Tiệm sách miễn phí giữa Sài Gòn

Thứ Tư, 31/01/2018, 11:36
Ðam mê sách, muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ, ông dành dụm hết số tiền tiết kiệm có được và đi vay thêm để mở một tiệm sách miễn phí giữa Sài Gòn. Tiệm sách tuy nhỏ, nhưng thu hút được nhiều độc giả đến bởi sự thân thiện và tấm lòng nhân ái của ông chủ tiệm sách.


Tôi đến thăm tiệm sách nhỏ của ông Nguyễn Ngọc Cần (63 tuổi) tại số 21 đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đúng dịp ông chuẩn bị đi thiền và thăm trẻ em mồ côi tại các chùa lớn, nhỏ ở Vũng Tàu. 

Ông mời chúng tôi đi cùng đoàn để trải nghiệm. Đó là hoạt động thường xuyên mà tháng nào ông cũng thực hiện cùng bạn bè để cái tâm thanh thản và chia sẻ được phần nào những thiệt thòi, mất mát mà trẻ mồ côi phải chịu đựng. 

Ông bảo, ông mở tiệm sách miễn phí không chỉ là nơi để khơi gợi văn hóa đọc của các bạn trẻ giữa thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, cả thế giới như chỉ thu nhỏ lại trong một chiếc điện thoại, ipad, mà còn là nơi tĩnh tâm, tìm đến cõi thiền của ông và bạn bè.

Ông nói từ khi có tiệm sách và đi thiền, đi từ thiện hàng tháng, ông thấy tâm hồn mình thư thái, sảng khoái lắm. Sống là phải cho đi mà không cần nhận lại. Ông muốn giúp cho các em bé mồ côi có một niềm vui ấm áp bằng những phần quà nhỏ do chính tay mình và bạn bè đóng góp và kêu gọi ủng hộ. 

Ngay ở cửa tiệm sách, ông treo những tấm biển hiệu ngay ngắn, cẩn thận, mang đậm triết lý nhà Phật vừa để răn mình, vừa để những người đến đọc sách nhìn vào đó mà tự suy ngẫm, sống tốt hơn, có ích hơn với cuộc đời. Trong tiệm sách nhỏ, ông sưu tầm khá nhiều sách về phật giáo, và đây cũng là thể loại sách đầu tiên ông trưng bày khi mở tiệm sách miễn phí.

Ông Nguyễn Ngọc Cần quê ở Long An. Ngày xưa, gia đình ông nghèo lắm. Ham mê đọc sách từ bé, ông nghiệm ra rằng, nguồn kiến thức mà sách đem đến là vô hạn. Sau gần 8 năm sưu tầm, tìm kiếm, ông quyết định mở một tiệm sách vừa để phục vụ nhu cầu đọc sách của chính mình, vừa làm nơi giao lưu, hội ngộ bạn bè và những người có cùng sở thích. 

Ngày ấy, ông dốc hết số tiền tiết kiệm có được vào việc mở tiệm sách. Ai cũng bảo ông khùng, vì tự nhiên đùng đùng đổ hết tiền của vào tiệm sách cũ chẳng đem lại lợi nhuận gì, lại còn mở miễn phí cho người khác đọc, nhưng ông mặc kệ. Không đủ tiền, ông đi vay thêm tiền em gái rồi đi săn lùng tìm mua sách cũ. Bao nhiêu sách mua về ông đều đọc và nghiền ngẫm bằng hết. 

Ngôi nhà của ông do cha mẹ để lại, sau khi phân chia cho người em, phần còn lại chỉ khoảng 2 mét chiều ngang, 4 mét chiều dài nhưng ông đều tính toán chi li, tỉ mỉ để đưa những kệ sách cao kịch trần vào nhà. Không đủ chỗ để sách, ông tận dụng cả gác xép, cầu thang làm giá đựng sách. Sách nhiều đến nỗi, tiệm không có đủ chỗ ngồi để đọc, ai đến cũng đều phải đứng. Thế nhưng, đó cũng là điều đặc biệt, thu hút độc giả đến với tiệm sách của ông Cần.

Trước cửa tiệm, ông kê sẵn chiếc ghế đá và mấy chiếc ghế nhựa, vài bình nước trà nóng; ngoài ra còn có bánh kẹo, hạt hướng dương… phục vụ miễn phí mọi người đến đọc sách. Ai đến đọc sách thì đọc, nếu thích thì có thể mượn về nhà mà không cần giấy tờ, đặt cọc hay biên nhận; hoặc nếu mua thì trả bao nhiêu cũng xong. 

Tiếng lành đồn xa về ông chủ tiệm sách dễ tính nên tiệm của ông Cần ngày càng đông khách. Mới đầu chủ yếu là những người lớn tuổi, hưu trí tìm đến để giải trí nhưng càng ngày càng đông khách trẻ tuổi, bởi sách của ông Cần khá phong phú và đa dạng, nhiều thể loại, từ mới đến cũ. Cứ tầm 16 giờ đến 20 giờ hàng ngày, tiệm sách của ông Cần lại nhộn nhịp người ra vào đọc và trả sách.

Ông Cần tâm sự, ông không hề đặt nặng việc kinh doanh, quan trọng là tạo nguồn kiến thức cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ bây giờ. Chính vì vậy, ông cũng không hề sợ việc bị mất sách do cho mượn sách mà không có biên lai. Bởi theo ông, sách là tri thức, nếu có mất mát thì cũng ra được bên ngoài, tới được nhiều độc giả, được nhiều người lĩnh hội. Như thế, con người sẽ đối xử với nhau tử tế hơn, trân trọng nhau hơn và xã hội sẽ càng tốt đẹp hơn.

Ông Cần trong một chuyến đi thiền và thăm trẻ em mồ côi.

Để gia tăng số lượng sách và cũng để phục vụ nhu cầu đọc của chính mình và bạn đọc, buổi sáng ông Cần vẫn tranh thủ đi làm kiếm tiền để mua thêm sách về trưng bày. 

Chiều đến, ông lại tất bật ra mở tiệm sách cho mọi người đến mượn và đọc. Vừa pha trà mời khách, ông vừa tranh thủ giới thiệu sách cho độc giả. Nhiều khi khách đến đọc còn thích ngồi nghe ông nói chuyện phật pháp, nói chuyện nhân tình thế thái hơn là đọc sách, còn sách thì mượn về nhà đọc sau. Con người ông Cần là một kho sách, hễ ai nhắc đến cuốn sách nào, của tác giả nào là ông nói vanh vách, kể chi tiết. 

Ông mê nhất là sách Phật giáo. Ông thấy ở đó có những triết lý sống đầy ý nghĩa, nhân văn. Tính tình xởi lởi, dễ mến của ông chủ tiệm sách khiến mọi người siêng đến đọc sách hơn. Vừa được đọc vừa được uống trà, thậm chí ông chủ tiệm còn dễ tính chuẩn bị sẵn cả đồ ăn vặt miễn phí dành cho khách quá bữa đói bụng...

Từ ngày có tiệm sách, ông Cần bận rộn hơn nhưng cũng nhờ nó mà ông trẻ ra vài tuổi và có thêm nhiều bạn tâm giao. Ông bảo, khách đến với tiệm sách của ông đủ lứa tuổi, thành phần. Từ học sinh, sinh viên đến bác xe ôm, những người đi làm. Không chỉ đến mượn sách, họ còn hỏi han, trò chuyện, coi ông như người thân quen để dốc bầu tâm sự. Nhiều khi ông còn trở thành một chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ, giúp họ hòa giải mâu thuẫn, khơi thông bế tắc. 

Như câu chuyện của anh Chương, một độc giả thân quen nhiều năm nay của tiệm sách ông Cần. Thời còn trẻ, nhờ gia đình khá giả nên anh Chương chỉ biết hưởng thụ, phung phí thời gian, sức khỏe, tiền bạc và cả sự nghiệp học hành của mình, quanh quẩn các cuộc vui, rồi cờ bạc, rượu chè... Đến khi gặp phải cú vấp lớn của cuộc đời, anh hoàn toàn rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. 

Khi tìm đến tiệm sách, anh may mắn gặp được ông Cần, nhờ ông chia sẻ, động viên và cũng nhờ những gì anh đọc được từ những trang sách về triết lý nhà Phật đầy ý nghĩa ở tiệm sách này mà anh tự đứng lên làm lại cuộc đời. 

Giờ đây, anh đã có một gia đình hạnh phúc, yên ấm với hai đứa con ngoan đáng yêu cùng một quán cà phê nhỏ để phát triển kinh tế. Cho đến giờ, anh vẫn là một “fan” đặc biệt của tiệm sách bởi quán cà phê của anh nằm ngay gần tiệm sách ông Cần.

Hay câu chuyện một cô sinh viên, vì thất tình mà tìm đến tiệm sách của ông để giải tỏa nỗi buồn. Ông Cần để ý vài lần thấy cô bé đến mà chẳng đọc gì, chỉ tìm sách rồi lại đứng thất thần. Chuyện trò nhiều lần, cô bé mới tâm sự thật nỗi buồn với ông. Hiểu được nỗi lòng cô bé, ông nhỏ nhẹ khuyên nhủ: 

“Cuộc đời còn dài, rồi sau này con sẽ gặp được nhiều chàng trai tốt hơn. Điều quan trọng là bố mẹ con luôn trông đợi, kỳ vọng ở con, họ đã vất vả lo cho con ăn học, con phải sống sao cho xứng đáng, không phụ lòng mong mỏi của họ”. 

Rồi ông chọn cho cô bé khá nhiều sách hay để mang về đọc. Thời gian sau, cô bé đến với vẻ mặt tươi tỉnh và cám ơn ông vì những lời khuyên bổ ích.

Còn biết bao câu chuyện vui buồn, thú vị mà ông Cần chứng kiến kể từ khi mở tiệm sách. Cũng từ tiệm sách ấy, ông tìm được nhiều bạn tâm giao, nhiều người đồng hành cùng ông trong những chuyến đi thiền và từ thiện. Số tiền thu được từ tiệm sách, một phần ông dành để mua sách mới, một phần để làm quà tặng các em nhỏ mồ côi đang được nuôi dưỡng ở nhiều chùa. Ông tâm sự, với ông bây giờ, quan trọng là được làm điều mình thích và có ý nghĩa với xã hội, thế là ông vui lắm rồi.

Ngọc Mai
.
.
.