Tiết lộ câu chuyện đằng sau 2 kẻ đánh bom ở Boston

Thứ Sáu, 26/04/2013, 14:31

Vụ đánh bom trong giải chạy Marathon ở Boston không phải là một vụ kiểu 11/9 khác, vì 3 người chết ở Boston trong khi đó gần 3.000 nạn nhân ở New York. Và thảm kịch Boston lại có hơi hướm của một vụ xung đột tại mãi tận Caucasus.

Vụ Boston khiến người Mỹ dấy lên nhiều câu hỏi: làm thế nào người Mỹ an toàn ngay trong nhà của mình, tại công sở, trên phố và tại các buổi lễ kỷ niệm? Tại sao trên trái đất, Mỹ lại là mục tiêu của rất nhiều kẻ gây hấn không báo trước, tại sao người Mỹ lại bị ghét đến thế? Dưới đây là những sự thật đứng đằng sau vụ khủng bố ở Boston gần đây, tư liệu lần đầu tiên được tiết lộ. Mời qúy vị độc giả tham khảo. 

Hai cái nồi áp suất… nổ tung Boston!

Một vụ chạm súng nảy lửa giữa nghi phạm và cảnh sát ở ngoại ô Boston lúc tảng sáng ngày thứ Sáu (19/4/2013) đã để lại danh tính 2 nghi phạm chính trong vụ tấn công tại giải Marathon: 2 gã trai trẻ trong độ tuổi 19 và 26, thành phần gia đình xuất thân từ Chechnya.  Gã lớn tên là Tamerlan Tsarnaev, chết trong vụ chạm súng. Gã trẻ là Dzhokhar, tốt nghiệp trường tiếng La Tinh Cambridge vào năm 2001, một trường khá danh giá. Hai nghi phạm có nhiều quả bom chưa sử dụng.

Một số nhà phân tích phản khủng bố phỏng đoán rằng rất có thể 2 nghi phạm đã lên một kế hoạch lớn hơn ở trận đua. Nhưng cũng không loại trừ có bàn tay của al Qaeda: câu hỏiã dấy lên rằng liệu những con sói đơn độc có bất bình với tình hình tại Mỹ và quốc tế? Các quan chức nghĩ rằng hai nghi phạm đã có ý thức hệ chống Mỹ vốn bị "ảnh hưởng" từ al Qaeda, cho rằng Mỹ là cội nguồn của mọi tội lỗi. Các nhà điều tra tin rằng các cá nhân tiến hành hành vi khủng bố nhờ học theo al Qaeda.

Các du kích quân Thánh chiến ở Afghanistan, Pakistan, Iraq và Ấn Độ thường sử dụng IED. Những quả bom này cũng liên quan đến các hoạt động khủng bố nội địa. Sau tất cả, gã đàn ông cuối cùng tấn công bằng IED ở Mỹ là Eric Rudolph, kẻ đã tấn công trong sự kiện Olympic Atlanta vào năm 1996. Từ vụ khủng bố ở Boston, nhiều chuyên gia phân tích đã khẳng định rằng hiểm hoạ chính mà nước Mỹ phải đối mặt ngày nay là các vụ bạo lực quy mô nhỏ hơn. Một cựu quan chức kỳ cựu thuộc bộ phận chống khủng bố cho biết: "Chúng ta có an toàn hơn kể từ vụ 11/9 không? Xin thưa là, hoàn toàn không! Và đó là một thách thức".

Mạng lưới khủng bố biến tướng trên toàn cầu

Ngay cả khi al Qaeda không dính dáng trực tiếp, người Mỹ vẫn đinh ninh rằng chắc chắn là có bàn tay của tổ chức này. Không có Osama bin Laden nhưng kẻ thừa kế Ayman al-Zawahiri vẫn bành trướng hoạt động và đảm trách việc công bố những đoạn băng video Internet về các mạng lưới tuyên truyền của al Qaeda. Một trong những đặc vụ nguy hiểm nhất của al Qaeda là Adnan Shukrijumah vẫn là nỗi trăn trở số 1 ở Mỹ, hắn lớn lên ở Mỹ và biết mọi ngóc ngách ở đất nước này. Mỹ đang cố gắng "quên" một danh sách dài "những cuộc Thánh chiến" trong vòng 20 năm qua từ Chechnya sang Somalia đến Nigeria, Iraq, Afghanistan, vùng nội địa Pakistan.

Kẻ khủng bố thường là thanh niên trẻ, chúng tự nhận mình phải hành hiệp trượng nghĩa, bảo vệ người cô thế. Và không nơi nào trổ tài lý tưởng bằng Mỹ? Sự kiện trọng đại bởi có hàng triệu khán giả theo dõi? Không rõ động cơ cụ thể của những kẻ khủng bố ở Boston nhưng có thể chúng nghĩ rằng người Mỹ không quan tâm đến chúng, hoặc không biết chúng là ai và chúng có thể đại diện chiến đấu cho những dân tộc bị Mỹ áp bức. Phòng ngừa hiệu quả nhất hoạt động khủng bố là công tác tình báo trước các vụ tấn công, hoạt động tình báo không bị truy tố sau đó.

Đơn cử như sự kiện Mùa xuân Arập đã nổ ra vào đầu năm 2011 đã làm gián đoạn hoặc phá hủy các mối quan hệ tình báo mà Washington đã mất nhiều công sức xây dựng trong suốt nhiều năm ở Trung Đông với các nhà độc tài như Hosni Mubarak (Ai Cập), Zine al-Abidine Ben Ali (Tunisia), Muammar Gaddafi (Libya) và thậm chí với Bashar al-Assad (Syria). Tất cả đều chật vật trước các hiểm hoạ của chủ nghĩa khủng bố Thánh chiến Hồi giáo Sunni. Daniel Benjamin, cựu điều phối viên chống khủng bố của Bộ ngoại giao Mỹ, khẳng định rằng "bây giờ không có mối hiểm hoạ nào cho Mỹ đến từ khu vực Trung Đông".

Ông Daniel Benjamin lập luận: "Tôi nghĩ rằng đã có một sự thay đổi lớn đối với những cuộc tấn công có nguồn gốc từ nước ngoài". Một cựu quan chức tình báo Mỹ xin phép được giấu tên bởi có tham gia vào các hoạt động tình báo đang diễn ra, cho hay rằng "không thể tin nổi sự mở rộng phạm vi hoạt động của các chi nhánh al Qaeda". Trong vòng 12 tháng qua, Bộ ngoại giao Mỹ đã thêm 2 nhánh của tổ chức al Qaeda có liên quan đến al-Nusra (Syria) và Ansar Dine (Mali). Cũng theo ông Daniel Benjamin, một trong những quan ngại lớn nhất đối với Mỹ hiện nay là ở Syria. Ông Daniel giải thích: "Tôi không nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Mỹ không thể tránh khỏi tình trạng gãy vỡ và thất bại trước sự lớn mạnh của những kẻ cực đoan".

Mầm họa trong nước Mỹ

Tuy nhiên, tự nhiên câu chuyện về những chiếc máy bay không người lái lại trở thành cái cớ hợp lý cho những tên khủng bố chống lại các mục tiêu của Mỹ. Đỉnh điểm là vụ án của Najibullah Zazi, một người Mỹ gốc Afghanistan, 24 tuổi, đã bị ám ảnh với cuộc chiến máy bay không người lái của Mỹ, khiến cho hắn ta gây ra hàng loạt vụ bắn giết thường dân vô tội ở Pakistan và Afghanistan. Năm 2008, Najibullah Zazi đến Pakistan và được đào tạo trong một trại huấn luyện của al Qaeda.

Các nhà điều tra đang sàng lọc các bằng chứng trên phố Boylston, tại đích đến của chặng đua Marathon Boston ở Boston, ngày 18/4/2013.

Năm 2009, cùng với 2 gã bạn đến từ Flushing, Queens, hắn đã lên kế hoạch đánh bom tự sát 2 nhà ga đường sắt chủ lực ở New York là Grand Central và Penn Station. Nhưng âm mưu của chúng đã bị phát giác bởi tình báo nước ngoài và cảnh sát địa phương. Nhưng nếu bọn chúng thành công, đó sẽ là vụ tấn công bằng bom đẫm máu nhất kể từ vụ 11/9. Có lẽ kế hoạch trả thù quỷ quyệt nhất của al Qaeda đã thoát thai khỏi chi nhánh của nó ở Yemen khi các máy bay không người lái chuyển hướng quan tâm đến các phần tử cực đoan ở Yemen từ năm 2010.

Kế hoạch hình thành từ nhà tuyên truyền, vốn là thầy tu Anwar al-Awlaki. Bọn khủng bố đã thuyết phục một thanh niên trẻ người Nigeria bay đến Detroit (Mỹ), mặc quần lót chứa chất nổ và làm nổ tung chiếc máy bay. Song máy bay không nổ mà bộ phận sinh dục của hắn bị cháy rụi! Một phần tử người Yemen đã gửi những quả bom bằng dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế đến Chicago, nhưng các gói bom đã bị chặn lại. 

Giới chính trị gia Mỹ vẫn tranh cãi, dân Mỹ hoảng sợ ra mặt, chỉ có khủng bố là đạt mục đích gieo rắc hoang mang. Và al Qaeda ở Yemen, tự gọi nó là Al Qaeda ở bán đảo Arập, bắt đầu hạ thấp kỳ vọng của mình. Với sự xuất bản một tạp chí điện tử tên là Inspire, al Qaeda đang bắt đầu áp dụng công nghệ mở mã nguồn khủng bố bằng tiếng Anh cho bất kỳ ai muốn quan tâm, ngay cả khi họ bỏ qua hoặc ghét bỏ ý thức hệ của al Qaeda. 10 lời dạy của Inspire đã thể hiện trên web. Đầu tiên, nó dạy bạn cách "chế tạo bom ngay trong nhà bếp của gia đình bạn". Thiết bị nổ như những chiếc nồi áp suất đã được sử dụng ở Boston. Vấn đề mới nhất của Inspire là làm tê liệt giao thông, gây ra vài cái chết bằng ốc và đinh vít.

Năm 2011, Anwar al-Awlaki và biên tập viên Inspire đã bị đập tan trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng tạp chí vẫn hoạt động. Trở lại 2 con sói lẻ loi trong vụ khủng bố Boston dù chúng bị ảnh hưởng bởi al Qaeda hay các tổ chức khủng bố nội địa Mỹ thì theo nhiều cách đã gây khó khăn cho việc thừa hành luật pháp tại Mỹ. Dân biểu Michael McCaul, chủ tịch đảng Cộng hoà trong Ủy ban an ninh nội địa Mỹ, cho biết: "Rất khó để ngăn chặn và phát hiện những tên khủng bố kiểu "cây nhà lá vườn" này từ trứng nước. Không có thông tin để thâm nhập".

Một thách thức mà các cơ quan thừa hành pháp luật đang phải đối mặt, khi mà người Mỹ cảm thấy an toàn hơn sau vụ 11/9 thì công chúng lại đang cảm thấy bực bội ra mặt với cơ chế giám sát thái quá của chính phủ nhằm ngăn chặn các nguy cơ khủng bố tiền hoạt động. Dĩ nhiên, ông Obama đã khuyến khích dân Mỹ phải linh hoạt, ứng biến trước mọi tình huống kể từ vụ 11/9. Kể từ khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông Obama đã thúc đẩy ý tưởng rằng chủ nghĩa khủng bố phải được công khai nói rõ trong công luận.

Đôi khi các nguyên tắc đã đi quá xa. Đơn cử như, ông Obama phải chờ đến 72 giờ để đối phó với vụ tấn công trên máy bay khi nó đang trên đường bay đến thành phố Detroit vào Giáng sinh năm 2009. Tuy nhiên, thứ mà ông Obama chưa biết là, mục tiêu cốt lõi của bọn khủng bố không phải là xâm lược lãnh thổ mà là chinh phục tâm lý của các thường dân. Kết luận, chủ nghĩa khủng bố dù diễn ra dưới bất kỳ hình thức nào cũng không bao giờ thành công

Thanh Hải (theo Daily Beast - 20/4/2013)
.
.
.