Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017)

Tiếp nối truyền thống từ trong gian khó

Thứ Tư, 26/07/2017, 12:38
Có một thế hệ trẻ là con cháu các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh đã tiếp nối truyền thống cha ông, vượt lên khó khăn để ổn định cuộc sống. Đồng thời, họ cũng phát huy đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Cha mẹ là tấm gương sáng

Nói về sự vất vả thì ở Vĩnh Phúc ít ai bằng anh Ma Văn Liệu ở xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Anh Liệu là con trai thương binh Ma Văn Léng, người thương binh cụt mất hai tay trong chiến tranh biên giới, cùng đơn vị đánh bọn Pôn Pốt ở vùng biên giới Tây Nam.

Anh Liệu kể: "Bố tôi quê gốc ở Tuyên Quang, sau khi bị thương thì được đưa về Đoàn An dưỡng 235 đóng tại xã Đạo Đức và gặp mẹ tôi. Lúc đó, mẹ tôi cũng đã qua một đời chồng và có một con. Hai người đến với nhau và sinh được ba anh em chúng tôi nữa. Cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng nhờ bố mẹ tôi nghị lực, đã chăm sóc và nuôi nấng tổng cộng là bốn anh em chúng tôi nên người".

Anh Liệu sinh năm 1984, ngoài làm trang trại, anh cũng đầu tư tiền mua máy cấy, máy gặt để đến mùa vụ làm dịch vụ bà con nông dân trong khu vực. Nhờ chịu khó mà kinh tế của anh rất khá giả.

Anh Liệu tâm sự: "Các anh em chúng tôi noi gương bố, vì ngày xưa có chúng tôi, bố vẫn chịu khó về Thái Nguyên, Tuyên Quang mua chè xuống bán kiếm tiền trang trải cho gia đình. Bố không còn tay, mà vẫn chèo lái con thuyền, nối dài cánh tay cho chúng tôi, để chúng tôi được học hành, thành đạt".

Hai anh em anh Nguyễn Văn Nam, ở thôn Đạo Sử - thị trấn Thứa, huyện Lương Tài có một tuổi thơ khá nhọc nhằn. Anh Nam là con trai thương binh nặng Nguyễn Văn Lưu, ông bị hỏng một mắt.

Do bố mẹ có gia cảnh nghèo khó nên ngay từ nhỏ, Nam và Trụ đã phải làm ruộng, cải tạo trang trại, trồng cây, thả cá để giúp bố mẹ vực dậy kinh tế gia đình, rồi lại vươn lên học tập tiến bộ. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Nông nghiệp, anh được tiếp nhận vào làm việc tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lương Tài, còn Trụ làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng.

Anh Nam tâm sự: Tháng 1-1976, bố tôi xuất ngũ về địa phương, là thương binh hạng 1/4. Khi đó, ông bà nội tôi đều mất, bố phải gánh vác việc chị gái không chồng, quanh năm bệnh tật và chăm sóc cho ba chú tôi khi đó còn nhỏ.

Ấy thế mà bố mẹ đã làm việc tới 200% sức lực, để làm tốt trách nhiệm của một trụ cột gia đình, cho chúng tôi được học hành. Cha mẹ là tấm gương cho chúng tôi noi theo.

Con cái thương binh được tiếp nhận vào làm việc tại TTĐDTB Duy Tiên.

Còn nhớ, năm 2003, cả khu vực cánh đồng thôn Đạo Sử heo hút như đồng hoang. Gia đình anh đã đấu thầu, bỏ ra biết bao công sức để cải tạo. Sáng tinh mơ hai vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Lưu cùng các con đã dậy đào đất, đắp bờ, thu mua trấu (vỏ thóc) để cải tạo đất.

"Tôi cố tranh thủ giúp bố mẹ, rồi ăn sáng qua quýt để đến trường học. Chiều về lại tiếp tục làm. Tay cầm cuốc nhiều nên giờ vẫn nguyên chai sạn đây", xòe bàn tay, anh Nam chia sẻ.

Là bạn trẻ được "nối dài" ước mơ từ cha mình, một thương binh nặng, anh Nguyễn Đình Thắng đã vươn lên làm giàu, là một trong số 100 doanh nhân trên cả nước được vinh danh "Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2017". Hiện anh Thắng là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Xây lắp Tân Thắng, làm ăn phát đạt ở TP Vinh - tỉnh Nghệ An.

Để có thành công hôm nay là thành quả của sự nỗ lực phi thường của chàng trai trẻ giàu nghị lực. Thắng sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở làng quê Thịnh Thành (huyện Yên Thành). Gia đình có bốn anh em, bố mẹ làm nông, bố anh là thương binh nặng, sức khỏe yếu. Cuộc sống vất vả hình thành trong chàng trai trẻ ý thức vươn lên, chăm chỉ học tập và làm việc.

Ngay từ khi còn là sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải, Thắng đã bươn chải đủ nghề để kiếm sống. "Lúc đó, bất kể nghề gì kiếm được tiền là tôi làm, từ mua đi bán lại các thiết bị vi tính, xe máy... đến hợp tác với bạn bè mở phòng khám tư, buôn gỗ...", Thắng chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm một thời gian ngắn, Thắng đã được đảm nhận vị trí chủ nhiệm dự án tại một công ty đóng tàu. Hai năm sau anh chuyển sang làm việc tại công ty chuyên khai thác, chế biến quặng với cương vị phó giám đốc.

 Năm 2010, khi mới 27 tuổi, Thắng chọn TP. Vinh là nơi lập nghiệp và thành lập Công ty CP Xây lắp Tân Thắng, đồng thời cùng cha giúp đỡ những thương bệnh binh khác.

Đó là vài trong số hàng trăm tấm gương, là con cái các thương bệnh binh, liệt sĩ, đã tiếp nối tinh thần dũng cảm của cha mẹ, để vươn lên trong cuộc sống, lập nghiệp.

Qua trò chuyện, các anh đều có chung tâm sự rằng, ngoài xã hội có nhiều bạn con nhà nghèo, vươn lên thành đạt. Bản thân các anh, từ tấm bé đã chịu thiệt thòi bởi bố là thương binh nặng nên phải học cách tự lập, vươn lên từ rất sớm.

Anh Liệu nghiên cứu cách bẫy chuột trên đồng lúa.

Cố gắng gấp đôi

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi người có công, trong đó có chính sách ưu đãi về thi tuyển đại học, việc làm đối với con cái thương bệnh binh.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, bản thân nhiều gia đình chính sách đã động viên, khích lệ kịp thời con cái nỗ lực vươn lên, nhiều con em đã cố gắng gấp đôi bạn cùng trang lứa.

Bằng chứng là khá nhiều con cái các thương, bệnh binh đang được chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng thương binh (TTĐDTB) Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), hay tại TTĐDTB Duy Tiên (Hà Nam). Qua tìm hiểu 30 gia đình thương binh tạo thành một xóm ở TTĐDTB Thuận Thành, thì có 26 gia đình thương binh có con được học hành tử tế, thành đạt.

Theo thương binh Phạm Công Liên và cũng là nhà thơ của trung tâm, đó là mạch ngầm tinh thần vượt khó đi lên của thế hệ con cái các thương binh.

Ông Liên nhấn mạnh: "Nếu những người cha, người mẹ không khắc phục khó khăn, xây dựng gia đình, rồi có con và lại tiếp tục vật lộn với cuộc sống mưu sinh đầy khắc nghiệt, giáo dục con tốt thì làm sao có một thế hệ các con đáng tự hào như thế. Tôi không phải nói hay chứ chúng tôi cố gắng thì các cháu cũng biết thân biết phận cố gắng, phải học giỏi để tự lập, báo đáp bố mẹ".

TTĐDTB Duy Tiên (thuộc huyện Duy Tiên - Hà Nam) có 6 người là con các thương binh đã đi học, rồi được nhận vào làm việc tại Trung tâm.

Chị Hân thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Hiền.

Bác sĩ Tống Đức Bình - Phó giám đốc TTĐDTB Duy Tiên chia sẻ: Thế hệ con cái các bác rất chăm ngoan, sáu người là con các thương binh đã đi học, rồi được tiếp nhận vào làm việc tại trung tâm. Được biết, thương binh Nguyễn Văn Lục sinh được hai người con. Người con cả tốt nghiệp đại học, đã đi làm việc cho công ty nước ngoài.

Ghi nhận những cố gắng của con cái thương bệnh binh, Giám đốc TTĐDTB Duy Tiên Nguyễn Sỹ Lương và ông Đào Ngọc Lợi, Phó cục trưởng Cục Người có công, chung chia sẻ: Nỗ lực vượt khó của con em thương, bệnh binh trong những năm qua là rất đáng trân trọng, đồng thời kiến nghị sự hậu thuẫn, giúp đỡ nhiều hơn nữa, để những chàng trai trẻ vững tâm, có thêm động lực trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Các thương binh không chỉ nuôi dạy con nên người mà còn góp phần làm lan truyền giá trị của tình yêu, sự hy sinh. Như chị Lê Bảo Từ Hân, là con liệt sĩ Lê Thủy, quê xã Vĩnh Hiền (Vĩnh Linh - Quảng Trị) đã đóng góp 10 tỷ đồng vào việc tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Hiền. Chị còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhận chăm sóc cho một số trẻ em con nhà nghèo và nhiều em đã được hỗ trợ học hành, ra trường có việc làm.

Hay anh Nguyễn Văn Hoàn, là con trai của thương binh Nguyễn Văn Yểng ở TTĐDTB Thuận Thành, hiện đang làm trong lĩnh vực ngân hàng, cho biết, anh không chỉ được hưởng tình yêu của bố mẹ, mà tình yêu của bố mẹ anh dành cho nhau cũng khiến anh cảm động và học tập. Bởi thế, sau này anh đi tìm tình yêu cho mình cũng bằng sự thông cảm, chia sẻ. Hai vợ chồng anh đều là cán bộ ngân hàng, đang báo hiếu khiến bố mẹ rất tự hào. 

Hà Duy Khánh
.
.
.