Tin giả, tổn thất thật

Thứ Năm, 16/07/2020, 10:14
Tôi còn nhớ, cách đây vài năm, mỗi lần lướt facebook trông thấy status có cách mở đầu quen thuộc đầy hứa hẹn "Các mẹ biết gì chưa?", là bản thân lại không nén được tò mò liếc qua nội dung bài viết. Những status kiểu ấy, đi kèm với nội dung nóng hổi, giật gân, thường lên tới hàng trăm, hàng nghìn like và share.


Trong những tin tức nhan nhản trên mạng xã hội kiểu ấy, có tin đúng, có tin sai, có loại tin sai một nửa, loại đúng một nửa, khoan bàn đến mặt tích cực hay tiêu cực, cái nhìn thấy đầu tiên chính là sức lan toả khủng khiếp của những dạng tin lời đồn ấy trên mạng xã hội. 

Một trăm like, kéo theo cấp số nhân người trông thấy, đọc được, một nghìn share, kéo theo cấp số nhân tương tác. Bỗng dưng, với sự tham gia của hàng tỷ người, mạng xã hội trở thành nơi thông tin lưu thông nhanh nhất, ít được kiểm soát nhất, mức độ lan toả nhanh mạnh nhất, nơi bất cứ ai cũng có thể đưa tin, tung tin. 

Con người ta lặn ngụp giữa biển tin tức khổng lồ, nơi người ta tin vào cảm xúc trước khi tin vào lý trí, tin đi nhanh, kết quả tương tác nhanh, hậu quả cũng trên diện rộng, tin sai sự thật, tin có động cơ bôi đen, tiêu cực hoá, đánh lừa dắt mũi đám đông càng khó kiểm soát và khó khắc phục.

Những tin đồn thất thiệt nhiều khi hại người còn hơn súng đạn.

Mạng xã hội đã thế, tin tức từ các diễn đàn, báo giấy, báo mạng, truyền hình.. cũng tồn tại tin tức sai lệch, tin giả, tin rác, tin không kiểm chứng… Có hẳn một thuật ngữ dành cho báo chí tin tức kém chất lượng, chú trọng vào tiêu đề để tăng doanh số, thậm chí đưa tin sai sự thật, phi đạo đức, là "báo chí màu vàng". 

Tin tức sai lệch, tin giả ra đời đương nhiên vì lợi ích. Từ lợi ích đơn giản như tăng số lượng người đọc, tăng lượt truy cập, đến lợi ích về kinh tế, danh tiếng, sự nghiệp… Với tin giả, người ta có thể nâng cao vị thế ảo, hoặc hạ bệ kẻ khác để giành lấy lợi thế. Trong cuộc đua tham sân si, tiền tài danh vọng, tin giả trở thành công cụ nguy hiểm và sắc bén khó lường. 

Một người nổi tiếng bị bôi đen bằng tin tức, ảnh hưởng ra sao tới sự nghiệp? Cho dù cố công thanh minh, lượng tin tức bôi đen cũ vẫn tồn tại trên mạng, có thể tìm thấy chỉ bằng một cú nhấp chuột, và để lại ấn tượng tiêu cực trong bao nhiêu người đã đọc tin giả? Một công ty bị bôi đen, ảnh hưởng đến đâu về tài chính, doanh số, hợp đồng? Bôi đen, hắc hoá đối tượng bằng tin tức là con đường nhanh nhất gây ra khủng hoảng, không khác gì thẳng tay đổ một vết dầu loang mà kẻ bị hại cố công cũng chỉ hớt sạch được phần váng.

Nhà văn An Hạ anhavn85@gmail.com.

Quan sát cơ chế loang của tin giả, lời đồn mới biết con người ta hoá ra thích tin giật gân tới thế nào. Suy cho cùng, con người là giống loài sống theo cộng đồng. Nhu cầu giao tiếp, nhu cầu hoà nhập với cộng đồng, được là một phần của đám đông, được thuộc về là một nhu cầu cơ bản, ăn sâu vào bản năng của con người. 

Nên việc không bỏ lỡ thông tin là một dạng nỗi sợ trong ám ảnh cần được hoà nhập. Vì thế mà tin đồn luôn có đất sống ở bất cứ thời đại nào, bất cứ lĩnh vực nào. Người ta thích được là người biết đến tin mới đầu tiên, không bị tụt hậu, thích bàn tán, tham gia vào cuộc đời của kẻ khác, nhất là những kẻ có tiếng tăm mà ai cũng biết, thích bàn tán tham gia chuyện chung, để thông qua đó được hoà nhập, được khẳng định mình. 

Cậu bé chăn cừu nhiều lần hô to sói đến, đánh lừa dân làng trong câu chuyện nổi tiếng, cũng chỉ vì muốn được chú ý, thừa nhận, được hoà nhập. Hay công việc của các anh mõ làng thuở trước cũng chính là nhằm thoả mãn nhu cầu được biết tin của cộng đồng. 

Cũng vì thế, mà người ta thích tung tin đồn, được tham gia vào cái guồng tin tức cuồn cuộn của con người hàng ngày, hàng giờ, thích được trở nên quan trọng tạm thời và cũng thích đọc tin đồn, tin giả. Loại tin đánh trực tiếp vào cảm xúc và chỉ cần thoả mãn cảm xúc. 

Đa phần tin giả, loại bôi đen, đều chạm tới được một dạng tâm lý kỳ lạ của con người, đấy là sự tò mò, thích những gì sốc, độc, lạ, sự sung sướng đầy ẩn ức trước một chân dung xấu xa của những đối tượng được coi là thành công trong xã hội, sự đói khát tự khẳng định giá trị bản thân thông qua thông tin thất bại của kẻ khác, sự thích thú vì run rẩy sợ hãi trước những hiểm nguy như dịch bệnh, thiên tai, tai nạn, chết chóc. Tin loang vì nỗi sợ, tin loang vì sự thích thú, tin loang vì nhu cầu.

Nếu không tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội sẽ rất dễ được “xơi” bẫy tin giả.

Dù không ít lần người ta mang nhau ra toà vì tội bôi nhọ, tung tin đồn, xúc phạm danh dự, phá hoại uy tín.. kẻ thua phải bồi thường khoản tiền lớn, xin lỗi công khai, chịu án phạt. Không ít lần kẻ tung tin giả, tin đồn trên mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình. Nhưng việc kiểm soát tin đồn, tin giả vẫn là bài toán khó. 

Tin được đưa lại nhiều lần càng khiến người ta vô thức cảm tính tin là thật. Tin giả, tin đồn từ truyền miệng, rồi tồn tại dưới dạng chữ viết, báo chí, rồi radio, truyền hình và ngày nay là internet càng trở nên nguy hiểm vì tốc độ lây lan. Không chỉ công kích cá nhân, tổ chức kinh tế, tin giả, tin đồn còn tác động đến cả chính trị, gây nhiều bất ổn và nguy cơ. 

Việc kiểm soát tin đồn, tin giả ngày nay là một vấn đề lớn khi internet đã trao quyền cho tất cả mọi người mà không có giới hạn kiểm soát. Đến cả Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh sở hữu hàng tỷ người dùng, hiện đang lâm vào cảnh bị tẩy chay trên diện rộng bởi 100 nhãn hàng lớn. Cổ phiếu giảm giá khiến Facebook mất trắng vài chục tỷ đô la. 

Nguyên nhân của cuộc tẩy chay lớn này bắt nguồn từ việc người ta cho rằng Facebook không kiểm soát hiệu quả các phát ngôn và thông tin sai lệch. Mạng xã hội lớn nhất còn chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nguồn tin, thì hàng ngày, chúng ta còn phải đối mặt với lượng tin khó kiểm chứng. 

Để không tự biến mình thành công cụ tiếp tay cho việc bôi đen có kế hoạch, vô tình trở thành một bàn tay ném đá trong một cuộc ném đá tập thể, không biến mình thành kẻ ngớ ngẩn bị dẫn dắt với cảm xúc thiếu lý trí, việc chọn lọc nguồn tin để đọc, dùng cái đầu để tư duy và phản biện khi tiếp nhận tin tức là vô cùng quan trọng.

Nhà văn An Hạ
.
.
.