Tiết kiệm để xóa đói, giảm nghèo

Thứ Ba, 06/10/2020, 07:35
Dù lãnh đạo các cơ quan chức năng ở tỉnh Hòa Bình đã phát biểu công khai rất nhiều trên báo chí để giải thích về ý nghĩa nhân văn, về sự cần thiết phải xây dựng và trước khi xây dựng đã được cơ quan chuyên môn thẩm định đúng quy định, nhưng dư luận xã hội vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình với việc tỉnh này chi ra hơn 10 tỉ đồng cho công trình xây lắp khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng (TP Hòa Bình


Trường hợp của tỉnh Hòa Bình chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các công trình công cộng mà các địa phương đầu tư gần đây bị dư luận phản ứng.

Nếu thống kê lại sẽ thấy chủ yếu dư luận phản ứng là tập trung vào các công trình công cộng ít có tác dụng phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là đối với các địa phương mà thu ngân sách còn thấp, thậm chí là còn phải xin ngân sách Trung ương hỗ trợ cấp bù và đời sống nhân dân ở đó còn nhiều khó khăn.

Phải cân phân để thấy không ai nói một công trình như xây lắp khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng là không có ý nghĩa gì. Cũng không ai nói rằng hàng loạt tượng đài, biểu tượng, cổng chào, có cái hàng chục tỉ đồng, có cái hàng trăm tỉ đồng, đang mọc lên ở các địa phương là không có tác dụng gì. Có chứ. Nếu không có “ý nghĩa nhân văn” được như công trình xây lắp khẩu hiệu ở TP Hòa Bình thì ít ra cũng có tác dụng về quảng bá, giới thiệu, cảnh quan… chứ.

Nhưng vấn đề là việc bỏ tiền đầu tư, nhất là tiền từ ngân sách, vào lúc nào rồi qui mô bao nhiêu là hợp lý. Mà không chỉ tiền ngân sách, ngay cả tiền được huy động từ nguồn xã hội hóa cũng cần sử dụng hợp lý để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.

Tỉ như chuyện TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình mới đây đầu tư gần 14 tỉ đồng để xây dựng 2 cổng chào với lý do là “phát triển không gian công cộng, thực hiện chỉnh trang đô thị và tạo điểm nhấn nơi cửa ngõ đi vào TP Đồng Hới, góp phần quảng bá hình ảnh trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh”. Dư luận cũng đã có nhiều ý kiến phản ứng việc này, vì cho rằng với một địa phương nghèo, quanh năm thiên tai như Quảng Bình nói chung và TP Đồng Hới nói riêng thì liệu có cần thiết phải bỏ ra một khoản tiền ở mức đó chỉ để có 2 cái cổng chào?

 Đồng Hới có cổng chào thì các huyện, thị, rồi xã phường, thôn xóm của tỉnh này cũng sẽ có lý để phải có cổng chào. Rồi tỉnh nào, thành phố nào, địa phương nào mà không có nhu cầu tượng đài, cổng chào? Nếu thế thì cơ man nào là tiền bạc phải bỏ ra.

Phải công tâm mà nhận xét là thực tế đã có rất nhiều biểu hiện của “bệnh lãng phí”, “bệnh hình thức” ở các công trình thuộc loại tượng đài, cổng chào. Trước phản ứng của dư luận, nhiều địa phương đã có việc cân nhắc, xem xét lại qui mô đầu tư của các công trình cho hợp lý và từ đó đã tiết kiệm được một phần cho ngân sách. 

Ông bà ta có câu “Tiết kiệm là quốc sách”. Cứ khư khư giữ tiền mà không chịu đầu tư thì cũng không có nghĩa là tiết kiệm. Nhưng trong đầu tư thì phải ngăn ngừa được “bệnh lãng phí”, “bệnh hình thức”, mới mong sớm xóa đói, giảm nghèo.

Minh Khôi
.
.
.