tập hợp rộng, và là một tập hợp không nêu bật được hành vi thiện nguyện muốn có.

Đơn giản, trong những người lang thang cơ nhỡ kia cũng có hai thành phần. Thành phần thứ nhất là những người KHÔNG CÓ CƠ HỘi (hay nói đúng hơn là “chưa có cơ hội”) trong cuộc sống. Chính vì việc đó, họ mới phải lang thang cơ nhỡ đi xin ăn, đi nhặt nhạnh đây đó để sống qua ngày. Còn thành phần thứ hai là thành phần “có cơ hội nhưng biếng lười” và thành phần này không hẳn đã là một cộng đồng nhỏ hơn so với cộng đồng thành phần “chưa có cơ hội”. Và câu hỏi đặt ra ở đây là thành phần biếng lười kia có đáng nhận được tình yêu-thương từ đồng loại hay không?

Rất nhiều lần chúng ta có thể gặp ngoài đời những kẻ có sức khoẻ nhưng lười biếng lao động, không chịu được khổ cực và đi xin tiền tại các quán ăn. Nếu ta cho một lần, họ sẽ thành thói quen để tiếp tục xin ta lần thứ hai, thứ ba, thứ n… Kiếm tiền dễ dàng cách đó càng khiến họ biếng lười hơn, ỷ lại hơn và trở thành một gánh nặng thực sự của xã hội. Tình thương-yêu nếu rót vào đó, phải chăng là một tình thương-yêu mù quáng?

Giả sử trong gia đình ta có một người thân mắc bệnh phải kiêng một số loại thực phẩm nhất định, nhưng lại là loại thực phẩm mà người ấy rất thích đi. Trong cơn thèm thực phẩm đó của người thân, nếu ta tặc lưỡi bỏ qua và cho họ ăn để qua cơn thèm vì ta thương họ quá thì cái thương đó sẽ thành thương-hại, tức là thương nhau để rồi hại nhau. Với những kẻ biếng lười ngoài xã hội cũng vậy thôi, ta thương họ theo kiểu mù quáng cũng là ta hại họ, hại cả chính ta và hại cả xã hội xung quanh.

Kẻ thủ ác dùng dao hại chết người phát cơm từ thiện ở quận 6 - TP Hồ Chí Minh là kẻ đã được phát 1 hộp cơm miễn phí nhưng quay lại đòi xin thêm 3 hộp nữa, trong khi nguyên tắc của người phát cơm là mỗi người chỉ một hộp. Không nói đến cái ngạo ngược của kẻ thủ ác mà nói đến “đồng bọn” của hắn thôi, những kẻ sẽ ăn 3 hộp cơm mà hắn đòi thêm kia. Chúng có phải là kẻ lười biếng không khi việc bước chân ra xin hộp cơm cho mình cũng không tự làm mà phải để đồng bọn làm hộ. Cái ác bắt nguồn từ tình thương là cái ác nặng nề nhất, và khiến chúng ta phải băn khoăn nhiều nhất.

Đã đến lúc phải nghĩ khác rồi, khi bắt đầu làm một việc thiện. Đó là phải biết đặt tình yêu-thương của mình đúng chỗ. Đơn giản, tình yêu-thương là tài sản cực lớn, cực vĩ đại và không thể hoang phí nó để nó vô tình thành mảnh đất cho tội ác nảy mầm

H.Anh
.
.
.