Thuyền buồm vượt đại dương

Thứ Năm, 14/07/2016, 15:45
Ngày hòa bình, khi nói đến tàu Không số, ai cũng trầm trồ thán phục, nhưng nếu có hỏi: Những con tàu Không số ra đi như thế nào? Gian khổ và hy sinh oanh liệt ra làm sao… rất ít người trả lời được. Và cũng ít ai biết rằng, chuyến vượt biển đầu tiên ghi dấu con đường vận tải trên biển đã đi vào huyền thoại lại là chiếc thuyền buồm bằng gỗ, mà "cảm tử quân" là những chàng trai nông dân áo vải, những ngư phủ quanh năm lặn ngụp với cá tôm.


1.Qua thời gian, nhiều người trên tàu Không số đã lần lượt về với đất mẹ, số ít còn lại cũng bệnh tật, già yếu. Thiếu tá hải quân Huỳnh Văn Mười (Mười Tiến), một trong 34 "cảm tử quân" đầu tiên vượt biển ra Bắc xin vũ khí nay đã 80 tuổi. 55 năm, trí nhớ của người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên, ký ức hào hùng, bi tráng trên những con tàu Không số giữa biển khơi lúc nào cũng sống dậy.

Chuyến đi đầu tiên chở ông và đồng đội từ quê hương Bến Tre lao ra biển, thực hiện chuyến hải trình đặc biệt là chiếc thuyền buồm vỏ gỗ cánh dơi, mỏng manh, chấp chới như chiếc lá tre giữa sóng gió đại dương. Trên con thuyền ấy, người chiến sĩ phải gồng mình chịu đựng, bí mật len lỏi giữa biển cả mênh mông đầy bất trắc hiểm nguy. Trên đường đi, họ không biết dựa vào ai, không biết núp né vào đâu ngoài lý trí, nghị lực, lòng dũng cảm và niềm tin.

Tàu Không số chở vũ khí vượt biển vào Nam (Ảnh tư liệu).

Mười Tiến là con út trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Bến Tre. Đi hoạt động cách mạng với con người Bến Tre cũng đơn giản như rừng dừa tự sống, tự vươn lên trong nắng. Cây có lúc phải trơ trụi lá để chờ mùa đâm chồi kết trái. Riêng với rừng dừa Bến Tre, quanh năm không khi nào trút bỏ màu xanh. Quê hương tươi đẹp là thế, nay bị quân thù giày xéo tang thương. Lòng căm hận dâng lên, từ ba má, anh Hai, anh Ba, chị Năm, chị Sáu, cả anh em nội ngoại, cháu con, cả xóm cả ấp ai cũng là du kích.

Mười Tiến đi làm liên lạc cho Công an huyện Thạnh Phú từ năm 14 tuổi, với nhiệm vụ băng rừng, vượt sông đưa thư từ liên lạc. Năm 1954, Mười Tiến không tập kết ra Bắc mà ở lại hoạt động hợp pháp ngay tại quê nhà, phụ trách thanh niên xã, vừa bí mật vận động các đợt đấu tranh chính trị vừa giữ vỏ bọc làm ruộng đánh cá như một người nông dân thực thụ. 

Khoảng thời gian dài đi coi đáy hàng khơi, ngụp lặn đáy biển đã rèn luyện cho Mười Tiến có tài bơi lội như rái cá, khả năng chống chọi với bất trắc của biển cả. Sau ngày Bến Tre đồng khởi, Mười Tiến được tuyển chọn tham gia vào chuyến công tác bí mật. Từ đây, người lính cách mạng rời quê hương Thạnh Phong ra đi, chỉ biết là sẽ đi xa, lên Miền công tác. Má và con đều không thể ngờ rằng, lần gặp mặt chia tay ấy, mãi đến 15 năm sau đứa con mới trở về.

Thuyền buồm cánh dơi (Ảnh minh họa).

2.15 người được tuyển chọn công tác ở Ban sản xuất tự túc (tên gọi để giữ bí mật) phải học tập rèn luyện, tập dượt vượt biển suốt đêm ngày, họ chỉ biết là vượt biển đi xa hàng ngàn dặm, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Trước giờ xuất phát, lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre mới thông báo, đây là chuyến vượt biển ra Bắc xin vũ khí.

6 giờ chiều 18-8-1961, tại rừng dừa ngập mặn Cồn Tra, 7 người trên chiếc thuyền buồm cánh dơi âm thầm xuất phát rời đất liền. Trên bờ chỉ có một người giơ tay tiễn đưa. Đây là chuyến đi cảm tử, chuyến thí nghiệm mở đường. 

Người trên bờ lo lắng ngậm ngùi, anh em trên thuyền bâng khuâng vẫy chào hàng dừa nước xanh thắm in bóng đôi bờ. Những dải khói lam chiều ghi dấu hình ảnh quê hương thân yêu vào tâm trí. Họ ra đi vì bóng dừa xứ sở, những chàng trai trẻ khỏe, hừng hực nhiệt huyết nguyện cống hiến, xả thân vì cái màu xanh bất tử của quê hương. Mọi âu lo, căng thẳng bỗng tan biến khi trước mắt là con đường biển thênh thang hướng về miền Bắc, nơi có Bác Hồ, có đồng bào, đồng chí thân yêu.

Thuyền ra đến biển, trời nước mênh mông, từng gợn sóng trào lên lại lặn xuống, yên ả vỗ về cánh buồm nhỏ căng tràn theo gió. Trăng sáng và những vì sao lấp lánh trên biển, con thuyền căng buồm xuôi gió cứ hướng Bắc tiến lên. 

Thuyền tới vùng biển mênh mông đã nhìn thấy ngọn Hải đăng Cấp. Con thuyền đánh cá của "dân Bắc di cư" (tên ngụy trang khi bị địch kiểm tra) vào mùa gió Tây Nam thuận buồm xuôi gió, không gặp khó khăn gì. Nhưng khi vừa ra tới vùng biển ngang với Cấp, nhìn xuống hướng Tây Nam thấy mây đen kịt kéo về, một lát sau trời âm u tối sầm, giông gió bắt đầu nổi lên, mưa trút xuống ào ào. Gió quật xối xả, thuyền vô hiệu hóa điều khiển, đánh lái xuôi  theo sóng.

Thiếu tá Huỳnh Văn Mười, một trong 34 "cảm tử quân" đầu tiên vượt biển ra Bắc xin vũ khí.

Mặc dù anh em trên thuyền đều được tuyển từ dân đánh cá lành nghề, có sức chịu đựng dẻo dai, nhưng trong cơn cuồng phong của biển thì thuyền và người chỉ như lá nổi trôi trong sóng cuốn. Mưa và gió tạt nước đầy khoang, tất cả ướt sũng. Anh em vừa níu giữ người cho khỏi văng xuống biển vừa tát nước ra khỏi lòng thuyền. Chống chọi quần quật với giông lốc, chiếc thuyền "vỏ tre" có những lúc tưởng như bay ra khỏi biển. Gần một tiếng sau, giông lốc đỡ dần, mặt biển yên trở lại, mọi người thu dọn đồ đạc rơi vãi, rách nát tơi tả. 

Tệ hại nhất là thùng dầu dự trữ va đập đã nứt bung, dầu chảy gần hết. Giữa mênh mông biển cả, không biết phương hướng nào đi, thuyền gần cạn dầu đành chạy theo cánh buồm xuôi gió. Đi biển bằng thuyền gỗ nhỏ, gắn máy 16 mã lực, không có bản đồ, la bàn, không ai có kinh nghiệm, cứ đi là đi, cứ mặt trời mọc là hướng Đông, mặt trời lặn là hướng Tây. Sao Bắc đẩu là hướng Bắc, cứ hướng Bắc mà tới. 

Cái gì cũng thiếu, cũng không có, chỉ có tinh thần dũng cảm là có thừa. Những người con của rừng dừa Bến Tre ra đi như thế, mang theo một tâm nguyện, một niềm tin, ra miền Bắc xin vũ khí vào miền Nam đánh giặc, giải phóng quê hương.

3.Buổi chiều hôm ấy nhìn thấy bờ xa mờ, anh em reo lên, nhưng không biết đó là bờ nào, bao giờ đến vĩ tuyến 17, không ai biết. Mười Tiến nhìn vào dãy núi xa xa trên bờ, thấy có một mỏm đá nhô cao hình mẹ ôm con giống với hòn Vọng Phu của tỉnh Phú Yên, hồi học lớp nhì Mười Tiến đã học thuộc lòng: "Đường hải lộ từ Nam ra Bắc/ Khỏi Ba Ngòi sắp đến Quy Nhơn/ Trập trùng ngọn nỏng trập trùng/ Xa xa chợt thấy một hòn núi cao/ Ngay giữa đỉnh hình nhân lộ vẽ/ Tay ẵm bồng một bé hài nhi…".

Ngày hòa bình, ông cùng người bạn đời thường xuyên về thăm lại quê hương Bến Tre.

Nhờ trí nhớ của Mười Tiến mà anh em như trút bỏ được gánh nặng hoài nghi, hoang mang, đã biết chính xác ở vị trí nào. Thuyền băng băng rẽ sóng, không bị hỏi xét gì hết. Chạy thêm một ngày thì đoán là sắp tới Đà Nẵng, rồi qua Huế nghĩa là sắp tới giới tuyến. Qua khu vực này phải giăng buồm kết hợp cả máy nổ nữa chạy cho lẹ để vượt vĩ tuyến 17. 

Một ngày một đêm chạy tốc lực, anh em đều bơ phờ, mệt lử nhưng không thể xác định đã vượt qua giới tuyến chưa. Thuyền buồm cứ chạy, chạy thêm một ngày nữa thì hết dầu phải nhờ gió vật vờ đưa vào bờ. Thấy chiếc thuyền lạ, nhiều người trên bờ chạy ra la hét, quát tháo, họ giơ tay ra hiệu phải đưa thuyền vào sát bờ. Vẫn trong vỏ bọc ngụy ngang, Mười Tiến trả lời là thuyền của dân Bắc di cư, có giấy tờ của Ngô Đình Diệm cấp. Một người lên tiếng: "Đây là đất miền Bắc, đâu phải của Ngô Đình Diệm, giải tất lên đồn". 

Tiếng nói líu lo, giọng rặt địa phương anh em nghe không phân biệt được là vùng nào nhưng đoán được thái độ của dân với chính quyền Ngô Đình Diệm. Họ la mắng rất gắt, bắt nhốt đám người của chính quyền họ Ngô. Không biết thực hư ra sao, hay đây chỉ là trò ngọa hổ li sơn của bọn mật thám ngụy nên anh em vẫn chưa dám tiết lộ thân thế. Chỉ khi Mười Tiến nhìn thấy người dân cầm tờ tiền "Bác Hồ" thì mới vỡ òa hạnh phúc. 

Vậy là thuyền đã ra tới đất Bắc, coi như nhiệm vụ sắp hoàn thành và niềm vui lớn nhất chính là được gặp Bác Hồ. Thuyền Bến Tre yêu cầu được gặp lãnh đạo cao nhất của địa phương để nói chuyện và cung cấp thông tin về nhiệm vụ. Sau khi biết chính xác thuyền miền Nam ra Bắc xin vũ khí, anh em được đối xử chân tình thắm thiết, được nghỉ ngơi, ăn uống tử tế đàng hoàng.

Giây phút hạnh phúc dâng trào tột cùng của những người lính miền Nam là được gặp Bác Hồ. Ai cũng hồi hộp, cảm động không tài nào chợp mắt được. Các chàng trai Bến Tre đánh giặc giỏi vậy mà đứng trước Bác Hồ lại lúng túng chẳng nói thành lời, chỉ biết cười và rơi nước mắt. Bác bắt tay ôm chặt từng người, như Bác đang ôm lấy miền Nam, ôm dừa Bến Tre vào lòng. Bác hỏi thăm từng người, Bác hỏi tình hình Đồng Khởi, hỏi nhiều lắm. Trong những câu chuyện với miền Nam, thi thoảng Bác lại lấy khăn lau nước mắt…

Ngọc Thiện
.
.
.