Tình cảm xã hội thời hiện đại qua câu chuyện “bé trai 2 tuổi bị bỏ rơi trên taxi giữa đêm”

Thứ Hai, 19/01/2015, 07:00
Hình ảnh bé trai 2 tuổi kháu khỉnh bị bỏ rơi trên taxi ở TP Hồ Chí Minh đang được xã hội vô cùng quan tâm. Đặc biệt, có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đang mong muốn được nhận bé về làm con nuôi. Câu chuyện ngày càng trở nên phức tạp khi bất ngờ người thân của cháu bé xuất hiện và đưa ra bằng chứng xác thực, nhưng Ủy ban nhân dân phường 1, quận 8 lại đưa bé vào trung tâm bảo trợ xã hội vì những gì đã cung cấp không có tính pháp lí.

Sớm xác thực nhân thân, đưa bé về với gia đình

Vụ việc bé trai 2 tuổi bị bỏ rơi trên xe taxi ở Sài Gòn, được người lái xe taxi tên Thuận đưa về Ủy ban nhân dân phường 1, quận 8 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo anh Thuận, người phụ nữ đi trên taxi khoảng 30 tuổi, nước da ngăm, hơi gầy, nói giọng miền Nam.

Đến ngày 3/12, có hai người tự nhận là thân nhân của bé, gồm một người đàn ông trung niên khoảng ngoài 50 tuổi tên Liêm (ở quận Gò Vấp), xưng là ông dượng của bé và một cụ bà (khoảng hơn 80 tuổi, mẹ ông Liêm), xưng là bà cố của bé. Hai người này cho biết, bé trai được khoảng 20 tháng tuổi, ông Liêm đặt tên cho bé là Đinh Gia Huy và ở nhà có tên là Bo. Ông cho biết, Bo sinh ngày 30/5/2013 tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh).

Ông Liêm vui mừng khi gặp lại cháu.

Theo lời ông Liêm kể, cháu Bo là con của đứa cháu gái bên vợ ông Liêm tên là Vân (22 tuổi, ngụ quận 4). Dù tuổi còn nhỏ nhưng Vân đã có 4 người con, Bo là đứa kế út, dưới Bo còn một bé mới sinh được vài tháng tuổi. Lúc Vân sinh con ở bệnh viện, ông Liêm đã đến nhận nuôi dưỡng Bo từ khi đó. Thời gian đầu, Vân thường gửi tiền để mua sữa cho Bo, nhưng khoảng 3 tháng trở lại đây không thấy Vân chuyển tiền nữa. Khoảng nửa tháng trước, ông Liêm phải phẫu thuật mắt nên gửi Bo cho bà nội ở Vũng Tàu, dự định khi ra viện sẽ đón Bo về chăm sóc. Ngày 15/11, khi còn ở viện điều trị, ông Liêm gọi điện hỏi thăm Bo thì được bà nội của Bo cho biết đã gửi cháu về cho mẹ nó (tức là Vân), vì bà nội còn phải đi làm.

Ông Liêm có cung cấp cho chính quyền một số hình ảnh của Bo khi còn nhỏ, giấy khám bệnh và quần áo đồ chơi của cháu trai bị bỏ rơi. Tuy nhiên, theo quy định, những thứ mà ông cung cấp không có giá trị pháp lí. Ông Liêm cũng cho biết, vì Vân không có chứng minh nhân dân nên khi sinh xong không làm giấy chứng sinh cho Bo được.

Ngày 4/12, bà Oanh, chủ khu nhà trọ của mẹ con bé Bo tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bé, cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, người phụ nữ tên Yến (Cà Mau) đến thuê trọ, 2 ngày sau đưa bé Bo lên và nói đó là con trai mình. Tuy nhiên, đến ngày 2/12 thì Yến trả phòng và nói đã gửi con về quê.

Nụ cười hồn nhiên của cậu bé.

Ông Đoàn Minh Phát (57 tuổi), Tổ trưởng tổ dân phố nơi ông Liêm ở cho hay: “Mấy ngày nay tôi liên tục theo dõi thông tin về cháu bé trên báo đài. Tôi chắc chắn rằng cháu bé bị bỏ rơi trên taxi là cháu của ông Liêm, được ông ấy nuôi dưỡng gần 2 năm nay”, mọi người xung quanh khu vực sẵn sàng đứng lên làm chứng.

Từ những tình tiết liên quan, UBND phường 1 nên xác minh thật chính xác trước khi đưa ra quyết định đưa bé vào trung tâm bảo trợ xã hội. Gia đình vẫn là nơi chăm sóc tốt nhất, nơi chứa chan tình yêu thương mà mỗi đứa trẻ luôn cần để phát triển. Việc đưa bé vào trung tâm bảo trợ xã hội sẽ không phải là giải pháp hữu hiệu nếu như người thân của cháu bé vẫn đang tồn tại và luôn mong mỏi được đón nhận cháu bé.

Tình thương nơi những người hiếm muộn, tại sao không?

Trong khi yêu cầu xã hội hóa mọi nguồn lực, biết bao cặp đôi hiếm muộn đang mòn mỏi mong có một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Chỉ riêng đến ngày 2/12, đã có 13 trường hợp xin bé trai này về làm con nuôi, nhưng tất cả đều bị chính quyền Ủy ban nhân dân phường 1, quận 8 từ chối. Vậy tại sao chính quyền lại không cho họ cơ hội được làm cha, làm mẹ? Đó là điều mà rất nhiều người đang băn khoăn. Có thể cho cháu bé một mái nhà ấm êm, với sự đùm bọc của những người giàu tình yêu thương sẽ tốt hơn việc đưa bé vào trung tâm bảo trợ xã hội. Vì nơi đó có quá nhiều trẻ mồ côi, việc chăm sóc sẽ không thể trọn vẹn, việc phát triển của bé sẽ bị hạn chế đi rất nhiều. Đồng nghĩa với việc trung tâm bảo trợ xã hội sẽ phải tăng thêm một nguồn phí để dành cho bé, mà vẫn chỉ có thể bù đắp được một phần nào những thiếu thốn về mặt vật chất, còn về mặt tinh thần vẫn còn là bài toán khó.

Vấn đề này cũng đưa đến nhiều trăn trở, tại sao những cặp đôi hiếm muộn lại không đến tận trung tâm bảo trợ để xin các bé mồ côi về nuôi dưỡng, mà lại mong muốn nhận bé Bo? Liệu có phải vì bé Bo kháu khỉnh, lại đang được toàn xã hội quan tâm nên họ muốn nuôi dưỡng cháu để được nổi tiếng? Bởi đã có khá nhiều người lợi dụng hoàn cảnh éo le của người khác để kiếm chác, làm những điều trái pháp luật . Nhưng dù là lí do gì đi chăng nữa thì việc bé được chăm sóc trong một gia đình khá giả vẫn tốt hơn việc đưa bé đến trung tâm bảo trợ xă hội. Bên cạnh đó, những cặp đôi hiếm muộn cũng nên đón nhận những em bé khác ở trung tâm về nuôi dưỡng để các em có thể được phát triển tốt hơn. Nhiều em nhỏ cũng đang khao khát được đón nhận tình yêu thương từ phía cộng đồng, từ những người cha người mẹ thực sự, dù không mang nặng đẻ đau, nhưng trọn lòng muốn chăm sóc nuôi dạy bé nên người.

Một số ảnh và quần áo của đứa bé bị bỏ rơi.

Hơn ai hết, những đứa trẻ luôn mong muốn được sinh ra và lớn lên bên cạnh cha mẹ, cuộc sống của bé Bo sẽ ra sao khi bé lớn lên mà phải chịu những lời đồn đại là đứa không có cha mẹ. Mái ấm gia đình hơn đâu hết vẫn luôn là “chốn mơ” của biết bao những đứa trẻ mồ côi. Việc không đưa bé vào trung tâm bảo trợ xã hội vừa có thể bớt đi một gánh nặng cho xã hội, vừa có thể giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn có cuộc sống hạnh phúc hơn, không những vậy còn giúp đứa trẻ có thể được phát triển toàn diện hơn.

Sinh con ra mà không thể nuôi dưỡng được con đó là lỗi của những người làm cha, làm mẹ. Bé Bo vốn không có giấy chứng sinh, hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào khác nhưng luôn được đón nhận bởi tình yêu thương của ông bà, của mọi người trong xã hội, đó quả là một điều vô cùng tốt đẹp của cuộc sống. Bởi xã hội vẫn còn có rất nhiều người sống biết sẻ chia và quan tâm đến cộng đồng, chứ không phải ai cũng sống thờ ơ, vô trách nhiệm như một vài người đã quy chụp.

Mở rộng yêu thương, chắp cánh tương lai

Thống kê cho thấy, tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đang rất đáng báo động. Việt Nam hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới về tình trạng nạo phá thai. Bên cạnh đó là rất nhiều gia đình không có điều kiện nhưng lại sinh quá nhiều con. Đây chính là lí do khiến nhiều đứa trẻ không được phát triển toàn diện; trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ ngày càng nhiều. Từ đó, gia tăng tỉ lệ tội phạm và những người mắc bệnh xã hội. Trung tâm bảo trợ xã hội đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em mồ côi, nhưng con số những trẻ nhỏ được trung tâm hỗ trợ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều cặp đôi hiếm muộn đang mong muốn tìm kiếm con nuôi nhưng họ chưa thực sự yên tâm và tìm được những nơi nhận các bé đúng quy trình, thủ tục.

Chính vì vậy, còn rất nhiều em bé ở các trung tâm bảo trợ xã hội chưa có cơ hội được nuôi dưỡng trong môi trường tốt hơn. Hi vọng, những tấm lòng nhân ái sẽ nâng đỡ những đứa trẻ tại các trung tâm bảo trợ xã hội, đưa các bé hòa nhập với cuộc sống và lan tỏa tình yêu thương để xoa dịu những vết thương lòng mà các em phải gánh chịu, bù đắp phần nào những thiếu thốn về tình cảm.

Thay vì rất nhiều cặp vợ chồng mong nhận bé Bo thì họ hãy đến các trung tâm để giúp đỡ những em nhỏ khác, các em cũng cần hơn bao giờ hết những trái tim yêu thương và sẵn sàng sẻ chia.

Nhật Hạ
.
.
.