Tình người Việt trên xứ sở Triệu Voi

Thứ Năm, 28/03/2013, 23:49

Được mệnh danh là “vùng đất vàng”, số lượng người Việt sang Lào lập nghiệp ngày càng nhiều. Hành trình từ Đà Nẵng đến Viêng Chăn, tôi chưa bao giờ có cảm giác mình đã “vượt biên”. Bởi người Việt, hồn Việt phảng phất ở khắp mọi nơi trên đất nước Triệu Voi. Ấm áp, chân tình là tất cả những gì đọng lại trong tôi về những ngày lang thang nơi xứ người…

Hồn quê hương thấm đượm

4h chiều, cửa khẩu Lao Bảo (Đông Hà, Quảng Trị) còn vương chút nắng cuối ngày. Xe vừa dừng, dường như đã quen với sự ồn ã và đông đúc nơi đây, tất cả hành khách đều nhanh chân chạy vội đến quầy thủ tục thông quan xếp hàng. Cái nắng, cái bức cùng hành trình vượt biên đã khiến những gương mặt nhuốm màu mệt mỏi. Thế nhưng, tình người, tình quê vẫn bàng bạc đâu đó giữa không gian núi rừng dịu vợi.

Bốn hàng thẳng dài dằng dặc xôn xao những câu chào, hỏi thăm nhau. Chốc chốc, giữa rừng người lại vang lên tiếng í ới gọi nhau nhường đường cho những người phụ nữ có con nhỏ. Phía bên ngoài, lớp lớp xe nối đuôi nhau chờ làm thủ tục thông quan hàng hóa. Chiều biên giới nhộn nhịp như một phiên chợ Tết…

Tôi còn nhớ cách đây 17 năm, những chuyến xe từ Đà Nẵng đến Viêng Chăn, Thủ đô Lào, phải mất đến 3 ngày trên những con đường gập ghềnh đầy nguy hiểm. Người và hàng chất chồng lên nhau trong những khoảng trống ít ỏi với mong muốn đổi đời nơi xứ người. Bây giờ, việc đi lại giữa Lào và Việt Nam đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Tại Đà Nẵng, có rất nhiều hãng xe khách sang Viêng Chăn uy tín hiện nay như: Vân Quy, Nguyễn Phước, Vũ Tuyết, Thủy Quế… Chỉ với 400.000 đồng, trong 18 giờ, những người Việt đã có thể bước đầu chạm đến ước mơ làm giàu tại thủ phủ đất nước Triệu Voi. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách, đa số các xe đều đã chuyển sang hình thức giường nằm.

Ông Nguyễn Văn Quy (đồng chủ xe hãng Vân Quy) nhận xét: “Trước đây, để sang Lào, mọi việc rất khó khăn, cơ cực, từ đường đi cho đến việc thông quan để nhập cảnh. Bây giờ, con đường sang Lào đã dễ dàng hơn rất nhiều nên bà con sang đó ngày càng đông. Hồi xưa, mỗi hãng xe chỉ chạy 1 chuyến/tuần. Hiện tại, xe khách sang Lào trở đầu xe ngay trong ngày. Sau khi mua phiên, mỗi hãng đều chạy 4 - 5 chuyến mỗi tuần”.

Lào đã trở thành mảnh đất “lành” của người Việt. Đất lành thì chim đậu. Thế nên, việc người Việt đổ xô sang Lào kiếm sống cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt, số lượng người Việt sinh sống theo hình thức đại gia đình đang ngày càng chiếm ưu thế.

Ông Nguyễn Văn Quang (quê Đà Nẵng) cho biết, hiện nay gia đình ông đang có 8 người sinh sống tại hai thành phố lớn của Lào là Viêng Chăn và Luôngprabang. Đầu tiên, chỉ có người chị ruột của ông sang Lào làm ăn buôn bán. Sau 18 năm gầy dựng được chút ít sự nghiệp nơi đất khách, người chị của ông mới gọi các em sang và chỉ dẫn cách làm ăn. Hiện tại, mỗi người đều đã tách riêng và làm ăn độc lập.

Mặc dù đã nhiều khác biệt so với trước đây, thế nhưng, duy có một điều không thay đổi ở quá khứ lẫn hiện tại, đó là đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp người Việt trên đất nước Triệu Voi. Ông Hoàng Văn Diểu, Chủ tịch Tổng hội Việt Nam tại Lào cho biết, hiện nay có hơn 30.000 Việt kiều cũ (có nhiều thế hệ đang sinh sống tại Lào) và khoảng 70.000 Việt kiều mới sang làm ăn rải đều trên 11 tỉnh, thành. Người Việt là một trong những cộng đồng ngoại kiều đông nhất nước Lào, trong đó, sinh sống nhiều nhất ở Nam Lào.

Hội người Việt Nam ở Thủ đô Viêng Chăn.

Chia sẻ với phóng viên, ông nhận định: “Nhìn chung, cuộc sống của bà con hiện nay tương đối ổn định, đỡ khó khăn hơn trước. Bà con người Việt và bản xứ chung sống với nhau rất hòa đồng và yêu thương. Tổng hội cùng các Tỉnh hội cũng đã tổ chức nhiều chương trình để cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần cho bà con như: xây dựng nhà tình nghĩa, tư vấn các thủ tục pháp lý, lo ma chay, tổ chức các đêm văn nghệ, kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ…”

Ông Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ tịch Tỉnh hội người Việt Nam tại  Viêng Chăn, chia sẻ: “Người Việt đang sinh sống tại Lào thành công trên rất nhiều lĩnh vực như: xây dựng, thương mại, xuất nhập khẩu, may mặc, chế biến gỗ, dịch vụ (khách sạn, nhà nghỉ), lâm nghiêp… Đặc biệt, đông đảo nhất phải kể đến đội ngũ tiểu thương. Bên cạnh đó, cũng có không ít người Việt đang phải lang thang mưu sinh bằng rất nhiều nghề như phụ hồ, bán dạo, thợ làm tóc, làm thuê…”.

Ở Thủ đô Viêng Chăn, tiểu thương người Việt có mặt ở tất cả những ngôi chợ nổi tiếng như chợ Sáng, chợ Đông Ba Lan, chợ Tôn Hàng Khăm…, nhưng đông nhất vẫn là chợ Cu Đin (hay còn gọi là Khủa Đin). Sản phẩm kinh doanh đa dạng từ quần áo, trái cây, hàng gia dụng đến linh kiện điện tử, phụ tùng xe... Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với thương nhân Thái Lan, Trung Quốc.

Do đó, đến Lào, người Việt không lo lạc đường, cũng không sợ không biết tiếng. Cảm giác ở “thành phố trăng” Viêng Chăn bình yên như đang sống trong lòng quê hương xứ Việt thân thương. Nhớ nhà, chỉ cần đến ban Naxay. Tập trung số lượng người Việt nhiều nhất, ban Naxay dường như chất chứa hồn Việt khắp mọi miền đất nước. Tại đây, có đủ các món ăn từ Bắc đến Nam như bún chả Hà Nội, phở, bún bò Huế, mỳ Quảng, cơm Việt…

Trên con đường 2km nhan nhản những biển hiệu tiếng Việt, từ quán ăn, quán cà phê, nhà hàng cho đến salon bàn ghế, siêu thị, tiệm cắt tóc… Thế nhưng, nức lòng nhất vẫn là phở, ẩm thực truyền thống của quê nhà, với những thương hiệu nổi tiếng như  phở Ngon, phở Dung… Không chỉ phục vụ khẩu vị “nhớ quê” của người Việt, phở đã dần trở thành món ăn quen thuộc, không thể thiếu với cả người dân bản xứ.

Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như Sacombank, BIDV, Viettinbank, Mai Linh, PV Oil, Petrolimex… đang mở rộng thị trường tại Lào, người Việt còn tự khẳng định mình bằng những thương hiệu mới như VKK, Saikhong, Đào Hương…

Làm giàu từ đôi bàn tay trắng

Tha phương, lăn lộn mưu sinh bằng vô số nghề, từ đôi bàn tay trắng, rất nhiều người Việt Nam đã xây dựng được “thương hiệu” của mình tại Thủ đô Viêng Chăn nói riêng và nước Lào nói chung. Giấc mộng làm giàu của nhiều người Việt đã thăng hoa trên nước bạn.

Ông Hoàng Văn Diểu (56 tuổi) sinh ra ở Thái Lan từ mối tình Thái - Việt. Năm 3 tuổi, ông không may thất lạc cha nên cùng mẹ là bà Cù Thị Sáu theo ông bà ngoại, nguyên Việt kiều hoạt động cách mạng, trở về quê nhà Nam Định theo chủ trương hồi hương của Chính phủ Việt Nam bấy giờ. Một thời gian sau, nén nỗi đau mất mẹ, ông chính thức bước vào con đường tự lập nuôi thân. Thế nhưng, trong những ngày tháng sống ở quê nhà, ông vẫn không bao giờ nguôi ngoai về giấc mơ đoàn tụ gia đình với cha. Năm 1988, chàng thanh niên trẻ từ biệt vợ con sang Lào, bắt đầu chuỗi ngày tìm kiếm cha.

Không người thân, Thoong (tên tiếng Thái ông tự đặt) lăn lộn nơi đất khách bằng đủ thứ nghề làm thuê. Nhờ cần cù, chăm chỉ, không lâu sau, ông đã tích lũy được một số vốn để mở tiệm cắt tóc, nghề tay trái lúc công tác Đoàn ở Nhà máy Dệt Nam Định, tại góc nhỏ chợ Sáng -  Viêng Chăn. Với tay nghề khéo léo, “thương hiệu” Thoong cắt tóc ngày càng nổi tiếng. Tiếng lành đồn xa, Thoong còn được mời đến cắt tóc cho các vị lãnh đạo cấp cao bấy giờ của Chính phủ Lào.

Bốn năm làm thợ cắt tóc, có trong tay một số tiền, Thoong chuyển sang làm nghề môi giới bất động sản. Năm 1992, ông đưa vợ con từ quê sang rồi mua 250ha đất rừng thuộc huyện Phôn Hông, tỉnh Viêng Chăn để trồng rừng. Từ đây, ông chính thức đổi nghề và gắn bó lâu dài với rừng. Hành trình trở thành “vua rừng” của ông bắt đầu từ những giọt mồ hôi khai hoang cật lực từ tinh mơ đến tối mịt. Từ năm người ban đầu, Thoong mở rộng thêm 65 nhân công Việt và hàng trăm dân bản xứ trồng nhãn lồng và vải thiều.

Năm 2001, Thoong tình cờ gặp một chuyên gia người Myanmar đi nhân giống cây trầm hương hướng dẫn tỉ mỉ kinh nghiệm trồng “loài cây lạ”. Tò mò lẫn can đảm, Thoong quyết định đi vay tiền mua giống và trồng thử 20.000 cây trầm với giá 4 USD/cây. Công ty Phát triển nông lâm - Công trình trồng trầm hương ra đời tại huyện Phôn Hông, tỉnh  Viêng Chăn. Một năm sau, rừng trầm hương của Thoong gây tiếng vang với lợi ích xã hội và môi trường. Nhà nước Lào quyết định đầu tư cho Thoong để mở rộng mô hình trồng rừng.

Hiện nay, ông vua trầm hương đang có trong tay 13 nhà nghỉ nằm giữa 2.000ha rừng trầm hương. Không những thế, Thoong còn là người xóa nghèo cho dân bản Noọng Bủa, “biến” họ từ lâm tặc phá rừng thành người trồng rừng. Ông đã được Chính phủ Lào trao tặng nhiều Bằng khen, Huân huy chương.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Chín (42 tuổi, quê Đà Nẵng) lại tìm kiếm cơ hội đổi đời bởi chính nghề của mình tại Việt Nam. Sang Lào khi 21 tuổi, sau nhiều năm lăn lộn nơi đất khách với vô số công việc làm thuê, cuối cùng chàng trai xứ Quảng đã may mắn được giới thiệu đi làm công nhân xưởng may mui nệm.

Mười năm gắn bó với nghề, năm 1999, anh lấy vợ nên quyết tâm ra riêng. Mua lại cái máy may cũ đã hư của người chủ, vợ chồng anh bắt đầu những ngày “làm chủ” vất vả. Không vốn liếng, mỗi ngày, Chín rảo quanh khắp các khu phố, nẻo đường chỉ để “săm soi” nhà ai có salon rách nát, ngỏ lời xin gia công. Khách đồng ý, nhận tiền, hai vợ chồng hăm hở đi mua da về làm. Mua được mét da nào làm mét da nấy, tích lũy dần dần. Không đủ sống, tối đến, hai vợ chồng kê bàn nhỏ bán đủ món ăn như: bánh bèo, bánh xèo, ốc hút… Mười năm kiên nhẫn nơi đất khách, thương hiệu salon Phonxay đã được nhiều người biết đến và ưa dùng.

Mang khát vọng “làm lớn”, học hỏi không ngừng, biết dấn thân và chấp nhận thất bại, Nguyễn Xuân Hà (38 tuổi, quê Hưng Yên) đã xây dựng nên thương hiệu Saikhong nổi tiếng trên đất Lào.

Hà là con thứ năm trong gia đình 7 anh chị em. Sau một thời gian hoạt động Cách mạng tại Lào, bố mẹ đem anh cùng các anh chị em khác hồi hương về nước. Chiến tranh qua đi, cùng với sự mở cửa ngoại giao của Lào năm 1992, gia đình anh quyết định trở lại vùng đất vạn tượng, nơi đã gắn bó một quãng đời người. Khi ấy, chàng thanh niên trẻ Xuân Hà mới 17 tuổi.

Sáng, đi làm lao động tự do bằng đủ thứ nghề như thợ hồ, thợ mộc, phụ nề, buôn bán… Tối, cặm cụi mày mò học chữ, học tiếng để tiếp cận xã hội. Nuôi trong mình khát vọng vươn lên, chỉ trong 4 năm, Hà đã có đủ số vốn để mở tiệm bán cá cảnh, một loại hình kinh doanh khá mới mẻ lúc bấy giờ. Chính điều này đã giúp Hà kiếm được số tiền 1.000 USD chỉ trong vòng 2 năm. Từ đây, cái tên Hà “cá” được nhắc đến nhiều trong cộng đồng Việt kiều tại  Viêng Chăn.

Không dừng lại ở “giấc mộng” nhỏ, với số vốn tích lũy được từ việc buôn cá, Hà thành lập Công ty Xuất nhập khẩu Saikhong vào tháng 12/1998. Thế nhưng, non kinh nghiệm, năm 2001, không những mất sạch số vốn ban đầu, Hà còn âm thêm 3.000 USD. Âm thầm giữ trong lòng, Hà trăn trở riêng mình với những đêm mất ngủ triền miên.

May mắn, được sự động viên và khích lệ của một người chú họ, Hà “cá” bắt đầu xây dựng niềm tin lại cho mình, khởi nghiệp lại từ đầu. Vừa học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Lào, vừa học thêm Anh văn, vi tính, đồng thời mày mò trau dồi tri thức từ sách, trong vòng 3 năm, Công ty Saikhong của Hà khởi sắc trở lại và bắt đầu cất cánh. Cơ duyên đưa đẩy, Hà còn bén duyên với nghề kinh doanh bánh kẹo.

Theo Hà, “Chính nghề kinh doanh bánh kẹo mới thật sự là điểm nhấn trong cuộc đời mình”. Với suy nghĩ, “con vịt vừa biết bơi, vừa biết bay nhưng không cái nào giỏi”, Hà gác lại công ty xuất nhập khẩu chuyên về vật liệu xây dựng, trang trí nội thất…, chuyển sang chuyên lĩnh vực kinh doanh thực phẩm.

Tiếng tăm chàng thanh niên trẻ thành đạt lan dần khắp nước Lào, lan đến cả tai một đại diện Công ty Western Union tại Mỹ. Khi nhận được lời đề nghị hợp tác từ Western Union, Hà vô cùng băn khoăn, lo lắng vì không chuyên về lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Thế nhưng, máu “liều” của tuổi trẻ đã khiến Hà gạt bỏ sự rụt rè, dấn thân vào con đường tài chính – ngân hàng.

Hiện nay, thương hiệu Saikhong của chàng Tổng Giám đốc 37 tuổi đã trở nên quen thuộc trên đất nước Lào trong ba lĩnh vực: Saikhong Tài chính, Saikhong Bất động sản, Saikhong Phân phối với 22 trụ sở trên khắp các tỉnh, thành nước Lào.

Bên cạnh số lượng lớn tiểu thương trên đất Lào, một bộ phận không nhỏ là lực lượng lao động làm thuê. Tại cửa khẩu Lao Bảo, có vô vàn những gương mặt trẻ đen sạm đi trong cái vòng quay mưu sinh khốn khó. Hầu hết các em đều trong độ tuổi 14 – 20. Có em bỏ học sớm qua Lào phụ bán hàng, ở mướn; có em loay hoay sinh nhai dọc ngang mọi miền đất nước mới quyết định sang Lào làm phụ hồ, thợ mộc, công nhân… Mỗi em là mỗi hoàn cảnh, nhưng các em đều giống nhau ở khát khao được đổi đời.

Trong những ngày lang thang ở xứ sở chùa Vàng, tôi bắt gặp rất nhiều những thợ “đụng”. Nghĩa là đụng đâu làm đó. Thế nhưng, họ vẫn có công việc chính là phụ hồ. Hết công trình, trong thời gian chờ công trình mới, ai kêu gì thì họ làm nấy, lang thang mọi nẻo ở Viêng Chăn. Nếu như đa phần nam thanh niên chọn các công việc nặng nhọc như phụ hồ, thợ nề, thợ mộc… để kiếm sống thì đa số các em gái chọn nghề phụ giúp việc.

Hầu hết các em đều đến từ những miền quê nghèo như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Nam Định… với hoàn cảnh gia đình vô cùng thương tâm. Bỏ học từ rất sớm, gia đình khó khăn, các em trở thành lao động chính trong gia đình. Những đồng tiền mồ hôi nơi đất khách được dành dụm, chắt chiu để gửi về cho mẹ xây nhà, cho ba chữa bệnh.

Tình người trên đất khách

Trên hành trình từ Đà Nẵng đến Thủ đô  Viêng Chăn, tôi ngạc nhiên khi thấy đoàn xe dừng lại ven đường để hành khách thắp hương. Một am nhỏ nghi ngút khói hương được dựng ở ngay lộ giới quốc lộ với bài vị ba người đàn ông trẻ. Tò mò, tôi tìm hiểu và được biết đó chính là 3 công nhân người Việt không may bị tai nạn qua đời.

Đó chính là Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Văn Giáo. Đất lạ, người đôi khi cũng lạ, nhưng lại hóa thân quen và nồng ấm… Gia đình khó khăn, cả ba đều đang có con nhỏ nên phải để vợ ở nhà chăm sóc, gói ghém nỗi nhớ sang Lào với khát vọng được nhìn con khôn lớn trong sự ấm êm. Thế nhưng, đáng tiếc rằng, giấc mơ của các anh đã vĩnh viễn bị vùi lấp trong một lần tai nạn nghề nghiệp.

Ngày các anh mất, không người thân, không bạn bè. Điều an ủi cuối cuộc đời của các anh chính là tình đồng hương nồng ấm trên đất khách. Những đồng tiền nhỏ được kiều bào gom góp, gom góp để lo áo quan, thuê xe tiễn đưa các anh về quê hương. Ngày nhận linh cữu của các anh, những người vợ ôm con nhỏ trong tay quỵ đi vì đau đớn, vẫn không quên cúi lạy tấm thịnh tình của những con người xa lạ mà đôn hậu.

Cảm thương số phận của những người công nhân trẻ, sợ linh hồn các anh vương vất nơi đất người, bà con Việt kiều chung tay dựng một am nhỏ gần nơi các anh mất, ngay tại quốc lộ. Mỗi chuyến xe đi và về đều bớt chút thời gian trong lộ trình để hương khói, thờ cúng cho các anh. Có lẽ vì thế, giữa hoang sơ, am của các anh vẫn mang một cảm giác ấm áp.

Đó chỉ là một trong số những câu chuyện đưa tang đồng hương trên đất Triệu Voi. Chị Nguyễn Thị Như Nguyệt (quê Đà Nẵng) chia sẻ: “Người Việt qua đây làm ăn nhiều, nhưng cũng lắm nỗi bi ai. Có những cái chết không được báo trước, không người thân, không tiền bạc. Được nỗi, cái tình của dân mình chan chứa. Mỗi lần như vậy, mọi người đều chung tay góp sức để mong yên lòng người đã khuất. Người đi quyên tiền, người lo thủ tục xuất cảnh về nước, người chuẩn bị vật dụng cần thiết…”.

Dường như, đã quen với những tiễn đưa bi thương như thế, lâu dần, dù không có sự phân chia, nhưng mỗi lần có tang sự, người nào người nấy đều thầm lặng với “công việc” của chính mình. Nghĩa tình nơi đất khách phủ lấp mọi nơi có dòng máu Việt đang chảy. Ngôi chùa Phật tích tọa lạc nơi trung tâm Thủ đô Viêng Chăn dường như là nơi vun bồi tình người ấm áp. Không chỉ thường xuyên tổ chức các bữa cơm chay miễn phí cho bà con nghèo, nhà chùa còn tìm đến những mảnh đất khó khăn, những nơi thiên tai để mang đến một chút “lá lành” với tất cả tấm lòng.

Tại thời điểm tôi có mặt tại  Viêng Chăn, nhà chùa đang mở gian hàng ẩm thực chay vào mỗi buổi trưa và buổi chiều đến cuối tháng bảy âm lịch để bà con vào ăn. Trong những bữa ăn ấy, phần nhiều là những công nhân, phụ hồ, phụ mộc… “Em mới qua Lào được 13 ngày, vừa kết thúc công trình nhưng chưa nhận được tiền công. Tiền mang theo thì đã tiêu hết nên nhịn đói hai ngày nay. Sáng nay, trong lúc lang thang kiếm việc thì được mấy anh công nhân dẫn đến đây ăn cơm miễn phí. Mừng lắm, chị ơi!...” – Lâm (quê Hà Tĩnh) chia sẻ.

Cũng trong những ngày lưu lạc tại chùa, tôi tình cờ được chứng kiến cái cao đẹp của tình đồng hương trên đất khách. Hôm ấy, chùa tập trung khá đông bà con kiều bào đến ăn cơm chay và làm công quả. Trưa đứng nắng, không gian trang nghiêm bỗng dưng nhộn nhạo những tiếng hoảng hốt. Chạy vội ra xem, tôi thấy mọi người đang vây quanh một thanh niên Việt Nam với bàn tay đầy máu. Hỏi ra mới biết em là Phan Văn Khuê (24 tuổi, quê Nghệ An), đang làm phụ hồ cho một công trình nhà ở thì bị tôn cứa đứt tay.

Không có nhà thầu ở đó, anh em phụ hồ làm cùng đắp đỡ ít lá thuốc rồi đưa Khuê đến đây. Hoảng hốt, lo lắng như chính người thân của mình bị thương, anh Lê Văn Đức chạy vội lên tủ thuốc nhà chùa lấy đồ sơ cứu đưa cho mọi người. Chừng chưa yên tâm, anh dặn dò kĩ lưỡng rồi lấy xe đến tiệm thuốc tây mua thuốc. Trong lúc đó, bà con kiều bào vừa sơ cứu vết thương vừa thăm hỏi tình hình của em. Một lát sau, 2 ngón tay sưng phồng của Khuê đã được khử trùng tạm thời. Cùng lúc này, anh Đức cũng vừa về tới, đưa túi thuốc rồi hồ hởi khoe: “Nghe phụ hồ người Việt bị nạn, người ta bán không có lấy tiền”.

Trong hành trình khám phá đất và tình xứ chùa Vàng, tôi còn may mắn có được một người “tài xế” dễ thương và vui tính. Đó là chị Nguyễn Thị Tuyết Bê (quê Đà Nẵng), được mệnh danh là “người đỡ đẻ” hay “người cho máu”. Không ngại nắng, ngại mưa, khi tôi cần là chị lại có mặt.

Trưa hôm ấy, chúng tôi đang ngồi ăn cơm sau buổi sáng rong ruổi thì điện thoại chị đổ chuông liên tục. Cuộc điện thoại ấy của một cô gái người Lào bị mắc căn bệnh thiếu máu, đang nhập viện. Chị kể: “Tôi tình cờ quen cô bé ấy trong những lần mua trái cây. Lâu dần, khi đã trở thành khách hàng quen thuộc, tôi phát hiện ra cô bé mắc chứng thiếu máu kinh niên, mỗi tháng phải nhập viện truyền máu một lần. Gia đình đông anh em, lại vô cùng khó khăn nên cô bé phải gắng gượng trong thân thể xanh xao, đến lúc chịu không nổi mới nhập viện. Thương quá, tôi cho cô bé số điện thoại, mỗi lần nhập viện thì gọi, tôi sẽ hỗ trợ tiền máu và viện phí”.

Nói đoạn, chị cười vui vẻ: “Tôi mua máu nhiều quá đến nỗi khi đến ngân hàng máu, các bác sĩ đều cười hỏi “Người cho máu hôm nay cần bao nhiêu”. Bên cạnh đó, chị còn có “duyên” với những bà bầu sinh con giữa chợ. Gần hai mươi năm ở đất Lào, chị từng đỡ đẻ hoặc đưa đi đẻ hơn gần 20 bà bầu.

Cứ thế, tình người nơi xứ Lào anh em như sưởi ấm thêm cho vô vàn hồn Việt khắc khoải thương đất, nhớ quê mỗi khi “con én đưa thoi” đón xuân về

Lam Khiết
.
.
.