Tiền ảo vượt cấm vận

Chủ Nhật, 28/01/2018, 15:06
Ngày 3-12-2017, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố nước này sẽ phát hành một đồng tiền ảo riêng có tên Petro. Trước đó, Nga cũng từng tuyên bố sẽ phát hành tiền ảo.


Đồng Petro được hậu thuẫn bằng dầu lửa, được xem là một biện pháp nhằm giảm bớt tác động lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ nhằm vào Venezuela; đồng thời vực dậy nền kinh tế đang sa sút của quốc gia Nam Mỹ này.

Gần 6 tỷ USD

"Venezuela sẽ phát hành một đồng tiền ảo" được hậu thuẫn bằng dầu lửa, khí đốt, vàng và kim cương”, ông Maduro nói trong bài phát biểu hàng tuần trên truyền hình. Theo ông Maduro, đồng Petro sẽ giúp Venezuela "tăng cường chủ quyền tiền tệ, thúc đẩy các giao dịch tài chính và vượt qua sự phong tỏa tài chính".

Sau đó, phát biểu tại một cuộc họp mới đây của các bộ trưởng Venezuela, Tổng thống Maduro nói rằng các đồng tiền kỹ thuật Petro này sẽ được gắn với 5 tỷ thùng dầu trong khối Ayacucho của mỏ dầu Orinoco Oil Belt. Theo đó, dựa trên giá dầu mới nhất của nước này, tổng số tiền ảo sắp phát hành sẽ có giá trị khoảng 5,9 tỷ USD (tương đương hơn 134 nghìn tỷ VNĐ).

“Tôi đã yêu cầu phát hành 100 triệu đồng Petro với sự trợ giúp pháp lý từ nguồn dầu mỏ dồi dào của Venezuela. Đồng tiền ảo này sẽ giúp đất nước ta thách thức sự chuyên chế của đồng USD, cuộc chiến kinh tế và cuộc khủng bố tài chính do Mỹ đứng đầu”, ông Maduro tuyên bố.

Đồng tiền chính thức của Venezuela hiện nay là đồng Bolivar đang mất giá mạnh. Siêu lạm phát (4.000%) và khan hiếm nghiêm trọng các mặt hàng cơ bản như thực phẩm và thuốc men đang khiến đời sống của người dân nước này gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia kinh tế và giới quan sát quốc tế cho rằng chính sách kinh tế sai lầm của Chính phủ Venezuela, quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới và là một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hiện nay. Trong khi đó, Chính phủ của Tổng thống Maduro cho rằng những thách thức mà Venezuela đang phải đối mặt là do kẻ thù trong và ngoài nước, trong có có Mỹ, gây ra.

Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro tuyên bố sẽ phát hành 100 triệu đơn vị tiền ảo có tên petro, dựa theo giá dầu mỏ trên thị trường nước này.

Việc Venezuela phát hành tiền ảo được xem là một dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ đang tác động mạnh đến khả năng của Venezuela trong việc chuyển tiền qua các ngân hàng quốc tế. Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh giá của đồng tiền ảo lớn nhất thế giới là Bitcoin tăng chóng mặt trong thời gian gần đây, thu hút sự chú ý ngày càng lớn của các nhà đầu tư dòng chính (mainstream) trên thế giới.

Tuyên bố của Venezuela đã làm "nức lòng" nhiều nhà đầu tư tiền ảo, bởi loại tiền này đến nay vẫn chưa được hậu thuẫn bởi một chính phủ hay ngân hàng trung ương nào. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng kế hoạch phát hành tiền ảo của Tổng thống Maduro sẽ thất bại. "Kế hoạch này chẳng có gì đáng tin cậy", nghị sỹ đối lập, chuyên gia kinh tế Angel Alvarado phát biểu trên tờ Reuters.

Rúp ảo của Nga

Ngày 2-1, Hãng tin Financial Times cho biết Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu các quan chức Nga nghiên cứu một đồng tiền ảo quốc gia còn được gọi là “cryptorouble”. Tờ báo này dẫn lời ông Sergei Glazev, Cố vấn kinh tế cho Tổng thống Nga cho biết, đồng tiền ảo này sẽ được dùng như “công cụ hữu ích” để né tránh các lệnh trừng phạt kinh tế phương Tây đối với Nga.

Cũng theo ông Glazev, cryptorouble tương đương đồng rúp nhưng việc lưu thông bị hạn chế trong một số trường hợp và cho phép Điện Kremlin theo dõi các động thái của tiền tệ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ đồng tiền ảo này có được Ngân hàng Trung ương Nga phát hành hay không. Trước đó, sau cuộc gặp với người sáng lập đồng tiền ảo Ethereum, ông Vitalik Buterin, Tổng thống Putin đã chỉ thị cho giới chức trong Nội các xem xét một khung làm việc để thiết lập và điều chỉnh đồng tiền tệ điện tử tại Nga.

Song song với việc khuyến khích phát triển, ông Putin cũng cảnh báo, tiền ảo sẽ tạo ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố và phổ biến chương trình gian lận.

Văn Nguyễn
.
.
.