Tiếng đờn bên Vàm Cỏ Đông

Thứ Tư, 22/08/2018, 15:01
Với người dân Mỹ Lệ (Cần Đước, Long An) thì tiếng đờn (đàn), giọng ca vọng cổ đã trở thành điều tự hào và thiêng liêng. Nghe một bản đờn ca tài tử, là được nghe cái “mùi vị” mặn mòi của cánh đồng, dòng sông, đìa tôm, áo cá, thấy dáng bà ba nón trắng thân thương trên những nhánh đường quê.


Bên tả ngạn Vàm Cỏ Đông còn là nơi gắn liền với nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công khai sáng bộ môn đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam Bộ.

Về Mỹ Lệ, nhớ thầy Ba Đợi

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) xuất thân là một nhạc quan của triều đình nhà Nguyễn. Thời bấy giờ, các nhạc quan không được coi trọng nên hậu thế chưa tìm ra được tài liệu lịch sử nào ghi chép cụ thể về thân thế của ông. 

Chỉ biết vào cuối thế kỷ XIX, sau khi kinh thành Huế thất thủ, ông lưu lạc vào Nam sinh sống tại nhiều nơi. Cần Đước là một trong những vùng đất mà ông gắn bó nhiều năm nhất.

Suốt thời gian cư ngụ tại đây, ông đã đào tạo được rất nhiều thế hệ học trò, cả nhạc lễ lẫn tài tử. Trong đó, ông truyền thụ lại những tinh hoa tích góp trong cả cuộc đời mình và học trò ông sau này, rất nhiều người đã trở thành những nghệ nhân đờn ca tài tử danh tiếng. 

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại đem kiến thức âm nhạc cao sang, bác học nơi cung đình kết hợp cùng sự phóng khoáng, chân chất và đôn hậu của con người, sông nước phương Nam, góp phần khai sáng và phát triển bộ môn đờn ca tài tử không chỉ gói gọn tại nơi mình đang sống mà còn tạo nên phong trào rộng lớn khắp các tỉnh miền Nam.

Bên sông Vàm Cỏ Đông, đờn ca tài tử luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống.

Những năm cuối đời, người nghệ nhân tài hoa phải sống trong cảnh nghèo túng. Khi ông mất, tang chay cũng không được chu đáo, chỉ an táng sơ sài tại Rạch Cát, lâu dần cũng thất lạc mộ phần.

Ban đầu, để tưởng nhớ đến công đức của ông, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Nhà Văn hóa quận 8 (TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức lễ húy kỵ lần đầu tiên cho ông vào năm 1995. 

Đến năm 1996, với lòng kính trọng và biết ơn đức nghệ nhân, nhạc sư đã lưu một thời gian dài và truyền thụ tinh hoa âm nhạc truyền thống dân tộc tại Cần Đước, người dân đã thỉnh linh vị của ông về đình Vạn Phước (thuộc xã Mỹ Lệ ngày nay) lo hương khói. 

Do không rõ ngày mất nên lễ giỗ được chọn từ ngày đầu tiên ông được rước về thờ cúng tại đình kết hợp cùng lễ cúng Kỳ Yên hàng năm của đình là ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng Âm lịch. 

Đã thành thông lệ, các câu lạc bộ của một số tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ cũng tổ chức hội thi liên hoan, giao lưu đờn ca tài tử kết hợp lễ cúng cầu an và lễ giỗ của ông tại đình.

Bà Phạm Thị Mai Hương, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lệ cho biết: “Người dân Mỹ Lệ rất tự hào vì là vùng đất còn lưu lại những dấu ấn lịch sử về người nhạc sư có công khai sáng, phát triển bộ môn đờn ca tài tử đất phương Nam. 

Sự kiện này được xem như ngày Tết thứ hai của người dân Mỹ Lệ nói riêng và nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ nói chung. Hàng năm, ngay từ sau Tết, nhân dân xã Mỹ Lệ đã bắt đầu tổ chức lễ giỗ cụ Nguyễn Quang Đại. 

Trong đó, chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng Ban Hội Hương Đình Vạn Phước, lên danh sách khách mời, bày trí, chuẩn bị đặc sản địa phương… phục vụ các ngày lễ và tiếp đón, sắp xếp cho các đoàn đến thắp hương, cúng viếng”.

Lễ giỗ này chính là dịp để nhân dân ôn lại tiểu sử, thân thế và những công lao của Nhạc sư Nguyễn Quang Đại đã để lại cho đời sau học tập, hưởng thụ văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Dựa vào câu chuyện có thật về thầy Ba Đợi, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã sáng tạo kịch bản sân khấu “Thầy Ba Đợi", được 2 soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương. 

Vở cải lương "Thầy Ba Đợi" là công trình nghệ thuật kỷ niệm “Một thế kỷ hình thành và phát triển của Nghệ thuật Sân khấu Cải lương Việt Nam”, góp phần tôn vinh công trạng của bậc tiền nhân đã lưu giữ, bảo tồn và phát triển di sản quý báu của cha ông.

Với lực lượng hùng hậu hơn 60 nghệ sĩ cải lương tài danh đến từ 3 miền Nam, Trung, Bắc, vở cải lương “Thầy Ba Đợi” đã làm lay động lòng người khi khắc họa thành công một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc, trong đó những người hoạt động âm nhạc đã thoát khỏi kiếp “xướng ca”, hòa mình vào vận nước, đem âm nhạc truyền thống khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hướng về tương lai độc lập, tự chủ của nước nhà.Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã về Long An xem vở diễn.

Người dân Mỹ Lệ tôn kính và thờ tự nhạc sư Ba Đợi, người có công lớn với đờn ca tài tử Nam Bộ.

"Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước"

Theo nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Việt Nam Võ Trường Kỳ, Đờn ca tài tử hình thành trên vùng đất Nam Bộ, xưa thuộc Nam Kỳ lục tỉnh, nay thuộc khu vực 21 tỉnh thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau. 

Long An thuở trước bao gồm 2 tỉnh Chợ Lớn và Tân An, là trung tâm kinh tế, văn hóa của Nam Bộ nên phong trào Đờn ca tài tử hình thành khá sớm và phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, quy tụ nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng khắp nơi đổ về. 

Những thập niên từ nửa sau thế kỷ 20, miền Đông Nam Bộ, khu vực Chợ Lớn, Tân An, nhất là Cần Đước có rất nhiều danh cầm, danh ca, được các hãng đĩa và đài phát thanh, truyền hình thu, phát, quảng bá rộng rãi như Hai Biểu, Ba Tu, Văn Vĩ, Minh Vương, Út Bạch Lan, Mỹ Châu,…

Trong dân gian có câu “Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước” không phải để so sánh hơn thua, xếp hạng “nhất”, “nhì” mà ý nghĩa là nếu như Bạc Liêu có những tài danh sáng tác nhiều bản cải lương thì Cần Đước lại có nhiều danh cầm, danh ca nổi tiếng. 

Vì vậy, cũng trong giai đoạn ấy, một câu nói nổi tiếng được lưu truyền là: “Tiếng đồn Cần Đước nổi danh/ Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò”. 

Đây là câu ca dao nói về những danh cầm của quê hương Cần Đước, gồm các nhạc sư: Năm Giai (đờn kìm), Sáu Quýnh (đờn gáo), Bảy Quế (đờn tranh), Năm Lòng (đờn cò).

Lễ giỗ nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) tại đình Vạn Phước.

Ngoài ra, ở làng Chí Mỹ và Thuận Lễ (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), hai anh em ông Cao Văn Soi (Bảy Soi) và Cao Văn Giỏi (Chín Giỏi, cha của nhạc sĩ Cao Văn Lầu) cũng đã nổi tiếng với nghề nhạc Lễ và Hát bội. 

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng là một người con của quê hương Long An, đã nổi danh ở quê hương thứ hai là đất Bạc Liêu với bài Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bài Vọng cổ.

Trong quá trình hình thành hệ thống bài bản nâng giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử lên tầm bác học, ông Võ Trường Kỳ chia sẻ thêm, để có được một nhạc mục Đờn ca tài tử gồm 20 bản Tổ và hàng trăm bản nhạc với những hơi điệu, nhịp điệu Bắc, Hạ, Nam Óan, được sắp xếp, phân loại một cách khoa học, làm cơ sở cho các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đời sau nối tiếp luyện tập, truyền dạy và bảo tồn bộ môn nghệ thuật này ở Long An, trước tiên phải kể đến công lao đóng góp to lớn của nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại, nghệ nhân, nhạc sư Lê Văn Tiếng (Thủ Thừa) và nhà giáo, nhà văn, soạn giả Trần Phong Sắc (Tân An).

Trong những quyển sách sưu tầm bài bản Đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời trước năm 1926, chưa thấy có một quyển sách nào bài bản cổ nhạc được phân loại hơi, điệu, lớp lang một cách có hệ thống và rành mạch như quyển “Cầm Ca Tân Điệu” (do nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn xuất bản năm 1926) của Lê Văn Tiếng biên soạn phần nhạc và Trần Phong Sắc soạn lời. Đây chính là dấu mốc lịch sử quan trọng để nâng bộ môn ca nhạc dân gian Đờn ca tài tử Nam bộ lên tầm bác học. 
Ngọc Hoa - Thùy Ngân
.
.
.