Quá dễ dàng để mua chứng chỉ hành nghề spa:

Tính mạng của khách hàng bị đe dọa

Thứ Năm, 09/11/2017, 17:19
Đánh vào nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ, gần đây các trung tâm làm đẹp mọc lên như nấm sau mưa. Bên cạnh những trung tâm uy tín thì không ít những cơ sở khiến chị em ra về phải “ôm hận”.


Không phải theo học bất kỳ một khóa đào tạo nào, chỉ cần lên mạng tìm, bỏ ra 1 đến 3 triệu đồng người ta đã sở hữu một tấm chứng chỉ “xịn” về spa.
Đây có lẽ là nguyên nhân vì sao nhiều cơ sở spa mọc lên như vậy. Có bao nhiêu cơ sở spa đang sử dụng bằng cấp đi mua, có lẽ khó có cơ quan chức năng nào kiểm tra được. Tuy nhiên, một điều mà ai cũng có thể khẳng định được là tính mạng của khách hàng đang bị ảnh hưởng và đe dọa bởi những người không có tay nghề.

Mua quá dễ dàng

Đánh vào nhu cầu làm đẹp của chị em  phụ nữ, gần đây các trung tâm làm đẹp mọc lên như nấm sau mưa. Bên cạnh những trung tâm uy tín thì không ít những cơ sở khiến chị em ra về phải “ôm hận”. 

Ngoài nguyên nhân mỹ phẩm không đảm bảo thì tay nghề không có là lý do chính. Nhiều người cho rằng, chỉ cần một cửa hàng nhỏ nhỏ, vài ba loại máy móc là có thể mở một tiệm spa, chứng chỉ hành nghề chỉ là vấn đề quá nhỏ. Đúng như vậy, việc mua chứng chỉ nghề đơn giản như mua một mớ rau ngoài chợ, chỉ cần một cái click chuột là có. 

Gần đây nhiều trang Facebook còn tung rất nhiều dòng trạng thái đồn thổi sẽ có đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra hàng loạt những cơ sở spa. Sau đó, họ không quên dẫn thêm đường link cung cấp nhanh các chứng chỉ spa với giá hết sức rẻ mạt từ 1 đến 2 triệu đồng. 

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên để thực hiện được những ca phẫu thuật có chảy máu hay có sự xâm lấn, bác sỹ cần phải được đào tạo chuyên nghiệp 6 năm công tác với ít nhất 3 năm thẩm mỹ mới được cầm dao kéo. Còn làm xăm môi, lông mày cũng cần được đào tạo nghề ít nhất 3 tháng.

Chị em phụ nữ nên tìm những địa chỉ tin cậy để làm đẹp.

Để xác minh thông tin mua bán dễ dàng chứng chỉ spa, chúng tôi đã thâm nhập vào thế giới này và không khỏi giật mình bởi nó quá dễ dàng. Qua tìm hiểu, hiện trên thị trường có hai loại chứng chỉ, một là loại giả, phôi giả với giá dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Còn chứng chỉ phôi thật, có hồ sơ gốc giá khoảng 3,5 triệu đồng. 

Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa: “mua chứng chỉ spa, học chứng chỉ spa…” có thể ra hàng nghìn kết quả liên quan. Hàng loạt những trung tâm làm đẹp, kiêm luôn đào tạo và cấp chứng chỉ. 

Trên một trang fanpage có tên “đào tạo sapa- Hà Nội” chúng tôi “bắt sóng” được một người có tên tài khoản “Khanh Lien”. Với cách nói chuyện khá cởi mở, người này cho biết để tốt nghiệp một khóa đào tạo phun xăm hay chăm sóc da mất khoảng 3 tháng, phí đào tạo trên 2 triệu đồng. Viện lý do đã có tay nghề làm phun xăm, chăm sóc da vì đã từng nhiều năm làm nghề, việc học là không cần thiết, người này cười nói vui vẻ, vậy thì cứ ở nhà mà cày tiền không nhất thiết phải theo học mất thời gian, cơ chế cấp chứng chỉ đơn giản hơn nhiều. 

Chúng tôi tỏ ra chưa hiểu, người này giải thích thêm: “Mình có tay nghề rồi thì cần gì đi học nữa, chỉ cần gửi ảnh cho bên em, em sẽ lo chứng chỉ cho. Giá cũng rất mềm mại, chỉ 3,5 triệu đồng/ chứng chỉ”. 

Để tăng niềm tin với chúng tôi, người này nói thêm: “Mình là giảng viên của trường Trung cấp nghề Hà Nội, việc này mình làm là quá đơn giản. Làm bên mình là thật 100%, chứng chỉ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp, chính vì thế bạn phải chờ từ 15- 20 ngày để có đợt học, khi đó mình sẽ kèm theo hồ sơ của bạn vào. Nếu không thật thì việc gì phải chờ đợi, cứ lên mạng mua chứng chỉ giả thì quá nhanh, chỉ có hơn 1 triệu. Mình làm nhiều rồi, bạn cứ yên tâm, cơ quan chức năng có kiểm tra thì cũng chỉ đi về thôi”.

Để tìm hiểu thêm thị trường mua bán chứng chỉ giả, chúng tôi tiếp tục liên hệ với số điện thoại 016629xxx. Người này tự giới thiệu tên Minh, tỏ ra không hề nghi ngờ, tiếp chuyện khá niềm nở, nghe đầu dây bên kia báo giá khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Giá cho mỗi chứng chỉ là 1 triệu đồng, nhắn địa chỉ, tên tuổi và gửi 1 ảnh 3x4 sau 1 ngày là có hàng. Hình thức thanh toán cũng khá đơn giản, chuyển 50% trước sau đó nhận hàng thanh toán nốt số tiền còn lại. 

Minh nói với giọng đầy thách thức: “Ông hỏi tôi là chuẩn địa chỉ rồi đó, ngày nào tôi chẳng bán vài ba cái. Riêng hàng này giả mà như thật, lại còn rẻ. Rất nhiều người phản hồi là nhiều lần cơ quan chức năng đến kiểm tra chỉ nhìn qua loa rồi đi. Có thể các ông không phát hiện ra chứng chỉ thật giả, hoặc chỉ kiểm tra lấy lệ. Cứ an tâm đi, chuyển tiền vào tài khoản hôm sau có người mang hàng đến tận nhà nhé. Nếu như công an bắt phạt thì bắt chúng tôi lâu rồi, hoàn toàn không phải lo lắng điều gì nhé”. 

Khi hai bên đã đồng ý, chúng tôi muốn nhận hàng sau đó mới thanh toán tiền, Minh tỏ ra nghi ngờ và tắt máy.

Xăm môi không đúng địa chỉ tin cậy và có tay nghề, khách hàng sẽ chịu những hậu quả không hề nhỏ.

Ai cũng có thể hành nghề

Việc phun xăm môi, lông mày, tắm trắng đang trở thành xu hướng làm đẹp của rất nhiều chị em phụ nữ. Chỉ với 800.000 đồng -2.000.000 đồng/lần xăm môi tùy thuộc vào nhu cầu phun xăm. Tại khu vực nội thành, thậm chí cả ngoại thành, các vùng quê nghèo, từ trung tâm thẩm mỹ cho đến cơ sở làm đẹp bình dân, tại nhà dịch vụ này phát triển chóng mặt. 

Chị Minh Phương (Thanh Oai, Hà Nội), chủ một cơ sở làm đẹp cho hay, trước đây chị chỉ là thợ cắt tóc, gội đầu nhưng nhận thấy nhu cầu xăm môi, xăm lông mày ngày càng lớn nên chị chuyển luôn sang kinh doanh lĩnh vực này. 

Theo tiết lộ của chị Phương, từ khi mở dịch vụ này thu hút được rất nhiều khách. Tuy nhiên đây là việc kinh doanh tại nhà nên có thể né được cơ quan chức năng. “Hiện tại, dịch vụ này rất phát triển bởi đời sống người dân ngày một lên cao, đồng thời kéo theo nhu cầu làm đẹp. Ở khu vực ngoại thành, cơ sở nhỏ thế này là phù hợp với thu nhập của người dân. Nếu ra trung tâm thành phố lớn để làm ở các trung tâm làm đẹp thì nhiều người không đủ kinh phí” – chị Phương chia sẻ. 

Hỏi về chứng chỉ nghề, chị Phương thẳng thắn rằng: “Các chủ cửa hàng làm đẹp nhỏ đều tự học của nhau, làm nhiều lần là quen. Thực ra hầu hết không ai được học qua trường lớp hay một khóa đào tạo nào cả. Nếu cần thì mua cái chứng chỉ quá đơn giản, bỏ ra vài triệu là có ngay ấy mà”.

Anh Nguyễn Công M. (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), một người được mệnh danh là “tay quay”, bởi anh chuyển nghề rất nhanh chóng. Khoảng hơn 1 năm nay M khá hài lòng với công việc chủ một tiệm spa của mình.  

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla cho biết: Theo quy định tại khoản 1 điều 267 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009, “người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm”. Như vậy, tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức không chỉ nhằm trừng phạt, răn đe những người làm giả cung cấp con dấu, tài liệu giấy tờ mà xử lý hình sự cả những người sử dụng con dấu, tài liệu giấy tờ làm giả để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đáng tiếc quy định của pháp luật khá rõ ràng như vậy nhưng tôi lại thấy nhiều vụ việc mới chỉ đưa những người trực tiếp cung cấp làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ giả ra xử lý hình sự mà chưa xử lý hình sự những người sử dụng bằng giả.

Theo tôi, những người sử dụng mới là người chủ động yêu cầu, người biết được lợi ích của bản thân, thiệt hại cho xã hội trong việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó. Nếu chỉ xử lý nghiêm những người cung cấp, làm giả mà không xử lý những người sử dụng thì vô hình trung mới chỉ giải quyết phần ngọn mà không đánh vào phần cầu- phần gốc của vấn đề. Đây là phần thúc đẩy xuất hiện nguồn cung cho việc phạm tội, có cầu ắt sẽ có cung.

Phong Anh
.
.
.