Tiền ảo - Tung chảo hay gia bảo?

Những ngôi sao mới - Kỳ 3

Thứ Hai, 02/10/2017, 16:03
Không nghi ngờ gì, đồng Bitcoin (BTC) đang là loại tiền ảo được ưa chuộng nhất hiện nay. Tuy nhiên, có những đồng tiền ảo tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng được đánh giá rất cao, có khả năng sẽ vượt qua Bitcoin trong tương lai.


Ethereum - bước “tiến hóa” của Bitcoin?

Cũng như Bitcoin, Ethereum là một nền tảng điện toán có tính chất phân tán (phân trung), công khai, mã nguồn mở dựa trên công nghệ Blockchain. Đồng tiền của nó gọi là "Ether" (ETH). Xuất hiện năm 2015, Ethereum đã được giới đầu tư tiền tệ thế giới chú ý ngay lập tức và được đánh giá là "đối thủ tiềm năng của Bitcoin".

Kể từ đó, giá trị của Ethereum coin không ngừng tăng và phát triển mạnh mẽ. Tính đến ngày 22-8 vừa qua, đồng tiền này đạt giá trị 322 USD/ETH, tăng hơn 70% chỉ trong vòng một tháng, tăng gấp 45 lần kể từ đầu năm. Nhờ những đợt tăng giá gần đây, tổng giá trị của đồng Ether trên thị trường đã đạt con số hơn 34 tỷ USD, bằng khoảng 82% lượng Bitcoin hiện nay. Đầu năm nay, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 5%. Tổng giá trị của Ether và Bitcoin ở thời điểm hiện nay đã vượt qua PayPal, và gần đạt được tầm vóc của Goldman Sachs.

Vitalik Buterin, một nhà nghiên cứu tiền mã hóa và lập trình viên người Nga (sinh năm 1994), đã xây dựng Ethereum dựa trên ý tưởng từ Bitcoin và mong muốn khắc phục được những điểm yếu trước đây của Bitcoin như xác nhận giao dịch chậm; đồng thời khuyến khích tập trung khai thác qua các mining-pool hơn là chỉ khai thác đơn lẻ.

Blockchain của Ethereum có nhiều điểm tương tự như của Bitcoin, tuy nhiên có một số khác biệt như khối Ethereum chứa một bản sao của cả danh sách giao dịch và trạng thái gần nhất. Bên cạnh đó, số khối và độ khó cũng được lưu trữ trong khối.

Ethereum cũng được thiết kế để làm được nhiều việc hơn chỉ đơn thuần là đồng tiền kỹ thuật số. Mạng lưới máy tính liên kết với Ethereum có thể được sử dụng để thực hiện các công việc tính toán, giúp người ta có thể chạy ứng dụng máy tính trên một mạng lưới hay còn gọi là ứng dụng phân quyền. Điều này dẫn đến lượng lớn lập trình viên nghiên cứu phần mềm dạng này.

Một số tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang xây dựng các chương trình dựa trên Ethereum, bao gồm công ty khai thác mỏ BHP Billiton với chương trình quản lý nguyên liệu, hay JPMorgan đang phát triển hệ thống giám sát giao dịch.

Trong vài tháng qua, hơn 100 công ty đã tham gia Hiệp hội phi lợi nhuận Enterprise Ethereum Alliance, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Toyota, Merck, Samsung nhằm xây dựng công cụ có thể tận dụng khả năng của Ethereum trong môi trường doanh nghiệp.

Bitcoin Cash - phân nhánh của Bitcoin

Một số thành viên của cộng đồng Bitcoin cảm thấy rằng Bitcoin chỉ thích hợp là đồng tiền để đầu tư hơn là để giao dịch. Tại sao nói như vậy? Đơn giản vì việc giao dịch BTC rất chậm.

Như đã biết, Bitcoin được xây dựng trên nền tảng Blockchain. Blockchain Bitcoin là một sổ cái công cộng chứa tất cả dữ liệu giao dịch từ bất kỳ ai sử dụng BTC. Các giao dịch được thêm vào các “block” hoặc những liên kết của mã tạo chuỗi (chain) và mỗi giao dịch phải được ghi vào một khối. Nhưng những block này đã đầy và làm các giao dịch chậm lại.

Hiện tại, có khoảng 1.700 giao dịch có thể được lưu trữ trên mỗi Bitcoin block, khoảng 3 giao dịch/giây, như vậy là không nhiều, như visa, xử lý được hàng nghìn giao dịch mỗi giây. Bởi vì BTC Blockchain đang trở nên quá lộn xộn, thời gian chờ đợi để được chấp thuận giao dịch sẽ rất lâu, khoảng vài giờ.

Cộng đồng BTC đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách thay đổi quy tắc cho phần mềm của nó. Được gọi là “Segregated Witness” (SegWit), sự thay đổi quy tắc sẽ cho phép mọi người đưa nhiều giao dịch hơn vào mỗi block. Điều này về mặt kỹ thuật, được gọi là “soft fork” và sẽ không dẫn đến một thuật toán hoàn toàn mới.

Nhưng đối với một số người, điều này là chưa đủ, vì vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là giới hạn dung lượng của block BTC. Vì vậy, họ quyết định phân nhánh (fork) mã hóa Bitcoin vào ngày 1-8, tạo ra đồng tiền ảo song sinh gọi là Bitcoin Cash. Nó kế thừa lịch sử giao dịch của Bitcoin tính đến ngày đó, nhưng các giao dịch tiếp theo sẽ được tách biệt. Block 478558 là khối phổ biến cuối cùng và vì vậy khối tiền mặt đầu tiên của Bitcoin Cash là 478559.

Việc tạo ra Bitcoin Cash được gọi là “hard fork”. Những người sáng tạo ra nó đang phát hành một phần mềm hoàn toàn mới, và nó có thể đưa gấp 8 lần số lần giao dịch vào mỗi khối. Điều này có nghĩa là Bitcoin Cash có thể xử lý các giao dịch nhanh hơn.

Bitcoin Cash cung cấp 3 tính năng mới. Thứ nhất, Bitcoin Cash cung cấp kích thước Block lớn hơn với 8MB. Thứ hai, Bitcoin Cash cung cấp replay protection và wipeout protection. Chữ ký giao dịch có một chút khác biệt và block fork phải lớn hơn 1MB. Thứ ba, Bitcoin Cash cung cấp một cách để điều chỉnh độ khó Proof-Of-Work nhanh hơn so với khoảng thời gian điều chỉnh độ khó Block hồi năm 2016 được tìm thấy trong Bitcoin.

Vào thời điểm Bitcoin phân nhánh tạo ra Bitcoin Cash, những người đang sở hữu Bitcoin cũng được tự động có Bitcoin Cash ngang với số Bitcoin mà họ có. Điều này bởi Bitcoin Cash là fork của sổ cái, có nghĩa là bạn sở hữu số lượng Bitcoin Cash ngang bằng với Bitcoin tại thời điểm forking Block. Tuy nhiên, nếu Bitcoin của bạn được lưu trữ bởi một bên thứ ba như sàn giao dịch, thì bạn cần yêu cầu họ trả về tiền mặt cho mình.

Ngày 7-9 vừa qua, giá 1 Bitcoin Cash đã vượt 700 USD. Hiện đây là đồng tiền ảo có tổng giá trị lớn thứ 3 thế giới hiện nay, chỉ sau Bitcoin và Ethereum.

Những khác biệt cơ bản giữa Bitcoin và Ethereum:

• Thời gian tạo khối Ethereum mới là 14-15 giây, thay vì 10 phút trong Bitcoin.

• Việc sử dụng giao thức GHOST giúp giao dịch Ethereum nhanh hơn Bitcoin.

• Số lượng Bitcoin bị giới hạn ở mức 21 triệu với phần thưởng giảm còn một nửa sau mỗi 4 năm. Còn Ethereum không giới hạn số lượng Ether. Lượng lạm phát Ether hàng năm không được xác định rõ.

• Phí giao dịch của Ethereum được trả bằng Gas (quy đổi được ra Ether), được tính dựa trên khối lượng tính toán, băng thông, lưu trữ. Còn phí giao dịch Bitcoin bị cạnh tranh trực tiếp với nhau để vào được khối của Bitcoin mà bị giới hạn.

• Ethereum cho phép chạy mã Turing-complete, cho phép mọi tính toán được thực thi nếu có đủ khả năng tính toán và thời gian. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại nhiều rủi ro bị tấn công hơn cho Ethereum so với cấu trúc đơn giản hơn của Bitcoin.

• Có 13% số Ether được bán cho lượng người đã tài trợ dự án ban đầu. Còn những người đầu tiên đào Bitcoin nắm giữ số lượng lớn lượng Bitcoin đang phát hành.

• Ethereum chống lại việc sử dụng ASIC như Bitcoin. Người đào Ethereum phải sử dụng card đồ họa vì hàm băm của Ethereum yêu cầu sử dụng bộ nhớ.

• Ethereum chống lại việc đào mỏ tập trung bằng cách sử dụng giao thức Ghost.

Vinh Trang
.
.
.