Tiếng ồn từ đám đông

Thứ Năm, 11/07/2013, 12:17

Đám đông luôn là nguồn động lực để những người làm showbiz muốn hướng tới và sản xuất ra những chương trình gây hiệu ứng. Và tất nhiên, đám đông nào cũng mang đến những "tiếng ồn" nhất định. Những "tiếng ồn" mang đến theo nhiều giá trị mà chính những người trong cuộc ngơ ngác hỏi nhau: Giá trị thực sự của tiếng ồn là gì?

Sửng sốt bởi… hiện tượng

"Hiện tượng" có lẽ cũng nên được liệt kê vào danh sách những từ được dùng phổ biến và thường xuyên nhất trên các phương tiện truyền thông hiện nay. Cứ có điều gì hơi bất thường chút xíu là được gắn "hiện tượng" dù bản chất của vấn đề thì cũng không đáng để coi là hiện tượng cho lắm. Và cũng chính bởi "hiện tượng" mà nhiều vấn đề, con người nảy sinh trong showbiz Việt như một sự "trên trời rơi xuống".

Mấy ngày qua, xuất phát từ đời sống ảo có một "hiện tượng" một cô  gái mặc áo không mặc áo lót nhảy múa một bài hát gì đó rất vui vẻ và sexy bỗng trở  thành một "cơn sốt" trong đời sống 24/24 của các cư dân mạng. Chưa hết, khi một số báo mạng bắt đầu liệt kê clip đó vào dạng "10 clip gây sốt tuần qua" thì cô gái với cái tên "Bà Tưng" đó bắt đầu được chú ý đến ngang bằng với một người nổi tiếng. Hơn thế nữa, cô còn được mời xuất hiện ở một số sự kiện như một nhân vật tạo điểm nhấn với báo giới.

Tất nhiên, Bà Tưng không phải là  "hiện tượng" đầu tiên, trước đó là hằng hà sa số những "ca khó" như vậy. Họ  điềm nhiên bước vào đời sống thật, bước vào những sự kiện với những ánh đèn flash đầy mê hoặc của showbiz và ung dung đứng ngang hàng với những con người tài năng và đang ngày đêm cống hiến cho xã hội những sản phẩm giá trị hơn hàng nghìn lần những cái clip "ba xàm ba xí" (nhưng buồn thay những sản phẩm của họ lại không thu hút lượng đông khán giả bằng những thứ vô giá  trị như trên).

Đám đông luôn là điều để bất cứ nghệ sĩ nào cũng hướng tới nhưng đám đông cũng là một đại từ chỉ một số lượng khán giả nhiều người nhưng đôi khi cũng vì số nhiều mà họ cũng biểu hiện một sự "nôn nóng", tức thời và không rõ ràng về chính kiến. Trước Bà Tưng, "hiện tượng" Phương My với những ca khúc thảm họa "Nói dối" cũng đã từng làm mưa làm gió đó thôi? Chính sự quan tâm thái quá của đám đông đã giúp cô gái đó nổi tiếng, có show đi diễn và mua được nhà. Hoặc như nhóm HKT cũng vậy. Đám đông và những tiếng ồn của họ cũng đã giúp những thứ đáng lẽ ra không được quan tâm đến bỗng chốc trở thành những công cụ kiếm tiền đắc lực chỉ bởi sự dễ dàng và những nụ cười nhanh đến rồi vội đi.

"Kinh doanh" đám đông

Hiệu ứng đám đông là một dạng tâm lí, biểu hiện tồn tại trong bất cứ môi trường, xã hội nào mà loài người từng ghi nhận. Dạng tâm lí này càng mạnh lên kể từ ngày con người phát minh ra mạng Internet, nơi mà mọi sự cảm nhận, đánh giá đôi khi không đến từ chính những người trong cuộc mà đến từ những tiếng vo ve bên tai để những dòng chữ họ bình luận đôi khi không còn là của họ nữa.

Hiểu được điều này và có lẽ cũng lờ mờ nhận ra được sức mạnh của sự a dua nên showbiz, không chỉ riêng tại Việt Nam, đã xuất hiện những con người mà khi đám đông bắt đầu chán thì cũng là lúc "sự nghiệp" của họ cũng kết thúc theo luôn. Đám đông luôn hiếu kì, luôn thích cái mới, cái lạ nhưng việc họ có ở lại lâu bền với những thứ mới lạ đó hay không lại là một chuyện khác. Nhưng như  vậy có hề gì, hãy cứ làm một hành động để đám đông để ý trước đã rồi hẵng nói tới những chiến lược phát triển sau đó. Nói về thành công vang dội theo kiểu "one hit wonder" thì chắc chắn phải nói về Gangnam Style. Một ca khúc hết sức bình thường của một nghệ sĩ Hàn Quốc. Ca khúc đó cũng sẽ chìm ngỉm trong hàng ngàn, hàng vạn những ca khúc khác nếu như nó không có một hệ thống sử dụng đám đông một cách cầu kì và tinh vi.

Nhờ thành thảm họa với bài “Nói dối” mà Phương My mua được nhà.

Đầu tiên là việc tạo thói quen nghe đối với khán giả, đi đâu cũng nghe giai điệu đó, nhìn đâu cũng thấy MV của anh chàng mập này, dần dần khán giả bắt đầu lờ mờ nhận ra sự xuất hiện của một "hiện tượng". Sau đó là tấn công ồ ạt vào các bảng xếp hạng, các chương trình truyền hình nước ngoài, các lễ trao giải để đẩy ca khúc lên một tầm ca mới.

Rồi đến là các tin đồn, các thông tin bên lề và các ngôi sao khác nhảy lại điệu "nhảy ngựa". Khi mà quanh bạn luôn bao phủ bởi thông tin, hình ảnh của một sự kiện hết ngày này qua tháng khác thì cho dù có cố gắng không quan tâm bạn cũng sẽ phải lưu ý đến nó một chút và khi mà bạn đã lưu ý thì chắc chắn là họ đã thành công để cho ra các chiến lược khác.

Sự ồn ào của đám đông xung quanh ca khúc đó còn lớn đến độ trong một buổi hòa nhạc quốc tế có sự tham gia của một nghệ sĩ Hàn Quốc khác, khán giả phương Tây đã yêu cầu anh nhảy điệu Gangnam Style nhưng người nghệ sĩ này tự ái không nhảy vì không muốn mình biến thành "trò cười" trong mắt khán giả nước ngoài bởi "không phải người dân Hàn Quốc nào cũng thích điệu nhảy đó". Sự mặc định là cứ dân Hàn Quốc là biết Gangnam Style thực sự là một điều dễ nhận thấy và chắc chắn nó sẽ làm cho những người kinh doanh đám đông hài lòng, bỏ qua cả chuyện khán giả đôi khi cũng chẳng hiểu ca sĩ đang hát gì. Tất nhiên, sau đó, ca khúc thứ hai của anh chàng này cũng chẳng thành công được là mấy và chắc chắn sự nghiệp của anh ta cũng sẽ chỉ có duy nhất 1 bài đình đám dạng Gangnam Style mà thôi nhưng nhiêu đó cũng đã là quá đủ.

Trở lại với đám đông tại Việt Nam, đôi khi, khán giả nghĩ, một dòng bình luận của mình cũng sẽ chẳng chết ai, chỉ là muối bỏ bể nhưng sự thực nó không phải là vậy. Một cái nhấn "thích" vô cảm trên facebook, một dòng bình luận vô thưởng vô phạt vô hình trung đẩy mọi chuyện đi quá giới hạn của nó. Người ta tự hào về số lần thích, về số lượng bình luận và cho rằng đó là sự quan tâm lớn của công chúng. Thêm vào một vài thủ thuật như kêu gọi bạn bè "chia sẻ" đường link đó về facebook càng làm cho lượng người theo dõi đông hơn. Thích thì tốt, không thích cũng chẳng chết ai, miễn sao là đông người quan tâm tới là thành công rồi. Để rồi từ cuộc sống ảo, nhân vật của những chiêu đó bắt đầu bước ra đời sống thật, rũ bỏ những thứ hổ lốn trên mạng để khoác lên mình những thứ bớt hổ lốn hơn (tất nhiên, đời sống thực mà, sao có thể tự do như đời sống ảo được).

"Thuê" một vài sự quan tâm nhất thời từ một số cơ quan truyền thông, cổng thông tin để mọi chuyện được đẩy mạnh hơn. Thậm chí, "mặt dày" xuất hiện tại những sự kiện đông người tham gia, làm những "trò lố" để mọi ống kính chĩa về. A lê hấp, kế hoạch đã thành công. Đám đông đã được vẽ đường để kinh doanh như vậy.

Có cần thiết phải có "tài năng"

Đây thực sự là một câu hỏi khó trả lời bởi tiếng ồn từ đám đông đôi khi lại không quan tâm nhiều tới tài năng họ giỏi ra làm sao, họ học tập khổ luyện như thế nào mà đám đông chỉ quan tâm họ "vui" được bao lâu. Chính bởi cái tâm lí đó mà nhiều người bị "dụ dỗ" một cách vô thức (ngoài kiểm soát) trước những thứ "rác rưởi" vẫn đang bồng bềnh trôi trong cuộc sống giải trí trong sự lẫn lộn của đám đông.

Cho dù bạn có độc lập và tỉnh táo đến mấy đi chăng nữa thì hết ngày này qua tháng khác, hết người bạn này đến người bạn khác hỏi bạn một câu rằng: Biết con nhỏ/ thằng nhỏ/ bài hát/ clip đó chưa? Hỏi riết tới độ bạn nghĩ mình phải xem, phải tìm hiểu con bé đó, thằng nhỏ đó ra làm sao. Cứ nhiều trường hợp như  vậy là đám đông kia vô tình có cả sự  có mặt của bạn trong đó, dù rằng, chính bạn tự nhận mình là một người tỉnh táo.

Tâm lí tò mò là không tránh khỏi và việc  "tặc lưỡi" kiểu như "ôi dào ơi, xem thử một lần thôi có chết ai!" cũng là  một điều khiến cho tiếng ồn của đám đông vốn dĩ đã ồn ngày càng ồn hơn với nhiều  âm điệu khác nhau hơn. Tất nhiên trong những tiếng ồn đó, sẽ chẳng mấy ai quan tâm với câu hỏi: Chúng ta đang quan tâm đến một thứ rác rưởi hay một tài năng ngất trời? Quá lạc lõng và sẽ  chẳng có ai trả lời bạn câu hỏi đó.

Định hướng đám đông là một điều quá khó, nhất là trong một thế giới ngày càng phẳng và cảm xúc con người ngày càng phụ thuộc vào những cái click chuột nhiều như hiện nay. Cuộc sống ảo đã lấy đi quá nhiều thứ của những người tham gia khi họ hồn nhiên bàn luận, hồn nhiên chia sẻ đường link, mặc nhiên được quyền phán xét người khác mà chẳng bao giờ tự hỏi mình có quyền đó từ bao giờ và mình là ai. Những điều đó tạo nên một đám đông đầy hỗn loạn và sẽ ngày càng hỗn loạn hơn bởi sự rảnh rỗi của những "anh hùng bàn phím" thích ném đá lung tung và thích cả việc "tỏ ra nguy hiểm". Tuy nhiên, tiếng ồn của đám đông ngoài việc "cứu vớt" cuộc đời ai đó cũng rất có thể là một công cụ giết chết một ai đó khác.

Vụ việc nhiếp ảnh gia Kevin Carter tự tử sau khi nhận giải thưởng Pulitzer báo chí năm 1994 là ví dụ tiêu biểu nhất. Tác giả của bức ảnh "kền kền và em bé châu Phi" nổi tiếng này đã tử tự trong xe hơi bởi không chịu được áp lực từ đám đông những người lên án anh ác độc, không cứu đứa bé, nhẫn tâm nhưng người ta cũng quên rằng cũng chính bởi bức ảnh đó mà thế giới hiểu hơn về châu Phi để đưa ra những cứu giúp cụ thể.

Có thể họ không cứu được đứa bé đó nhưng hàng triệu đứa bé khác đã được cứu sau đó. Một điều đáng nói là trong số những người thuộc về đám đông lên án nhiếp ảnh gia đó, có không ít người thừa nhận họ lên án Kevin chỉ bởi dư luận đang làm thế, họ chỉ quan tâm về những lời quá khích về anh chứ không quan tâm tới bản chất vấn đề, câu chuyện nằm ở đâu.

Đám đông và tiếng ồn của nó là vậy đó! Luôn luôn đáng sợ! Và trách đám đông cùng những tiếng ồn phát ra từ đó có lẽ cũng là một công việc nhiều…ảo tưởng! Muốn yên thân thì hãy tìm đường mà rời xa những đám đông, càng nhanh càng tốt!

Du Miên
.
.
.