Từ vụ cháy đau lòng khiến 3 mẹ con tử vong ở TP HCM:

Tìm giải pháp ngăn ngừa "giặc lửa"

Thứ Bảy, 09/12/2017, 15:58
"Giặc lửa" không chừa một ai, không chừa không gian địa lý nào. Khi "giặc lửa" xuất hiện, thiệt hại về tài sản thậm chí cả về người sẽ xảy đến.


Vụ hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn phường 3, quận 11, TP HCM vào ngày 4-12 vừa qua khiến 3 mẹ con trong ngôi nhà thiệt mạng thêm một lần nữa cảnh báo về hậu quả khôn lường do "giặc lửa" gây ra. Vậy đâu là giải pháp ngăn ngừa "giặc lửa", PV Chuyên đề CSTC đã tìm hiểu về vấn đề này.

1. Khoảng 5h15' ngày 4-12, người dân sống trong con hẻm đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11 (TP Hồ Chí Minh) tá hỏa khi thấy ngọn lửa bùng phát dữ dội tại căn nhà cấp 4 trong hẻm. Từ trong nhà, 5 người hoảng loạn thoát ra ngoài cầu cứu.

Mặc dù người dân đã sử dụng bình chữa cháy để dập lửa nhưng do đám cháy quá lớn, trong chốc lát đã bao trùm toàn bộ ngôi nhà nên mọi cố gắng đều bất lực. Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) quận 11 đã điều động nhiều xe chữa cháy cùng gần 30 cán bộ chiến sĩ nhanh chóng có mặt tại hiện trường dập lửa, ngăn đám cháy lan rộng.

Ngọn lửa được dập tắt, song hậu quả để lại thật đau lòng khi chị N.T.B.L cùng 2 con gái là cháu Đ.T.B.Q (15 tuổi) và cháu Đ.N.T.M (6 tuổi) tử vong. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, song có thể thấy rằng, vụ hỏa hoạn trên thêm một lần nữa cảnh báo về nguy cơ "giặc lửa" tấn công cuộc sống người dân luôn tiềm ẩn.

Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ một vụ hỏa hoạn.

Khi ngọn lửa bùng phát, nếu không kịp thời xử lý tình huống, dập tắt đám cháy, chỉ sau một thời gian ngắn, ngọn lửa sẽ lan rộng, việc khống chế đám cháy sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm đêm tối. Đơn cử như vụ hỏa hoạn xảy ra ở phường Tân Phú, quận 9 (TP Hồ Chí Minh) vào đêm 23-10 là một ví dụ.

Khoảng 23h cùng ngày, trong lúc đang ngủ, anh Huỳnh Hồng Tâm (38 tuổi) bỗng tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng hô hoán của người dân bên ngoài. Anh vùng dậy tri hô mọi người trong nhà thoát ra ngoài. Nhưng do ngọn lửa bắt nguồn từ khu vực cửa sắt phía trước nên anh Tâm và mọi người bị mắc kẹt.

Lúc này, lực lượng Cảnh sát PC&CC của quận 9 cũng đã có mặt tại hiện trường cùng người dân phá cửa, dập tắt đám cháy, đưa được 4 người bị bỏng nặng gồm anh Tâm, anh Huỳnh Phước Thiện, chị Huỳnh Thị Hồng Vân và cháu Huỳnh Ngọc Tiên ra ngoài. Tiếp cận bên trong ngôi nhà, lực lượng Cảnh sát PCCC phát hiện bà P.T.M (63 tuổi, chủ nhà) và cháu ngoại C.N.H (3 tuổi) đã bị tử vong. Căn nhà sau đó cũng bị đổ sập, vùi lấp nhiều tài sản có giá trị.

Thực tiễn cho thấy, không riêng gì địa bàn TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, ở một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh… tình trạng cháy đang diễn biến phức tạp.

Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) - Bộ Công an cho thấy, từ ngày 16-11-2016 đến ngày 15-8-2017, cả nước đã xảy ra 3.089 vụ cháy khiến 75 người chết và bị thương 143 người; thiệt hại về tài sản trên 1.500 tỷ đồng. Trong số các vụ cháy xảy ra thời gian qua, nổi lên tình trạng cháy nhà dân, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Số liệu trên đặt ra mối lo không của riêng ai.

2 Hậu quả khôn lường cả về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra là vậy, thế nhưng có một thực tế, mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ chực chờ khi "bà hỏa" viếng thăm, song, nhiều người vẫn chủ quan, phớt lờ các quy định ngặt nghèo về an toàn PCCC, có những hành vi gián tiếp khiến hỏa hoạn bùng phát.

Hiện trường một vụ hỏa hoạn tại quán karaoke ở Hà Nội.

Cách đây không lâu, khi ghi nhận trên một số địa bàn quận, huyện ở Hà Nội như: Thanh Trì, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…, chúng tôi thấy có nhiều kho tàng, nhà xưởng, gara ôtô, hộ sản xuất kinh doanh với diện tích lên đến vài trăm, cả ngàn mét vuông.

Trong số này, có không ít kho tàng, nhà xưởng, gara ôtô được dựng lên một cách tạm bợ bằng khung thép, mái tôn trên các nền đất dự án treo. Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC số 7, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cũng tỏ ra lo ngại trước những vi phạm của nhiều chủ kho tàng, nhà xưởng, gara ôtô hiện nay.

Số chủ các cơ sở này đã chủ quan khi cho rằng những lỗi vi phạm của mình như: tập kết vật liệu, sử dụng nguồn điện không đúng quy định, không lắp đặt hệ thống nước chữa cháy, không trang bị đầy đủ dụng cụ PC&CC không phải là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn.

Để rồi khi ngọn lửa bùng lên thì đã quá muộn. Đánh giá của Phòng Cảnh sát PC&CC số 7, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thanh Trì, trong số 21 kho tàng, nhà xưởng, gara ôtô, có nhiều cơ sở vi phạm các quy định về an toàn PCCC.

Số kho tàng, nhà xưởng này được dựng lên nhằm mục đích tập kết vật liệu, đặt làm nơi điều hành công việc. Nhưng do sau đó, dự án bị treo nên chủ đầu tư đã chuyển đổi mục đích sử dụng.

Các điều kiện về an toàn PCCC theo đó không được đảm bảo theo các quy định hiện hành. Điều này dẫn đến tình trạng bên trong các kho tàng, nhà xưởng này thường xuyên xuất hiện hình ảnh hệ thống đường điện căng mắc chằng chịt không đảm bảo yếu tố an toàn, các vật liệu dễ dẫn nhiệt để sát đường dây điện khiến nguy cơ hỏa hoạn xảy ra luôn tiềm ẩn.

Cùng với đó, theo Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, thời gian qua, một số chủ đầu tư của các dự án treo còn "chia" nhỏ các nhà xưởng, khu làm việc cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất thuê, sử dụng mặt bằng dẫn đến việc ngăn, lắp vách ngăn bằng thép, thạch cao không đảm bảo yêu cầu ngăn cháy.

Không riêng gì tại các cơ sở sản xuất, kho tàng, nhà xưởng, nguy cơ cháy luôn tiềm ẩn xảy ra đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ như: nhà hàng, quán bar, karaoke, chung cư cao tầng… khi mà ở nhiều nơi, công tác PCCC đang còn lơi là, đấy còn chưa kể đến việc cố tình vi phạm các quy định về PCCC.

Theo đánh giá của Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, đầu năm 2017, Hà Nội có 79 công trình vi phạm về an toàn PCCC. Đến tháng 12-2017, đã có 31 công trình khắc phục những tồn tại và được cơ quan chức năng nghiệm thu về PCCC. Điều này cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố còn nhiều công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC.

Con số này chưa kể tới nhiều quán karaoke đang chủ quan với công tác PCCC, khi không trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC, không bố trí lối thoát hiểm an toàn, lắp biển quảng cáo quá khổ... Qua các vụ cháy đã chỉ ra nguyên nhân khiến "giặc lửa" xuất hiện chủ yếu là do sự cố hệ thống và thiết bị điện; do sơ suất trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất; vi phạm quy trình, quy định an toàn về PCCC…

3 Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng cho rằng, hiện nhận thức của nhiều người, nhiều chủ đầu tư kinh doanh còn hạn chế trong việc ngăn ngừa hỏa hoạn xảy ra. Thế nên, các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến hỏa hoạn như sử dụng nguồn nhiệt - điện một cách tùy tiện, không trang bị các thiết bị PCCC tại các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đang diễn ra khá phổ biến như hiện nay.

Bởi vậy, có tới hơn 70% vụ cháy xảy ra có liên quan đến lỗi chủ quan của con người. Bên cạnh đó, lực lượng PCCC tại chỗ chưa được đào tạo bài bản, kiến thức về PCCC và cứu hộ cứu nạn (CNCH) chưa được trang bị đầy đủ, khi cháy xảy ra không ứng phó, xử lý kịp thời.

Về vấn đề này, đánh giá của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cũng chỉ ra rằng, tình hình thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động không nhỏ đến công tác PCCC. Mặt khác, nhận thức về trách nhiệm đối với công tác PCCC và CNCH của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở còn hạn chế.

Hiện trường một vụ cháy nhà xưởng gây thiệt hại lớn về tài sản ở huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Lực lượng PCCC còn bất cập về tổ chức và phương tiện chữa cháy, CNCH; lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng chưa thực sự làm nòng cốt, xung kích trong tham mưu, thực hiện công tác PCCC và CNCH ở địa bàn, cơ sở…

Vậy đâu là những giải pháp căn cơ nhằm đẩy lùi "giặc lửa", theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nhằm khắc phục những hạn chế đang tồn tại hiện nay, cần phải có sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa từ phía các cấp, các ngành và toàn dân; công tác tuyên truyền, hướng dẫn để mọi người hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của bản thân trong công tác PCCC và CNCH, nhất là đối với người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức cũng như chủ hộ gia đình cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; b) Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy; c) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy…

Còn đối với chủ hộ gia đình phải có trách nhiệm: a) Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; b) Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ; c) Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

Nhóm PV
.
.
.