Tiềm ẩn những nỗi lo ở bãi giữ xe dưới gầm cầu

Thứ Tư, 08/04/2015, 08:00
Vẫn biết hiện tại TP HCM vẫn còn nhiều khó khăn về mặt bằng để sử dụng làm bến bãi trông giữ xe nhưng đó là khó khăn chung cần phải tìm biện pháp để khắc phục chứ không thể tận dụng các gầm cầu để sử dụng lâu dài được. Nếu lỡ có sự cố cháy nổ xảy ra thì thiệt hại có thể gấp trăm, thậm chí gấp ngàn lần nguồn lợi trước mắt...

Rào chắn kiên cố, bưng bít thật kín nhằm tránh những ánh mắt dòm ngó, không hệ thống báo cháy, bình chữa cháy cũ kỹ không đủ khả năng dù chỉ là dập tắt những đám cháy nhỏ ban đầu, không đường ống dẫn nước, không bể chứa nước hoặc cát và một số trang thiết bị khác phục vụ cho công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đó là ghi nhận của phóng viên CSTC khi thâm nhập thực tế những bãi giữ xe dưới gầm các cây cầu huyết mạch Calmete, Ông Lãnh, Chữ Y nối liền địa bàn các quận 1,4,5,8.

Từ thực tế này cho thấy, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và khi ấy, thiệt hại mà nó gây ra không chỉ đối với vấn đề giao thông vận tải giữa các khu vực này, mà còn cả những cây cầu trị giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

Thực trạng đáng báo động

Mặc dù trong thông tư số 39/2011 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có quy định không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, trong trường hợp đặc biệt cần sử dụng tạm thời cần có sự đồng ý của Bộ GTVT hoặc UBND cấp tỉnh, thành phố nhưng phải đảm bảo an toàn cháy nổ, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, tuy nhiên hiện nay tại TP HCM vẫn tồn tại hàng chục điểm trông giữ xe dưới gầm các cây cầu trọng yếu do Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà TP HCM quản lý khai thác nhưng chỉ được trang bị sơ sài hoặc không trang bị các loại phương tiện PCCC khiến cho nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bãi giữ xe dưới gầm cầu chữ Y.

Tại cầu chữ Y nối liền giữa quận 5 và 8, người ta đã trưng dụng gầm cầu phía đường Nguyễn Biểu làm bãi giữ xe. Xung quanh được dựng một hàng rào sắt kiên cố để chắn giữ, chỉ có một cửa ra vào với trên bốn chục chiếc xe nằm xếp lớp thành nhiều hàng. Tại đây chỉ có vài ba chiếc bình chữa cháy xách tay loại nhỏ hoen ố gỉ sét nằm chỏng chơ ở một góc. Trong khu vực không có đường ống và bể chứa nước hoặc cát chữa cháy.

Với tất cả tình trạng mà chúng tôi ghi nhận được, nếu có xảy ra sự cố cháy nổ thì những người trông giữ xe tại đây hoàn toàn không thể chữa cháy mà chỉ còn cách đứng nhìn và cũng không thể di dời xe ra khỏi đám cháy vì xung quanh đã bị bịt kín.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn có lẽ thuộc về các bãi giữ xe tại các gầm cầu Calmette và gầm cầu Ông Lãnh nối liền quận 1 và 4. Tại những điểm này, các chủ bãi ngoài việc thiết lập hàng rào sắt kiên cố vây quanh gầm cầu còn cho trồng cây với tán lá rậm rạp che kín toàn bộ khu vực mà nếu không để ý kỹ sẽ không thể biết nơi đây là bãi giữ xe. 

Bên trong bãi này, người trông giữ xe còn cho chứa những loại vật liệu dễ cháy như vỏ thùng carton, đồ nhựa và nguy hiểm hơn là họ còn cho đặt những bếp nấu ăn ngay sát những chiếc xe ô tô, gắn máy.

Trò chuyện với một nhân viên, chúng tôi được anh này cho biết: Theo quy định thì đây là bãi dành cho các xe thu gom rác dạng đẩy tay. Tuy nhiên thực tế thì mấy chục chiếc xe này đều bị đẩy qua vỉa hè phía đối diện nằm trên đường Nguyễn Thái Học để lấy chỗ trông giữ xe gắn máy và ô tô các loại. Bến bãi tại đây được chia thành hai khu vực, một bên chuyên nhận giữ xe gắn máy các loại, một bên giữ xe ô tô.

Cũng theo nhân viên này, hàng năm anh cùng một vài người nữa từng được tập huấn công tác PCCC, nhưng khi đề xuất với cấp trên để trang bị đường ống dẫn nước, bể chứa, bình xách tay loại lớn và các loại trang thiết bị khác nhưng đến nay vẫn không thấy triển khai gì. Nhiều lúc nghĩ đến sự cố cháy nổ mà cảm thấy ớn lạnh vì ngoài vấn đề thiếu trang thiết bị, các loại xe cộ còn xếp dày đặc choán toàn bộ các lối thoát hiểm không thể dễ dàng di dời ra ngoài nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành chấp nhận đánh đu với nguy cơ cháy nổ.

Để hiểu rõ hơn về những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến việc cháy nổ và những thiệt hại đối với các cây cầu, chúng tôi đã đến Phòng 2, Cảnh sát PCCC TP HCM để tìm hiểu và được đơn vị này trả lời bằng văn bản: Đầu tháng 3/2015, qua khảo sát, nắm tình hình của Cảnh sát PCCC TP HCM, trên địa bàn các quận 1, 4,5,6,8 vẫn tồn tại 9 điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Mặc dù tất cả đều được UBND TP cấp phép nhưng hầu hết các chủ bãi xe này đều tỏ ra rất chủ quan chưa nhận thức được nguy cơ cháy, nổ. 

Trang thiết bị PCCC thô sơ, nhiều chỗ không hoạt động được và chỗ hoạt động được thì cũng chỉ có thể chữa cháy ban đầu của các vụ cháy nhỏ, trong trường hợp xảy ra cháy lớn thì hoàn toàn bó tay và điều này có thể gây ra các vụ nổ gây tổn hại cho những cây cầu.

Bếp trong bãi giữ xe ở gầm cầu Ông Lãnh.

Tại một số điểm có mật độ xe đông, nhiều khi quá tải so với mặt bằng nên các nhân viên thường cho dựng xe lấn chiếm lối thoát nạn và xung quanh công trình choán hết khoảng cách an toàn. Hơn nữa phương tiện chữa cháy chỉ là một vài bình xách tay không thường xuyên được bảo dưỡng, lực lượng PCCC cơ sở quá mỏng, chỉ một hoặc 2 người với công việc chính là trông giữ xe nên rất khó khăn trong việc di chuyển tài sản và tổ chức chữa cháy khi sự cố xảy ra.

Cần có giải pháp bảo vệ cầu

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư cầu đường Lê Ngọc Quang tỏ ra rất bức xúc: Trong hệ thống đường bộ Việt Nam, hệ thống cầu có vai trò hết sức quan trọng. Nó kết nối đến những vùng trọng yếu để phát triển kinh tế xã hội mà không một loại phương tiện nào khác có thể thay thế xứng đáng. Một đoạn đường bị hư hỏng có thể thiết lập đường tạm thời để các loại phương tiện lưu thông qua lại. Nhưng một cây cầu bị sập thì chỉ có thể dùng phà thay thế nhưng năng lực vận chuyển của phà rất hạn chế nên tại các đô thị có mật độ dân số đông như Hà Nội, TP HCM thì không thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại của người dân và việc này ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội.

Khi còn trực tiếp làm công việc thiết kế cầu đường, ông Quang cùng đồng nghiệp thường rất quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ nên trong tất cả các phương án của mình, ông thường dành phần gầm cầu làm nơi trồng cây xanh và đặc biệt phản bác các phương án sử dụng làm nơi để xe, kho chứa hàng hoặc sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác có thể dẫn đến cháy nổ.

Cũng theo ông Quang, hiện nay tại một số gầm cầu đường bộ, cầu vượt tại TP Hồ Chí Minh đang bị lạm dụng làm các bãi trông giữ xe ô tô, gắn máy các loại mà trong thời gian vừa qua trên cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ xe ô tô, gắn máy tự dung bốc cháy, có một vài vụ đã phát nổ bình xăng khiến cho nạn nhân ngoài bị thiệt hại về tài sản còn mang thương tích đầy người. Trong trường hợp sự cố xảy ra, ngoài việc gây thiệt hại tài sản của các cá nhân, còn làm hư hỏng các cây cầu có giá trị hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng và có thể là hàng ngàn tỷ đồng thiệt hại khác từ việc hàng hóa không được lưu thông.

Để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, theo ông Quang, cần phải nhanh chóng di dời ngay các bãi xe này ra xa khu vực gầm cầu, thay thế bằng các vườn cây cảnh loại nhỏ, cây thấp để vừa tạo cảnh quan đô thị vừa có thể trả lại sự thông thoáng, an toàn cho những cây cầu. Những trường hợp các cơ quan ban ngành cần phải sử dụng tạm thời, ngoài việc tạo hành lang thông thoáng thì bắt buộc phải được trang bị hệ thống PCCC để có thể khống chế trong trường hợp xảy ra cháy nổ.

Những bình chữa cháy quá nhỏ không đảm bảo chữa cháy ban đầu.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi tìm gặp ông T., chủ tiệm buôn bán tạp hóa trên đường Nguyễn Thái Học, đối diện khu vực bãi xe và được ông chia sẻ: Trước đây khi nơi này còn là chợ đầu mối Cầu Muối, gia đình ông đã bám chợ buôn bán tạp hóa. Khi chợ được giải tỏa, cây cầu Ông Lãnh được xây mới thì những vựa hàng cũng phải di dời đi nơi khác nhưng vì gia đình ông chẳng khấm khá gì, lại quen mối mang từ trước nên ông đã thuê một phần căn nhà đối diện gần cầu tiếp tục buôn bán.

Theo sự hiểu biết của ông, khi xây cầu, các kỹ sư thường thiết kế khoảng không gian dưới gầm để trồng cỏ hoặc hoa nhằm tạo sự thông thoáng, đẹp mắt và phòng chống cháy nổ. Nhưng đối với cây cầu này, kể từ khi thông xe cho đến nay, người ta đã sử dụng phần gầm làm bãi giữ xe cộ các loại và dựng lên một hàng rào chắn kiên cố rồi trồng những cây rậm rạp để bên ngoài khó có thể nhìn vào trong và nó đã che khuất tầm nhìn của người đi đường khiến cho tình trạng tai nạn giao thông không đáng có liên tục xảy ra.

Vấn đề phòng chống cháy nổ cũng đáng báo động bởi trang thiết bị chữa cháy bên trong bãi xe được trang bị hết sức sơ sài và hoàn toàn không có hệ thống nước. Ông cùng một số bà con xung quanh đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền sở tại cho di dời nhưng giấy phép hoạt động do UBND TP Hồ Chí Minh cấp nên không thể làm gì được. "Nói thật sống gần những bãi xe thiếu an toàn như thế này chẳng khác nào luôn có một quả bom nổ chậm đặt trước của nhà…", ông T than thở.

Vẫn biết hiện tại TP HCM vẫn còn nhiều khó khăn về mặt bằng để sử dụng làm bến bãi trông giữ xe nhưng đó là khó khăn chung cần phải tìm biện pháp để khắc phục chứ không thể tận dụng các gầm cầu để sử dụng lâu dài được. Nếu lỡ có sự cố cháy nổ xảy ra thì thiệt hại có thể gấp trăm, thậm chí gấp ngàn lần nguồn lợi trước mắt. Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền tại TP Hồ Chí Minh cần nhanh chóng cho di dời các bãi xe này đến một nơi khác thích hợp hơn, trả lại sự thông thoáng và an toàn cháy nổ cho những cây cầu.

Đức Cương
.
.
.